Với hơn 20 năm đi nhiều nơi để chụp ảnh thiếu nhi, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Jamie Johnson đã tạo dựng được danh tiếng với nhiều bức chân dung các em nhỏ rất ấn tượng. Năm 2014, bà được mời đến Ireland để ghi lại hình ảnh của Irish Traveller – dân tộc thiểu số người Ireland sống du mục trong nhiều thế kỷ. |
Mặc dù Irish Traveller thường không chào đón người ngoài nhưng lòng tốt và sự tôn trọng của Johnson dành cho họ đã tạo được thiện cảm. Sau đó, nữ nhiếp ảnh gia được tiếp cận, chụp ảnh cuộc sống và văn hóa của họ. |
Đây chính là tiền đề cho Jamie Johnson ra mắt cuốn sách ảnh Growing up Travelling: The Inside World of Irish Traveller Children (tạm dịch: Trưởng thành trên những chuyến đi: Thế giới bên trong những đứa trẻ cộng đồng thiểu số Ireland). Sách do nhà xuất bản Kehrer ấn hành. |
Trong lời tựa của cuốn sách, Mary M Burke, người phụ trách phần nội dung, đã viết: “Bên cạnh nhiều điểm đặc biệt của trẻ em thiểu số, một yếu tố thú vị là niềm đam mê thời trang của các em. Các cậu bé được khắc họa trông rất cứng rắn, còn các cô gái được trang điểm và xuất hiện trong những bộ váy hàng hiệu”. |
Nhiều bức hình toát lên sự gan góc, sự kiên cường và lạc quan của những đứa trẻ, đồng thời bộc lộ niềm tự hào của các em về gia đình và văn hóa của cộng đồng mình. |
Burke viết: “Cộng đồng thiểu số này có chung nguồn gốc và lịch sử, đồng thời có những cách thực hành văn hóa riêng biệt và quy định giới tính nghiêm ngặt”. |
Với nhiều lần đến thăm Ireland trong suốt 5 năm, bao gồm cả những chuyến đi tới các địa phương cách nhau khá xa trên khắp đất nước như Galway, Limerick, Cork và Tipperary, Johnson đã có cảm tình sâu sắc với cộng đồng này. |
Johnson cũng tạo dựng được mối quan hệ đặc biệt với những đứa trẻ mà bà trò chuyện. Chúng còn thay phiên nhau sử dụng máy ảnh của bà. |
Bản thân nhiếp ảnh Jamie Johnson cũng chia sẻ: “Tôi hy vọng có thể cho mọi người thấy những đứa trẻ xinh đẹp này”. |
“Chúng luôn giữ trong mình niềm hy vọng và mục tiêu lớn lao, cũng như luôn nỗ lực mỗi ngày để đạt được ước mơ của mình, dù các em luôn phải chống lại sự phân biệt chủng tộc và những định kiến từ nhiều thế kỷ”, nữ tác giả viết. |
“Trẻ em là một phần trong những điều hồn nhiên, hạnh phúc và quý giá của thế giới. Chúng cần được yêu thương, chấp nhận và khuyến khích, dù sống ở đâu hay như thế nào”. |