Sách “Naked Money – Sự thật trần trụi về tiền” giúp người đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về tiền, hệ thống tài chính và cách nền kinh tế hiện đại vận hành.
Trong cuốn Naked Money – Sự thật trần trụi về tiền, tác giả Charles Wheelan – hiện là giảng viên cao cấp và nghiên cứu chính sách tại Trung tâm Rockefeller – đã cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về tiền (từ nguồn gốc, chức năng cơ bản của tiền tệ, đến chế độ bản vị vàng, đôla hóa, rồi đồng tiền chung khu vực như euro, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số như bitcoin, onecoin…).
Bên cạnh đó, bằng văn phong dí dỏm, nhẹ nhàng, và những ví dụ cụ thể, tác giả còn giải thích, làm rõ cách hệ thống tài chính hiện đại hoạt động và vai trò của các tổ chức tài chính khác nhau; ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế; ảnh hưởng của tiền tệ đối với chính trị và ngược lai; các cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong lịch sử, bài học và cách phòng tránh / giải quyết các tình huống tương tự…
Bên cạnh đó, tác giả sách cũng đề cập đến tương lai của tiền tệ bao gồm sự phát triển của tiền điện tử và các xu hướng tài chính khác, và có những thách thức cần vượt qua để tạo ra một hệ thống tài chính ổn định và công bằng hơn.
Nền tảng của nền kinh tế hiện đại
Naked Money – Sự thật trần trụi về tiền gồm hai phần chính: Phần I “Bản chất của vấn đề”, tác giả tập trung vào việc mô tả các chế độ tiền tệ; vấn đề lạm phát và giảm phát; vai trò dẫn dắt của ngân hàng trung ương; tỷ giá hối đoái và hệ thống tài chính… Phần II “Tại sao nó lại quan trọng”, tác giả tập trung vào việc tìm hiểu lịch sử tiền tệ, tài chính và những cuộc khủng hoảng, từ đó phân tích, tìm nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị cho tương lai…
|
Sách Naked Money – Sự thật trần trụi về tiền. Ảnh: Alpha Books.
|
Charles Wheelan bắt đầu cuốn sách bằng việc trích dẫn câu nói của Carl Menger – nhà sáng lập Trường Kinh tế Áo, 1892 nói về bản chất của tiền: “Bản chất của những đồng tròn nhỏ hay những tờ giấy đó là gì, khi dường như bản thân chúng không phục vụ mục đích hữu ích nào nhưng lại được truyền tay từ người này sang người khác để trao đổi những thứ hàng hóa hữu ích nhất, và quả thực, mọi người đều rất háo hức giao nộp hàng hóa của mình”.
Tiếp đó, tác giả bàn về việc làm thế nào mà tờ giấy trong ví chúng ta hay những con số trong tài khoản ngân hàng của chúng ta lại có giá trị như vậy, và làm thế nào mà quy ước kỳ lạ – trao đổi những tờ giấy dường như vô dụng để lấy hàng hóa thật – lại trở thành nền tảng cho nền kinh tế hiện đại.
Theo tác giả, một đồng tiền có giá trị lưu hành phải phục vụ được ba mục đích. Đầu tiên, nó đóng vai trò là đơn vị đo lường. Có nghĩa là người ta đặt một đơn vị tiền tệ cụ thể để đặt mức giá trị lên đồ vật. Nói cách khác đó là đơn vị đo lường để định giá các đồ vật. Thứ hai, tiền là phương tiện lưu trữ giá trị. Nó cho chúng ta một cách thức để chấp nhận khoản thanh toán cho một thứ gì đó vào lúc này và sử dụng nó để mua trong tương lai. Thứ ba, tiền được sử dụng như một phương tiện trao đổi, nghĩa là nó được sử dụng để dễ bề thực hiện các giao dịch.
Tuy nhiên, tác giả lưu ý, tiền không đồng nghĩa với của cải / tài sản đơn thuần, mà nó là loại tài sản thường có thể sử dụng ngay lập tức để mua bán hàng hóa. Ví dụ tiền mặt, các khoản tiền gửi trong tài khoản thanh toán hoặc các tài khoản khác với đặc quyền viết séc, bạn có thể sử dụng chúng để mua hàng ngay.
Ngược lại, một chiếc ôtô sang trọng và ngôi nhà khang trang không được coi là tiền, dù cả hai có giá trị lớn nhưng chúng không được sử dụng thường xuyên để mua bán. Ngay cả cổ phiếu và trái phiếu cũng không được coi là tiền, chúng là những tài sản để người bán đổi lấy tiền, sau đó có thể sử dụng để mua sắm. Điều này cho thấy tất cả tiền đều là tài sản, nhưng không phải tất cả tài sản đều là tiền.
Tương tự tất cả tiền tệ đều là tiền bạc nhưng không phải tất cả tiền bạc đều là tiền tệ. Theo Charles Wheelan về cơ bản tiền tệ bao gồm tiền giấy và tiền xu lưu hành. Tiền bạc là một khái niệm rộng hơn bao gồm cả tiền tệ và các tài sản khác có thể sử dụng để mua hàng hoặc nhanh chóng có thể chuyển đổi sang tiền tệ, chẳng hạn như tiền gửi trong tài khoản ngân hàng.
Charles Wheelan cũng lưu ý tiền hiện đại còn phụ thuộc vào niềm tin và phong tục xã hội ở một vùng lãnh thổ hoặc một nhóm người nào đó. Ví dụ Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ coi mọi tờ tiền rupee dù có bẩn và rách vẫn được coi là hợp pháp, miễn là nó còn hai dãy số se-ri nguyên vẹn. Tuy nhiên, trên đường phố Mumbai bạn khó có thể tìm được một người chấp nhận một tờ tiền rupee rách và quá cũ, kể cả số se-ri nguyên vẹn.
Một ví dụ khác là ở Somali đầu những năm 2000 người ta vẫn lưu hành những tờ tiền shilling Somali được phát hành hai thập kỷ trước bởi một chính phủ không còn tồn tại. Theo tờ Economist: “Việc sử dụng tiền giấy thường được coi là biểu hiện niềm tin vào chính phủ phát hành nó”. Với trường hợp của Somali, thực tế nước này không có chính phủ trong suốt vài thập kỷ. Tuy nhiên, tiền tệ – mặc dù chỉ là những tờ giấy – vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Lý do là vì tất cả đều chấp nhận nó.
Hệ thống tài chính hiện đại và vai trò của các tổ chức tài chính
Tiếp theo, Wheelan chuyển sang bàn về tín dụng. Theo ông, tiền không đơn thuần là những tờ tiền giấy trong ví của bạn. Toàn bộ hệ thống tài chính của chúng ta được xây dựng dựa trên một ý tưởng rất mạnh mẽ: tín dụng. Các ngân hàng và nhiều định chế hoạt động giống như ngân hàng đóng vai trò trung gian kết nối cho người đi vay và người vay (tất nhiên kèm theo một khoản phí).
|
Tác giả Charles Wheelan. Nguồn: Dartmouth.
|
Nói cách khác là ngành ngân hàng cho phép chúng ta tận dụng hiệu quả khoản vốn của người khác. Tất nhiên khoản vốn vay này vừa là nguồn sức mạnh kinh tế nhưng cũng vừa là nguồn của bất ổn kinh tế. Khi hệ thống hoạt động tốt, tiền và tín dụng sẽ là chất bôi trơn cho hệ thống, đồng thời tăng cường sự sáng tạo của con người. Khi hệ thống sụp đổ, giống như những gì đã từng xảy ra vào năm 2008, toàn bộ cơ cấu tài chính sẽ sụp đổ theo với tổn thất không lồ cho nhân loại.
Wheelan cũng đưa ra những giải thích về vai trò và cơ chế hoạt động của Ngân hàng trung ương trong việc duy trì giá trị của đồng tiền và bảo toàn sự ổn định của hệ thống tài chính. Cục Dự trữ Liên bang có trách nhiệm trong việc quản lý nguồn cung tiền, và là người cho vay cuối cùng. Cục này còn được trao những quyền lực đặc biệt, bao gồm đặc quyền in thêm tiền mới.
Trong cuốn sách, Wheelan còn bàn rất nhiều vấn đề khác nhau của tiền tệ như: việc các quốc gia sử dụng đồng tiền chung, việc các quốc gia sử dụng đồng tiền riêng; những xung đột nảy sinh khi các quốc gia khác nhau sử dụng các tờ giấy khác nhau làm tiền tệ… Ông thảo luận về sức mua tương đương, tác động của biến động tỷ giá hối đoái lên các doanh nghiệp và lợi ích cũng như chi phí của một loại tiền tệ “mạnh”, tác động của bản vị vàng đối với nền kinh tế…
Ông cũng đề cập các cuộc khủng hoảng tài chính bao gồm năm 1929 và 2008, sự ra đời của các đồng tiền mã hóa và đưa ra nhiều dự đoán về tương lai của tiền tệ, bao gồm sự phát triển của tiền điện tử và các xu hướng tài chính khác…
Tóm lại, với việc đưa ra cái nhìn tổng quan về tiền và trình bày rõ ràng về chính sách tiền tệ cũng như tác động của nó, Naked Money – Sự thật trần trụi về tiền là một tài liệu hướng dẫn toàn diện về tiền và hệ thống tài chính. Sách phù hợp với nhiều đối tượng độc giả, từ người mới bắt đầu tìm hiểu về tài chính đến các chuyên gia trong ngành.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login