Cuốn Teen ơi, làm bạn nhé là những suy ngẫm của TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, trong quá trình nuôi dạy con.
Bằng kinh nghiệm của bà mẹ và là người tiếp xúc nhiều tâm lý trẻ em, tác giả đúc rút mối quan hệ giữa trẻ tuổi dậy thì với cha mẹ, những hiểu nhầm, sai lầm từ hai phía và cách giải quyết vấn đề.
Được sự đồng ý của TS Vũ Thu Hương, Zing xin trích một phần cuốn sách.
Các cha mẹ teen thì đương nhiên là cực kỳ bực bội khi con bước vào tuổi này rồi. Đặc biệt là những thứ nhìn nhận và hiểu nhầm của teen về cuộc sống. Vậy với teen, cha mẹ cần làm gì?
Tôi liệt kê ra đây vài việc cha mẹ nào cũng phải cố mà làm dù teen đó là ai nếu không muốn gặp những sự cố hâm hấp của bọn teen dở ấy.
Cha mẹ nên cho con sống tự lập, phạm sai lầm và trả giá. Ảnh minh họa: Parents Toolkit. |
Cho teen trả giá
Chẳng có gì dạy teen tốt hơn là sự trả giá. Một hành động nào đó của teen nếu được ngăn chặn thì sẽ rất ổn nhưng nếu không, việc teen sẽ gặp phải chút khó chịu gì đó sẽ là một cơ hội tốt để cha mẹ dạy teen bài học này.
Cách thức làm rất đơn giản. Cha mẹ hãy thử lờ đi một việc teen làm mà cha mẹ biết chắc hậu quả cũng không quá lớn. Cú va vấp đó sẽ giúp cho teen sáng mắt ra.
Nhưng cha mẹ đừng quên cảnh báo trước hậu quả để teen sau khi nếm trải thấy là: Ờ, hóa ra bố mẹ mình nói đúng, nhé.
Ví dụ: Cha mẹ biết teen sẽ bị hỏng đồ nếu như cứ sử dụng một cách tệ hại như vậy thì nên cảnh báo một chút rồi mặc kệ. Dĩ nhiên, cha mẹ cần phải nói rõ là nếu đồ bị hỏng quá sớm (một vài tháng sau khi sử dụng), cha mẹ sẽ không mua đồ mới cho đâu.
Vài lần không có đồ để dùng, hoặc phải cố gắng sửa chữa để dùng đồ đã bị hỏng sẽ là bài học thú vị cho teen.
Cho teen làm việc nhà
Tôi biết rất nhiều cha mẹ thương teen học hành nhiều nên đã cố gắng hết sức chăm sóc, làm giúp mọi việc.
Điều đó thật sự dễ làm teen hiểu nhầm rằng mọi việc nhà không phải của các bạn ấy. Về sau nếu có yêu cầu làm, các bạn ấy nghĩ ngay đến việc bị bóc lột sức lao động, lạm dụng… này nọ, chứ không nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mình.
Việc này sẽ làm cho mối bất hòa giữa cha mẹ và teen ngày càng nới rộng. Vì thế, cha mẹ đừng chiều teen, hãy cho làm việc nhà nhiều vào nhé.
Giải thích đến cùng khi tranh cãi
Có ai dám phản bác lại tuổi bướng nhất là tuổi teen không? Giời ơi, nói gì cũng cãi, ngang hơn cua.
Vấn đề là nhiều cha mẹ tranh luận với teen một lúc thấy đuối lý là sử dụng chưởng “tao là bố mày” ra để xử. Đương nhiên, teen không phục nên sự ức chế tích tụ ngày càng nhiều.
Vì vậy, các cha mẹ mà tranh luận một lúc không thắng thì nên hoãn binh để đi tìm thêm dẫn chứng khoa học về cãi tiếp chứ đừng sử dụng chiêu thức của “người làm bố” ra nhé.
Cha mẹ cần biết xin lỗi con khi làm sai. Ảnh minh họa: Teens – Lovetoknow. |
Nếu sai, xin lỗi ngay và luôn
Các cha mẹ hãy tự thú đi, không phải lúc nào mình cũng đúng, đúng không nào? Vì thế, teen sẽ vô cùng bực bội với cái nguyên lý “Muốn nói ngoa, làm cha mà nói” của các cha mẹ.
Đừng hành xử thiếu công bằng và vô lý. Đã sai thì nhận sai đi. Người dũng cảm mới dám thừa nhận sai sót. Cha mẹ thừa nhận thì teen càng nể phục chứ có sao.
Đừng sĩ diện, nhận sai đi nhé. Nếu cảm thấy khó thì có thể viết một mẩu giấy nhỏ ghi chữ: Bố/mẹ xin lỗi, bố/mẹ đã sai…. Đảm bảo “người ta/ teen đại lượng” sẽ tha thứ cho bố/mẹ ngay.
Cư xử công bằng giữa các con
À, một lý do lớn để teen bực bố mẹ chính là vì bố mẹ cứ bắt teen phải nhường cái gì đó cho em. Con cũng là người, mình cũng là người, không lẽ mình là ngợm, mà sao bố mẹ phân biệt thế chứ.
Ức chế này không biết tỏ cùng ai nên sẽ quy kết trách nhiệm thuộc về bố mẹ và bố mẹ có tội là đã không thương yêu mình.
Vì vậy, nếu có của ngon vật lạ gì thì chia công bằng dù con lớn cao 1,7 m và con nhỏ vẫn đang ẵm ngửa bố mẹ nhé.
Tuyệt đối tránh xông vào can thiệp lúc anh chị em chúng con cãi nhau
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng mình cần phải làm quan tòa phân xử. Hờ, chúng con chẳng cần đâu. Bố mẹ cứ để chúng con tự lo. Đứa nào mách thì bảo thẳng: Đó là việc của các con, các con tự xử.
Can thiệp làm gì. Sự can thiệp đó sẽ khiến bọn trẻ con ghét nhau lắm đấy. Kệ, bố mẹ cứ để chúng con tự xử đi. Yên tâm là chúng không hại nhau đâu.
Tâm sự với teen như bạn
Tuổi này teen cần bạn hơn bố mẹ. Thế nên, thay vì cấm đoán, quát mắng, cha mẹ hãy dành thời gian buôn dưa với teen, kể cho teen nghe chuyện của mình thời trẻ, thời nay và xin ý kiến teen đê.
Gì chứ được cha mẹ tin tưởng, teen sẽ người lớn hơn nhiều và hiểu biết hơn nhiều đấy nhé.
Thể hiện tình yêu với teen
Bố mẹ nào cũng nghĩ teen lớn rồi, ai lại còn thể hiện tình yêu gì nữa chứ. Hic, teen cần tình yêu lắm đấy. Đừng nghĩ không cần.
Một lá thư viết hơi sến, một trái tim vẽ vào cặp kèm theo dòng chữ: Mẹ yêu teen sẽ làm teen sướng phát rồ. Tin tôi đi, teen sẽ đáp lại cả trăm nghìn lần ấy.
Thỉnh thoảng theo đuôi teen làm mấy trò điên rồ
Kiểu như rỗi hơi đột ngột lôi váy của teen ra ướm thử chẳng hạn, he he he, chúng con sẽ khoái bố mẹ cực. Lâu quá thì cũng nói “bậy” một câu, sử dụng ngôn ngữ teen một chút, các bạn ấy sẽ thấy bố mẹ mình vô cùng trẻ trung và tâm lý.
Thế là đủ rồi, chẳng mất nhiều thời gian nhưng chắc chắn các bạn ấy sẽ bớt dở hơi hơn nhiều đấy nhé.
Sống với mấy bạn “sáng nắng, chiều mưa, trưa bình thường” thì bực mình là đương nhiên. Giữ bình tĩnh, tin tưởng vào con và thực hiện 9 chiêu trò tôi viết trên đây, các cha mẹ sẽ thấy mọi thứ ổn hơn nhiều lắm đấy!