Câu 1:
Bài thơ tả cơn mưa rào mùa hạ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ kèm với mưa thường có giông, sấm chớp, gió mạnh.
Bài thơ tả cơn mưa qua hai giai đoạn: Lúc sắp mưa và khi trời mưa. Bốn câu cuối cùng khi trời mưa có thể tách thành một phần riêng. Từ đó, có thể chia bài thơ thành 2 phần:
– Phần 1 (từ đầu đến “ngọn muông tơi nhảy múa”): Khung cảnh sắp mưa.
– Phần 2 (còn lại): Khung cảnh khi trời mưa.
Câu 2:
Bài thơ làm theo thể tự do ngắt nhịp linh hoạt gồm các nhịp 1, 2, 3, 4 mà chủ yếu là nhịp 2. Điều đó tạo thuận lợi cho việc diễn tả một cách phóng túng những quan sát về sự vật của người viết.
Câu 3:
a. Tác giả đã quan sát và miêu tả sinh động trạng thái, hoạt động của cây cối, loài vật trước và trong cơn mưa.
* Trước cơn mưa:
+ Các con vật:
– Mối trẻ bay cao, mối già bay thấp
– Gà con rối rít tìm nơi ẩn nấp
– Kiến hành quân đầy đường
+ Các cây cỏ cũng mỗi loại mỗi vẻ:
– Muôn nghìn cây mía múa gươm
– Cỏ gà rung tai nghe
– Bụi tre tần ngần gỡ tóc
– Hàng bưởi đu đưa bế lũ con đầu tròn trọc lóc
– Cây dừa sải tay bơi
– Ngọn mùng tơi nhảy múa
* Trong cơn mưa:
– Cóc nhảy chồm chồm
– Chó sủa
– Cây lá hả hê
– Tác giả đã sử dụng hàng loạt các động từ, tính từ miêu tả các sự vật độc đáo, thể hiện sự quan sát tinh tế.
b. Phép nhân hoá được sử dụng hết sức rộng rãi
– Ông trời mặc áo, mía múa gươm, kiến hành quân, cỏ gà rung tai nghe, bụi tre tần ngần gỡ tóc, hàng bưởi bế lũ con đầu tròn trọc lóc, sấm ghé xuống sân khanh khách cười, cây dừa sử dụng tay bơi, ngọn mùng tơi nhảy múa,…
– Biện pháp nhân hoá được sử dụng triệt để khiến cho cơn mưa rào ở làng quê thật sinh động và gần gũi. Phép nhân hoá được sử dụng thành công là nhờ sự quan sát tinh tế của tác giả, kết hợp với sự liên tưởng dồi dào. Nhân hoá nhiều, nhưng không có sự lập lại, mà có những nét độc đáo.
Câu 4:
Hình ảnh con người, mà là người đi cày, người dân lao động bình dị xuất hiện trong trời mưa như là biểu tượng đứng ngang tầm vóc của đất trời vũ trụ.
Ông bố chỉ là một người nông dân bỗng nhiên trở nên lớn lao khác thường, ông đội cả sấm, cả chớp, cả một trời mưa. Hình ảnh người nông dấn có tầm vóc lớn lao tư thế vững vàng, hiên ngang, như là một vị thần đội trời đạp đất có sức mạnh có thể sánh với thiên nhiên. Trong con mắt nhìn của một em bé chín tuổi, người cha đi cày quả là một tráng sĩ có vẻ đẹp lớn lao, kỳ vĩ.
III. Luyện tập
Quan sát và miêu tả cảnh mưa rào ở thành phố hay vùng núi, vùng biển hoặc mưa xuân ở làng quê.
a) Mở bài
Giữa trưa hè, trời trở nên oi nóng. Bỗng gió thổi mạnh, mây đuổi nhau từ đông qua tây. Rồi mây đen bao phủ bầu trời. Đất trời chuyển động, cơn mưa ào ào kéo tới.
b) Thân bài
Gió thổi mạnh. Mưa xối xả. Mưa đổ ào ào. Trời đất trắng xoá. Mưa như trút nước. Từ mái nhà mưa tuôn xuống đầy sân, đầy ngõ, đầy vườn. Mưa rơi bùng bùng trên lá sen, mưa gõ bong bong trên tàu lá chuối. Khóm chanh cúp lá, khép cành đứng run. Cây dừa, luỹ tre xoã tóc bơi trong mưa trong gió. Cây cối hả hê.
Kiến cánh bay ra. Gà mẹ dẫn con rúc vào nhà. Giun đất bò ra – Cóc nhảy chồm chồm nơi góc sân, góc vườn.
Tiếng sấm ì ầm. Chớp rạch nhằng nhịt trên bầu trời. Tiếng sét rung chuyển. Khí nóng bị xua tan. Ai cũng cảm thấy mát mẻ, dễ chịu.
c) Kết bài
Sau độ nửa tiếng, mưa thưa hạt rồi tạnh dần. Bầu trời thoáng đãng, trong veo. Mặt trời ló rạng. Lá cây lấp lánh. Lá bưởi, lá cam đẫm nước long lanh. Chim từ đâu bay ra hót ríu rít. Gà mẹ tục tục dẫn đàn con đi săn giun. Đồng lúa phơi phới, xanh thẫm một màu. Người đi lại đông vui trên các nẻo đường.