Trả lời Zing, ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho biết những tủ sách nền tảng nếu được tạo ra từ đề án Chương trình Sách quốc gia (do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện), sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc, đưa tri thức tới từng vùng, miền nói chung và các thư viện cấp cơ sở nói riêng.
Ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Kim Phương. |
Phát triển nguồn tài nguyên thông tin
– Với cương vị là Vụ trưởng Vụ Thư viện, ông đánh giá thế nào về sự quan trọng của những tủ sách mang tầm quốc gia?
– Đầu tiên cần phải nhìn nhận rõ những tiêu chí xác định tủ sách mang tầm quốc gia là như thế nào. Trước hết, các xuất bản phẩm được lựa chọn phải chứa nội dung phù hợp với toàn thể cộng đồng, sau đó là phải đảm bảo tính thuận lợi trong việc tiếp cận đối với mọi đối tượng.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng cho dù xác định từ tiêu chí nào, đây cũng là một trong những đề án quan trọng, có tác động đến phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Việc xây dựng những tủ sách mang tầm cỡ quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy số lượng xuất bản phẩm cũng như phát triển về mặt chất lượng nguồn tài nguyên thông tin hiện nay, qua đó gia tăng tiềm lực trong việc phục vụ nhu cầu tiếp cận tri thức, hỗ trợ việc học tập suốt đời của mỗi người dân.
– Những cuốn sách nền tảng thuộc các lĩnh vực phục vụ cho đề án Chương trình Sách quốc gia nên được lựa chọn theo những tiêu chí nào để phục vụ bạn đọc tốt nhất?
– Theo tôi, có ba tiêu chí cần chú trọng. Thứ nhất, đó là tính cập nhật thông tin. Những cuốn sách được chọn đều phải thể hiện và cung cấp thông tin mới nhất, cập nhật nhất, liên quan từng đối tượng thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Thứ hai, đề án phải đảm bảo được tính khoa học và đại chúng. Theo đó, ngôn ngữ văn phong cần gần gũi, phù hợp chủ thể tiếp cận và sử dụng.
Thứ ba, khi thực hiện số hóa các tủ sách nền tảng từ đề án này, phải đảm bảo sự thuận tiện trong việc tiếp cận qua không gian mạng, cũng như dễ dàng chia sẻ để phục vụ người sử dụng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình Sách quốc gia cần có sự gắn kết, trao đổi chặt chẽ với các chương trình khác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Đề án Phát triển văn hóa đọc, Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện…
Đề án Chương trình Sách quốc gia hướng tới phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Đa dạng trong cách thức tiếp cận tủ sách nền tảng
– Theo ông, khi đề án Chương trình Sách quốc gia được đưa vào thực thi, việc thực hiện chuyển đổi số và phát triển thư viện hiện đại sẽ có những lợi thế gì?
– Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, việc tiếp cận thông tin thông qua hình thức trực tuyến đã và đang trở thành một xu thế tất yếu. Một đề án như Chương trình Sách quốc gia hướng tới việc số hóa các tài liệu là hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của thư viện hiện đại.
Khi các tủ sách nền tảng được phát hành ở định dạng sách điện tử và sách nói, tôi nghĩ điều này sẽ phục vụ cho việc liên thông, chia sẻ nội dung thông tin giữa các thư viện, tạo thuận lợi cho việc đa dạng hóa phương thức tiếp cận tri thức của người dân.
Tuy vậy, Chương trình Sách quốc gia cần gắn liền với chuyển đổi số ngành xuất bản. Theo tôi, cần đặc biệt chú trọng yếu tố quyền tác giả và những quyền liên quan. Tức là, đề án phải đảm bảo được vấn đề bản quyền sẽ không trở thành rào cản trong việc tiếp cận những cuốn sách nền tảng được lựa chọn.
Đề án Chương trình Sách quốc gia hướng tới việc số hóa các tài liệu là hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của thư viện hiện đại.
Ông Phạm Quốc Hùng
– Việc quảng bá những tủ sách nền tảng trong đề án này sẽ được Vụ Thư viện thực hiện ra sao để người dân cả nước đều được tiếp cận?
– Với tư cách là một trong những thành viên của Ban soạn thảo đề án Chương trình Sách quốc gia, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có những ý kiến đóng góp về việc cần có quy chế trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo quản các tủ sách nền tảng của đề án.
Việc giới thiệu, quảng bá tủ sách nền tảng để người dân cùng biết và tìm đọc không thuộc trách nhiệm của riêng đơn vị nào, mà là nhiệm vụ chung của các thư viện cấp tỉnh, thành (thư viện trường học, bộ, ngành và những đối tượng thư viện được tiếp nhận sách từ đề án).
Sau khi đề án được cấp có thẩm quyền ban hành thực thi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc giới thiệu, quảng bá những tủ sách này tới các thư viện là đối tượng thụ hưởng của đề án.
– Với kinh nghiệm quản lý kho sách thư viện, ông nhận thấy quá trình xây dựng tủ sách nền tảng của đề án này cần lưu ý những điểm nào?
– Điểm mấu chốt của đề án là làm sao để những cuốn sách nền tảng phải hướng đến đối tượng sử dụng. Theo đó, hình thức tiếp cận là điều rất quan trọng. Chúng ta cần chú trọng đến cách thức chuyển đổi số các xuất bản phẩm trên không gian mạng Internet.
Trong vấn đề này, thư viện là một trong những yếu tố cầu nối quan trọng giúp gắn kết những tủ sách nền tảng của đề án tới độc giả khắp mọi vùng, miền.
Để xây dựng được một bản đề án mang tầm cỡ quốc gia hiệu quả, theo tôi, cần lưu ý những điểm như: Cách thức tuyên truyền, quảng bá; tạo ra khả năng tiếp cận sách bình đẳng đến quần chúng; chú trọng vai trò của thư viện, đặc biệt là thư viện cấp cơ sở trong việc truyền thông, phát huy giá trị của tủ sách; đa dạng hóa khả năng tiếp cận trên môi trường số…
– Định hướng của đề án là phát hành sách nền tảng ở dạng sách nói và sách điện tử. Theo ông, việc này có ảnh hưởng tới văn hóa đọc sách giấy của người dân trong thời gian tới không?
– Tôi cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng tới văn hóa đọc sách giấy. Hình thức tiếp cận thông tin luôn đa dạng. Đọc là một hình thức cơ bản, nhưng không phải duy nhất. Có nhiều đối tượng không thể đọc vì thị lực kém, việc phát triển sách nói là một trong những xu thế tất yếu, giúp tạo nên tính đa dạng trong việc tiếp cận thông tin.
Sách điện tử cũng được chú trọng trong nhiều năm trở lại đây. Sự thuận tiện của định dạng này qua các thiết bị công nghệ điện tử giúp người sử dụng có thể truy cập được hàng nghìn, chục nghìn cuốn sách trong kho cơ sở dữ liệu.
Ở bối cảnh hiện nay, văn hóa đọc nước ta rất cần có yếu tố công nghệ để tạo ra “cú huých” trong việc đưa tri thức đến người sử dụng. Mục tiêu cuối cùng là nắm bắt tri thức, giúp ích cho công cuộc xây dựng sự phát triển của nước nhà.