Bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924 ấn hành đến nay gồm 5 tập dưới hình thức sưu tầm, sưu tập của nhà báo Trần Nhật Vy là một bộ sách khá dày dặn về mặt nội dung với dung lượng dày tới 2.364 trang.
Lý giải về việc chọn mốc thời gian cho bộ sách, Trần Nhật Vy cho hay bởi ở số Gia Định báo ra ngày 1/12/1881, mục “Thứ vụ” chức năng đăng những thông báo của chính quyền thì nay xuất hiện bài viết văn xuôi “Tên chăn bò”, “Thằng ăn trộm với con heo”: “Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn”.
Về mốc kết thúc cho bộ sách, người thực hiện lấy năm 1924 với lý giải tác phẩm dừng lại trước thời điểm ra đời tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam – tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách (in năm 1925).
Bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924 gồm 5 tập. Ảnh: Đinh Huyền. |
Qua Văn chương Sài Gòn 1881-1924 với 5 tập ấn hành, độc giả được thưởng thức những tác phẩm văn xuôi, thơ, tiểu thuyết, truyện dịch… của Sài Gòn trong buổi giao thời hai thế kỷ cùng rất nhiều thông tin thú vị liên quan.
Đó là “Truyện thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản ra đời năm 1887, được xem là “tác phẩm văn học quốc ngữ đầu tiên” của nước ta; là “Đố ngộ cố nhân, tương đàm thục ký” của Nguyễn Dư Hoài, thư ký tòa án Bến Tre, được xem là người viết feuilleton (truyện dài kỳ) đầu tiên…
Thời gian này cũng chứng kiến tác phẩm của nhiều tác giả mà tên tuổi của họ về sau nổi tiếng trên văn đàn không chỉ Nam kỳ mà còn có chỗ đứng trang trọng trong nền văn học sử Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký hay Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu…
Trên Gia Định báo, Trương Minh Ký đã góp mặt với nhiều tác phẩm văn xuôi quốc ngữ như “Tên chăn bò”, “Thằng ăn trộm con heo” (Gia Định báo ngày 1/12/1881); “Con chó sói” (Gia Định báo ngày 8/12/1881)… Trương Vĩnh Ký góp mặt với “Kiếp phong trần” in lần đầu năm 1882…
“Như Tây nhựt trình” của Trương Minh Ký được đăng nhiều kỳ trên Gia Định báo. Ảnh: Đinh Huyền. |
Văn chương Sài Gòn 1881-1924 cũng thể hiện sự đa dạng về thể loại. Có cả sự góp mặt của mảng văn xuôi (tập 1, tập 2), truyện dịch (tập 3) đến mảng du ký (tập 4) hay văn vần (tập 5). Chẳng hạn mảng văn vần có nhiều bài viết thú vị, dễ thuộc, dễ nhớ như bài “Truyện đấu xảo Hà Nội” của Lương Khắc Ninh trên báo Nông cổ mín đàm đăng dài kỳ từ số 79 (ra ngày 5/3/1903) đến số 92 (ra ngày 4/6/1903), có đoạn miêu tả sự trưng bày ở hội chợ đấu xảo:
Tên đặt là Tam khí,
Hội bày gọi trí tri.
Kén tơ, lương lụa Trung kỳ,
Nhãn đề tại vịnh thuộc về Thừa Thiên.
Khoản thứ ba kế đó,
Đồ của chủ nhà in.
Treo bày nhơn vật họa hình,
Non sông, hoa kiểng, lầu đền nhỏ to.
Sách vở trăm pho biên xứ lạ,
Kiểu khuôn ngàn món vẽ nghề hay,
Đọc Văn chương Sài Gòn 1881-1924 không chỉ đơn thuần là thưởng thức những tác phẩm văn học của người xưa. Ở đó, ta còn có thể tìm hiểu cả về đặc trưng ngôn ngữ của vùng đất Nam kỳ lục tỉnh xưa với những dấu ấn phương ngữ thú vị mà nhiều từ ngữ nay không hoặc được dùng rất hạn chế. Tỉ như “dàn hầu” được hiểu là xếp hàng hai bên; “dún” là hạ xuống hay “diễu” là làm cho đẹp…