Trong tờ trình gửi UBND TP.HCM về phương án tổ chức tuyển sinh đầu cấp, sở GD&ĐT đưa ra 2 kịch bản tuyển sinh lớp 10 theo tình hình dịch của thành phố.
Phương án 1 là tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT công lập vào ngày 16, 17/8 nếu tình hình dịch bệnh toàn thành phố ở mức độ bình thường mới.
Theo sở đánh giá, nếu tổ chức theo phương 1, công tác chuẩn bị cho kỳ thi như quy hoạch điểm thi, phòng thi, phiếu dự thi, nhân sự tham gia kỳ thi,… đã chuẩn bị đầy đủ. Thí sinh đã có thời gian dài ôn tập, chuẩn bị cho thi cử. Việc thi tuyển đảm bảo công bằng chung cho tất cả thí sinh.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, dễ lây lan, tâm lý phụ huynh, thí sinh, giáo viên coi thi, chấm thi không an tâm khi tổ chức thi tập trung tại 130 điểm thi.
Mặt khác, nếu tổ chức thi tuyển, khâu chấm thi, tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 thường có thể kéo dài qua đầu tháng 9, ảnh hưởng đến thời gian năm học mới.
Phương án 2: Chỉ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và xét tuyển lớp 10 THPT (sau khi đã tuyển lớp chuyên) cho các học sinh đã đăng ký các nguyện vọng thi tuyển lớp 10 nếu toàn thành phố ở mức độ nguy cơ hoặc bình thường mới trong phòng chống dịch.
Phương án này sẽ thuận lợi về công tác tổ chức do thành phố chỉ có 10 điểm thi chuyên, số lượng thí sinh, nhân sự coi thi, chấm thi không nhiều và tận dụng được sự sẵn sàng của các điểm thi.
Tuy nhiên, phương án này sẽ làm phát sinh các trường hợp học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 trước đó, nhưng lại muốn đăng ký xét tuyển.
Thí sinh dự thi lớp 10 vào trường Phổ thông Năng khiếu tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10 chuyên có thể thực hiện theo 2 phương án. Sở GD&ĐT đề xuất cho thí sinh thi thi 4 môn (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn chuyên) vào 2 ngày 16 và 17/8 hoặc thí sinh chỉ cần thi một môn chuyên vào sáng 16/8.
So sánh 2 phương án, sở đánh giá nếu tổ chức thi cả 4 môn thì thuận lợi cho thí sinh nhưng thời gian thi trong 2 ngày nên cần đặc biệt chú ý công tác an toàn cho kỳ thi. Tâm lý thí sinh cũng có thể bị ảnh hưởng. Việc tổ chức chấm thi tập trung cũng vất vả hơn so với phương án thi 1 môn chuyên.
Nhưng nếu chỉ thi 1 môn chuyên thì việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn. Nếu sử dụng điểm trung bình cả năm lớp 9 của 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh để bổ sung vào xét tuyển trường chuyên, lớp chuyên (điểm xét tuyển chuyên = điểm Văn + Toán + tiếng Anh + điểm môn chuyên x 2), việc xét tuyển sẽ tương tự các năm học trước.
Nếu không thể tổ chức thi tuyển vào lớp 10 mà phải xét tuyển, Sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra 4 phương án xét tuyển.
Phương án 1: Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm trung bình môn 3 Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, để xét vào nguyện vọng 1, 2, 3 mà thí sinh đã đăng ký.
Phương án 2: Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và điểm trung bình cả năm lớp 9, để xét vào nguyện vọng 1, 2, 3 mà thí sinh đã đăng ký.
Phương án 3: Điểm xét tuyển bằng tổng điểm trung bình 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh trong các năm học lớp 6, 7, 8, 9.
Phương án 4: Điểm xét tuyển bằng tổng điểm trung bình cả năm học lớp 6, 7, 8, 9.
Năm nay, TP.HCM có 99.569 học sinh tốt nghiệp THCS, hơn 83.000 thí sinh trong số này đăng ký dự thi vào lớp 10. Trong số đó, 75.854 thí sinh dự thi lớp 10 thường, 6.485 thí sinh dự thi lớp 10 chuyên và 985 thí sinh dự thi lớp 10 tích hợp.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất tổ chức khảo sát năng lực để tuyển sinh lớp 6 vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vào sáng hoặc chiều 16/8 (chung ngày thi với tuyển sinh lớp 10).
Nếu tổ chức thi chung một ngày với thi tuyển lớp 10 sẽ thuận lợi do tập trung nhân sự ra đề, in sao đề, coi thi, chấm thi cùng mốc thời gian, giảm thời gian tổ chức.