“Nhập thế cuộc bất khả vô văn tự,
Chẳng hay họ cũng phải dự một bài.
Huống chi người có sẵn văn tài,
Ngày Tết lại chẳng một hai câu đối”.
Ấy là người có văn tài mà giở chữ ra thì còn dễ chịu, chứ nhiều ông “không có gì” cũng “gọi là một chút”, rồi cũng một hai câu đối thì câu đối của ông ấy chửi đời lắm. Cũng vì thấy nhiều câu thực “chẳng ra gì” mà cũng viết, cũng dán nên đã có người làm câu dán mỉa đời rằng:
“Tết có gì, cũng viết loài viết xoài, cũng chữ hoài, dửng với họ ra điều học biệc! Xuân thì chơi, nào câu đối cây điếc, nào pháo phiếc, chán cho đời những sự tết tung”.
Rõ ra cái ý mỉa đời mà lại khéo dùng được nhiều những tiếng dịp đôi. Nhưng mỉa thì mỉa, ai chơi vẫn cứ chơi, cái thói dán câu đối Tết vẫn chưa bỏ được hẳn, nên cứ cuối năm các ông đồ, bác khóa là đã vác chiếu, vác mực, vác nghiên, vác bút ra ngồi ở hè phố “viết loài viết xoài” cũng kiếm được món tiêu.
Theo bà Thanh Quan, dân ta phần đông có duyên nợ với văn chương cả:
“Duyên với văn chương nên dán chữ / Nợ gì trời đất phải trồng nêu”.
Cái thói dán chữ bảo để còn được, chứ cái thói trồng nêu thì còn giữ làm gì. Trồng nêu, treo mũ, hoặc giắt cành đa, bảo là theo phù thủy pháp môn để cho quỷ nó biết rằng đất mình ở đây cũng là đất của Phật mà nó sợ không dám quấy nhiễu; nhưng, quỷ nào? Rõ mê tín hão huyền thật. Câu trên này chính là ý bài bác cái thói hủ ấy.
Lại còn cái thói cứ đến Tết là đốt không biết bao nhiêu là pháo mà phần nhiều là mua của Tàu cả, thực là “gánh vàng đi đổ sông Ngô”. Bây giờ có pháo của Tây làm, đốt khét lẹt, rõ là mua lấy cái dại.
Một thói hủ nữa là cứ đến tối 30 thì đem vôi bột rắc, vẽ hình cung tên ra ngoài cửa, bảo là theo phép của đức Văn Thù Bồ Tát để nạt quỷ dạ xoa… thêm bẩn cả mắt. Nhịn chẳng được, Tú Xương làm một câu, kêu:
“Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo / Nhân tình trắng thế lại bôi vôi”.
Thực ngụ ý bài trừ thói hủ, huyền hoặc vô lý ấy đi mà lại có ý than thở cho thiên hạ nhân tình lắm.
Hay là bảo đốt pháo, trồng nêu cho bọn mù nó biết là đến Tết, biết là đã xuân. Nhớ câu của Nguyễn Công Trứ làm cho một anh thầy bói rằng:
“Tối ba mươi, dờ cẳng đụng cây nêu, ờ Tết / Sáng mùng một, lắng tai nghe tiếng pháo, hừ xuân!”.
Tài là ra được giọng thầy bói ngây ngô chẳng biết rõ lúc nào là xuân, lúc nào là Tết, đến khi nghe thấy pháo, đụng phải nêu mới hay, thực là ngớ ngẩn.
Tài tình nữa là Yên Đổ, gần Tết có anh hàng thịt nọ đem biếu cụ bát tiết canh và đôi bồ dục để xin câu đối, cụ liền tức cảnh đọc ngay:
“Tứ thời bát tiết canh chung thủy / Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang”.
Nghĩa là bốn mùa tám tiết thay đổi thủy chung; gặp mùa xuân đến thì cây bồ liễu đều ý muốn điểm trang xuân sắc cả. Rõ thật là tả cảnh đầu xuân năm mới mà khéo dùng được những tiếng “bát tiết canh, đôi bồ dục” để ám chỉ nhà hàng thịt lợn…
Lại câu: “Uẩy ấy ai vặn máy tuần hoàn, đưa thoi ngọc để xoay trời đất lại /
Ừ mới biết rằng tay tạo hóa, tuông then xuân cho rạng nước non ra”.
Và câu dán cửa:
“Không dưng xuân đến chi nhà tớ / Có lẽ trời nào đóng cửa ai”.
Ý từ đều lưu loát cả, mà giọng văn đọc lên nghe thực mới. Câu dưới ý nói đầu năm xuân mới tới, trời mở cửa cho mọi sự gặp may cả, mà không phải dùng đến điển cố.
Thầy đồ viết câu đối. Ảnh chụp hơn 100 năm trước, thuộc bộ sưu tập Albert Kahn. |
Lại câu sau này:
“Uẩy! Tết đến đó rồi, chả lẽ giơ cùi cùng tuế nguyệt, Kìa! Xuân sang đó nhỉ, phen này mở múi với giang san”.
Nguyên là của một học trò, Tết đến chỉ có một quả bồng nên mới có những tiếng “giơ cùi, mở múi” mà lại tả nghĩa nghèo kiết, chả lẽ giơ cùi ngồi xuống, tất cũng có ngày mở múi mà ra mặt mới đời. Đối đã hay lại có khẩu khí.
Cứ nói đến “khẩu khí” thì lại nhớ đến Lê Thánh Tông. Gần Tết vua ăn mặc thường để đi xem xét nhân tình, qua một nhà kia vẫn thấy quạnh hiu không trang hoàng câu đối câu điếc gì cả.
Vua liền rẽ vào hỏi thì chủ nhà nói là vì làm nghề hèn hạ nên không dám dán chữ và bầy biện gì. Vua trông quanh nhà thì thấy ở một góc kia có chiếc cập tre và chiếc áo tơi, chừng đã hiểu nên bảo ngay nghề gì chả là nghề, lấy phân chả là nghề sao, sao lại tự hạ thế, để ta làm cho đôi câu đối. Chờ người đó lấy giấy bút lại, vua liền viết:
“Ý nhất nhung y, đởm thế gian chi nan sự / Đề tam xích kiếm, thu thiên hạ chi nhân tâm”.
Nghĩa nói: Khoác chiếc áo tơi, đảm đang việc khó ở thế gian; Cầm ba thước kiếm thu hết lòng người trong thiên hạ. Rõ là ra khí tượng ông vua mà tả được việc gắp phân là việc rất khó, mấy ai dám làm, thế mà khoác chiếc áo tơi, cầm cái cập bằng tre (trông như thanh kiếm) đảm đang được việc.
Nguyễn Hữu Chỉnh, ta thường quen gọi là Cống Chỉnh, nhân ngày Tết cũng làm hai câu dán cửa: “Mở khép càn khôn, có ra tay mới biết / Ra vào tướng tướng, thử liếc mắt mà coi”.
Cũng có cái ngữ khí người anh hùng lắm. Về sau, ông đem Tây Sơn ra Bắc Hà diệt Trịnh phù Lê, làm xoay chuyển cả đất trời (mở khép càn khôn), các quan khanh tướng đều phải khiếp sợ (ra vào tướng tướng).
Còn cái “cánh càn khôn” và cái “then tạo hóa” của Xuân Hương thì lại khác: “Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới /
Sáng mồng một, ngỏ then tạo hóa, để cho thiếu nữ rước xuân vào”.
[…]
Câu đối mà dùng được những tiếng tục ngữ để ghép lại thành thì thực là tài như câu dưới này, không nhớ được là của ai, làm để dán nơi điếm sở trong làng:
“Cấm đình, cấm đáo, cấm pháo thăng thiên, cấm tiền xóc ống, cấm búng sa quay, cấm xoay thò lò, cấm tuốt / Có bầu, có bạn, có ván cơm xôi, có nồi cơm nếp, có đệp bánh chưng, có lưng hũ rượu, có gì”.
Còn cảnh chùa làng. Ta xem câu đối dán Tết của một nhà sư dưới đây cũng đủ rõ: “Lá phướn phất ngang trời, bốn bể đều trông nêu Phật / Tiếng chuông kêu dậy đất, năm châu cũng tưởng pháo sư”.
Cảnh trường học. Truyền rằng Cao Bá Quát khi làm Giáo thụ, nhân ngày Tết làm dán nhà trường: “Mô phạm năm ba thằng mặt trắng / Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lưng vàng”.
Mặt trắng là người học trò (bạch diện thư sinh), lưng vàng là lương quan Giáo, ngày xưa chỉ ăn độ một hộc rưỡi gạo vàng mà thôi. Nhân tài như thế mà đãi một cách như thế; đỉnh chung, mô phạm nỗi gì, đến ai mà không oán vọng…