Năm 2022, ngành xuất bản bắt đầu quá trình phục hồi và “bứt tốc” sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh mục tiêu phát triển văn hóa đọc, tăng cường ấn phẩm chất lượng, ngành xuất bản cũng dần mở rộng thị trường, tìm kiếm khả năng mới.
“Sách tinh gọn là hướng đi mới, nằm trong xu thế của ngành xuất bản toàn cầu. Phát triển thị trường này, các đơn vị xuất bản hay nhà phát hành không thể đi một mình, mà cần sự kết hợp của cả hệ thống”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), nói tại hội thảo “Xuất bản sách tinh gọn, xu thế và thị trường”. Chương trình được tổ chức sáng 24/3 ở TP.HCM.
Các đơn vị tham dự hội thảo sáng 24/3. Ảnh: T.V. |
Thị trường tiềm năng, nhiều cơ hội
Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng hơn 40 đơn vị xuất bản đã thảo luận những vấn đề về sách tinh gọn, trong đó làm rõ về khái niệm, hướng phát triển tại Việt Nam và vướng mắc khi thực hiện.
Chia sẻ cách hiểu về sách tinh gọn, hầu hết đồng tình đó là những cuốn được viết lại dưới dạng tóm tắt nội dung tác phẩm đã xuất bản.
Nó là sự chắt lọc, cô đọng những gì tinh túy nhất nội dung của cuốn sách phiên bản đầy đủ, được gọi là nội dung tinh gọn. Sách tóm tắt cũng khác biệt hoàn toàn với tóm tắt hay review sách.
“Sách tóm tắt là sự chắt lọc thông tin từ tác phẩm chính, hoàn toàn khách quan, trong khi tóm tắt hay review sách là chủ quan từ người viết. Một số loại sách chuyên ngành, để tóm tắt được, cần phải do chính tác giả hoặc chuyên gia thực hiện”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.
Trên thế giới, thị trường sách tinh gọn hình thành từ khá lâu và ngày càng có nhiều độc giả quan tâm. Lĩnh vực này đang là cuộc cạnh tranh của nhiều đơn vị nổi tiếng như 12min, Blinkist, getAbstract, Instaread, ReadinGraphics, StoryShots…
Theo thống kê của Publishing Trends, đơn cử với Blinkist, ứng dụng sách tóm tắt tại Đức, thành lập từ năm 2012, đến nay có xấp xỉ 21 triệu độc giả, doanh thu khoảng 40 triệu USD/năm.
Đơn vị sách tóm tắt thành lập năm 1999 tại Mỹ là getAbstract có doanh thu năm 2021 khoảng 30 triệu USD với kho sách lên đến 22.000 tác phẩm ở lĩnh vực tài chính, sức khỏe, khoa học…
Ông Nguyễn Nguyên chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: T.V. |
Theo ông Nguyễn Nguyên, sự thành công của đơn vị làm sách tóm tắt trên thế giới đã chỉ ra tiềm năng của thị trường này và khả năng phát triển tại Việt Nam.
Người dùng có thể lựa chọn tác phẩm hay, thú vị. Với lĩnh vực có tính chuyên môn cao, sách tinh gọn sẽ giúp người đọc hiểu khái niệm, nắm bắt thông tin một cách cô đọng.
Nhiều nhà xuất bản cũng cho hay kinh nghiệm từ đơn vị nước ngoài cho thấy hầu hết nền tảng tóm tắt sách nổi bật lựa chọn lĩnh vực phi hư cấu, nhất là tác phẩm tự truyện.
Ở nước ta, sách tinh gọn còn khá mới, cần nỗ lực để phát triển thị trường. Việc đầu tư cho mảng này sẽ hỗ trợ chứ không ngăn cản sự phát triển của các phân khúc sách khác trong ngành xuất bản.
“Chúng ta sẽ cùng đầu tư, mở rộng thị trường, không để các đơn vị xuất bản, phát hành tự mày mò, đi một mình. Sẽ có sự kết hợp giữa nhiều bên. Sách tinh gọn sẽ là một trong những hướng được ưu tiên của ngành trong thời gian tới”, ông Nguyên nói.
Tại Việt Nam, các ứng dụng sách nói như VoizFM, Fonos… bắt đầu cung cấp thư viện các bản tóm tắt sách cho người dùng.
Theo bà Thái Minh Châu, Giám đốc đối ngoại Fonos, đơn vị này chú trọng tóm tắt các cuốn về tư duy – kỹ năng, câu chuyện kinh doanh – lãnh đạo với đa dạng đầu sách của tác giả Việt Nam và thế giới. Các bản tóm tắt cũng bao gồm phần nghe và đọc. Người dùng sẽ không tốn quá 10 phút để cập nhật nội dung chính của tác phẩm.
Đảm bảo tính pháp lý
Quy trình thực hiện và việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm khi xuất hiện sách tóm tắt cũng là vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Văn học, cho rằng sách tinh gọn là tác phẩm phái sinh. Câu hỏi đặt ra là vấn đề sở hữu trí tuệ giữa tác giả của tác phẩm gốc và phái sinh được xử lý thế nào.
Với một thị trường mới mẻ, còn nhiều việc cần làm, chúng ta sẽ cùng đi và thúc đẩy sự phát triển của sách tinh gọn.
Ông Nguyễn Nguyên
“Các quy định của pháp luật liệu đã đủ cơ sở để đảm bảo quyền lợi của tác giả, đồng thời tạo điều kiện để thị trường sách tinh gọn phát triển lành mạnh, bền vững?”, ông Vũ đặt câu hỏi.
Nhiều nhà xuất bản cũng cho biết, việc phát triển sách tóm tắt phải bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và đơn vị sản xuất, phát hành. Các bên cũng lo ngại việc chưa có quy định cụ thể về xuất bản, phát hành sách tinh gọn và việc lưu hành ấn bản này dưới dạng âm thanh (sách nói) có phải xin giấy phép hay không.
“Việc khai thác và thực hiện các loại hình tác phẩm tóm tắt này nên nhận được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc. Điều này nhằm tạo điều kiện để họ hưởng những quyền lợi hợp pháp từ công sức sáng tạo của mình, đồng thời kiểm soát và bảo vệ sự nguyên vẹn của tác phẩm”, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập NXB Trẻ, bày tỏ quan điểm.
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị để việc thực hiện sách tinh gọn đảm bảo được quyền sở hữu trí tuệ, cũng như quyền lợi cho các bên.
“Những đóng góp, chia sẻ của các đơn vị đã được ghi nhận và có thể ý kiến sẽ được đưa vào dự thảo trong thời gian tới. Với một thị trường mới, nhiều việc cần làm, chúng ta sẽ cùng đi và thúc đẩy sự phát triển của sách tinh gọn”, ông Nguyên nhấn mạnh.