Connect with us

Sách hay

Tiếng vọng từ cuộc đời đầy thương tổn

Được phát hành

,

Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh giúp con người trưởng thành. Tiểu thuyết “Tiếng Kiều đồng vọng” của Đoàn Minh Phượng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế.

Tieng Kieu dong vong anh 1

Tiếng Kiều đồng vọng kể về cuộc đời của Mai. Mai sinh ra và lớn lên với mẹ Liên ở Hà Nội. Từ nhỏ, cô không biết cha mình là ai và luôn mong muốn được gặp cha. Cơ hội cuối cùng cũng đến khi dì Lan – em gái của Liên – từ Huế vào Hà Nội thăm hai mẹ con đã tiết lộ địa chỉ của cha Mai ở TP.HCM.

Từ đây, Mai phải lựa chọn rời xa tổ ấm để lên nơi phồn hoa đô thị nhiều cạm bẫy dối trá, với ước vọng được đón nhận tình yêu thương từ cha mà bấy lâu cô thiếu thốn.

Trưởng thành từ sự tổn thương

Thông qua hành trình tìm cha của Mai, ta còn thấy xuất hiện một hành trình khác, cũng quan trọng không kém: Hành trình tìm lại bản ngã của chính cô – một người luôn bị mắc kẹt trong những câu hỏi thuộc về quá khứ.

Có lẽ, khi người ta bắt đầu học cách đưa ra câu trả lời cho những nghi vấn trớ trêu mà số phận đặt ra, thì rút cuộc, ta cũng dần tiến đến sự trưởng thành bản ngã, dù tiếng vọng cuối cùng chưa hẳn là một đáp án tiệm cận nhất với sự thật.

Advertisement

Đó là thời khắc cái tôi cá nhân phải tự phá vỡ vỏ trứng bảo bọc an toàn tưởng chừng vững chắc như một thành trì, nhưng hóa ra lại chỉ mong manh như một làn sương dệt từ những mơ hồ, do dự.

Chỉ khi thành trì ấy sụp đổ, làn sương ấy lùi lại phía sau con người vừa bước ra từ sự tổn thương, chính khi ấy ta mới có thể nhìn rõ hơn thế giới với trọn vẹn hương sắc của nó.

Tiếng Kiều đồng vọng chính là tiếng vọng đến từ một cuộc đời như thế. Sự tổn thương sẽ mang lại những tia lấp lánh cho con người trưởng thành dường như chưa bao giờ là bài học cũ kĩ.

Nội dung cơ bản của Tiếng Kiều đồng vọng có nhiều yếu tố tương tự bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu do Đoàn Minh Phượng làm đạo diễn và biên kịch, sản xuất năm 2005.

Cả hai người con trong tác phẩm này đều không rõ cha mình là ai, đều tự thân tìm hiểu câu chuyện quá khứ vì cùng có người mẹ trung thành tuyệt đối với sự im lặng.

Advertisement

“Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, niềm im lặng dài 22 năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ”. Mai từng cảm thán như thế về sự im lặng của mẹ.

Im lặng là một từ khóa quan trọng, được lặp lại nhiều lần trong Tiếng Kiều đồng vọng. Bản thân Hạt mưa rơi bao lâu cũng có tên phim trong tiếng Anh là Bride of Silence.

Tieng Kieu dong vong anh 2

Hình ảnh trong phim Hạt mưa rơi bao lâu. Ảnh: Moonfish film.

Như vậy, có thể thấy rằng, sự im lặng hay thân phận của người phụ nữ bị mất tiếng nói trong xã hội là chủ đề có sức ám ảnh lớn với tác giả Đoàn Minh Phượng.

Khi những người con sống dưới cái bóng im lặng của người mẹ, họ càng có thôi thúc mạnh mẽ hơn trong việc đi tìm câu trả lời cho một quá khứ bất minh.

Thoát khỏi sự im lặng, tự cất lên tiếng nói cho chính mình – đó là một trong những bước đầu tiên để trưởng thành, như cách Mai đã dứt khoát nói với mẹ vào ngày cô rời đi rằng: “Con 22 tuổi, con trưởng thành đã 4 năm rồi mẹ”.

Advertisement

Nước bao bọc ký ức để tiếng nói được cất lên

Mưa ở kiếp sau (tên cũ của Tiếng Kiều đồng vọng) là tiêu đề gợi hình; trong khi đó, Tiếng Kiều đồng vọng lại là tiêu đề gợi âm. Thử tìm cách lý giải sự thay đổi này, ta sẽ nhận ra một số điều thú vị.

Ở phần mở đầu tác phẩm, Đoàn Minh Phượng có trích dẫn lời bài hát Within you, Without you của nhóm The Beatles do George Harrison sáng tác với phần lời như sau:

“Ngày sẽ đến khi em nhận ra chúng ta đều là nước / Cuộc đời trôi bên trong em và bên ngoài em…”.

Câu gốc bài này trong tiếng Anh là: “And the time will come when you see we’re all one / And life flows on within you and without you”.

Thông qua đó, ta có thể thấy tác giả đã có dụng ý khi thay “one” bằng “nước”. Nước rõ ràng là một hình ảnh quan trọng với Đoàn Minh Phượng trong tác phẩm này vì bản thân “mưa” ở tiêu đề cũ cũng là một yếu tố thuộc nước. Vậy dưới ngòi bút của tác giả, nước mang ý nghĩa gì?

Advertisement

“Một câu chuyện không có lời giống như một cơn mưa không có giọt nước từ trời. Tôi sẽ đi tìm lời cho những gì tôi biết”.

Như vậy, nước trong tác phẩm này tượng trưng cho “lời,” cho ký ức – là điều Mai luôn tìm kiếm – đồng thời cũng là điều bao bọc Mai như cách cô ví von: “Tôi còn là loài cá đầu to nằm còng queo trong lòng đại dương chật hẹp, trong bụng của người mẹ chửa hoang”.

Vì “sự im lặng” của mẹ Mai là nguồn cơn khởi phát cho hành trình của Mai nên có thể xem như “nước” – một hiện thân của “lời” – chính là đích đến, đồng thời là phương tiện để Mai hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Do đó, so với Mưa ở kiếp sau, Tiếng Kiều đồng vọng là tiêu đề thể hiện sự chuyển biến tích cực. Mai không còn chờ “mưa”, tức “lời giải đáp” ở kiếp sau nữa, cô tìm nó ngay trong kiếp này để cất lên thành một tiếng vọng, phá tan sự im lặng của mẹ cô, của những phận nữ nhi bị mất đi tiếng nói ở thế hệ trước.

Tieng Kieu dong vong anh 3

Tiếng Kiều đồng vọng được viết với giọng văn mềm mại, nhưng ngầm cuộn sóng bên trong. Ảnh: Tao Đàn.

Tiếng Kiều đồng vọng vẫn kể chuyện theo lối tuyến tính, nhưng khi trình bày các sự kiện diễn ra trong cái khuôn đó, Đoàn Minh Phượng vẫn cho phép dòng tự sự của nhân vật chảy miên man tự do, đi đi về về giữa quá khứ và hiện tại.

Advertisement

Chính vì thế, dòng chảy tâm thức của nhân vật tuy được giọng văn mềm mại dẫn dắt nhưng vẫn ngầm cuộn sóng bên trong. Chỉ cần rẽ qua một bước ngoặt nhỏ, sự kiện đau lòng nào đó trong quá khứ lại đột ngột ập đến; hoặc ngược lại, khi đang đắm chìm trong hồi tưởng êm đềm, bất thình lình hiện thực phũ phàng xâm chiếm và hủy hoại.

Người đọc như bước đi trong mê cung, chỉ có thể tri nhận thế giới như một khoảng không chật hẹp trước mắt, không thể biết điều gì sẽ chờ đợi mình trong ngã rẽ kế tiếp.

Ở một thế giới mơ hồ thì những cái tên – vốn dĩ là phép định danh chống lại sự mơ hồ – càng được Đoàn Minh Phượng dụng công để có thể hòa quyện trong bầu không khí hư ảo.

Tác giả không vội vàng giới thiệu tên họ, lai lịch đầy đủ của nhân vật ngay từ đầu theo lối kể chuyện tiểu sử quen thuộc. Nhân vật hiện lên thoạt tiên với những tâm tư, cuộc sống ập ngay trước mắt độc giả. Những thông tin bên lề sẽ đến sau.

Mãi đến chương bốn, trong đoạn đối thoại với mẹ, người đọc mới biết nhân vật chính tên Mai. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy hầu như những nhân vật trong truyện đều có tên gắn với một loài hoa: Mai, Liên, Lan, Quỳnh…

Advertisement

Và Chi – một nhân vật đặc biệt trong tác phẩm này – tên cô lại có nghĩa là “cành”, không phải là loài hoa đích thực mà có thể là cành cho bất cứ loài hoa nào.

Những giấc mơ cũng là một yếu tố quan trọng trong Tiếng Kiều đồng vọng. Thông qua đó, Đoàn Minh Phượng xây dựng một thế giới tổn thương, quái lạ với những buổi tiệc kì dị của giới nhà giàu, có phần nào đó mang không khí tương đồng buổi tiệc của hội kín quý tộc mà Stanley Kubrick đã đặc tả rất kĩ lưỡng trong phim Eye Wide Shut (1999).

Sống trong thế giới hiện đại, những cô Kiều dưới ánh sáng thị thành dường như không còn giữ nổi tâm trí tỉnh táo. Dường như họ đều có chung một dòng máu điên loạn và chỉ biết lặng nhìn dòng chảy ấy trôi qua nhiều kiếp người.

Vì vậy, tiếng kêu của họ có thể không đứt ruột như người xưa do nỗ lực chôn vùi cảm xúc, nhưng lại trở thành những tiếng vọng được cộng hưởng vào nhau nên còn mãi ngân nga rất lâu sau khi Tiếng Kiều đồng vọng đã kết thúc.

Nguồn: https://zingnews.vn/tieng-vong-tu-cuoc-doi-day-thuong-ton-post1132531.html

Advertisement

Tiếp tục đọc
Quảng cáo

Sách hay

Sống kiểu kiến tạo

Được phát hành

,

Bởi

Ở một người sống kiểu kiến tạo, họ không chỉ chủ động thay đổi bản thân để hành xử phù hợp với hoàn cảnh xảy đến, hoặc nỗ lực thích nghi với xu thế xã hội; mà còn biết kiến tạo nên điều tốt đẹp mà họ mong muốn nhìn thấy ở những nơi họ hiện diện và có thể ảnh hưởng được. – Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Ở một người sống kiểu kiến tạo, họ không chỉ chủ động thay đổi bản thân để hành xử phù hợp với hoàn cảnh xảy đến, hoặc nỗ lực thích nghi với xu thế xã hội; mà còn biết kiến tạo nên điều tốt đẹp mà họ mong muốn nhìn thấy ở những nơi họ hiện diện và có thể ảnh hưởng được. – Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Stephen Covey anh 1Stephen Covey anh 2

Sống kiểu kiến tạo

Ở một người sống kiểu kiến tạo, họ không chỉ chủ động thay đổi bản thân để hành xử phù hợp với hoàn cảnh xảy đến, hoặc nỗ lực thích nghi với xu thế xã hội; mà còn biết kiến tạo nên điều tốt đẹp mà họ mong muốn nhìn thấy ở những nơi họ hiện diện và có thể ảnh hưởng được. – Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

7 thói quen hiệu quả

Nguồn: https://znews.vn/nghe-sach-7-thoi-quen-hieu-qua-cua-tac-gia-stephen-covey-post1498562.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Sách hay

Một nửa thế giới từng bị lãng quên tại Phố Wall

Được phát hành

,

Bởi

Trong hơn 200 năm lịch sử trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, phụ nữ đã đấu tranh để nắm giữ những vị trí quan trọng.

chung khoan anh 1

Bà Muriel “Mickie” Siebert, người phụ nữ đầu tiên mua ghế trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 1967. Ảnh: New York Times.

Lịch sử phố Wall đã ghi nhận nhiều thành tựu gắn với hình tượng phái mạnh. Tuy nhiên, các ghi chép có thể bỏ qua vai trò của những người phụ nữ tại trung tâm tài chính này. Một số cuộc đấu tranh như phong trào đòi quyền bình đẳng giới, phong trào dân quyền, phong trào #MeToo đã làm thay đổi diện mạo nơi đây.

Trong các phong trào đó, có những người phụ nữ thành công tạo nên dấu ấn đặc biệt.

Từng bước đấu tranh cho bình đẳng giới

Vào cuối thế kỷ 19, hai chị em Tennessee Claflin và Victoria Woodhull đã có những ý tưởng đầu tiên về việc tạo ra cầu nối để phụ nữ bước vào thế giới tài chính. Họ khởi đầu bằng nghề tiên tri và bói toán trước khi gặp và thuyết phục nhà tài phiệt đường sắt Cornelius Vanderbilt đầu tư thành lập công ty môi giới riêng của hai người.

Advertisement

Với khoản đầu tư 7.000 đôla từ ông Vanderbilt, chị em Woodhull và Claflin đã tạo ra Woodhull, Claflin & Co. – một công ty môi giới nơi phụ nữ có thể đến và đầu tư một cách kín đáo. Sự xuất hiện của công ty này thu hút sự chú ý của các nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Walt Whitman và nhà hoạt động Susan B. Anthony. Theo nhận định của bà Susan B. Anthony, sự xuất hiện của công ty này trên phố Wall đánh dấu một kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, phụ nữ vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Họ không được phép đảm nhiệm các công việc quan trọng tại hầu hết ngân hàng và không thể vào sàn giao dịch chứng khoán. Điều này thúc đẩy họ thành lập các tổ chức nghề nghiệp riêng, như Hiệp hội Phụ nữ Ngân hàng Quốc gia và Câu lạc bộ Trái phiếu của Phụ nữ.

chung khoan anh 2

Bức tượng cô bé đối đầu con bò tót ở phố Wall có ý nghĩa nhấn mạnh sự cần thiết có thêm phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong xã hội. Ảnh: Jumbo.

Ngày càng nhiều phụ nữ nắm giữ cổ phiếu của các công ty lớn như Đường sắt Pennsylvania đã khiến giới tài chính phải lưu ý. Người ta chế nhạo điều đó và gọi tuyến đường sắt Pennsylvania là Petticoat Line. Petticoat là một chiếc váy lót của phụ nữ được dùng ở thế kỷ trước.

Một trong những bước ngoặt lớn nhất là sự xuất hiện của Muriel “Mickie” Siebert, người phụ nữ đầu tiên mua ghế trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào năm 1967. Với ghế này, bà được phép giao dịch trực tiếp trên sàn cho khách hàng của công ty môi giới mang tên mình.

Những nỗ lực của bà đã phần nào được đền đáp, sau khi gia nhập sàn giao dịch chứng khoán New York. Nhà đầu tư Siebert tạo ra dấu ấn của mình khi thành lập công ty môi giới riêng, Muriel F. Siebert & Co., Inc. vào năm 1969. Bà được kính trọng không chỉ vì khả năng đầu tư sắc bén mà còn vì những đóng góp của bà cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành tài chính.

Advertisement

Ngoài ra, bà Muriel Siebert còn từng giữ chức Giám đốc Sở Dịch vụ Tài chính bang New York từ năm 1977 đến 1982. Trong vai trò này, bà đã giám sát các ngân hàng và tổ chức tài chính ở bang trong giai đoạn cải cách quan trọng.

Bình đẳng giới trong bối cảnh hiện tại

Mặc dù ngày nay diện mạo của phố Wall đã thay đổi đáng kể so với ban đầu, có một sự thật rằng nam giới vẫn thống trị ngành tài chính. Điều này diễn ra ở các ngân hàng đầu tư, công ty môi giới, sàn giao dịch chứng khoán…

Phụ nữ hiện chiếm hơn 40% lượng sinh viên tại các trường kinh doanh và 52% số lượng việc làm tài chính cấp cơ sở, nhưng họ vẫn thiếu vắng ở các vị trí quản lý cấp cao. Phụ nữ chỉ chiếm khoảng 27% trong các vai trò lãnh đạo cấp cao (C-suite).

chung khoan anh 3

Bà Sallie Krawcheck hiện là Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Ellevest, một công ty chuyên tư vấn đầu tư cho phụ nữ. Bà từng được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất phố Wall. Ảnh: Ctech.

Trong cuốn sách She-Wolves, nhà sử học Paulina Bren nhấn mạnh rằng sự thiếu vắng này không phải là ngẫu nhiên mà có liên quan mật thiết đến những câu chuyện phân biệt giới tính kéo dài và không suy giảm. Từ thời điểm cây nút gỗ bạc đầu tiên được trồng – một biểu tượng của khởi đầu phố Wall – phụ nữ đã không ngừng đấu tranh để có được sự chấp nhận trong ngành tài chính khắc nghiệt này.

chung khoan anh 4

Bìa sách She-Wolves.

Dù vậy, sự thay đổi còn diễn ra chậm chạp. Tác giả She-Wolves nhấn mạnh rằng có một tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa các ứng viên quốc hội, các cơ quan điều hành tài chính cấp quốc gia và giám đốc điều hành (CEO). Điều này giải thích vì sao phụ nữ và các nhóm thiểu số khác liên tục tìm cách phá vỡ rào cản để được đối xử công bằng.

Advertisement

Đồng thời tác giả Paulina Bren cũng đặt ra câu hỏi đặt rằng liệu sự chênh lệch về giới tính này có liên quan đến các chu kỳ bong bóng, khủng hoảng và sự đổ vỡ tài chính. Những câu hỏi này vẫn chưa được nhà sử học Bren giải đáp. Thay vào đó, bà nhắc nhở độc giả một thực tế quen thuộc: “Phố Wall được xây dựng dành cho đàn ông, và về cơ bản, nó vẫn là một câu lạc bộ của những người đàn ông”.

Cuốn sách She-Wolves của tác giả Paulina Bren cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành trình của phụ nữ tại phố Wall, và cho thấy rằng sự sáng tạo và kiên trì đã mang lại những bước tiến nhỏ. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng giới trong tài chính vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://znews.vn/mot-nua-the-gioi-tung-bi-lang-quen-tai-pho-wall-post1498970.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Quyền làm chủ thân thể của phụ nữ

Được phát hành

,

Bởi

Hồi ký “Thân em” của siêu mẫu Emily Ratajkowski gợi suy ngẫm về việc phụ nữ và vẻ đẹp của họ bị đánh giá trên những thang đo, giá trị cũ của xã hội nặng nề “nhãn quan nam quyền”.

Emily Ratajkowski là siêu mẫu người Mỹ có hơn 30 triệu người theo dõi trên Instagram cá nhân và thường xuyên xuất hiện trên trang bìa nhiều tạp chí. Cô đại diện cho nhiều hãng thời trang cao cấp như Versace, Marc Jacobs, Dolce and Gabbana… và tham gia vào những dự án điện ảnh danh tiếng như Cô gái mất tích (Gone Girl).

Đẹp, nổi tiếng, giàu có, tưởng như có tất cả trong tay, nhưng những trải lòng của Emily trong hồi ký Thân em đã tiết lộ tâm tư của một cô gái làm việc trong ngành công nghiệp thời trang – giải trí nhiều góc khuất. Kể về trải nghiệm dần mất đi quyền làm chủ cơ thể của mình, Emily đặt ra loạt câu hỏi có tính bản chất về vẻ đẹp của phụ nữ và quyền làm chủ vẻ đẹp này.

Trong buổi tọa đàm chia sẻ về cuốn sách diễn ra vào giữa tháng 9, TS Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu, ThS Nghiên cứu Phát triển Hoàng Giang Sơn và ThS Phụ nữ học – dịch giả Võ Quỳnh Lan đã phân tích và thảo luận về cách mà cuốn hồi ký của Emily chất vấn nhiều vấn đề xoay quanh phụ nữ và quyền làm chủ cơ thể của phụ nữ.

Advertisement
sieu mau,  co the,  dep anh 1

Siêu mẫu Emily Ratajkowski. Ảnh: Haper’s Bazaar.

Vẻ đẹp đo bằng hệ giá trị cũ

TS Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu nhận xét qua cuốn sách, ta thấy được một cô gái ý thức rất rõ về vẻ đẹp của mình, hoàn toàn không phải một nhân vật ngây thơ đến ngây ngô. Điểm cuốn hút của cuốn sách nằm ở những giằng xé, phân vân, nghi hoặc trong nội tâm Emily. Cô vừa muốn dùng vẻ ngoài của mình để chinh phục thế giới vừa chán ghét việc người ta chỉ để ý đến cô vì vẻ ngoài.

Cô vui sướng được bố mẹ ủng hộ hết mực cho sự nghiệp làm người mẫu nhưng cũng lại cảm thấy xấu hổ hoặc ngại ngùng vì những khoe mẽ mà cô cho là quá đà của gia đình, đặc biệt là người mẹ. Bà rõ ràng rất ủng hộ con gái nhưng dường như đó không phải là vì bà nhìn nhận Emily với giá trị thực sự.

Nhiều đoạn viết về mẹ, Emily hoài nghi rằng bà say mê những lời ca ngợi vẻ đẹp dành cho con gái chỉ vì nhìn thấy ở đó hình bóng của mình thuở trẻ, coi nhan sắc của cô là “món quà thừa kế” của bà. Bà quan sát các cậu trai mới lớn để ý cô con gái tuổi teen của mình, luôn ngấm ngầm lấy thước đo của xã hội nam quyền để đánh giá giá trị của con gái.

Emily không hạnh phúc, không hài lòng với cách thế giới đối xử với mình, dù trong thời kỳ hoàng kim đỉnh cao của sự nghiệp. Cô cay đắng vỡ lẽ ra rằng cô chỉ có vẻ có quyền với cơ thể và cuộc đời mình, nhưng thực chất mọi con mắt đổ dồn về cô đều dưới một thước đo cũ kĩ kinh điển. Trong môi trường làm việc của cô, xã hội luôn đề cao và bảo vệ phụ nữ của cô, thực tế thì vị trí của phụ nữ chưa thay đổi.

Khi cô quyết định viết sách, người ta hỏi: Cô tự viết hay sao? Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ trong câu chuyện cho thấy cô bị xem như một ma-nơ-canh không hơn không kém.

Advertisement
sieu mau,  co the,  dep anh 2

Sách Thân em.

“Mình chỉ là cơ thể này thôi sao?”

ThS Phụ nữ học Võ Quỳnh Lan, người chuyển ngữ Thân em sang tiếng Việt, kể về giai đoạn đang học tại Mỹ, dùng thức ăn để vượt qua căng thẳng mà lên đến 80 kg. Khi ấy cô mới cảm nhận rất rõ mọi người dường như chỉ chăm chăm chú ý đến cơ thể mình, khiến cô phải tự hỏi: “Mình chỉ là cơ thể này thôi sao?”

Quỳnh Lan bị cuốn vào rối loạn ăn uống, khủng hoảng về cách nhìn nhận cơ thể, mất kết nối với cơ thể, không ý thức được những gì đang diễn ra với cơ thể. Cô dần dần nhận ra vấn đề cốt lõi ở đây chính là mối quan hệ của cô với cơ thể mình, với thức ăn và cả những người xung quanh. Nhờ bạn bè, huấn luyện viên thể dục mà Quỳnh Lan mới đưa mình về quỹ đạo, lấy lại cảm giác “đây là cơ thể của mình, ở đây, theo ý mình muốn”.

TS Ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu quan niệm ta chỉ có thể thoát ra khỏi những thước đo và đánh giá của xã hội bằng cách tự xây dựng giá trị sống bền vững của riêng mình. Một phụ nữ quyết định làm gì dù là làm đẹp hay làm giàu… chỉ vì cô ấy muốn vậy chứ không phải cô ấy muốn chiều lòng ai hay đám đông nào. Đẹp tức là bản thân thấy mình đẹp, không vì ai khen ngợi hay chê bai. Việc này tưởng dễ mà thực ra khó, vì xã hội nào cũng đầy rẫy ràng buộc và đánh giá.

ThS Nghiên cứu Phát triển Hoàng Giang Sơn cho rằng một xã hội chi phối bởi nhãn quan nam giới (male gaze) thì ảnh hưởng rất nhiều tới cách người phụ nữ nhìn nhận bản thân, cơ thể của mình. Phụ nữ luôn bị đưa vào vị thế là “bị nhìn, bị đánh giá” (bởi đàn ông) nên họ luôn được/bị dạy là cần thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn xã hội (hay thực tế là đàn ông) đặt ra.

Dẫu sao chăng nữa, cái đẹp về ngoại hình ngày nay vẫn rất được chú trọng, những người được số đông nhận xét là ưa nhìn vẫn có nhiều đặc quyền riêng. Tuy nhiên, ThS Hoàng Giang Sơn nhận định rằng nếu ta quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố khác, như tiếng nói, tự chủ, hay đam mê, thì ta sẽ giảm bớt được áp lực về cái đẹp, áp lực đặt lên người nữ.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/quyen-lam-chu-than-the-cua-phu-nu-post1498790.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Xu hướng