Để toán học trở thành một phần của khoa học tự nhiên hấp dẫn con người qua những công thức, con số và tính ứng dụng cao trong thực tiễn như ngày nay, lịch sử đã ghi công rất nhiều danh nhân lỗi lạc góp phần định hình, phát triển nó. Trong đó, tên tuổi nhà toán học Euclid được ghi danh trong lâu đài toán học với danh hiệu “Cha đẻ của hình học”.
Nhà toán học Euclid. Ảnh: Britannica. |
Nói tới Euclid, cuộc đời của ông không được biết đến đầy đủ. Tự điển danh nhân thế giới của Trịnh Chuyết xếp ông vào hàng ba nhà toán học giỏi nhất của Hy Lạp cổ đại, cùng Archimède, Apollinos.
Cuốn Tự điển danh nhân cũng thống kê danh sách tác phẩm gắn liền tên tuổi “Cha đẻ của hình học” như: Quang học, Phản xạ học.
Từ điển tiểu sử khoa học cho hay cuộc đời Euclid được biết đến qua hai sự kiện.
Thứ nhất, ông sống sau thời Plato (mất khoảng năm 347 TCN) và trước Archimède (sinh năm 287 TCN).
Thứ hai, ông sống và làm việc ở Alexandria. Tại nơi này, khoảng năm 300 TCN, ông đã viết sách Cơ sở của hình học.
Cùng những tác phẩm được kể ở trên, Cơ sở của hình học là tác phẩm góp phần làm nên tên tuổi của ông, khi đây là bộ sách được xem là có ảnh hưởng nhất trong lịch sử toán học thế giới.
GS Ngô Bảo Châu, trong lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt của tác phẩm, đã nhận định: “Theo một nghĩa nào đó, Cơ sở của hình học là quyển sách thuần túy toán học đầu tiên của nhân loại và là tờ giấy khai sinh ra toán học như bộ môn độc lập, tuy vẫn còn là một bộ phận của triết học”.
Không chỉ thế, Từ điển tiểu sử khoa học còn thông tin: Cơ sở của hình học được tái bản hàng nghìn lần, chỉ sau kinh thánh, nên có thể nói tác phẩm này “để lại ảnh hưởng to lớn đến tư duy của con người mạnh mẽ hơn bất cứ tác phẩm nào khác, ngoại trừ kinh thánh”.
Về mặt nội dung, những ai không thích làm bạn với những con số, các loại hình bình hành, vuông, chữ nhật… hẳn dễ bỏ qua Cơ sở của hình học. Nhưng ở chiều ngược lại, những người yêu thích khoa học tự nhiên lại vô cùng hứng thú.
Tác phẩm Cơ sở của hình học ấn bản tiếng Việt do Zenbooks liên kết với NXB Tri thức xuất bản. Ảnh: Trí-Dũng. |
Cơ sở của hình học dù ra cả trước khi toán học được gọi là… toán học, hình học được gọi là… hình học, nhưng nó là tác phẩm mà nhờ đó, như lời GS Ngô Bảo Châu giới thiệu rất hình tượng “lớn lên từ Cơ sở của hình học, toán học đã đi những bước rất xa”.
Đọc tác phẩm này, độc giả tùy vào sự hiểu biết của mình, sẽ gặp lại những mệnh đề đã được học trên ghế nhà trường hay trải nghiệm trong thực tế.
Đó có thể là “Qua hai điểm bất kỳ, luôn luôn vẽ được một đường thẳng”; “Với tâm bất kỳ và bán kính bất kỳ, luôn luôn vẽ được một đường tròn”; hoặc “Mọi góc vuông đều bằng nhau”; “Đường thẳng có thể kéo dài vô tận”…