Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền là cuốn tạp văn mang dáng dấp của một cuốn sách du ký.
Tuy nhiên, khác với cuốn du ký khác, thường chú ý đến việc mô tả những gì ấn tượng, đập vào mắt, cuốn tạp văn này nói về những tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Sài Gòn – quê hương thứ hai của bà.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn là những tình cảm, sự lưu luyến của tác giả gửi gắm vào những vùng miền mà bà đã đi qua, với những điều lắng đọng, trìu mến.
Sách Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ (tái bản lần 1), NXB Lao động và Chibooks liên kết phát hành. Ảnh: Chibooks. |
Đào Thị Thanh Tuyền sinh ra ở Diên Khánh, Khánh Hòa. Năm 1977, bà học ở Đại học Mỹ thuật, TP.HCM. Sau 4 năm học tại đây, bà có thêm 3 năm làm việc tại TP.HCM trước khi chuyển về công tác tại Sở Khoa học – Công nghệ Khánh Hòa cho đến khi nghỉ hưu năm 2014.
Năm 2015, để sống gần các con, bà quyết định chọn TP.HCM làm nơi định cư cho gia đình.
“Tôi quyết định chọn Sài Gòn làm nơi định cư cho gia đình, mảnh đất nhiều yêu thương và rộng lòng với tôi cũng như với nhiều người. Và Nha Trang, xin giữ lại làm một chốn đi về. Tôi yêu cả hai nơi này. Yêu nhiều lắm, không nói hết được. Mà một phần nhỏ của cái sự yêu này nằm trong Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ”, tác giả Đào Thị Thanh Tuyền chia sẻ.
Và cũng bắt đầu từ đây, với suy nghĩ rằng nếu mình không viết về TP.HCM – Sài Gòn thì sẽ là điều vô cùng đáng tiếc, Đào Thị Thanh Tuyền đã đề ra mục tiêu tìm hiểu, viết về TP.HCM và bắt đầu hành trình rong ruổi trên các cung đường chằng chịt dọc ngang thành phố.
Với chiếc máy ảnh và phương tiện chính là xe bus, bà đã “sục sạo” cả thành phố và đi tới những nơi mà ngay cả những người sống nhiều năm ở thành phố này chưa chắc đã biết.
Và từ hành trình rong ruổi này (trong khoảng thời gian từ năm 2015-2018) Đào Thị Thanh Tuyền đã hình thành nên Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ.
Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền. Ảnh: Chibooks. |
Cuốn sách gồm 38 bài tạp văn, được chia thành 5 phần. Phần 1: Sài Gòn, gồm 15 bài viết: Đi bộ buổi sáng, Có một chỗ ngồi như thế!, Tiếng ve đâu rồi?, Chưa xa đã nhớ!, Nhịp đời vẫn trôi!, Có một Sài Gòn rất trẻ!…
Đây những câu chuyện, những địa danh gặp hàng ngày được tác giả kể lại trong quá trình làm quen, gắn bó với quê hương thứ hai của mình.
Với Đào Thị Thanh Tuyền, Sài Gòn trở thành miền đất của những người dân ngụ cư là điều hết sức tự nhiên, và mỗi người, với lý do riêng của mình, đã đến thành phố này như một cái duyên, trong đó tác giả không ngoại lệ.
Từng biết đến Sài Gòn từ năm 1973, khi cùng ba lần đầu đến mảnh đất này, sau đó là 7 năm sống và học tập tại đây, nay trở lại, Đào Thị Thanh Tuyền đã hòa nhập vào dòng chảy của nó, để viết nên những câu chuyện đời thường, dung dị.
Tác giả cũng khám phá vẻ đẹp thanh bình, hiền hòa của thành phố phía sau những ngôi nhà chọc trời, phía sau những ồn ã, xô bồ, mà chỉ khi đi bộ, đạp xe đạp hoặc ngồi lên một tuyến xe buýt nào đó là có thể gặp, có thể nghe, có thể tận hưởng hết được…
Không chỉ viết về TP.HCM, Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ còn nói về một số nơi khác, một số quốc gia khác. Phần 2: Trà Vinh với bài viết Cây xanh, trời xanh, mây trắng và cơm gạo ruộng và phần 3: Hà Giang với bài viết Đêm ở Mèo Vạc, tác giả đã kể lại tỉ mỉ chuyến đi của mình với góc nhìn và khám phá riêng.
Phần 4: Đông Nam Á với 8 bài viết: Những ánh mắt ấm áp, Vài người Việt trẻ tôi gặp ở Parke (Lào), Bốn ngày đi qua bốn nước, Mưa chiều Yangon…
Đây là những ghi nhận đậm chất du ký của tác giả từ các chuyến đi tới Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho cả những người đã từng đến những vùng đất này.
Phần 5: Ruổi rong nỗi nhớ, có 13 bài viết: Thành xưa, Ăn bánh căn mực ở chợ Chụt, Nhớ Cửa Bé Nha Trang, Rau hàng rào, Hồn quê!, Cà tím nhớ thương…
Tác giả đưa chúng ta trở về với Nha Trang với những địa danh thân thương của mình, với những ký ức của tuổi thơ, với những “đặc sản” đậm chất quê hương, không nơi nào có được…
Bình luận về Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ, tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân nói: “Đọc cuốn sách này, chúng ta biết thêm về những cảnh đẹp, biết thêm về những món ăn, biết thêm về những nơi chốn và cái quan trọng nhất chúng ta biết được đất nước Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn có rất nhiều nơi rất đẹp mà chúng ta có thể rong ruổi. Ngoài ra chúng ta cũng có thể mở rộng tầm mắt đi xa hơn đến những quốc gia khác”.