Bên cạnh phương thức tuyển sinh truyền thống thì hình thức tuyển sinh trực tuyến đã và đang được nhiều địa bàn chọn lựa.
Các bé lớp lá trường Mầm non Tuổi thơ 7, quận 3, trong một tiết học. Ảnh: Pháp luật TP.HCM. |
Rà soát số lượng học sinh
Có con chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2021-2022, chị Tú Quyên ở quận 12 cho biết vừa hoàn thành phiếu thu thập thông tin trẻ vào lớp 1 do phường thông báo.
“Tôi đã nộp cho khu phố. Khu phố sẽ gửi về UBND phường. Từ đó, phường tổng hợp danh sách báo cáo về Phòng GD&ĐT quận 12. Dựa vào số liệu trên, phòng sẽ phân tuyến học sinh. Tôi hy vọng con sẽ được phân về trường gần nhà để tiện cho ông bà nội đưa đón”, chị Quyên cho biết.
Một cán bộ của Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận cho hay phòng đang triển khai tới các phường thống kê số liệu HS vào lớp 1 năm học tới. Bên cạnh đó các trường tiểu học cũng thống kê số lượng HS lớp 5 ra lớp để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh.
“Quận Phú Nhuận dân nhập cư ít trong khi đa số gia đình khá giả đều cho con học trường quốc tế nên vấn đề trường lớp của quận không nóng như các quận phải chịu áp lực về tốc độ tăng dân số cơ học. Hơn nữa, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 người dân của quận đã được thực hiện”, vị này nói.
Mới đây UBND TP Thủ Đức cũng đã ban hành văn bản về việc chuẩn bị công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học tới.
Theo đó, căn cứ vào danh sách trẻ năm tuổi (sinh năm 2016), sáu tuổi (sinh năm 2015), học sinh đang theo học lớp 5 của các phường điều tra lập danh sách, tham mưu UBND TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch phân tuyến tuyển sinh các lớp đầu cấp. Học sinh lớp lá, lớp 1 và lớp 6 sẽ được phân tuyến theo địa bàn khu phố, tổ dân phố. Mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ em đều được đến trường.
Đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến
Tiếp tục phát huy ưu thế của việc tuyển sinh trực tuyến trong năm học qua, năm học 2021-2022, TP Thủ Đức tiếp tục triển khai hình thức trên. Đối với bậc tiểu học (lớp 1) và THCS (lớp 6) thực hiện xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND TP Thủ Đức quy định và sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến. Riêng bậc mầm non (lớp lá) vẫn thực hiện tuyển sinh trực tiếp.
Dù là một địa bàn luôn nóng về việc gia tăng dân số cơ học nhưng từ năm ngoái quận Gò Vấp đã triển khai tuyển sinh trực tuyến. Năm học này quận tiếp tục đầu tư vào phương thức tuyển sinh trực tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT, chia sẻ năm ngoái, trên cơ sở số liệu các phường cung cấp, phòng GD&ĐT phân tuyến trên phần mềm. Phụ huynh truy cập vào phần mềm tuyển sinh xem kết quả và in hồ sơ làm thủ tục nhập học cho con. Còn năm nay phụ huynh sẽ đăng ký trực tiếp trên phần mềm tuyển sinh. Dựa trên kết quả đó, phòng GD&ĐT sẽ tham mưu UBND quận phân tuyến tuyển sinh. Phụ huynh sẽ xem kết quả trên trang thông tin điện tử hoặc thông qua tin nhắn.
Ông Thủy hy vọng số lượng phụ huynh có thể trực tiếp đăng ký trên phần mềm chiếm 50%. Số còn lại cán bộ phường và nhân viên các trường trên địa bàn sẽ hỗ trợ.
Theo ông Thủy, muốn thực hiện phương thức trên một cách có hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền. Phòng GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường, UBND quận chỉ đạo UBND 16 phường trên địa bàn thông tin cho khu phố, tổ dân phố để phụ huynh nắm và thực hiện. Ngày 30/4 sẽ kết thúc thời hạn đăng ký. Dựa trên số liệu phụ huynh đăng ký và cơ sở vật chất của các trường học, phòng GD&ĐT sẽ đề xuất phân tuyến.
“Phòng GD&ĐT sẽ cố gắng tính toán, ưu tiên cho những lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học này, lớp 1 tỉ lệ học hai buổi/ngày hơn 70%. Năm học tới, phòng vẫn tiếp tục duy trì tỉ lệ trên”, ông Thủy nói.
Đề xuất nhiều thay đổi quan trọng trong tuyển sinh lớp 10
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về dự thảo quyết định ban hành kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm 2021.
Năm học 2021-2022, sở đề xuất mở rộng loại hình trường được đăng ký tuyển thẳng. Đối với HS đoạt giải cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc các HS đoạt giải quốc tế các bộ môn thi tương ứng trong chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phép đăng ký nguyện vọng tuyển thẳng vào tất cả trường THPT (ngoại trừ trường chuyên). Trước đây, những em này không được đăng ký vào các trường THPT có lớp chuyên, các trường tiên tiến hội nhập.
Kỳ thi vào lớp 10 năm nay thay đổi về cách tính hệ số và bài thi tuyển sinh lớp 10 thường nhằm nâng cao vị thế môn ngoại ngữ.
Cụ thể, nếu như trước đây hai môn toán, văn hệ số 2 còn ngoại ngữ hệ số 1 thì năm nay sở điều chỉnh cả ba môn văn, toán và ngoại ngữ đều hệ số 1. Thời gian thi môn ngoại ngữ cũng được tăng từ 60 phút lên 90 phút.
Sở cũng điều chỉnh về đối tượng tuyển sinh lớp 10 chương trình tích hợp, chỉ còn hai đối tượng. Đó là thí sinh có học tích hợp ở cấp THCS và chỉ đăng ký hai nguyện vọng xét vào các trường THPT có dạy tích hợp; thí sinh không học tích hợp và muốn đăng ký xét tuyển vào các trường THPT có dạy tích hợp.
Dự thảo cũng mở rộng đối tượng tham gia tuyển sinh lớp 10 tiếng Đức (ngoại ngữ 1), bỏ quy định HS muốn vào lớp 10 tiếng Đức phải học THCS tiếng Đức (ngoại ngữ 1) tại trường THCS.