Người cha luôn có những cách đặc biệt để thể hiện tình yêu thương với con cái. Đó là thứ tình cảm bình lặng dù không được diễn tả bằng lời nhưng vẫn trĩu nặng yêu thương. Dưới đây là những tác phẩm nổi tiếng, đề cập tới tình phụ tử được giảng dạy trong chương trình phổ thông.
Chiếc lược ngà
Chiếc lược ngà là tác phẩm gắn liền với tên tuổi nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Với câu chuyện cảm động của hai cha con bé Thu và ông Sáu, tác giả đã khắc họa một cách tài tình nỗi đau ly tán mà chiến tranh gây ra cho bao người.
Bìa sách Chiếc lược ngà. Ảnh: T.K. |
Mong mãi mới có dịp được về phép, nghĩ tới việc sắp được gặp con, lòng anh Sáu nôn nao ghê lắm. Anh tưởng rằng sẽ được ôm con vào lòng để thỏa nỗi nhớ, nhưng mọi chuyện không giản đơn như vậy.
Bé Thu nhìn ba bằng ánh mắt xa lạ. Mấy ngày anh Sáu về phép, đến một tiếng “ba” con bé cũng không chịu gọi. Nếu phải nói chuyện với ba, bé Thu bướng bỉnh nói trống không. Trong bữa cơm, anh Sáu gắp vào chén của con miếng trứng cá, con bé liền hất ra. Bị ba mắng, Thu giận dỗi bỏ sang nhà bà ngoại.
Khi được bà hỏi lý do không nhận ba, bé Thu một mực cho rằng người đàn ông đó không phải là ba của cô bé. Ba của Thu không có vết sẹo to trên mặt, người đàn ông đó không giống người trong bức hình chụp chung với má. Bà ngoại nói rằng ba đi chiến đấu, bị thương, nên trên mặt mới có sẹo. Con bé liền hiểu ra mọi chuyện.
Cảnh hai cha con bé Thu nhận nhau là tình tiết xúc động nhất của tác phẩm. Bé Thu ôm lấy cổ ba, hôn khắp mặt, má, cằm rồi hôn cả vết sẹo lớn từng làm cô bé thấy sợ. Thế nhưng, hạnh phúc của hai cha con họ khá ngắn ngủi. Sau đó, ông Sáu lại phải quay về đơn vị.
Trước khi chia xa, bé Thu muốn ba mua cho mình cây lược. Mong ước của cô con gái bé bỏng cứ canh cánh trong lòng người cha. Anh Sáu tỉ mỉ làm cho con chiếc lược ngà, tâm huyết của người cha được dồn hết vào món quà thiêng liêng ấy. Chiến tranh đã cướp đi mạng sống của anh Sáu, anh không có cơ hội tận tay đưa tận tay con chiếc lược ngà, nhưng tình yêu bao la của người cha vẫn vẹn nguyên.
Nói với con
Nói với con là bài thơ nổi tiếng nhà thơ Y Phương, được viết cách đây hơn 40 năm. Tác phẩm là những tâm sự giản đơn, nhưng chứa đầy yêu thương mà người cha muốn gửi gắm tới đứa con thân yêu.
Đối với một người cha, được từng ngày nhìn con không lớn, nghe giọng con nói, tiếng con cười là một hạnh phúc. Từng ngày, những niềm vui nhỏ bé, bình dị ấy đã dệt nên mái ấm gia đình. “Chân trái bước tới cha / Chân phải bước tới mẹ / Một bước chạm tiếng nói / Hai bước chạm tiếng cười”.
Là người dân tộc thiểu số, nhà thơ Y Phương muốn nhắn nhủ con hãy luôn trân trọng và giữ bản sắc riêng của dân tộc mình. Dù sống trong khó khăn, người cha ấy vẫn mong con giữ vững ý chí, nuôi dưỡng hy vọng và tinh thần lạc quan. Ông đã nhắn nhủ điều ấy qua câu thơ giản dị: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương / Còn quê hương thì làm phong tục / Con ơi tuy thô sơ da thịt / Lên đường / Không bao giờ nhỏ bé được / Nghe con”.
Người cha vốn không mơ mộng cao sang, ông chỉ mong con tự tin bước trên đôi chân của chính mình. Trên đường đời, dẫu gặp phải bao nhiêu vất vả, gian nan, người cha luôn muốn con kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc.
ão Hạc lấy việc chăm sóc “cậu” Vàng để vơi bớt nỗi nhớ con trai. Ảnh: Báo Văn hóa. |
Lão Hạc
Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao khiến người đọc cảm động vì tình yêu thương vô bờ mà lão nông nghèo ấy dành cho đứa con trai duy nhất. Khi còn ở nhà, con trai lão có mua một con chó, định bụng nuôi đến lớn, khi nào cưới vợ thì giết thịt. Nhưng nhà gái thách cưới cao quá, có bán hết vườn tược đi cũng đủ tiền cưới vợ. Thế là con lão phẫn chí, liền đăng ký đi làm đồn điền cao su.
Không phải ngẫu nhiên mà lão Hạc gọi con chó của mình là “cậu” Vàng, “như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”. Lão chăm chút cho con chó, không giống nuôi con vật, mà tựa như chăm một đứa con thơ. Lão cho con chó ăn cơm trong bát như nhà giàu, ăn gì cũng chia cho nó. Lão nhắm vài miếng, lại gắp cho nó một miếng, “như người ta gắp thức ăn cho con trẻ”.
Một phần nhung nhớ mà lão dành cho đứa con đi xa được khỏa lấp bằng việc hàng ngày thủ thỉ, chăm sóc “cậu” Vàng. Lão Hạc không nhớ con đi được bao lâu, nhưng trong lòng lão vẫn đau đáu về đứa con trai số khổ, vì nghèo mà không lấy được vợ.
Trước khi đi, cậu con trai biếu bố ba đồng bạc, dặn bố ở nhà làm thuê, làm mướn, bòn vườn cũng đủ ăn. Nhưng lão quyết không đụng vào mảnh vườn của con. Hoa màu bán được bao nhiêu tiền, lão đều để dành cho con cả, còn về phần mình, lão Hạc chỉ làm thuê làm mướn để kiếm ăn qua ngày, thà đói khổ cũng dành dụm cho con.
Giữ lại mảnh vườn cho đứa con trai lấy vốn làm ăn sau này là tâm nguyện lớn nhất của lão Hạc. Dẫu có phải chịu đói, lão cũng không muốn bán mảnh vườn của đứa con trai để sống qua ngày. Ngay cả tiền bán chó, lão Hạc cũng để dành cho con. Vì với lão, con chó ấy cũng giống như mảnh vườn, đều là tài sản của đứa con trai. Dẫu có chết, lão cũng quyết không đụng đến những thứ ấy.
Xuyên suốt tác phẩm, lão Hạc chưa một lần nói yêu con, nhưng tình yêu vô bờ của người cha nghèo ấy khiến bạn đọc day dứt. Nó mạnh hơn nghìn lời nói, và mạnh hơn cả cái chết.