Không chỉ phản ánh góc nhìn về tinh hoa nghệ thuật của người Việt, sách Nghệ thuật xứ An Nam (L’art de l’Annam), Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (L’Art à Hué), Bảo tàng Khải Định (Le Musée Khai-Dinh) còn cho biết quan điểm của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20 trong việc bảo tồn, phát huy những di sản quý giá này.
Sách Nghệ thuật xứ An Nam. Nguồn: netabooks. |
Góc nhìn bao quát về nghệ thuật
Nằm trong tủ sách Nghệ thuật xứ thuộc địa do Albert Maybon khởi xướng, sách Nghệ thuật xứ An Nam do Henri Gourdon, Giám đốc đầu tiên của Nha học chính Đông Dương và đồng thời là giảng viên Trường Thuộc địa, thực hiện. Sách được phát hành năm 1933 bởi nhà xuất bản E. de Boccard. Đây là một trong những công trình nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam đương thời với những tính chất và đặc trưng riêng biệt của nó.
Với 127 trang, Nghệ thuật xứ An Nam đã đưa ra cái nhìn bao quát nhất về kỹ thuật, đặc trưng, tính chất của các hình thái nghệ thuật cũng như sự phát triển của nó ở An Nam.
Trong cuốn sách, tác giả lần lượt điểm qua những nền tảng về tự nhiên, xã hội và những hình thái mà qua đó nghệ thuật biểu hiện một cách cụ thể nhất như: kiến trúc, điêu khắc và hội họa, nghề thủ công…
Không chỉ nêu bật được những đặc trưng, thuộc tính của các hình thái này trong việc biểu hiện nghệ thuật An Nam, Henri Gourdon còn đặt nó vào trong mối tương quan với những nền nghệ thuật của các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Champa hay Nhật Bản để từ đó rút ra được những nét riêng đặc sắc cũng như những hạn chế của nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Ngoài ra, trong Nghệ thuật xứ An Nam, tác giả còn nêu những biến đổi và tác động lên những hình thái nghệ thuật và nghề thủ công của xứ sở này khi nền văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập mạnh mẽ.
Sách Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Đi sâu chi tiết nghệ thuật tạo hình
Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (L’Art à Hué) là một ấn phẩm đặc biệt của B.A.V.H (Số 1/1919), sau đó được in lại trở thành một tác phẩm độc lập với 398 trang trong đó có 176 trang viết cùng 222 trang phụ bản được thể hiện sinh động, độc đáo với nhiều hình vẽ và hình ảnh minh họa cả đen lẫn trắng. Cuốn sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919.
Tuy chỉ đề tên hai tác giả L. Cadière và E. Gras nhưng rõ ràng, xuyên suốt nội dung và phụ lục sách đã cho thấy đây là một công trình tập thể, được tổ chức thực hiện và điều hành dưới sự chủ biên của tác giả L. Cadière bởi tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ.
Bố cục của cuốn sách gồm 7 phần, mở đầu bằng một chương tổng quát trình bày về nghệ thuật ở Huế của L. Cadière, những phần còn lại viết về thành phố, nhà cửa, đồ đạc trang trí nội thất Huế của E. Gras. Sau những nhận định tổng quát về nghệ thuật Huế, L. Cadière bắt đầu tiếp cận chi tiết với từng phần cụ thể liên quan đến nghệ thuật tạo hình.
Tiếp đó, tác giả phân tích từng ý nghĩa cụ thể của trang trí trong hệ thống những quan điểm của người Việt về cái đẹp, giá trị tâm linh và ý nghĩa biểu tượng của nó trong đời sống tinh thần người dân thời kỳ ấy.
Không dừng lại ở đó, sách còn giới thiệu quá trình, tư duy của những nghệ nhân, những người trực tiếp tạo nên sản phẩm, đặt nó vào trong hoàn cảnh lịch sử, thời đại và bối cảnh Việt Nam để đưa ra những nhận xét khách quan, khoa học, có hệ thống, khai mở những vấn đề mỹ thuật Huế dưới góc độ một công trình khoa học về nghệ thuật tạo hình.
Sách Bảo tàng Khải Định. Nguồn: Nhã Nam. |
Đặt ra vấn đề bảo tồn
Không đề cập trực tiếp đến tinh hoa nghệ thuật của người An Nam, sách Bảo tàng Khải Định (Le Musée Khai-Dinh) lại đề cập đến mong muốn hồi sinh những mẫu vật hoàn hảo nghệ thuật An Nam của Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué – AAVH). Cùng đó, Hội Những người bạn cố đô Huế cũng mong muốn xây dựng một trường mỹ thuật bản xứ (nơi đào tạo các nghệ nhân) để thực hiện công việc nói trên.
Theo tác phẩm, AAVH ngay từ buổi đầu thành lập (1913) đã được triều đình An Nam cho phép sử dụng Tân thơ viện, nơi lưu trữ những đồ nội thất, tượng, bình hoa, lư hương… làm nơi tổ chức các buổi họp mặt của hội. Tất cả đồ vật và nghệ thuật ở đó đã trở thành điểm khởi đầu của bảo tàng Khải Định sau này.
Trong những năm đầu hoạt động, với mong muốn không để những ký ức xưa liên quan đến chính trị, lịch sử và văn chương rơi vào quên lãng, AAVH đã góp phần vào việc bảo tồn nhiều cổ vật có nguy cơ bị bán, bị lấy cắp, bị chuyển ra khỏi lãnh thổ An Nam, bị rơi vào các bộ sưu tập cá nhân ở châu Âu.
Để đối phó với thực trạng mất mát, những thành viên trong hội đã nỗ lực gom về Tân thơ viện tất cả cổ vật của triều đình xưa. Thế nhưng những việc làm này chỉ là một quá trình tích góp nhỏ giọt. Chính vì vậy, AAVH đã nỗ lực trong việc thành lập một viện bảo tàng, ban đầu là dưới sự chỉ đạo của hội, sau đó sẽ hoạt động độc lập.
Bảo tàng Khải Định ra đời được đặt dưới sự giám sát của AAVH nhằm thực hiện các bộ sưu tập, khôi phục một số nội thất bản địa, cứu lấy một số mẫu vật nghệ thuật An Nam (tủ kệ xưa, đồ gốm, đồ men sứ, sơn mài, đồng, đồ thêu, tranh vẽ, đồ chạm khắc, nữ trang, thuộc da, đồ thờ cúng và đồ thờ gia đình)…
Đến năm 1924, bảo tàng đã trở thành một cơ sở độc lập, tự quản, có nguồn tài chính riêng, có một mục tiêu đã định từ trước đó.
Bên cạnh việc phản ánh quá trình thành lập Bảo tàng Khải Định, sách còn dành 162 trang để giới thiệu “Bộ sưu tập những cổ vật nghệ thuật và đồ gỗ” được lưu giữ tại đây, kèm theo đó là những ghi chú có liên quan.