Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng 3 lần. Các em có thể thay đổi ngành, trường, tổ hợp xét tuyển hoặc đăng ký thêm nguyện vọng.
“Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau nhưng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.
Điểm thi tốt nghiệp ở nhiều môn tăng, điểm chuẩn có thể nhỉnh hơn các năm trước. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Không chủ quan vào điểm thi
Bà Thủy cho hay để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn không đỗ nguyện vọng nào hoặc trúng vào các nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất).
Các em tham khảo điểm trúng tuyển vào các trường, ngành các năm trước đây để chọn các ngành trường phù hợp với điểm thi tốt ngiệp THPT của mình.
Bên cạnh đó, thí sinh hạn chế chọn tham khảo các điểm trúng tuyển trước đây cao hơn, để đảm bảo an toàn, các em nên ưu tiên chọn mức bằng và có điểm thấp hơn.
Ngoài ra, thí sinh phải xem xét kỹ các điều kiện xét tuyển của các trường, như điều kiện sơ tuyển, điều kiện về ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu… để đảm đủ điều kiện xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước. Một số em đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển ĐH nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng.
“Câu này chúng tôi cũng đã chia sẻ nhiều lần. Thí sinh không nên chủ quan với điểm mình đạt được mà đổ xô tập trung vào những ngành cạnh tranh cao của các trường”, bà Thủy nói.
Vì thế, khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xem xét. Các em không vì thấy điểm mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước mà đăng ký (và không có các lựa chọn an toàn khác). Theo bà, điểm cao là cao trên mặt bằng chung, chứ không phải cá biệt một số ít thí sinh.
Nhiều thí sinh hiện nay đã xét tuyển ở các phương thức khác nhưng có em vẫn đang lưỡng lự nên xác nhận nhập học hay chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các em dễ mất cơ hội trúng tuyển vì điểm trúng tuyển năm nay có thể sẽ tăng lên.
Các em tự tin với mức điểm cao nên bổ sung thêm nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh cần cân nhắc đến triển vọng nghề nghiệp khi điều chỉnh nguyện vọng. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Cần thêm dự báo ngành nghề 4-5 năm sau
Ngoài việc cân nhắc điểm thi, cơ hội trúng tuyển, khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần quan tâm đến triển vọng nghề nghiệp tương lai, trước mắt là 4-5 năm sau, thời điểm các em tốt nghiệp.
Theo bà Thủy, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghệ 4.0, tương lai sẽ có những nghề mới xuất hiện, đồng thời một số nghề cũ mất đi.
Vì vậy, thí sinh cần tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh từ các báo cáo phân tích, dự báo, từ phương tiện thông tin đại chúng, từ nhà trường, thầy cô giáo và các chuyên gia.
Đặc biệt, các em cần lưu ý đến các ngành nghề đặc thù, các ngành công nghệ cao mũi nhọn… được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, đồng thời, cân nhắc khả năng, sở trường của mình để chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp trong tương lai.
Ngành nghề thu nhập tốt và nhiều triển vọng có liên hệ mật thiết tới thực tiễn phát triển của nền kinh tế – xã hội. Do vậy, các em thí sinh cần thêm thông tin dự báo triển vọng của các ngành nghề trong 4-5 năm tới (từ các bộ ngành, địa phương, từ các đơn vị nghiên cứu, dự báo chiến lược…) để khi các em ra trường, ngành nghề mình học vẫn có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thu Thúy lưu ý thí sinh phải thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đầy đủ, đúng quy trình trong thời gian quy định. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn sớm tới các cơ sở đào tạo và thí sinh để thực hiện sau khi có điểm thi ở đợt 2.
Bà Thủy nhắc lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2, Bộ GD&ĐT đã và đang hướng dẫn phương án điều chỉnh lại kế hoạch và đề án tuyển sinh để đủ thời gian cho các thí sinh này điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Các trường xét tuyển cho tất cả thí sinh (dù thi tốt nghiệp trong 2 đợt) trong cùng một đợt.
Mặt khác, các trường cũng xét tuyển bằng nhiều phương thức khác. Thí sinh hoàn toàn yên tâm để thi và xét tuyển vào các trường như dự kiến.
Theo thống kê của bộ, khoảng 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Các thí sinh này sẽ tham dự kỳ thi đợt 2, dự kiến tổ chức vào ngày 6-7/8.
Ở những nơi không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do dịch, thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT đã làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM để tổ chức thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho những em này dự thi và sử dụng kết quả để xét tuyển.