Tiểu thuyết Bí mật thành Paris của Eugène Sue được đăng nhiều kỳ trên báo Tranh luận từ tháng 6/1842 đến tháng 10/1843, đã đạt được thành công chưa từng có cho đến lúc bấy giờ.
Mặc dù được xuất bản trên một ấn phẩm dành riêng cho giới có thu nhập cao trong xã hội nhưng tiểu thuyết của Sue vẫn tìm được nhiều độc giả trong các tầng lớp lao động.
Sự thu hút đông đảo độc giả nhiều tầng lớp này có những nguyên nhân từ: Nội dung hiện thực gắn với sự quan sát đời sống và tiếp xúc của đại đa số người dân và nhất là họ được tiếp cận nó thường xuyên dưới dạng “tiểu thuyết nhiều kỳ” (roman-feuilleton) và nghệ thuật của tiểu thuyết.
Bức tranh bạo liệt và u tối về thành Paris
Trước khi bước vào tiểu thuyết, tác giả đã có một vài lời giới thiệu (không có trong bản dịch tiếng Việt): Về thế giới ngầm của những con người có “ngôn ngữ riêng; ngôn ngữ bí ẩn, chứa đầy những hình ảnh tai hại, những ẩn dụ rỉ máu” và thường gọi nhau bằng biệt danh lấy từ “sự tàn ác, một số lợi thế hoặc một số dị tật về thể chất” của họ, nhìn chung, đó là một bức tranh bạo liệt, u tối, tội ác.
Eugène Sue đắn đo: “Chúng tôi phân vân không biết nên dừng lại hay tiếp tục con đường mình đang đi, nếu những bức tranh như vậy được đặt ra trước mắt độc giả”.
Sau những phân vân đó, tác giả đã nói lên quan điểm “chúng tôi tin vào sức mạnh của sự tương phản” để xây dựng nhân vật. Sự tương phản chính là một phương pháp tâm đắc của chủ nghĩa lãng mạn: Sự tương phản giữa sáng và tối, thiện và ác, nhân đạo và tội ác…
Từ quan điểm nghệ thuật đó, Eugène Sue đã tái tạo nên các nhân vật, các tồn tại, trong đó có một số nhân vật có màu tối, mạnh mẽ, thậm chí có thể là thô ráp như những tương phản với một vài nhân vật chính nghĩa lương thiện khác.
Bộ sách Bí mật thành Paris mới tái bản. Ảnh: P. M. |
Ông viết tiếp: “Người đọc đã được cảnh báo về chuyến du ngoạn mà chúng tôi đề nghị anh ta thực hiện giữa những người bản địa của chủng tộc vô sinh này, nơi sinh sống của các nhà tù và máu nhuộm đỏ các giàn giáo… có thể muốn đi theo chúng tôi. Chắc chắn cuộc điều tra này sẽ là mới mẻ đối với anh ta”.
Chính những nơi “bản địa của chủng tộc vô sinh này” với thứ ngôn ngữ tiếng lóng (argot) của họ đã khơi gợi sự tò mò pha lẫn sợ hãi của độc giả, dẫn dắt họ đi theo những tường thuật hấp dẫn của tác giả hết kỳ báo này sang kỳ khác.
Sự hấp dẫn đầu tiên và phù hợp với nhiều tầng lớp độc giả chính là nội dung kể về thế giới ngầm tăm tối, những hang ổ nơi tụ tập những kẻ giết người, trộm cắp, và những nạn nhân dưới đáy Paris với cuộc đời đầy đau khổ, éo le.
Rodolphe de Gerolstein, đại công tước Đức, người giả làm công nhân để hòa nhập với chức năng một nhân vật ân nhân, cứu tinh xuất hiện mang lại công bằng cho những người nghèo đức hạnh. Đó cũng là lý tưởng về công bằng xã hội của tác giả.
Ngay ở những trang đầu tiên, từ bóng tối, Rodolphe đã bước ra trong vai anh hùng cứu người đẹp: Cứu Sơn Ca (Goualeuse), một cô gái điếm trẻ khi bị tên đồ tể có tục danh Chọc Tiết (Chourineur) bắt nạt và đã đánh bại hắn. Sau khi hắn đã tâm phục khẩu phục, Rodolphe đã mời Chọc Tiết và cả Sơn Ca đi ăn tối. Mặc dù sống lăn lóc, bụi đời, nhưng Sơn Ca với phẩm cách của mình, vẫn được đám lưu manh đặt cho biệt danh đầy tôn trọng là Trinh Nữ (Fleur-de-Marie).
Các nhân vật sẽ kể lại câu chuyện cuộc đời của mình cho Rodolphe nghe. Sơn Ca, Chọc Tiết sẽ lần lượt được Rodolphe giúp đỡ và sống cuộc đời hướng thiện. Rồi chính Rodolphe đã gặp nạn… Nhiều nhân vật khác sẽ xuất hiện và được kể lại qua chính điểm nhìn của họ hoặc của người kể chuyện.
Trong suốt hơn 2.000 trang tiểu thuyết là những cuộc phiêu lưu gặp gỡ, chia ly, tù tội, giải cứu, những màn gay cấn, ngẫu nhiên nhận ra nhau mang tính kịch… giữa nhân vật trung tâm với các nhân vật khác đầy hồi hộp, hấp dẫn.
Chân dung nhà văn Eugène Sue của họa sĩ François-Gabriel Lépaulle. Nguồn ảnh: Bảo tàng Carnavalet. |
Một câu chuyện đặc biệt gây nghiện
Sau khi Bí mật thành Paris được xuất bản và cho đến cuối thế kỉ 19, đã có không dưới 70 tác phẩm có nhan đề “bí mật” xuất hiện cả viết mới và in lại, chưa kể những “bí mật” đã được công bố trên báo chí và chưa được xuất bản thành tập.
Dù khi mới ra mắt bạn đọc dưới dạng “tiểu thuyết dài kỳ” (roman-feuilleton) có nhiều ý kiến trái chiều đã coi loại truyện kể đăng nhiều kỳ này là “văn học bình dân” (littérature populaire), “văn học ngoại biên” (paralittérature) hoặc Sainte-Beuve, nhà phê bình văn học tiếng tăm đương thời, gọi là “văn học công nghiệp”, ông chủ trương lĩnh vực kinh tế và nghệ thuật phải tách bạch, rõ ràng.
Gaschon de Molènes coi công việc của tiểu thuyết nhiều kỳ với công việc của dây chuyền lắp ráp của việc sản xuất văn học. Một điều rõ ràng là Bí mật thành Paris đã giúp cho doanh thu của báo tăng lên đáng kể do số lượng của độc giả.
Tranh minh họa của họa sĩ Oswaldo Tofani. Nguồn ảnh: Pinterest. |
Eugène Sue đã tạo ra “một câu chuyện đặc biệt gây nghiện”, và dù bị một số người gièm pha, nó vẫn gây mê hoặc cho một số nhà phê bình, tác giả khác nổi tiếng cùng thời với Sue.
Nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình Théophile Gautier đã hóm hỉnh viết: “Bệnh nhân chờ đợi cho đến khi kết thúc Bí mật thành Paris để chết; điều kỳ diệu ‘Còn nữa’ cuối mỗi số báo đã kéo họ đi từ ngày này qua ngày khác, và thần chết hiểu rằng họ sẽ không yên lặng chừng nào họ còn chưa biết kết cục của trận sử thi kỳ quái này”.
Có thể hình dung “tiểu thuyết dài kỳ” ở thế kỷ 19 gần giống như ngày nay chúng ta theo dõi tin tức về chính trị, thời sự trong nước và trên thế giới, thiên tai, nhân tai, các tội ác, vụ án, những tai tiếng của giới giải trí… ngày này qua ngày khác trên mạng.
Nhưng ở đây ta đang nói đến nghệ thuật của Bí mật thành Paris khiến nó nổi tiếng. Trước hết cần phải đề cập đến thủ pháp trần thuật nối tiếp mang tính căng thẳng kịch phát như cảnh giải cứu, trong đó nhân vật nữ chính gặp nguy hiểm có thể chết người; cảnh đánh nhau, cãi cọ. Hoặc chiến lược lặp lại nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc thông qua các điểm nhìn phong phú từ chính các nhân vật hoặc của người kể chuyện đã tạo ra sự thu hút và liên tưởng cho độc giả.
Thi pháp của tiểu thuyết dài kỳ là phải dựa trên các thủ pháp “mồi nhử” hoặc “treo” (gián đoạn tạm thời) một tình huống hoặc một nhân vật ở tình huống gay cấn nhất để giải quyết sau.
Régis Messac gọi đó là “thẩm mỹ khác biệt” hay còn gọi là “thẩm mỹ phân kỳ”, khác với “thẩm mỹ hội tụ” theo kiểu của Edgar Poe giải quyết một lần.
Trong Bí mật thành Paris có khi sự kiện, nhân vật bị “treo” cách quãng ở các chương. Tuy nhiên, việc để sự kiện, nhân vật gián đoạn mục đích làm tăng mong muốn của người đọc muốn biết phần tiếp theo cũng ít nhiều gây ra, theo Barthe, một vài “sự miễn cưỡng” của cốt truyện do sự không đồng đều của nhịp căng thẳng.
Nhưng sự thành công ngoài mong đợi của cuốn tiểu thuyết của Sue vẫn để lại những “cơn phiền muộn thú vị” (Baroni) ở độc giả đương thời do những ngắt quãng, gián đoạn.
Bệnh nhân chờ đợi cho đến khi kết thúc Bí mật thành Paris để chết; điều kỳ diệu ‘Còn nữa’ cuối mỗi số báo đã kéo họ đi từ ngày này qua ngày khác”.
Théophile Gautier
“Cơn phiền muộn” đó sẽ thưởng công cho mong đợi của người đọc đạt đến cường độ tối đa hiệu quả thẩm mĩ sau khi kết thúc thiên truyện. Biểu đồ trồi sụt của đường cong căng thẳng cũng giúp cho người đọc tạm thời thoát khỏi câu chuyện và tiếp tục các hoạt động thường nhật của mình trước khi đọc phần tiếp theo.
Bên cạnh nghệ thuật hấp dẫn độc giả, kỹ thuật tiếp nối của “tiểu thuyết dài kỳ” ở đây còn là vấn đề tài chính. Chính là nhờ công của Eugène Sue mà những người phụ trách về xuất bản đã nhanh chóng hiểu được lợi nhuận có thể thu được từ một ấn phẩm.
Hợp đồng do Charles Gosselin soạn thảo đã nhanh chóng được ký kết với tác giả để in trên báo Tranh luận. Bắt đầu từ tháng 6/1842 đến tháng 10/1843, trong hơn một năm đó, “sử thi” Bí mật thành Paris đã gây nên một cơn bão chấn động về tin tức thời sự, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ và mối quan hệ tam giác giữa độc giả, tác phẩm và tác giả đã được gắn kết một cách chặt chẽ, thường trực hơn.
Sau hơn một thế kỷ rưỡi ra mắt độc giả Pháp và phương Tây, giờ đây bạn đọc Việt Nam đang có trong tay ấn phẩm rất đẹp, sang trọng bằng tiếng Việt do nhóm dịch giả Nguyễn Xuân Dương, Lâm Phúc Giáp, Hoàng Tiến Hành, Lưu Đức Hiên, Cao Hữu Nhu dịch.
Bộ sách do công ty sách Phúc Minh liên kết với NXB Hội Nhà văn in công phu, đầy đủ hơn so với 2 lần in trước ở các NXB Long An và NXB Văn học vào các năm 1989 và 1999, không có tranh minh họa.
Với ấn bản mới này, không chỉ hiệu đính, bộ sách được bổ sung thêm 185 tranh minh họa khắc kẽm của họa sĩ Oswaldo Tofani, từng được sử dụng trong phiên bản Les Mystères de Paris (Bí mật thành Paris), do NXB J. Rouff xuất bản năm 1885, nhằm giúp độc giả có cái nhìn chân thực nhất về con người và xã hội Paris thế kỉ 19.
Trong lần in này, ngoài ấn bản bìa mềm, còn có thêm 500 ấn bản bìa cứng. Bản bìa cứng được in trên giấy dày BB80 chống lóa và được đóng dấu triện số từ 001-500 dành cho độc giả yêu sách. Bản bìa mềm in thành 5 tập; bản cứng thành 3 tập.