“Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô giạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.
Tối 18/4, trích đoạn bài thơ Mây trắng của đời tôi của tác giả Lưu Quang Vũ đã được vang lên bằng 20 ngôn ngữ tại Hà Nội. Đây là chương trình nằm trong tuần thơ “Se sẽ chứ 2021” diễn ra từ 12 đến 19/4 tại Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, TP.HCM.
Từ bản dịch Việt – Anh ban đầu của dịch giả Trịnh Lữ, những người yêu thơ đã hết mình với công việc, tập đọc, tập hát chữ, thậm chí đã đi tìm hiểu thêm về cuộc đời, về thơ của Lưu Quang Vũ trước khi dịch thơ sang tiếng mẹ đẻ của mình.
Vượt khỏi giới hạn về thời gian, không gian, ngôn ngữ, tinh thần thơ Lưu Quang Vũ vẫn là đóa hoa nảy nở trong lòng chúng ta giá trị tốt đẹp về sự tử tế và tình yêu vô điều kiện.
Giống Lưu Quang Vũ từng viết trong Mây trắng của đời tôi: “Vượt khỏi mình tôi nhập với trăm phương”, đây là lần đầu tác phẩm được chuyển thể thành 20 ngôn ngữ gồm Pháp, Mông Cổ, Séc, Đức, Rwanda, Ba Tư, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật và tiếng dân tộc H’mong, Thái, Chăm…
Dưới sự góp giọng từ những người bạn ngoại quốc cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Mây trắng đời tôi phiên bản “nhập với trăm phương” trở thành một trong các khoảnh khắc đẹp nhất tại “Se sẽ chứ 2021”.
Được khởi xướng từ năm 2019 và điều hành bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, dự án có mục đích lưu giữ, lan tỏa tinh thần của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.
Người yêu thơ của nhiều quốc gia cùng đọc thơ Lưu Quang Vũ tại Hà Nội tối 18/4. Ảnh: Liên Giang. |
Lưu Quang Vũ trong ký ức NSND Lê Khanh
Se sẽ chứ 2021 tại L’Espace là điểm thơ cuối cùng tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: NSND Lê Khanh, NSƯT Đỗ Kỷ – NSND Lan Hương, Diva Mỹ Linh, đạo diễn Nguyễn Thước… Khán giả thủ đô đã được lắng nghe những câu chuyện đặc biệt về cả đời thơ lẫn đời thường của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.
Không người dẫn, không lời bình, không dàn dựng quá nhiều, Se sẽ chứ đặt khách thơ và dòng chảy êm đềm và kỳ lạ. Cũng tại L’Espace, lần đầu tiên, những chuyện chưa từng kể về hai cố nhà thơ được chia sẻ bởi người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng người mến mộ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.
Nhà giáo Nguyễn Quang Hòa – người bạn tri kỷ của Lưu Quang Vũ đã đọc bài thơ Tím chân chim do cố nhà thơ viết cho ông nhân ngày sinh nhật 30 tuổi. Tác phẩm chưa từng được in trên bất kỳ một tài liệu nào.
NSND Lê Khanh là một trong những nghệ sĩ có may mắn lớn lên cùng các tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Cô hồi tưởng lại ngày tháng đầu tiên của nhà hát Tuổi Trẻ và thời vàng son của sân khấu kịch, hoà mình vào trào lưu xem kịch Lưu Quang Vũ.
NSND Lê Khanh chia sẻ: “Phần lớn mọi người đã quay đi, còn riêng chú thì ngoái lại. Dường như chú là người được chọn, chú được chọn để selfie những khoảnh khắc của đời sống. Và sau những bức ảnh hiện thực bi hài ấy, ai sẽ là người vẫn yêu, vẫn tin, vẫn hy vọng? Người đó chính là Lưu Quang Vũ”.
“Chúng tôi trưởng thành với năm tuổi và năm nghề tới chừng nào, cũng được đồng hành với tác phẩm của chú Vũ tới chừng đó. Chúng tôi lớn lên, hiểu thấu được nhiều những giá trị trong cuộc sống cùng với những tác phẩm ấy”, NSND Lê Khanh nói.
Trong mắt nhiều thế hệ khán giả Việt, NSND Lê Khanh là một tượng đài gắn liền với tuổi thơ. Nghệ sĩ Lê Khanh là thế hệ đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, từng tham gia đóng vai chính nhiều vở kịch của chú Lưu Quang Vũ như Điều không thể mất, Lời nói dối cuối cùng, hay điển hình là vở kịch đầu tay của chú Sống mãi tuổi 17 khi cô tròn 16 tuổi.
Sống và lớn lên cùng những vở kịch của Lưu Quang Vũ, cô vẫn ôm trọn những ký ức và trải nghiệm đó vẹn nguyên bằng tất cả tình yêu: “Chúng tôi lớn dần lên theo thời gian sáng tác của chú. Trưởng thành dần lên qua mỗi đêm diễn của chú. Có ý thức biết yêu thương, biết chia sẻ, dám mơ ước, dám bảo vệ lẽ phải, đấu tranh cho công bằng và quan trọng nhất là luôn tin vào cái đẹp, cái thiện của ngày mai”.
Không chỉ kịch nói, thơ ca Lưu Quang Vũ cùng chất chứa những trăn trở và tình yêu dành cho cuộc sống này. Đúng như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Mình có thể yêu, có thể khóc, có thể hạnh phúc, có thể tìm thấy mọi câu trả lời của tuổi trưởng thành trong thơ Lưu Quang Vũ”.
NSND Lê Khanh chia sẻ kỷ niệm về Lưu Quang Vũ. Ảnh: Liên Giang. |
Thành viên 1977 Vlog đọc thơ Lưu Quang Vũ
Một điểm mới của Se sẽ chứ 2021 so với các mùa tổ chức trước là sự góp mặt của những gương mặt rất trẻ, đại diện cho một thế hệ của sự tiếp nối, sự sáng tạo, và sự lan toả những giá trị đẹp đẽ của di sản thơ ca.
Việt Anh, thành viên của nhóm 1977 Vlog, đã hóa thân vào Lưu Quang Vũ trong bài thơ Có những lúc, và đã hoàn toàn thuyết phục khán giả tin vào nỗi niềm đau đáu của Lưu Quang Vũ với giọng đọc hoài niệm của mình.
Cùng thơ, bài hát Tiếng Việt, phổ nhạc từ thơ Lưu Quang Vũ cũng vang lên trong hội trường L’Espace qua giọng ca trẻ Tuyết Anh. Khoảnh khắc ấy là chất xúc tác dịu dàng để tình yêu thơ văn, tình yêu tiếng Việt nảy nở trong lòng công chúng.
NSƯT Đỗ Kỷ – NSND Lan Hương lại đưa khán giả đến tận cùng cảm xúc. Một lần nữa, cặp vợ chồng đặc biệt này hoá thân thành Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ để kể câu chuyện tình vừa day dứt, vừa mãnh liệt và bao dung.
Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương, Đỗ Kỷ hóa thân thành Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh trong đêm “Se sẽ chứ 2021” ở Hà Nội. Ảnh: Liên Giang. |
Trái ngược với phỏng đoán của NSND Lan Hương, rằng chỉ có những người đã nhiều tuổi mới đọc, mới yêu, mới muốn làm chương trình về thơ từ những ngày xa xưa như thế này, đội ngũ tình nguyện viên và khán giả đến với Se sẽ chứ luôn là những gương mặt rất trẻ.
Tới chương trình, NSND Lan Hương đã nói: “Có lẽ Se sẽ chứ chính là cái cầu để kết nối các thế hệ ngồi lại với nhau, qua chất xúc tác là thơ, là những câu chuyện của những người thơ”.
Se sẽ chứ đã đem tới cho công chúng một cái cớ hoàn hảo, để mọi người có lý do chậm lại đi tìm tình yêu nghệ thuật bên trong chính mình. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chia sẻ ở phần cuối chương trình: “Thơ là để hàn gắn, thơ sẽ chữa lành. Xin chúng ta đừng mắng thơ và xin những nhà thơ đừng mắng nhau”.