Connect with us

Sách hay

Sách chuyên khảo về hệ thống Văn Miếu Việt Nam

Được phát hành

,

“Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu” góp phần vào việc tìm hiểu một nền giáo dục trong quá khứ và khám phá những di tích có giá trị lịch sử.

Văn Miếu là nơi thờ tự Khổng Tử, các bậc tiên nho và là biểu tượng của văn hóa Nho giáo. Ở nước ta, bên cạnh những yếu tố trên, Văn Miếu còn mang những nét riêng của văn hóa bản địa, như thờ các vị tiên thánh, tiên hiền như Chu Văn An, các vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông… Hoặc trong khuôn viên Văn Miếu lại xây dựng Quốc tử Giám (Nhà Thái Học) và Khuê Văn Các…

Biểu tượng của văn hóa Nho giáo

Hiện nay, có hàng chục công trình nghiên cứu về Văn Miếu. Tuy nhiên, nghiên cứu một cách tương đối bao quát về hệ thống Văn Miếu trong cả nước thì cuốn Văn Miếu Việt Nam– Khảo cứu của tác giả Trịnh Khắc Mạnh (chủ biên) – Dương Văn Hoàn là chuyên khảo đầu tiên. Cuốn sách này được biên soạn nhân 100 năm kết thúc nền khoa cử giáo dục Nho học ở Việt Nam (1919-2019).

Văn Miếu Việt Nam– Khảo cứu được trình bày theo hướng thực chứng tư liệu ghi chép về hệ thống Văn Miếu Việt Nam. Các tác giả sách đã căn cứ những bộ chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục…; tư liệu địa chí; tư liệu văn bia và các công trình nghiên cứu về hệ thống di tích Nho học của các nhà nghiên cứu đi trước, qua đó cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về tư liệu, ghi chép một cách hệ thống các di tích Văn Miếu Việt Nam.

Van Mieu Quoc Tu Giam anh 1

Sách Văn Miếu Việt Nam– Khảo cứu. Ảnh: Minh Châu.

Văn Miếu Việt Nam – Khảo cứu bắt đầu bằng việc tìm hiểu về Văn Miếu nói chung, Văn Miếu ở các nước Đông Bắc Á nói riêng; Nho học và khoa cử Nho học Việt Nam.

Các tác giả cho biết nền khoa cử Nho học ở Việt Nam có một chặng đường lịch sử dài, nhiều thăng trầm, tính từ thời độc lập tự chủ, bắt đầu từ năm 1075 (triều Lý), kết thúc vào năm 1919 (triều Nguyễn).

Trong gần 1.000 năm, nền khoa cử này đã đào tạo và công nhận gần 2.900 nho sĩ đỗ đại khoa (với các học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ).

Lịch sử khoa cử nho học Việt Nam cũng đã chứng minh, các nho sĩ Việt Nam luôn tiếp nhận những yếu tố tích cực của Nho giáo và giáo dục khoa cử Nho học để xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ và hùng cường; xây dựng nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Các tác giả cũng cho biết Văn Miếu ra đời là sự khẳng định của việc tôn sùng Nho giáo, khuyến khích phát triển giáo dục khoa cử Nho học, biểu dương tinh thần học tập và kết nối những giá trị đạo đức truyền thống.

Hệ thống Văn Miếu Việt Nam

Ở Việt Nam, Văn Miếu cấp quốc gia có từ thế kỷ XI (1070), phát triển trở thành hệ thống có quy mô toàn quốc vào đầu thế kỷ XIX (1803) khi vua Gia Long lệnh cho các dinh trấn trong cả nước đều lập các Văn Miếu.

Qua những nguồn tư liệu khác nhau, các tác giả sách đã thống kê Văn Miếu Quốc gia có 2 di tích; Văn Miếu cấp tỉnh có 28 di tích; Văn Miếu cấp phủ, huyện, tổng xã, thôn có 444 di tích.

Về Văn Miếu cấp quốc gia có 2 di tích là Văn Miếu – Quốc tử Giám Thăng Long – Hà Nội và Văn Miếu – Quốc tử Giám Huế.

Hai Văn Miếu này do nhà nước trung ương đứng ra xây dựng ở Kinh đô đất nước Đại Việt – Đại Nam Việt Nam, thể hiện sự trường tồn, khẳng định ý chí độc lập của một dân tộc có bề dày văn hiến.

Cùng Quốc tử Giám, hai Văn Miếu này còn tạo một khu thực hành lễ nghĩa văn hóa truyền thống và tổ chức học hành thi cử mang tính quốc gia.

Trong cuốn sách, độc giả sẽ có dịp tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử, nội dung các văn bia tiến sĩ, hoành phi, câu đối cũng như việc tế lễ ở 2 Văn Miếu cấp quốc gia này.

Về Văn Miếu cấp tỉnh (còn được biết trong lịch sử thời kỳ trung đại) có 28 di tích được phân bổ theo không gian như sau:

Miền Bắc có 14 Văn Miếu: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa (Phú Thọ), Sơn Tây, Hải Dương (Mao Điền), Nam Định, Bắc Ninh, Cao Bằng, Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh), Hưng Yên (Xích Đằng), Ninh Bình, Thanh Hóa.

Miền Trung có 10 Văn Miếu: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (Diên Khánh), Bình Thuận.

Miền Nam có 4 Văn Miếu: Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai), Gia Định (nay là TP.HCM), Vĩnh Long, An Giang.

Chi tiết các Văn Miếu cấp tỉnh này cũng được trình bày rất kỹ lưỡng trong cuốn sách từ lịch sử đến hệ thống văn bia, bi ký…

Văn Miếu cấp phủ, huyện, tổng xã, thôn có các danh xưng khác nhau: Văn Miếu, Văn thánh, Thánh từ, Văn chỉ. Trong cuốn sách, các tác giả đã trình bày những thông tin cơ bản của 444 di tích: Bắc Giang: 22, Bắc Ninh: 38, Hà Đông: 33, Hà Nam: 3, Hà Thành: 9; Hà Tĩnh: 7, Hải Dương: 44; Hưng Yên: 34, Nam Định: 30, Nghệ An: 27…

Bên cạnh trình bày chi tiết hệ thống Văn Miếu, sách Văn Miếu Việt Nam– Khảo cứu còn nêu những giá trị lịch sử của hệ thống Văn Miếu Việt Nam như: Văn Miếu trong văn hóa Việt Nam; một số giá trị của giáo dục khoa cử nho học Việt Nam; những điểm sáng của nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam…

Với việc trình bày một cách tương đối bao quát về hệ thống Văn Miếu, Văn Miếu Việt Nam– Khảo cứu đã góp phần vào việc tìm hiểu một nền giáo dục Nho học trong quá khứ và khám phá những di tích có giá trị lịch sử trong nền văn hiến dân tộc.

Nguồn: https://zingnews.vn/sach-chuyen-khao-ve-he-thong-van-mieu-viet-nam-post1271160.html

Sách hay

Chuyện gì thực sự đã xảy ra tại thảm kịch Everest 1996?

Được phát hành

,

Bởi

Gần 30 năm trôi qua, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh nguyên nhân dẫn đến thảm kịch Everest khiến 8 nhà leo núi bỏ mạng hồi tháng 5/1996.

tham kich everest anh 1

Cảnh từ bộ phim Everest (2015). Ảnh: Trail to peak.

Tháng 5/1996, 43 nhà leo núi đi thành nhiều đoàn thám hiểm, bao gồm hai đoàn thương mại lớn do Rob Hall (Adventure Consultants) và Scott Fischer (Mountain Madness) dẫn đầu, đang trên đường chinh phục Everest.

Ngày 10/5, thời tiết ban đầu có vẻ thuận lợi, nhưng một số yếu tố như lịch trình chậm trễ, sai lầm trong quản lý thời gian đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trên tuyến đường lên đỉnh, nhiều nhà leo núi mắc kẹt ở độ cao nguy hiểm.

Về chiều, cơn bão tuyết dữ dội bất ngờ ập đến khiến tầm nhìn giảm mạnh và nhiệt độ hạ xuống cực thấp. Nhiều nhà leo núi bị lạc hoặc kiệt sức trong nỗ lực quay trở về trại. Rob Hall và Scott Fischer đều thiệt mạng trên núi. Kết cục, số người thiệt mạng lên đến tám.

tham kich everest anh 2

“Thánh kinh” của giới leo núi Into thin air.

Thảm kịch đã dấy lên tranh cãi về ngành leo núi thương mại trên Everest. Nhiều quy định an toàn đã được siết chặt sau sự kiện này.

Vụ việc cũng trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm như các sách Into Thin Air (1997; tạm dịch: Vào thinh không; cùng năm được dựng phim truyền hình) của Jon Krakauer – một nhà báo tham gia chuyến thám hiểm, The Climb (tạm dịch: Chuyến leo núi) của Anatoli Boukreev – hướng dẫn viên sống sót trong vụ tai nạn và phim điện ảnh Everest (2015) tái hiện lại sự kiện này một cách chân thực.

Trong số đó, Into Thin Air là nổi tiếng hơn cả, được xem như “thánh kinh” của giới leo núi. Hướng dẫn viên Anatoli Boukreev viết The Climb để phản bác Into Thin Air mà ông cho là đã miêu tả bất công về ông.

Theo Slate, gần đây, luật sư Michael Tracy phát động chiến dịch YouTube công kích Krakauer, cho rằng ông đã bóp méo sự thật. Tracy cáo buộc Krakauer đổ lỗi cho những người leo nghiệp dư như Sandy Hill Pittman thay vì các hướng dẫn viên thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, Krakauer đã phản bác mạnh mẽ, thừa nhận một số sai sót nhỏ nhưng khẳng định phần lớn nội dung Into Thin Air vẫn chính xác.

Theo Tracy, vì cuốn sách của Krakauer mà Pittman chịu chỉ trích lớn từ cộng đồng, những hành động đầy tính kỳ thị phụ nữ. Tuy nhiên, tờ Slate cho rằng ác cảm với nhân vật này đến từ những nguồn khác, đặc biệt là một số tờ báo như Vanity Fair.

Ngoài ra, một số cáo buộc nặng nề nhất của Tracy, như việc Krakauer bỏ mặc Yasuko Namba sắp chết, đã bị cộng đồng kịch liệt phản đối, buộc ông phải gỡ bỏ video.

Đến nay, gần 30 năm trôi qua nhưng cuộc tranh cãi về nguyên nhân thảm kịch vẫn kéo dài. Nhiều chi tiết quan trọng không thể xác minh, vì những người chứng kiến đã bỏ mạng trên núi.

Con người luôn muốn tìm một thủ phạm rõ ràng để giải thích những bi kịch phức tạp, nhưng như Krakauer nhấn mạnh, thảm kịch trên là hậu quả của nhiều yếu tố đan xen: tắc trách, tham vọng, thời tiết khắc nghiệt, thể chất suy yếu và số phận xui rủi.

Nguồn: https://znews.vn/chuyen-gi-thuc-su-da-xay-ra-tai-tham-kich-everest-1996-post1532757.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Nghệ thuật binh pháp kinh điển của người Nhật Bản

Được phát hành

,

Bởi

“Binh pháp gia truyền thư” là cuốn sách kinh điển về nghệ thuật chiến đấu của người Nhật Bản do Yagyū Munenori viết từ thế kỷ 17.

Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Anh, tiếng Trung…. Bản dịch tiếng Việt (Nguyễn Mạnh Sơn dịch) Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa mới phát hành dịch theo bản Binh pháp gia truyền thư được in trong tập thứ hai của bộ Hiyaki Daimyo Bunko, do Fukui Kyūzo biên tập, Koseikaku xuất bản, Tokyo, 1937.

Binh phap gia truyen thu anh 1
Sách Binh pháp gia truyền thư bản tiếng Việt. Ảnh: QM.

“Kiếm giết người” và “Kiếm cứu người”

Yagyū Munenori (1571-1646) sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân sự. Gia tộc Yagyū vốn được nhiều người gọi là gia tộc tình báo. Cha ông là Yagyū Muneyoshi, là một trong những kiếm sĩ nổi tiếng thời ấy. Sau này Munenori trở thành người sáng lập phái Shinkage. Ông là thầy dạy binh pháp, quân sự cho tướng quân Tokugawa Iemitsu. Sau đó ông trở thành daimyo, và lãnh chúa đầu tiên của vùng Yamoto Yagyu. Ông qua đời vì bệnh tật tại Azabu, Edo.

Yagyū Muneyoshi được đánh giá là kiếm sĩ xuất sắc nhất trong số các kiếm sĩ thời đó. Ông có rất nhiều đệ tử đảm nhiệm nhiều chức trách khác nhau, từ tướng quân cho đến các daimyo. Munenori coi kiếm cứu người là lý tưởng của binh pháp, ngay từ đầu không sử dụng vũ lực thì tốt hơn, nhưng nếu phải sử dụng vũ khí để loại bỏ một người mà cứu được cho cả vạn người thì cũng đáng.

Binh pháp gia truyền thư có dung lượng khoảng 100 trang, gồm 4 quyển: Cầu dâng giày (cây cầu để dẫn các môn đệ đến với đạo binh pháp); Sát nhân đao (Hiểu trực nghĩa là đao / kiếm dùng để sát nhân); Hoạt nhân kiếm (Kiếm cứu người); Vô đao (Không dùng đến dao kiếm).

Nói về việc đặt tên các quyển này, Yagyū Munenori viết: “Ta đặt tên cho quyển thượng và quyển hạ là “Kiếm giết người” và “Kiếm cứu người” với ý nghĩa rằng, thanh kiếm các kiếm thủ có thể giết người nhưng cũng có thể mang lại sự sống cho con người. Ở trong thời thế loạn lạc này, nhiều người bị giết một cách vô cớ. Có thể dùng “kiếm giết người để kiểm soát thời loạn lạc, còn vào thời thịnh trị, lẽ nào “kiếm giết người” không trở thành “kiếm cứu người được sao?”.

Binh pháp gia truyền thư không chỉ bàn về kỹ thuật chiến đấu tay đôi giữa kiếm sĩ mà còn đề cập nhiều khía cạnh khác trong khi tác chiến như chiến thuật, chiến lược, tâm lý, và đạo đức.

Thậm chí, người đời nay còn học được từ đó nhiều bài học hữu ích, đó là sự tập trung và kiên trì trong rèn luyện; là việc tìm hiểu và ứng biến trước mọi biến cố đối thủ có thể đưa đến; là đạo đức và tinh thần của chiến binh thực thụ; là năng lực kiểm soát cảm xúc và tâm lý trong quá trình tham chiến; là kỹ năng giải quyết vấn đề khi gặp trường hợp bất trắc; và hơn hết là hiểu và tôn trọng chính mình lẫn đối thủ.

Binh phap gia truyen thu anh 2
Tượng Yagyū Munenori (1571-1646). Nguồn: tokumeikan.

Kiếm thuật còn là nghệ thuật quản trị hòa bình

Theo dịch giả Nguyễn Mạnh Sơn, cùng Ngũ luân thư của Miyamoto Musashi, Binh pháp gia truyền thư của Yagyū Munenori là trước tác binh pháp kinh điển của người Nhật Bản. Trước tác này có ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực binh pháp, kiếm thuật mà còn đến nhiều lĩnh vực và trước tác khác ở đời sau, điển hình là Võ sĩ đạo của Inazo Nitobe.

Trước khi hai binh thư nổi tiếng này ra đời, Yagyū Munenori, là một kiếm sĩ, cũng thường được mọi người so sánh với Miyamoto Musashi, bởi hai người sống cùng thời. Thế nhưng dường như quan điểm về kiếm thuật của họ lại hoàn toàn khác nhau.

Thanh kiếm của Musashi thể hiện triết lý của một chiến binh thực thụ với kỹ năng thần diệu trong việc chém đối thủ. Trong khi đó, Munenori lại khao khát tạo ra kiếm pháp có thể lợi dụng con người để thống trị thế giới, có khả năng trấn áp đối thủ ngay cả khi bản thân không có vũ khí. Bởi ông hiểu rằng mục đích luyện kiếm của một vị tướng không phải để trở thành kiếm sĩ mạnh nhất thế giới mà để có được kiến thức và kỹ năng cai trị đất nước.

Trong lịch sử Nhật Bản, Yagyū Munenori là nhân vật hiếm hoi xuất thân tầm thường rồi lên đến daimyo, sau đó trở thành binh pháp gia và chính trị gia nổi danh. Ông luôn tâm niệm rằng, kiếm thuật không chỉ là kiếm thuật mà còn là nghệ thuật quản trị hòa bình, môn khoa học thống trị thế giới, cai trị xã hội samurai hòa bình mà không cần chiến đấu. Có lẽ đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa phái Shinkage với các trường phái khác sử dụng kiếm giết người để giành chiến thắng.

Bên cạnh nội dung chính 4 quyển, để bản dịch tiếng Việt cuốn sách thêm phần trực quan và sinh động, dịch giả còn bổ sung phần mục lục tranh hướng dẫn các thế kiếm của phái Shingake và phụ lục phần dịch trước tác của Takuan Soho, một thiền tăng, mang tên “Bất động trí thần diệu lục”.

Đây là bài giảng của thiền sư Takuan dành cho Munenori về tư tưởng kiếm và thiền là một. Trong bài giảng này Takuan chỉ dẫn cách thức để Munenori có thể phát huy toàn bộ kiếm thuật của bản thân khi phải đối mặt với nhiều đối thủ và khi lãnh đạo nhiều thuộc cấp trong vai trò một chính trị gia.

Nguồn: https://znews.vn/nghe-thuat-binh-phap-kinh-dien-cua-nguoi-nhat-ban-post1532001.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Phần tiếp theo – con dao hai lưỡi

Được phát hành

,

Bởi

Một số tiểu thuyết nổi tiếng đã được tác giả viết phần tiếp theo sau nhiều năm. Nhiều tác phẩm tiếp tục được đón nhận nhưng có cuốn bị phản đối gay gắt vì không đạt được kỳ vọng.

Tranh minh họa “Chuyện người tùy nữ”. Nguồn: massolit.

Những phần tiếp theo của tác phẩm văn học được phát hành sau nhiều thập kỷ so với phần trước thường tạo ra sự phấn khích, hoài niệm nhưng cũng kèm theo cả sự hoài nghi. Những phần tiếp theo được mong đợi từ lâu này hứa hẹn sẽ tái hiện lại các nhân vật được yêu thích, mở rộng thế giới được trân trọng và trả lời câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, ngược lại thì câu chuyện tiếp diễn cũng có nguy cơ không đáp ứng được kỳ vọng, làm hoen ố “di sản” để lại của tác phẩm gốc. Vậy, liệu có hiệu quả khi các tác giả tái hiện lại những sáng tạo của họ sau nhiều thập kỷ?

Yếu tố hoài niệm

Một trong những lý do lớn nhất khiến các tác giả quay lại với một câu chuyện được yêu thích là tình cảm bền bỉ mà độc giả dành cho nó. Hoài niệm có thể là sức hút mạnh mẽ, khơi dậy sự quan tâm đến cuốn sách gốc và thế giới của nó. Những phần tiếp theo như Go Set a Watchman (Hãy đi đặt người canh gác) của Harper Lee, được phát hành 55 năm sau To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại), đã khai thác nỗi nhớ này.

Tuy nhiên, mối liên hệ cảm xúc này có thể là con dao hai lưỡi. Người hâm mộ thường mang đến kỳ vọng rất cao, hy vọng phần tiếp theo sẽ mang lại chiều sâu cảm xúc giống bản gốc. Vì vậy, khi tác phẩm không làm được như vậy, độc giả chắc chắn có phản ứng dữ dội và gay gắt.

Bên cạnh đó, các tác giả thường phát triển và thay đổi theo năm tháng, và tác phẩm của họ phản ánh sự tiến hóa này. Khi Margaret Atwood viết The Testaments (tạm dịch: Di chúc) nhiều thập kỷ sau The Handmaid’s Tale (Chuyện người tùy nữ), phần tiếp theo của bà đã thể hiện một tông điệu đương đại hơn, đề cập đến các vấn đề hiện đại về giới tính và quyền lực.

Đối với nhiều người, sự tiến hóa này là bản cập nhật đáng hoan nghênh, chứng minh rằng phần tiếp theo có thể tạo được tiếng vang với khán giả mới trong khi vẫn tôn vinh tác phẩm gốc.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến tác phẩm có nguy cơ mất kết nối. Người đọc có thể thấy phong cách hoặc góc nhìn mới của tác giả xung đột với giọng điệu của tác phẩm gốc, khiến họ cảm thấy xa lạ.

Tieu thuyet phan tiep theo anh 1
The Testaments của Margaret Atwood được đón nhận sau thành công nhiều thập kỷ của The Handmaid’s Tale. Ảnh: Thebookerprize.

Nguy cơ của việc viết lại

Phần tiếp theo được viết sau nhiều thập kỷ thường liên quan đến việc diễn giải lại hoặc mở rộng câu chuyện gốc. Điều này đôi khi có thể dẫn đến việc viết lại, trong đó các chi tiết mới mâu thuẫn hoặc diễn giải lại các sự kiện trong quá khứ.

Ví dụ, Go Set a Watchman gây tranh cãi khi mô tả Atticus Finch theo hướng ít anh hùng hơn, thay đổi cách độc giả cảm nhận nhân vật mang tính biểu tượng này.

Trong khi thay đổi tình tiết gốc có thể làm tăng thêm sự phức tạp cho một câu chuyện, nhưng cũng khiến người hâm mộ cảm thấy bị phản bội bởi những thay đổi đối với các nhân vật hoặc thế giới mà họ yêu thích. Việc cân bằng những ý tưởng mới với các quy tắc đã được thiết lập là một nghệ thuật tinh tế có thể tạo nên hoặc phá vỡ phần tiếp theo.

Kỳ vọng hiện đại so với ý định ban đầu

Khi phần tiếp theo được phát hành sau nhiều thập kỷ, tác giả chắc chắn phải đối mặt với những nhạy cảm và bối cảnh văn hóa hiện đại. Những gì hiệu quả trong quá khứ có thể không còn được độc giả đương đại đồng tình nữa.

Trong một số trường hợp, các tác giả giải quyết vấn đề này trực tiếp, kết hợp chủ đề hiện đại vào tác phẩm của họ, như Atwood đã làm với The Testaments. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến căng thẳng. Người hâm mộ bản gốc sẽ cảm thấy phần tiếp theo đi quá xa so với ý định ban đầu của câu chuyện, trong khi độc giả mới có thể không đánh giá đầy đủ bối cảnh của cuốn sách đầu tiên.

Tieu thuyet phan tiep theo anh 2
Harper Lee đã không thành công khi viết Go Set A Watchman, phần tiếp theo của To Kill A Mockingbird, khi miêu tả nhân vật chính khác lạ. Ảnh: Bookbed.

Thành công và sai lầm

Một số phần tiếp theo được mong đợi từ lâu đã được chào đón nồng nhiệt. The Silmarillion của J.R.R Tolkien, được xuất bản sau khi ông mất nhiều thập kỷ với The Lord of the Rings, đã mở rộng thế giới thần thoại theo cách làm sâu sắc thêm sự trân trọng của người hâm mộ đối với lịch sử Trung Địa. Tương tự, The Testaments của Atwood đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình, giành giải Booker danh giá.

Mặt khác, một số phần tiếp theo đã gặp phải những phản ứng trái chiều. Go Set a Watchman, mặc dù ban đầu được ca ngợi khi ra mắt, lại gây ra tranh cãi vì miêu tả Atticus Finch khác lạ. Doctor Sleep của Stephen King, phần tiếp theo của The Shining (Thị kiến), đã nhận được lời khen ngợi nhưng cũng phải đối mặt với sự chỉ trích vì đi chệch hướng về tông điệu so với phần trước.

Vậy nó có hiệu quả không?

Khi được thực hiện tốt, phần tiếp theo được phát hành sau nhiều thập kỷ có thể làm phong phú thêm câu chuyện gốc, cung cấp góc nhìn mới mẻ và giới thiệu lại các nhân vật được yêu thích cho thế hệ mới. Chúng có thể khơi dậy tình yêu dành cho bản gốc và mở rộng di sản của nó.

Tuy nhiên, rủi ro cũng đáng kể không kém. Những phần tiếp theo không tôn trọng tông điệu, chủ đề hoặc nhân vật của bản gốc có thể khiến độc giả xa lánh và làm hoen ố danh tiếng của câu chuyện.

Cuối cùng, liệu phần tiếp theo của tác phẩm ra mắt sau nhiều thập kỷ có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa sự hoài niệm với đổi mới, tôn vinh tác phẩm gốc trong khi mang đến điều gì đó mới mẻ của tác giả.

Nguồn: https://znews.vn/phan-tiep-theo-con-dao-hai-luoi-post1531192.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng