I. Tác dụng của việc liên kết các đoạn văn trong văn bản
Câu 1: Các câu trong đoạn phải nối kết với nhau để triển khai chủ đề của đoạn văn; đến lượt các đoạn cũng phải nối kết với nhau để đảm bảo mạch lạc cho văn bản. Ở đây, ta không xem xét đoạn văn trong thế độc lập, tách rời mà đặt chúng trong mối quan hệ với đoạn trước và sau nó để xem xét sự duy trì, kết nối mạch triển khai nội dung. Hai đoạn văn trong ví dụ (1) không hợp lí vì mối quan hệ giữa chúng lỏng lẻo.
Câu 2: Cụm từ “Trước đó mấy hôm” không đơn thuần chỉ là cụm từ chỉ thời gian xảy ra hành động. Trong mối liên hệ giữa hai đoạn văn, cụm từ này có chức năng liên kết đoạn, là gợi dẫn quan trọng để người đọc có thể hiểu được diễn biến của các sự việc ở những đoạn văn khác nhau. Phải có những phương tiện liên kết này thì liên kết ý nghĩa giữa các đoạn mới chặt chẽ, liền mạch.
Khi kết thúc đoạn văn này chuyển sang đoạn văn khác, người viết phải chú ý sử dụng các phương tiện liên kết để thể hiện liên hệ ý nghĩa giữa chúng.
II. Các cách liên kết đoạn văn trong văn bản
Câu 1: Sử dụng từ ngữ để liên kết các đoạn văn
a. Nội dung của hai đoạn văn sau có mối quan hệ với nhau như thế nào?
– Xác định được ý của mỗi đoạn;
– Lưu ý mối quan hệ diễn biến theo các bước trước – sau giữa tìm hiểu và cảm thụ.
– Để thể hiện mối quan hệ trước – sau giữa hai bước của quá trình tiếp nhận tác phẩm văn chương, tác giả đã sử dụng các từ ngữ liên kết: Bắt đầu là khâu tìm hiểu; Sau khâu tìm hiểu là…
– Những từ ngữ có quan hệ liệt kê tương tự như những từ ngữ trong hai đoạn văn trên: trước hết, đầu tiên, trước tiên, thoạt đầu,… – tiếp đến, tiếp theo, sau nữa,…; một là – hai là -…
b. Hai đoạn văn sau có quan hệ ý nghĩa với nhau như thế nào?
Nội dung của hai đoạn văn có quan hệ đối lập, tương phản nhau (cảm nhận khác nhau về ngôi trường ở những thời điểm khác nhau).
– Mối quan hệ đối lập, tương phản giữa hai đoạn văn được thể hiện bằng những từ ngữ: Lần ấy… – Nhưng lần này…
– Các từ ngữ biểu thị mối quan hệ tương phản: song, trái lại, ngược lại, thế mà,…
c. Phân tích đặc điểm từ loại của các từ ngữ liên kết hai đoạn văn sau:
“đó” trong cụm từ liên kết đoạn “Trước đó mấy hôm” thuộc từ loại chỉ từ. “đó” chỉ thời điểm buổi tựu trường đầu tiên (nói đến ở đoạn văn trước), “trước đó” tức là trước thời buổi tựu trường. Như vậy, chỉ từ cũng có khả năng tham gia vào liên kết đoạn văn.
Các chỉ từ, đại từ tương tự: này, đây, ấy,…
d. Hai đoạn văn sau có quan hệ ý nghĩa với nhau như thế nào?
Mối quan hệ ý nghĩa giữa hai đoạn văn là mối quan hệ giữa nội dung cụ thể và nội dung tổng kết, khái quát.
– Mối quan hệ ý nghĩa giữa cái cụ thể và cái tổng kết, khái quát ở trên được thể hiện bằng cụm từ “Nói tóm lại”.
– Những từ ngữ có ý nghĩa tổng kết, khái quát: như vậy, nhìn chung, tổng kết lại,…
Câu 2: Câu liên kết đoạn văn
– Câu “Ái dà, lại còn chuyện đi học nữa cơ đấy!” có tác dụng chuyển tiếp giữa hai đoạn văn, khép lại nội dung trước, gợi mở nội dung mới.
– Để tạo mối liên kết giữa hai đoạn văn, người ta thường dùng hai phương tiện: từ ngữ liên kết (quan hệ từ, đại từ, chỉ từ, các cụm từ thể hiện ý liệt kê, so sánh, đối lập, tổng kết, khái quát,…) và câu liên kết.
II. Rèn luyện kĩ năng
Câu 1: Đọc các đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Mối quan hệ ý nghĩa giữa các đoạn văn sẽ quy định việc sử dụng từ ngữ liên kết. Các từ ngữ liên kết thường đứng ở đầu đoạn sau.
Mối quan hệ ý nghĩa trong từng trường hợp liên kết:
– (a) – quan hệ suy luận giải thích (đại từ thay thế như vậy);
– (b) – quan hệ tương phản (thế mà);
– (c) – liệt kê, tăng tiến (cũng), đối lập, tương phản (tuy nhiên).
Câu 2:
Lựa chọn các từ ngữ cho trước để điền vào chỗ trống (…) trong các đoạn văn dưới đây cho thích hợp và giải thích vì sao lại lựa chọn như vậy.
Các em chép các đoạn văn vào vở bài tập rồi chọn từ ngữ hoặc câu thích hợp (trong ngoặc đơn) điền vào chỗ trống để làm phương tiện liên kết đoạn văn:
– a. Từ đó
– b. Nói tóm lại
– c. Tuy nhiên
– d. Thật khó trả lời.
Câu 3: Cho chủ đề: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo” (Vũ Ngọc Phan). Hãy viết một số đoạn văn ngắn với chủ đề này và cho biết em đã sử dụng phương tiện liên kết đoạn như thế nào?
Tham khảo:
Chỉ xuất hiện trong thoáng chốc, nhưng nhân vật cai lệ đã được Ngô Tất Tố khắc hoạ một cách rõ nét, sống động hệt như một con thú ác thực sự, đang sống. Làm sao những người dân lành có thể sống yên ổn được dưới roi song, tay thước, dây thừng của hạng người đểu cáng này!
Thế mà chị Dậu đã phải sống, cả nhà chị Dậu đã phải sống và nói rộng ra, cả cái làng Đông Xá này đã phải sống, tất cả những người nông dân ở biết bao cái làng khác cũng đã phải sống. Chỉ có điều sống dở chết dở, sống đau sống đớn mà thôi. (…)
(…) “Cháu van ông,…, ông tha cho!” Đến mức như thế mà tên cai lệ không những không mủi lòng lại còn đấm vào ngực chị Dậu mấy đấm. Đến đây, mới thấy bắt đầu những dấu hiệu phản kháng: Chị xưng tôi, gọi cai lệ là ông. “Không thể chịu được” nữa, chị Dậu đã đứng lên, với vị thế của kẻ ngang hàng, trực diện với kẻ thù.
Quá trình diễn biến ấy được đẩy lên đỉnh điểm, kịch tính đã hết mức căng thẳng khi tên cai lệ tát “đánh bốp” vào mặt chị Dậu. Thế là thực sự bắt đầu một giai đoạn mới của sự phản kháng…
(Theo Nguyễn Trọng Hoàn, Rèn kĩ năng cảm thụ thơ văn cho học sinh lớp 8, NXB ĐHQG TPHCM, 2004)