Bật khóc ở H Mart là cuốn hồi ký đầu tay của Michelle Zauner, giọng ca chính của ban nhạc indie pop Japanese Breakfast. Sách nằm trong danh mục sách hay năm 2021 theo bình chọn của The New York Times, Time, NPR, Washington Post…
Tìm về một nửa dòng máu Hàn Quốc trong mình
Mới đây cuốn sách này được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam mua bản quyền và xuất bản ở Việt Nam. Bản dịch sách do Lê Hồng Phương Hạ, sinh năm 1996 thực hiện.
Sách Bật khóc ở H Mart. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Bật khóc ở H Mart viết về cuộc đời của riêng Michelle và mẹ cô, nhưng các cô con gái và những bà mẹ đều có thể nhận ra mình và nhận ra nhau trong câu chuyện cảm động này.
“Thật khó để viết về một người mà tôi cảm thấy mình đã biết rất rõ. Mọi từ ngữ trở nên cồng kềnh, cầu kỳ và nặng nề. Tôi muốn tiết lộ điều gì đó thật đặc biệt về mẹ mà chỉ riêng mình tôi biết. Bà không chỉ là một người nội trợ và một người mẹ. Bà còn có bản sắc độc đáo của riêng mình”, Michelle chia sẻ.
Bật khóc ở H Mart ghi lại chân thực quá trình suy giảm sức khỏe của người mẹ cùng hành trình tìm kiếm cội nguồn bản thân của tác giả.
“Từ khi mẹ qua đời, tôi thường bật khóc ở H Mart”, Michelle Zauner mở đầu cuốn hồi ký đầu tay của cô, cũng là bài viết nổi tiếng trên tờ The New Yorker, Bật khóc ở H Mart, bằng một lời tự sự chân thành buồn bã.
Những mảnh ghép ký ức chất chứa hoài niệm
Sau sự ra đi đầy đau đớn của người mẹ, Michelle thường đến H Mart – chuỗi siêu thị Hàn Quốc (và châu Á) lớn ở Mỹ để giải tỏa và tìm lại bản thân, tìm về một nửa dòng máu Hàn Quốc trong mình.
Cô viết trong cuốn sách: “Thức ăn là phương tiện để mẹ tôi gửi gắm tình thương… Tôi vốn không sõi tiếng Hàn nhưng khi đến H Mart, tôi cảm giác mình có thể nói rất trôi chảy. Tôi mân mê tên sản phẩm và đọc to tên của nó – chamoe melon (dưa Triều Tiên), danmuji – củ cải muối vàng ). Tôi chất đủ loại quà vặt vào giỏ hàng. Món nào cũng được đóng gói bắt mắt và trang trí hình ảnh của một bộ phim hoạt hình quen thuộc”.
“Tôi còn nhớ cả những món quà vặt mà mẹ kể bà thường ăn lúc nhỏ, cố gắng mường tượng xem hồi bằng tuổi tôi trông mẹ như thế nào. Tôi muốn yêu thích tất cả việc bà từng làm để trở thành hiện thân của mẹ một cách trọn vẹn”.
Michelle Zauner (hồi còn nhỏ) và người mẹ của mình. Nguồn: cupofjo. |
Michelle Zauner cho biết cô sẽ giận dữ khi nhìn thấy một người phụ nữ Hàn có thể sống lâu hơn mẹ, hay chạnh lòng khi nhìn thấy hình ảnh những người thân trong cùng một gia đình chia sẻ những món ăn…
Cô cũng cảm thấy hoảng sợ khi nhìn sự ra đi của mẹ đồng nghĩa với sự mất mát vĩnh viễn một nửa gốc gác Hàn của mình, nên xuyên suốt cuốn truyện là hành trình cô cố gắng từng chút, từng chút một đi tìm lại nguồn cội của bản thân.
Đúng như tên gọi, Bật khóc ở H Mart là một cuốn sách đẫm nước mắt. Nó xoáy sâu vào nỗi đau buồn thăm thẳm của người nghệ sĩ chứng kiến người mẹ kiệt quệ rồi mất vì căn bệnh ung thư quái ác.
Nhưng không chỉ có nước mắt, từng trang hồi ký của cô gái trẻ này thấm đẫm các cung bậc cảm xúc: là cái ấm áp của tình yêu đôi lứa cùng nắm tay nhau vượt qua biến cố, là những xung đột nghẹt thở trong mối quan hệ cha mẹ – con cái tuổi vị thành niên, là tình thân dịu dàng sâu lắng của đứa cháu gái mồ côi với người bác bất đồng ngôn ngữ mà mỗi lần đối thoại cùng nhau phải cầu viện Google Dịch…
Trong những cuốn sách viết về văn hóa Hàn, Bật khóc ở H Mart nổi bật lên với cách viết gần gũi, chuyển tải những nét đặc trưng của nền văn hóa đầy sắc màu đến bạn đọc.
Tác giả không đi vào những điều lớn lao, cô cũng không diễn giải quá nhiều về những món ăn Hàn, cô chỉ đơn thuần viết ra những câu chuyện chân thực mà tràn đầy cảm xúc trong cuộc đời mình. Cô viết về mối quan hệ mẹ con phức tạp nhưng không quá đà mà chỉ như kể lại những mảnh ghép ký ức chất chứa hoài niệm.
Với cuốn sách này, Michelle không chỉ kể với chúng ta câu chuyện của riêng cô, nó còn khiến ta nhìn lại bản thân, nhìn lại mối quan hệ của chúng ta với người mẹ thân thương đang đợi chúng ta về nhà.
Michelle Zauner sinh năm 1989, là nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ guitar và nhà văn có cha là người Mỹ, mẹ là người Hàn. Cô sáng lập và là giọng ca chính của ban nhạc indie pop Japanese Breakfast. Các album Psychopomp (2016) và Soft Sounds from Another Planet (2017) của cô đã thu hút được sự chú ý của các hãng thu âm lớn trên thế giới.