Thơ của Đoàn Ngọc Thu in thành tập lần đầu cách đây gần 30 năm, rải rác dăm bảy năm lại ra một tập. Gần đây, thơ của chị tuyển vào tập Thu không. Nhưng ấn tượng hơn cả là tập thơ Sau bão mới được NXB Hội Nhà văn phát hành.
Tập thơ Sau bão. Ảnh: N.T. |
Mọi tế bào đều dành cho tình yêu
Đọc Sau bão, tôi có cảm giác mọi tế bào trong Thu đều dành cho tình yêu. Nó choán hết mọi khoảng trống trong tâm hồn, cuộc sống và trong thơ Đoàn Ngọc Thu.
Tình yêu trong thơ Thu lỡ dở, quay quắt, xa xót, hiếm khi viên mãn, tròn đầy. Những cuộc tình lỡ vốn là hành trang quý giá mà con người mang theo trong suốt cuộc đời. Cuộc tình xưa như một vết xước trong ký ức, như chiếc bình vỡ mà Thu lưu giữ trong Chuyện chiếc bình hoa vỡ:
“Chiếc bình gốm từng vô tình tuột tay
Sứt một mảnh mà chẳng đành đem bỏ
Neo ân tình tháng năm còn nguyên đó
Dẫu gần, dẫu xa… đã từng có trong đời”.
Ký ức ấy đôi khi thảng thốt trở lại trong những vọng âm xưa, khi gió heo may về:
“Sao chợt buồn
Bởi bóng ai đi ngang
Tay vờ ngoan nằm trên tay
Trăng hạ huyền ngã nhào vào heo may”.
(Vọng)
Thu hay ngồi một mình nhẩn nha nhớ về cuộc tình đã cũ. Nhưng ngay trên bước đường phiêu lãng theo ngọn gió, Thu cũng hay trở lại những trải nghiệm đớn đau trong tình yêu, đủ để thương cảm (chứ không phải thương hại) những người tình si (thường trẻ tuổi) khi bắt gặp hàng hàng ổ khóa hoen gỉ nơi Cầu tình Prague:
“Gặp Cầu tình rơi chút buồn ngạo nghễ
Thương những kẻ si ảo, hão huyền
Có khóa nào giữ được lòng tin?
Có ổ nào neo tình yêu không biến hình…
Như đóa hồng thoắt thành phù thủy
Như bạch mã rũ bờm nguyên hình ác quỷ.
(Ngẫu hứng Cầu tình)
Đấy là góc nhìn về tình yêu mà chỉ những người từng trải mới có thể thốt ra mà không sợ mang tiếng đi ban phát kinh nghiệm, thứ mà những người đang yêu bất chấp chẳng bao giờ cần đến!
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu. Ảnh: N.T. |
Điểm hẹn tháng ba
Trong Sau bão, Đoàn Ngọc Thu có loạt bài thơ tháng ba: Bài thơ tháng ba; Tháng ba đi nhưng ta sẽ còn nhau; Tháng ba trượt ngã trước thềm; Này thì tháng ba; Đánh thức tháng ba, Nếu một ngày, tháng ba ta lỡ hẹn.
Chẳng cần phải tinh ý lắm cũng biết rằng nó gắn liền kỷ niệm riêng tư nào đó trong cuộc đời nữ nhà thơ đa đoan này.
Bởi thế, tháng ba trong thơ Đoàn Ngọc Thu cũng như một bản nhạc vu vơ nào đó ta bất chợt nghe khi cuộc tình ta đành đoạn, nhiều năm sau nghe lại vẫn như thấy tiếng thủy tinh vỡ; như tiếng bìm bịp kêu chiều hoang hoải ta bắt gặp ở miền sông nước đúng vào lúc bồn chồn nhớ mắt người yêu, sẽ còn vọng lại trong hồn ta qua bao tháng năm mệt mỏi của đời người.
Đọc những tháng ba của Đoàn Ngọc Thu, thấy những mùa đi qua của người đàn bà đang yêu, khi hoa gạo còn đương nụ và bài thơ cho người còn chưa kịp viết. Ấy là lúc lửa tình đang ngún cháy như hòn than đỏ vùi trong tro, để tin vào màu xanh lộc biếc, tin tình yêu sẽ ở lại:
“Người có thấy lộc xanh nảy nõn nường không
Có nghe bước mùa sang giỡn đùa cỏ rối
Nhẹ nhàng nhé, tìm nhau trong bóng tối
Cùng kéo tháng Ba ở lại với chúng mình”.
(Bài thơ tháng ba)
Tháng ba đắm say, tháng ba lỡ dở. Thu nói rằng mình không làm thơ có vần nhưng Tháng ba trượt ngã trước thềm là một trong những bài lục bát hiếm hoi trong Sau bão. Vẫn là màu hoa gạo đỏ tháng ba như lửa cháy, khi người đàn bà cảm thấy chông chênh nỗi buồn:
“Hoa gạo nở đỏ để… rơi
Cập bờ, gia sản ôi thôi đã chìm
Tháng Ba trượt ngã trước thềm
Nhìn mưa trong nắng, buồn tênh những buồn…”.
Ám ảnh màu hoa gạo lại một lẫn nữa trở lại trong dằn dỗi Này thì tháng ba, khi mùa nối mùa sang không một lời từ giã, để:
“Còn lại em trong bóng đêm buồn bã
Cam nhìn nguyệt thực nuốt dần trăng…”
Có vẻ như ký ức tháng ba với cái rét nàng Bân đan áo cho chồng trong thơ Thu buồn nhiều hơn vui, giá lạnh hơn ấm áp. Trong Nếu một ngày, tháng ba em lỡ hẹn, tháng ba như một nhân chứng ranh mãnh, chứng kiến người đàn bà lỡ hẹn với hạnh phúc bởi sợ hãi sự lọc lừa, phản trắc:
“Tháng ba ạ, đi ngang như người lạ
Nắng vô tình, gió cũng dửng dưng
Em vẫn sợ nhát dao bất ngờ xuyên thấu
Từ sau lưng, khi môi miệt mài hôn”.
Cũng có những tháng ba hiếm hoi trong thơ Thu tràn đầy nhục cảm, như Đánh thức tháng ba, đánh thức niềm hoan lạc nơi người đàn bà trong một cuộc tình tưởng chừng như đã ngủ vùi sau bão giông đời người:
Ôm tháng Ba ghì xiết
Giá lạnh trôi chốn quên
Giọt tháng Ba dịu ngọt
Môi mắt say chung chiêng…
Cũng không phải tháng ba nào trong cuộc đời Thu đều có cái kết buồn. Đọc Tháng ba đi nhưng ta sẽ còn nhau của Đoàn Ngọc Thu, ta nhớ Vũ Hoàng Chương với “Chúng ta mất hết chỉ còn nhau”.
Người đàn bà đa đoan nhưng đủ mạnh mẽ, quyết liệt để ghim giữ tình yêu, không để nó trượt trôi đi mất. Thời gian qua đi không thể níu lại được nhưng cây mộc ươm mầm thời yêu say đắm vẫn nở hoa trắng muốt, tỏa hương dịu nhẹ nhắc nhớ về một đời sống gia đình bình dị:
“Nhưng chắc chắn ta sẽ còn nhau
Vì cây em trồng vẫn đơm hoa kết trái
Bếp lửa trong nhà mình còn cháy
Bữa cơm chiều, rộn rã tiếng cười con”.
(Tháng ba đi nhưng ta sẽ còn nhau)
Từ một dấu ấn riêng tư nào đấy, qua thơ Đoàn Ngọc Thu, tháng ba đã thành điểm hẹn chung cho những cuộc tình qua hồi đắng đót đến lúc ngọt ngào.
Người đàn bà tình
Sau bão của Đoàn Ngọc Thu là tập thơ tình. Đúng hơn, là những xót xa, dằn vặt của người đàn bà tận hiến hết mình cho tình yêu. Người đàn bà trong thơ Thu là người đàn bà tình.
Người đàn bà ấy van vỉ:
“Anh đừng nhớ em nữa được không
Thu đã ngưng gió
Những lá vàng cuối cùng đã ngủ
Trên mặt đường không còn cả những dấu chân…
Từng đi ngược lối nhau…”.
(Đừng nhớ em nữa được không?)
Vậy nhưng người đàn bà ấy vẫn thật yếu đuối, nước mắt buồn tràn mi khi phải đối diện với trống vắng:
“Người đi đâu để nắng quái chiều hôm heo hắt
Người đi đâu cho mùa Thu mưa dăng mờ mi mắt
Người đi đâu giữa bao ngóng ngàn mong
Bảo giông đang về, người có biết không?”.
(Idol)
Yêu mà buồn thế!
Đọc những bài tình buồn của Thu, ta thấy thương cảm cho những người đàn bà đã, đang và sẽ yêu. Trên lộ trình buồn dằng dặc mang tên tình yêu ấy, biết bao gian nan, chông gai, cạm bẫy chờ đón người đàn bà.
Có vẻ Đoàn Ngọc Thu đã vượt qua những trắc trở ấy, đến bến bình yên dưới gốc mai nhà chiu chít nở hoa, để kết tinh khổ đau, hạnh phúc thành những vần thơ như dứt ruột của Thu.
Bìa cuốn Sau bão là bức tranh tối giản của Lê Thiết Cương. Có cảm tưởng giá như còn bớt được nét nào thì Cương cũng bớt, bởi bớt đi, trong trường hợp này, là thêm vào. Người đàn bà áo tím cô đơn trong tranh Cương, dường như sẽ chẳng bao giờ tìm được bình yên sau bão.
Tác giả Yên Ba (sinh năm 1962) là nhà báo chuyên theo dõi mảng thể thao và đời sống quốc tế, một người sưu tầm sách có tiếng. Ông từng cho ra mắt những đầu sách với đề tài tình báo như: Vụ đánh cắp thế kỷ (tập truyện trinh thám chính trị quốc tế, biên soạn), Thoát khỏi CIA (tiểu thuyết trinh thám chính trị, dịch), Điệp viên ở Washington (tiểu thuyết trinh thám chính trị).
Đặc biệt, Răng sư tử (biên khảo về cuộc chiến tình báo trong Chiến tranh Lạnh) được nhiều bạn đọc yêu thích.