Cuốn tự truyện kể về những nỗ lực không ngừng của Michael Carrick trong suốt cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp của mình. Đặc biệt là quãng thời gian anh thi đấu ở Manchester United, đội bóng mà anh luôn yêu mọi thứ ở đó: từ khát vọng danh hiệu, con người, vị thuyền trưởng đáng kính cho đến các cổ động viên.
Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với Sir Alex, tôi đã biết rằng ông là một thiên tài với những khả năng có một không hai, nhất là khả năng chuẩn bị tâm lý cho các cầu thủ trước mỗi trận đấu. Tôi không nghĩ là có ai đó làm tốt hơn sếp về khoản này.
Trong ngày trước khi trận đấu diễn ra, sếp sẽ cho bọn tôi xem một đoạn video ngắn, tối đa là 10 phút, về đối thủ trước khi chúng tôi bắt đầu tập luyện. Chỉ có vậy thôi. Sir Alex không bao giờ bảo chúng tôi cần phải chơi như thế nào. Chúng tôi là cầu thủ của ông, là cầu thủ của Manchester United, và chúng tôi có mặt ở đó là bởi ông tin tưởng chúng tôi, tin vào sức mạnh và cá tính của chúng tôi.
Sách Tự truyện Michael Carrick – Giữa những lằn ranh. |
Dẫu vậy, những buổi họp đội với ông vẫn rất đặc biệt. Nếu trận đấu bắt đầu vào lúc 3 giờ chiều, chúng tôi sẽ có một cuộc họp vào lúc 1 giờ 30 trong phòng thay đồ. Sir Alex sẽ nói, và khi ông đã nói, thì bạn có thể nghe được cả tiếng kim rơi. Sếp sẽ viết tên các cầu thủ đối phương lên trên cái bảng lớn và bắt đầu nói về những điểm mạnh đáng kể nhất của họ.
Ông có thể nhắc riêng một hay hai cầu thủ và dặn chúng tôi “để mắt tới anh ta”, nhưng thường thì ông sẽ gọi đích danh một cầu thủ nào đó của đối phương và nói: “Không cho hắn ta chạy. Hắn ta không thể chạy!”. Câu nói ưa thích của ông là, “Hắn có mà chạy đằng trời”.
Ông luôn nhấn mạnh tới yếu tố tập thể trong các cuộc nói chuyện những đàn ngỗng di cư. Chúng có thể vượt qua hàng nghìn dặm bằng cách bay theo đội hình chữ V, về cơ bản là sử dụng chiến thuật núp gió, và khi con ngỗng bay đầu bị mệt, sẽ có một con khác lên thay. Bọn ngỗng quan tâm và chia sẻ gánh nặng cho nhau. Ông kể câu chuyện này cho đội tuyển golf châu Âu khi họ tham dự Ryder Cup 2014.
Cả tuần đó ở Gleneagles, các golf thủ không ngừng nhắc nhở nhau “nhớ lấy câu chuyện về bầy ngỗng”. Và rõ ràng là câu chuyện ấy đã có những tác động tích cực. Tôi vẫn nhớ hình ảnh Rory Mcllroy và các đồng đội chỉ tay lên trời sau khi họ đánh bại đội tuyển châu Mỹ. Trùng hợp làm sao, ở thời điểm ấy lại có một đàn ngỗng đang bay ngang qua trời!
Sếp là bậc thầy trong kể những câu chuyện tưởng là chẳng liên quan gì tới nhau nhưng lại cùng hướng tới một thông điệp – nỗ lực không ngừng – đặc biệt là trước những trận đấu quan trọng.
Khi chúng tôi gặp Arsenal ở Old Trafford vào năm 2010, ông đã cho mời những người thợ mỏ Chile, những người đã bị mắc kẹt trong lòng đất suốt một thời gian dài nhưng không hề nao núng trước khi lần lượt được đưa lên mặt đất. Sir Alex nói về việc Sir Matt cũng xuất thân trong một gia đình làm nghề thợ mỏ, về những phẩm chất mà ta phải có để có thể làm việc dưới lòng đất, và sau đó là một bài diễn văn đầy cảm hứng về cách mà những người thợ mỏ Chile đã chiến thắng từ thần.
Alex Ferguson là bậc thầy tâm lý chiến. Nguồn: muss. |
Nội dung chẳng có gì liên quan tới bóng đá cả, nó chỉ là một bài học về tính cách, về sự đoàn kết và tinh thần yêu lao động. Sếp từng có những cuộc nói chuyện dài và đầy cảm xúc trong phòng thay đồ về những bãi tàu ở Clyde nơi bố ông từng làm việc. Ông biết rất nhiều câu chuyện lịch sử và có thể gài chúng vào những cuộc nói chuyện một cách tài tình, ví dụ câu chuyện về những người lính đã chiến đấu dũng cảm cho lý tưởng của mình.
Ông thường mở đầu những bài nói chuyện một cách nhẹ nhàng, từ tốn, nhưng đôi khi câu chuyện cuốn ông đi và ông trở nên gay gắt, giống như một võ sĩ hạng nặng đang vội vã trèo lên sân khấu. Với những câu chuyện hay và tài hùng biện, Sir Alex kiểm soát tuyệt đối những cuộc nói chuyện của mình.
Thường thì ông sẽ kết thúc bằng câu: “Trên đời này việc dễ dàng nhất chính là nỗ lực. Chẳng điều gì có thể ngăn được các anh nỗ lực”. Có ba điều thường được ông nhắc đi nhắc lại: “Đừng bao giờ sợ phải nỗ lực. Tập trung. Thấu suốt”. Chúng tôi là những người chuyên nghiệp, chúng tôi toàn tâm toàn ý với Manchester United, nghĩa là chúng tôi sẽ luôn luôn làm tất cả những gì có thể.
Ấy vậy nhưng Sir Alex vẫn có cách để khiến chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn. Ông dẫn dắt mọi người bằng khao khát không có điểm dừng của mình. Rất nhanh chóng, tôi nhận ra rằng lơ là, dù chỉ là một chút xíu thôi, là điều không bao giờ được chấp nhận ở United.
Trận đá chính đầu tiên của tôi ở Premiership là chuyến làm khách ở Watford. Tôi được chơi 75 phút, chúng tôi thắng 2-1, nên tôi nghĩ: “Ba điểm, thế là ổn rồi”. Nhưng sếp không vui. Khi ở trên sân, ông có nói điều gì đó với Giggsy, Giggsy bật lại, và thế là Sir Alex nổi điên.
Vừa bước vào phòng thay đồ, ông đã gào lên: “Tôi không nhắm mắt làm ngơ. Các anh đã chơi không đủ tốt”. Thông điệp từ sếp là rất rõ ràng: “Thắng trên sân khách vẫn là chưa đủ, mà quan trọng là thắng như thế nào, trong một thế trận ra sao”.
Trong trận đấu đầu tiên ở Old Trafford, thế nào mà lại gặp đúng Spurs, tôi nhanh chóng cảm nhận được khát khao, hay đúng hơn là yêu cầu phải chiến thắng. Lần đầu tiên đứng trong đường hầm với tư cách một cầu thủ United, với tôi là một khoảnh khắc vĩ đại. Tôi cảm thấy mình như cao tới 3 m khi đứng cạnh những cầu thủ mà chỉ cách đây vài tuần còn là đồng đội của tôi.
Hôm đó chúng tôi đánh bại Spurs 1-0, nhưng điều đọng lại mãi trong tôi là âm thanh từ các khán đài trước, trong và sau trận đấu. Từ đó về sau, những trận đấu ở Old Trafford với tôi bao giờ cũng đầy cảm xúc như thế. Tôi nhận ra mình đã may mắn nhường nào khi sân bóng ấy chính là chỗ làm mới của mình.