Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì, cuốn sách xem xét tương đối toàn diện những khía cạnh chủ yếu của cuộc chiến tranh của Đức tại những vùng lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng. Xuất bản lần đầu năm 2007, đến nay, sách tiếp tục được tái bản và bàn luận tại các diễn đàn ký ức lịch sử.
Ngày nay, nói đến Holocaust, người ta thường hình dung đến buồng hơi ngạt, lò thiêu xác đã được Đức Quốc xã thiết lập tại các trại tập trung để thủ tiêu dân Do Thái. Từ Holocaust bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, holos (toàn bộ) và kaustos (thiêu đốt). Holocaust đã dẫn đến cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái ở châu Âu.
Không chỉ là những con số
Tại Mặt trận phía Đông, vùng đất Liên Xô bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong thời kỳ 1941-1945, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Ukraina, Belarus và một phần nước Nga, nơi mà các sử gia Đức gọi đó là một Holocaust thứ hai thì sao?
Theo số liệu chính thức của Liên Xô, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mà người Xô viết gọi là chiến tranh vệ quốc vĩ đại, khoảng 1.710 thành phố và thị trấn, 70.000 thôn làng, 30.000 xí nghiệp công nghiệp, 100.000 nông trang tập thể, 40.000 bệnh viện và cơ sở y tế, 84.000 trường học đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần.
Bìa sách Người Xô Viết đã chiến đấu vì điều gì. Ảnh: NXB Trẻ. |
Tổn thất về con người còn khủng khiếp hơn nhiều, khoảng 26,6 triệu người.
Cuốn sách Người Xô viết đã chiến đấu vì điều gì của sử gia Alexander Dyukov, điều phối viên của Nhóm thông tin về Tội ác chống lại loài người (IGCP), giám đốc quỹ “Ký ức lịch sử”, nhà nghiên cứu tại Viện lịch sử thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, đã vạch trần toàn bộ và chi tiết việc Đức Quốc xã và đồng bọn đã tiến hành cuộc chiến nhằm hủy diệt và nô dịch người dân Liên Xô.
Với nguồn dẫn từ hồ sơ tư liệu của phiên tòa Nürnberg xét xử các tội phạm chiến tranh phát xít Đức, những công trình của các sử gia Liên Xô và phương Tây, nhiều trích dẫn các mệnh lệnh của tổng tư lệnh phát xít Đức, mà riêng phần tài liệu tham khảo và chú thích nguồn tư liệu đã có độ dài bằng một chương sách, tác giả đã chứng minh đầy đủ rằng tội ác dã man của Đức Quốc xã là hành động có hệ thống, được lên kế hoạch với sự tỉ mỉ để chống lại nhân dân Xô viết.
Thông điệp gửi hôm nay
Cuốn sách mang đến cảm giác rợn người trước những tội ác được tính toán và hoạch định một cách chi tiết về “giảm dân số” khoảng 30 triệu “bọn hạ đẳng” Slav và Do Thái Xô viết để mở rộng “không gian sống” cho Đế chế thứ ba.
Chúng tạo ra nạn đói để thủ tiêu tù binh chiến tranh và dân cư vùng chiếm đóng như lời một tướng lĩnh cấp cao của Quốc xã: “Cái đói còn hiệu lực hơn khẩu súng máy rất nhiều”.
Đức Quốc xã đã không nương tay với cả phụ nữ lẫn người già và trẻ em, kể cả trẻ thơ còn bú mẹ.
Qua các nguồn tư liệu, tác giả đã cho thấy Endlösung – “giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái” trên toàn lãnh thổ châu Âu – chỉ trở nên khả thi sau vụ thảm sát Babi Yar tại Ukraina. Nghĩa là từ đây “vấn đề Do Thái” có thể được giải quyết một cách triệt để không phải bằng con đường trục xuất người Do Thái ra khỏi châu Âu, mà đơn giản là có thể thủ tiêu bằng sạch về thực thể!
Hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch và Phan Xuân Loan, những người chuyển ngữ cuốn sách. Ảnh: T. N. |
Lịch sử tội ác của phát xít không được chìm vào quên lãng. Qua cuốn sách này, độc giả sẽ hiểu rõ hơn vì sao người Xô viết đã gọi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai trận Mặt trận phía Đông là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Ngày nay, một số phương tiện truyền thông có hướng đảo chiều những giá trị lịch sử, đặt ngang hàng Đệ tam đế chế với Liên Xô, thậm chí xem Liên Xô như một nước chiếm đóng, sử gia Alexeander Dyukov đã đặt ra những hướng nghiên cứu mới cho các sử gia thế giới.
Theo ông, thiếu hiểu biết về những gì xảy ra trên những lãnh thổ chiếm đóng, người Nga sẽ không thể tập hợp lại để giữ nước trong thế kỷ XX và mãi về sau.