Cuốn Những kẻ xuất chúng (Outlier – Malcolm Gladwell) sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời về con đường thành công. Trong sách, tác giả phân tích về xã hội, văn hóa và đề cập thế hệ của những nhân vật kiệt xuất như Bill Gates, The Beatles và Mozart, bên cạnh những thất bại đáng kinh ngạc của một số người có tiềm năng lớn khác.
Được sự đồng ý của Alpha Books, đơn vị giữ bản quyền, Zing trích đăng một phần cuốn sách.
10.000 giờ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất cứ lĩnh vực nào.
Luyện tập không phải là thứ bạn làm khi giỏi giang. Nó là thứ bạn làm để khiến mình giỏi giang.
Tài năng âm nhạc của The Beatles
Quy tắc mười – nghìn – giờ chính là quy luật chung của thành công? Nếu chúng ta bới sâu xuống phía dưới bề ngoài của những người thành công vĩ đại, liệu có luôn tìm thấy những thứ như “một kiểu cơ hội luyện tập đặc biệt nào đó không”?
Hãy kiểm nghiệm ý tưởng này với hai ví dụ và để đơn giản dễ hiểu, ta sẽ lựa chọn ví dụ càng quen thuộc càng tốt: The Beatles, một trong những ban nhạc rock nổi danh nhất từ trước tới nay.
The Beatles – với bốn thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr – đặt chân tới nước Mỹ vào tháng 2/1964, bắt đầu cái gọi là “Cuộc xâm lăng của Anh quốc vào sân khấu âm nhạc Mỹ”. Họ cho ra đời một loạt bản thu âm đỉnh cao đã biến đổi cả diện mạo của nền âm nhạc đại chúng.
Điều thú vị đầu tiên nên biết về The Beatles là họ đã sát cánh bên nhau được bao lâu tính đến thời điểm đặt chân đến Mỹ. Lennon và McCartney bắt đầu chơi nhạc với nhau vào năm 1957, bảy năm trước khi đổ bộ vào Mỹ.
Từ trái sang: Paul McCartney, Ringo Starr, John Lennon và George Harrison. Ảnh: Chris Walte/Getty Images. |
Vào năm 1960, trong khi mới là ban nhạc rock của trường trung học dò dẫm tìm đường, họ đã được mời đến chơi nhạc ở Hamburg, Đức.
“Vào những tháng ngày ấy, Hamburg không hề có các câu lạc bộ rock-and-roll. Nó chỉ có các câu lạc bộ thoát y”, Phillip Norman, người chấp bút cuốn tiểu sử về The Beatles có tên Shout!, cho biết.
“Có một ông chủ câu lạc bộ khác người tên là Bruno, vốn xuất thân là ông bầu chợ phiên. Ông này có sáng kiến đưa các nhóm nhạc rock vào chơi ở các câu lạc bộ khác nhau. Các câu lạc bộ đồng ý làm theo cách này.
Hãy thử hình dung, đó là một buổi biểu diễn liên miên không ngừng nghỉ, với rất nhiều người loạng choạng đi vào và những kẻ khác loạng choạng đi ra. Các ban nhạc sẽ chơi liên tục để lôi kéo sự chú ý của xe cộ ngang qua.
“Rất nhiều ban nhạc chơi ở Hamburg đều đến từ Liverpool”, Norman nói tiếp, “Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bruno tới London để tìm kiếm các ban nhạc. Ông ta tình cờ gặp ở Soho một thương gia từ Liverpool đang xuôi xuống London tìm kiếm cơ hội.
Và ông đã dàn xếp để chọn đưa vài ban nhạc tới Hamburg. Đó là cách những mối liên kết được xác lập. Và cuối cùng, The Beatles đã tạo nên mối liên hệ không chỉ với riêng Bruno mà với cả những ông chủ câu lạc bộ khác nữa.
Có điều gì đặc biệt ở Hamburg chứ? Đó có phải là nơi trả công cao? Không hề. Hay âm thanh ở đó thật tuyệt? Cũng không. Hay là khán thính giả rất am hiểu và nể trọng ban nhạc? Chẳng một nguyên nhân nào trong số đó đúng cả.
Chỉ là khối lượng thời gian tuyệt đối mà ban nhạc bị buộc phải chơi. Trong một buổi phỏng vấn sau khi The Beatles tan rã, kể về những buổi biểu diễn của ban nhạc tại một câu lạc bộ ở Hamburg mang tên Indra, John Lennon nói:
“Chúng tôi chơi khá hơn và thêm tự tin. Điều đó là tất yếu sau những trải nghiệm do việc chơi nhạc suốt đêm dài mang lại. Thêm cái lợi nữa họ là người nước ngoài. Chúng tôi phải cố gắng thậm chí nhiều hơn nữa, trút tất cả trái tim và tâm hồn vào đó, để vượt qua chính mình.
Ở Liverpool, chúng tôi mới chỉ chơi trong những suất diễn dài một tiếng đồng hồ, và chúng tôi thường chơi đi chơi lại một số ca khúc tủ của mình trong mọi buổi biểu diễn. Ở Hamburg, chúng tôi phải chơi suốt tám tiếng đồng hồ, nên chúng tôi thực sự phải tìm kiếm một cách chơi mới”.
Bức ảnh mang tính biểu tượng của The Beatles. Ảnh: UltimateClassicRock. |
Tám tiếng một ngày? Bảy tối một tuần?
Còn đây là Pete Best, tay trống của The Beatles lúc bấy giờ: “Mỗi khi có tin tức lan ra về việc chúng tôi đang thực hiện một sô diễn, câu lạc bộ bắt tay vào dập tắt nó ngay. Chúng tôi chơi suốt bảy tối một tuần.
Mới đầu chúng tôi chơi gần như một mạch không nghỉ tới khi câu lạc bộ đóng cửa lúc 23h. Nhưng khi chúng tôi đã chơi khá hơn, đám đông khán giả thường ở lại tới tận 2h sáng”.
The Beatles đã tới Hamburg 5 lần trong khoảng giữa năm 1960 tới cuối năm 1962. Trong chuyến đi đầu tiên, họ chơi nhạc trong 106 tối, năm hay sáu tiếng một tối. Trong chuyến thứ hai, họ chơi 92 lần.
Tới chuyến đi thứ ba, họ chơi 48 lần, tổng cộng là 172 giờ trên sân khấu. Trong hai hợp đồng biểu diễn cuối cùng ở Hamburg, vào tháng 11 và 12 năm 1962, có thêm 90 giờ biểu diễn nữa. Tổng cộng, họ đã biểu diễn tận 270 đêm chỉ trong vỏn vẹn một năm rưỡi.
Tính đến thời điểm họ có được đợt bùng nổ thành công đầu tiên vào năm 1964, trên thực tế, họ đã biểu diễn trực tiếp ước hàng trăm lượt. Bạn có biết điều đó phi thường tới cỡ nào không? Hầu hết ban nhạc ngày nay không biểu diễn nhiều đến mức hàng trăm suất tính trong toàn bộ sự nghiệp.
Thử thách gắt gao ở Hamburg là một trong những điều khiến The Beatles khác biệt hoàn toàn. “Họ chẳng có gì xuất sắc trên sân khấu vào thời điểm họ tới đó nhưng lúc quay trở về họ đã rất cừ”, Norman tiếp tục.
“Họ không chỉ học được khả năng chịu đựng. Họ còn phải học một khối lượng lớn ca khúc – phiên bản bằng âm nhạc của tất cả gì bạn có thể nghĩ tới, không chỉ rock & roll, thêm một chút jazz nữa. Trước đó, họ không hề có kỷ luật trên sân khấu. Nhưng khi quay trở lại, họ mang phong thái không giống với bất cứ ai. Đó là điều làm nên chính họ”.