Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cả nước vẫn tuyển được 2,28 triệu người học nghề, đạt 100,9% kế hoạch, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là 580.000 người.
Hệ thống trường CĐ, TCCN đã có một năm tuyển sinh thành công với hàng loạt trường tuyển đủ và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, xét ở bình diện tổng thể quy mô học sinh theo học nghề ở vài địa phương vẫn chưa đạt được con số như kỳ vọng.
Sinh viên một trường cao đẳng trong giờ thực hành bảng điều khiển điện tự động. |
Hút học sinh bằng chính sách
Hai trở ngại lớn trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020 được các chuyên gia đào tạo nghề chỉ ra, đó là tâm lý e ngại học nghề và cạnh tranh cơ hội tuyển sinh với các trường đại học. Tuy nhiên, việc các trường nghề đồng loạt mở nhiều ngành nghề đào tạo mới đáp ứng nhân lực của cuộc CMCN 4.0, cùng việc Tổng cục GDNN dừng cấp chỉ tiêu CĐ, TCCN cho các trường ĐH, đã mang đến sự phấn khởi rất lớn ở hệ thống trường nghề.
Hiện nay, ngoài các chính sách hỗ trợ, thu hút học sinh theo học nghề của Chính phủ, các địa phương thì Nghị định 90/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/1/2020) quy định người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề sẽ được hưởng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi theo quy định… là điểm nhấn tạo sức hút cho học sinh theo học nghề.
Trong hàng loạt chính sách thu hút học sinh theo học nghề, quy định người học nghề đi làm được hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động (theo Luật Lao động có hiệu lực từ 1/1/2021) cũng mở ra rất nhiều triển vọng cho công tác tuyển sinh của các trường. Ngoài ra, luật cũng quy định việc bảo hiểm thất nghiệp cho lao động đã qua đào tạo nghề.
Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, đây rõ ràng là những chính sách rất tốt nhằm hỗ trợ các trường, cũng như đảm bảo chính sách cho người theo học nghề. Mặt khác, để gia tăng sức hút và giải bài toán khó trong công tác tuyển sinh cho hệ thống GDNN, ông Dũng cho biết từ năm học 2020-2021, Tổng cục sẽ dừng việc cấp chỉ tiêu cho các trường đại học đào tạo CĐ, TCCN.
“Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, trường đại học chỉ đào tạo bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ nên việc trường đại học dừng tuyển sinh và đào tạo CĐ, TCCN là hợp lý. Việc không cấp chỉ tiêu CĐ, TCCN cho các trường đại học sẽ mang lại “sân chơi” tương đối tốt hơn trong tuyển sinh cho các trường.
Ngoại trừ một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, Tổng cục GDNN sẽ xem xét đề nghị các trường báo cáo Bộ VH-TT&DL xem xét, báo cáo Thủ tướng về việc tiếp tục đào tạo trình độ CĐ, TCCN mang tính đặc thù kết hợp đào tạo nghệ thuật với văn hóa còn lại các ngành nghề khác là không cấp chỉ tiêu” – ông Dũng nói.
Tiến sĩ Lê Lâm – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn – nhận định thực tế, nhiều năm qua từ các chính sách tương hỗ của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã giúp các trường CĐ, TCCN không chỉ chủ động cởi bỏ tư duy cũ để hướng sang mô hình quản trị mới, mà các trường còn thay đổi toàn diện từ hệ thống cơ sở vật chất, xưởng thực hành, phương pháp đào tạo… để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu lao động cho thị trường lao động.
“Nhiều ngành nghề hiện nay học viên ra trường không chỉ có việc làm ngay mà mức lương còn rất cao. Điều đó tạo hiệu ứng rất tốt cho công tác tuyển sinh và thu hút học sinh rẽ hướng sang học nghề” – TS Lâm nói.
Sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng của trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM trong một giờ thực hành. |
Nhiều chính sách hỗ trợ, ngành nghề hấp dẫn ra đời
Năm 2021, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đặt mục tiêu tuyển sinh được 2,5 triệu người, trong đó hệ cao đẳng là 260 nghìn người. TCCN là 340.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1,9 triệu người (1,5 triệu lao động nông thôn, 30.000 người khuyết tật).
Để đạt mục tiêu này, Tổng cục GDNN tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển GDNN gắn liền thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề.
Cụ thể, các địa phương đẩy mạnh, quan tâm hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ bậc THCS, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề.
Các cơ sở GDNN tiếp tục chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng việc làm của người học sau khi tốt nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả.
Thực tế, các chính sách hỗ trợ cho hệ thống GDNN và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động được Chính phủ hết sức quan tâm. Đơn cử, ngày 28/5/2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.
Các chính sách trên, theo thạc sĩ Trần Thành Đức – Hiệu trưởng trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt – đã gián tiếp thúc đẩy sự chuyển dịch nơi các trường. Theo thạc sĩ Đức, xã hội hóa GDNN, gắn kết doanh nghiệp và các trường nghề trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp (cam kết việc làm) vẫn là hướng lựa chọn tối ưu trong tương lai gần của các trường và hệ thống GDNN.
“Vài năm trở lại đây, nhiều trường đã xây dựng chính sách học bổng, cam kết việc làm với sinh viên sau khi ra trường. Nhiều trường còn mở thêm nhóm ngành nghề mới có sức hút lớn để hút học sinh, qua đó ngày càng nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên môn, với kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, gián tiếp tạo sức hút cho hệ thống GDNN” – thạc sĩ Đức nói.
Nhìn nhận doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc giúp hệ thống trường nghề “cất cánh”, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GGNN – cho rằng đánh giá chất lượng đào tạo, chất lượng lao động và hiệu quả GDNN thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp là nơi đánh giá chính xác và hiệu quả nhất về chất lượng đào tạo của các trường cũng như chất lượng GDNN. Năm 2020, hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã được triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, đã kiện toàn tổ công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp, khai thác những giải pháp gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động với sự tham gia của doanh nghiệp. Các trường cũng đã tích cực đổi mới và đa dạng hóa các phương thức đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy chất lượng và tạo sức hút tốt hơn với người học” – ông Dũng nhận định.