Theo kết quả phân tích tiểu sử và tự truyện của giới siêu giàu, ước vọng giàu sang của mỗi người lại một khác. Mỗi người lại có một mức ham muốn tiền tài khác nhau. Tác giả Rainer Zitelmann đã phân tích trong cuốn Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu.
Trong một cuộc phỏng vấn 45 đối tượng về ý nghĩa của tiền bạc, người được phỏng vấn đã đánh giá trên thang điểm 10 những yếu tố sau:
A: Sự bảo đảm, cụ thể là “Tôi sẽ không gặp bất kỳ vấn đề tài chính nào trừ khi tôi mắc phải một sai lầm lớn”.
B: Tự do và độc lập.
C: Cơ hội sử dụng tiền cho những thứ mới, cơ hội đầu tư.
D: Có khả năng chi trả cho những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
E: Có tiền là chứng nhận cá nhân rằng bạn có nhiều quyết định đúng.
F: Với một số tiền lớn, bất chấp sự ghen tị mà những người giàu có đôi khi phải đối mặt, bạn sẽ nhận được sự công nhận lớn hơn và có cơ hội gặp gỡ những người thú vị.
Có người cho rằng tiền bạc giúp họ trở nên thu hút hơn với phụ nữ. Ảnh: ScreenRant. |
Theo Zitelmann, các đối tượng phỏng vấn đánh giá sự tự do và độc lập là khía cạnh gắn kết nhiều nhất với tiền bạc ngay từ đầu. Trong đó, chỉ có 5 đối tượng đánh giá giá trị này dưới 7. Tự do và độc lập được đánh giá cao nhất. Chỉ có 2 người không liên hệ tiền bạc với “tự do và độc lập”. Họ trả lời như sau:
Đối tượng số 8: “Thật kỳ lạ, tôi không thực sự liên hệ điều đó với tiền bạc. Sự độc lập về trí tuệ quan trọng hơn nhiều đối với tôi, và tôi không cần tiền cho điều đó”.
Đối tượng số 28: “Đối với tôi, tự do và độc lập có nghĩa là giải phóng bản thân khỏi tất cả cuộc hẹn, cuộc họp, áp lực thời gian và những thứ tương tự. Đó không phải là điều tôi có thể làm trong đời. Tôi luôn bị ràng buộc bởi các cuộc hẹn bất kể tôi có bao nhiêu tiền; những cam kết của tôi sẽ không bao giờ cho phép tôi tự do như vậy”.
Yếu tố được đánh giá cao thứ hai là yếu tố C – Tạo ra một thứ mới, sau đó là yếu tố A – Sự bảo đảm.
Yếu tố “khẳng định bản thân” xếp thứ tư, với 12 người đánh giá trên 7. Ngược lại, có 8 người trong số đối tượng phỏng vấn cho rằng khía cạnh này không có giá trị đối với họ. Một đối tượng giải thích: “Tôi biết quá nhiều người đã kiếm được rất nhiều tiền trên mồ hôi công sức của người khác và tin vào điều đó. Cứ như thể họ đã làm mọi thứ đúng đắn. Tôi không tin điều đó chút nào”.
Yếu tố D – những thứ tốt đẹp hơn – mặc dù xếp áp chót, nhưng có 13 đối tượng đặc biệt đánh giá cao yếu tố này. Họ coi trọng giá trị của xe hơi, nhà cửa và các kỳ nghỉ. Trong khi đó, có 10 đối tượng cho rằng yếu tố này không có vai trò gì.
Một trong những người giàu nhất trả lời: “Điều này không đúng với tôi”. Đối với người này, tiền chỉ đơn giản là công cụ mà ông cần để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh.
Cuối cùng, sự công nhận là yếu tố bị đánh giá thấp nhất. Có 11 đối tượng phỏng vấn đồng ý rằng họ được công nhận nhiều hơn vì sự giàu có của mình, 12 người nhấn mạnh rằng họ cũng được thừa nhận trong xã hội mà không phụ thuộc vào sự giàu có của mình.
Theo tác giả Zitelmann, có thể giả định rằng còn tồn tại những động cơ khác, ngoài những động cơ được tiết lộ trong tình huống phỏng vấn.
Một số đối tượng đã đề cập đến các mối liên hệ khác. Cơ hội cải thiện với phụ nữ là một ví dụ. Ngoài ra, có người còn công phải tuyên bố thích cảm thấy người khác ghen tị với mình. Có người lại thú nhận nỗi sợ sự nghèo khổ, họ lấy đó làm động lực kiếm tiền.