Tháng 3/1978, nhà Vật lý nổi tiếng Trung Quốc Lý Chính Đạo đề xuất kế hoạch ươm mầm tài năng trẻ. Dựa trên sáng kiến đó, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thành lập lớp học dành cho những thiếu niên tài năng.
Trải qua gần 50 năm, dự án này đã “ươm mầm” 1.027 tài năng trẻ thuộc nhiều lĩnh vực. Thiên tài Doãn Hy là một trong số đó, theo Dayday News.
Doãn Hy, sinh năm 1983 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Xuất thân từ gia đình trí thức cao, cha mẹ đều tốt nghiệp Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, Doãn Hy từ bé đã bộc lộ khả năng vượt trội bạn bè cùng lứa.
5 tuổi, khi bạn bè đang học đánh vần, Doãn Hy có thể đọc thuộc lòng 300 bài thơ cổ. Lên tiểu học, cậu bé bắt đầu đọc sách giáo khoa đại học của cha, bao gồm sách về giải tích, cơ học lượng tử. Cha của Doãn Hy cũng thường cho con trai đến phòng làm việc và hướng dẫn con thực hiện một số thí nghiệm đơn giản.
9 tuổi, cậu bé thiên tài được nhận vào lớp thực nghiệm của trường THCS số 8 Bắc Kinh, nơi đào tạo những học sinh ưu tú của thành phố.
Doãn Hy tham gia lớp thực nghiệm của trường THCS số 8 Bắc Kinh khi 9 tuổi. Ảnh: Sohu. |
Tài năng nhưng kiêu ngạo
Được đào tạo chương trình THCS khi chỉ mới 9 tuổi nhưng Doãn Hy lại bộc lộ rõ thế mạnh của bản thân và liên tục đứng đầu cả lớp. Thiên tài nhí có thế mạnh về Toán và Vật lý, cậu luôn đạt điểm tối đa.
Đối với cậu bé 9 tuổi, những kiến thức được dạy ở lớp vốn rất quen thuộc. Cậu thường xuyên đi học muộn, bỏ về sớm và không làm bài tập về nhà. Doãn Hy cho rằng cậu không cần phải nghe giáo viên lặp đi lặp lại những kiến thức đã biết, gây lãng phí thời gian.
Khi giáo viên phản ánh thái độ học tập, mẹ của Doãn Hy tức giận và chất vấn con. Tuy nhiên, cậu bé chỉ trả lời rằng: “Kiến thức đều ở trong đầu con, tại sao con phải mất công viết ra giấy?”.
Không lâu sau đó, Doãn Hy nhận ra mình không còn phù hợp với môi trường trung học. Cậu đề nghị tự ôn thi và cam kết sẽ đậu Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trong vòng 3 năm. Lời khẳng định này khiến nhiều người sửng sốt và cho rằng thiên tài nhí quá kiêu ngạo, không biết tự lượng sức mình.
Nhà trường chấp nhận đơn đề nghị của Doãn Hy. Kể từ đó, Doãn Hy không còn bị trói buộc với sách vở và giảng đường. Cậu bắt đầu dành thời gian tham dự các cuộc thi và chương trình truyền hình.
Cho đến trước kỳ thi tuyển sinh đại học, thiên tài nhí chợt nhận ra, nếu không ôn tập tử tế, cậu sẽ đứng trước nguy cơ thi trượt.
Không bỏ lỡ thời gian, Doãn Hy bắt đầu vùi mình vào sách vở, tăng gấp đôi thời gian học để ôn lại kiến thức. Cuối cùng, vào năm 1996, khi mới 12 tuổi, Doãn Hy thi đậu Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc với số điểm 572/700 và được xếp vào lớp ươm mầm tài năng trẻ.
Bước vào tuổi mới lớn, Doãn Hy chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học và vị trí hiện tại của bản thân. Khi lên đại học, cậu bắt đầu sa sút, sống thiếu kế hoạch, mục tiêu.
Khi những học sinh khác trong lớp không ngừng cố gắng và vươn lên, Doãn Hy lại “trượt dài” vì quá chủ quan và kiêu ngạo. Đến năm 2 đại học, trong một lần thi trượt, Doãn Hy mới tỉnh ngộ, nhận ra bản thân không còn ham học như trước. Cậu dần xốc lại tinh thần, bắt đầu chăm chỉ học tập.
Doãn Hy là giáo sư người Trung Quốc trẻ nhất trong lịch sử Đại học Harvard. Ảnh: Kknews. |
Đại học Harvard phải phá lệ
Nhiều năm về sau, Doãn Hy vẫn nhớ rõ bài học nhớ đời vào năm 2 đại học, đã trở nên khiêm tốn, cảnh giác và luôn nỗ lực nắm bắt mọi cơ hội. Sau 5 năm, Doãn Hy tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và lên kế hoạch du học.
Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc hỗ trợ chàng trai năm ấy làm hồ sơ xin học bổng tại 10 đại học hàng đầu ở Mỹ. Kết quả, với lợi thế là khả năng tiếp thu hơn người, Doãn Hy nhận được học bổng toàn phần từ Đại học Columbia, Đại học Harvard, Đại học Chicago, Đại học Yale… Cuối cùng, nam sinh Trung Quốc quyết định chọn Harvard, nơi đồng ý cấp học bổng toàn phần trị giá 20.000 USD.
“Tôi không được Đại học Princeton và Caltech (Viện Công nghệ California) chọn, vì thế tôi quyết định theo học tại Harvard”, Doãn Hy nói với The Paper trong bài phỏng vấn năm 2015.
Tại Harvard, Doãn Hy theo học ngành Vật lý và chỉ mất 6 năm để lấy bằng tiến sĩ. Theo truyền thống hơn 300 năm của Đại học Harvard, nghiên cứu sinh sau khi lấy bằng tiến sĩ sẽ không được phép tiếp tục học tại trường. Tuy nhiên, để giữ chân thiên tài người Trung Quốc, nhà trường quyết định buông “chiếc cọc sắt” bất khả xâm phạm này.
Năm 2008, khi mới 24 tuổi, Doãn Hy được mời làm trợ lý giáo sư tại khoa Vật lý của Đại học Harvard. Bảy năm sau, ông được thăng chức làm giáo sư khoa Vật lý và trở thành giáo sư người Trung Quốc trẻ nhất trong lịch sử Đại học Harvard, theo The Paper.
Trong thời gian làm việc tại Harvard, Doãn Hy được tiếp xúc các chuyên gia Vật lý hàng đầu, từ đó nảy sinh những ý tưởng nghiên cứu mới. Theo thời gian, danh tiếng của Doãn Hy trong cộng đồng Vật lý nước Mỹ ngày càng lan rộng. Thời điểm đó, ông được đánh giá là một trong những nhà Vật lý trẻ đáng được mong đợi.
Khi được hỏi vì sao không trở về quê hương để phát triển, Doãn Hy thẳng thắn bày tỏ môi trường nghiên cứu ở Mỹ phù hợp định hướng và sự phát triển của ông.
Tháng 12/2016, Doãn Hy được trao giải thưởng Đột phá, giải thưởng Chân trời mới trong lĩnh vực Vật lý. Đây là giải thưởng được trao cho các nhà nghiên cứu có thành tựu trong một lĩnh vực nhất định.