Nếu làm một con số thống kê, nhiều người biết về bài hát Em ơi! Hà Nội Phố do Phú Quang phổ nhạc và rất ít người biết về tác giả của những vần thơ: Phan Vũ.
Trường ca và thơ được phổ nhạc không giống nhau. Nhạc sĩ Phú Quang chỉ chọn vài khổ làm thơ nhạc, nên người nghe muốn hiểu nhiều hơn về tác phẩm của Phan Vũ, phải đọc thơ.
Chụp, chép, ghi lại ký ức
Phan Vũ sinh năm 1926, người Hải Phòng, viết thơ, kịch và vẽ tranh. Thơ Phan Vũ không bám vào những loại hình thể loại, những cách tân, lạ hóa.
Thơ của Phan Vũ là sự chụp, chép, ghi lại ký ức cổ. Chữ nghĩa cô đọng, đẹp, tỉnh táo mà nhiều xâm lấn. Tổng thể trường ca Em ơi, Hà Nội phố khắc lại cảnh Hà Nội sau cuộc dội bom B52 của Mỹ.
Mỗi khổ thơ là những dấu chân mộng du, ví như:
“Ta còn em hàng cây khô
Buồn như dãy phố
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Hạt sương tan
Nhòe nhòe đôi mắt”
Hoặc, sự mộng du quen thuộc với nhiều người:
“Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…”.
Tập thơ Ta còn em của Phan Vũ. |
Có sự đối nghịch trong nhân vật chính của bài thơ, “ta”, kẻ lang thang trong cảnh hoang tàn trước mắt, nối vào hàng hà sa số những ký ức cũ.
Đó là tiếng reo người bán hàng (lanh canh), phong thư cũ, tiếng đàn, một khuôn mặt (từng xuất hiện sau khung cửa), một nhành hoa, tiếng giày trên cầu thang cọt kẹt, hương hoa sữa, hương hoàng lan, một gánh hoa chiều, tiếng kinh cầu sau giờ tan lễ, tiếng đàn của ai đó đánh bản Sonata Ánh trăng, hàng loạt những ánh trăng chiếu từ thẳm sâu ký ức cũ, một giàn thiên lý nay đã chết khô…
Em ơi, Hà Nội phố là tên của trường ca, cũng là dòng mào đầu, mã khóa của sự giật lùi hiện tại vào ký ức. Tuy nhiên, đây chỉ là mã khóa thứ nhất.
Trước câu “Em ơi! Hà nội phố” có một dòng, “Gửi những người Hà Nội đi xa…”, một lời đề từ, đề tặng, Nếu cũng dòng chữ này, nối với “Riêng về một chuyến đi” (bắt đầu khổ 15) “Riêng về một tháng chạp” (bắt đầu khổ 20), ta sẽ có một mật mã khác.
Dòng “Em ơi! Hà Nội phố” là sự cất tiếng, gọi lại Hà Nội thuở nguyên sơ, còn những dòng ở trên là những chuyển động trong tư thế bất động.
Bất động nhưng không phải cắm chân vào một chỗ, cố định trong một căn phòng, bất động ở đây là vẫn ở cái Hà Nội đấy, Phan Vũ chuyển mình trong vòng tròn của trí nhớ, đi đâu cũng chạm vào ký ức. Ông có lùi, tiến, nằm xuống, uống say, bắt chuyến tàu, tìm vào giấc ngủ say, vẫn lật tẩy “anh”, dù trong bóng tối hay ngoài ánh sáng.
Ký ức khiến Phan Vũ nhớ, bởi nhớ, ông không thể quên và bởi không thể tẩy trắng lịch sử gốc. Ông càng khắc khoải trong luồng suy tư bất tận.
“Em ơi! Hà Nội phố!” chỉ là màn dạo đầu trong chủ đề ký ức trống của Phan Vũ. Có thể nêu ra vài ví dụ:
“Tôi chợt hiểu trong không gian
Luôn có sự rạn nứt im lìm
Và thời gian một chuỗi dài
Thành quách, lâu đài sụp đổ
Chiếc bình vỡ, chuyện hàng ngày,
Nhưng mùi hương là những ấp ủ tháng năm
Những khoảnh khắc chờ đợi
Một bông hoa”.
(Bình vỡ)
“Kẻ lãng du gục bên cột số
Con số không tròn cột cuối cùng”.
(Ngày trở về)
Hoặc dấu hiệu của sự trắng ký ức như một cơn bệnh xoáy vụn trí óc:
“Mị mộng
Man mê
Đàn khuya
Trăng vỡ
…
Mị mộng
Man mê
Mùa mãn
Chợ tan
Tình tứ tán
…
Mị mộng
Ế hàng
Man mê
Nguyên một mùa xanh ngả ngả vàng”
(Mị mộng)
Rồi chất thơ Phan Vũ đi vào sự đối cực, phân thân:
“Người ấy đi một mình
Khuôn mặt chia hai nửa
Một nửa đầy Mặt Trời
Một nửa ngả hoàng hôn”.
(Độc hành)
Và những ký ức cay đắng đến mức xuyên thủng những đường phố ngọt ngào để gục xuống trước linh cữu cố nhân:
“Ở quanh đây những khăn sô không thể nào đánh số
Và ở một nơi nào những nghĩa trang theo chiều dựng đứng
Chúng ta diễu qua hành tinh khác
Những bức tường vĩnh viễn một màu đen
Thách thức mặt trời bằng trái tim mưa…”.
(Cơn hạn và nước mắt)
Nhà thơ Phan Vũ (trái). Ảnh: Từ Hồng Sơn. |
Thơ tự nhiên, uyển chuyển
Đối trọng với những tiếng nguyện, gọi, mặc khải quá khứ (Em ơi! Hà Nội phố) là tiếng lẩm bẩm, báo thức mình một chuyến đi: Bao giờ về Sài Gòn (Bài thơ về một câu hỏi).
Lời nhắc mình là như vậy, kỳ thực Phan Vũ đã kéo người đọc, vào Sài Gòn, qua những phân cảnh chắp vá, lúc rời rạc, lúc khăng khít, khi thì chân thật đến mức tái tạo trong ta một ký ức giả.
Phan Vũ viết thơ không hòng một khát vọng lớn nào ngoài sự ngoái nhìn, tri ân những nơi mình từng sống.
Thơ Phan Vũ không đòi hỏi về sự tranh đoạt. Thơ của ông là sự trầm xuống của những nhớ, thương, tiếc, hờn, dỗi, buồn, những khóc, cười, mê muội, mất trí, vừa mộng mơ và cũng rất tỉnh táo…
Hết thảy dội vào, tổng hòa, cắm xuyên vào nhau thành các vùng trũng xoáy, những lỗ hổng thời gian. Đọc Phan Vũ khó tìm thấy sự đột phá, cách tân loại hình nghệ thuật. Phan Vũ viết như một sự trả ơn, viết như một lối thoát khi thể xác, tâm hồn mình đã quá nặng nề, buộc phải trút ra ngoài.
Vậy nên thơ của Phan Vũ rất thản nhiên, uyển chuyển không tù túng trong một bố cục được dàn xếp, mượn việc viết để thể nghiệm về sự trừu tượng, siêu hình.
Thơ của Phan Vũ thật như mơ và mơ như một đời sống hiện hữu giữa cuộc đời. Đọc thơ Phan Vũ cũng là cách lật lại lịch sử để tham thấu tường tận, từ đó đối chiếu giữa Hà Nội dĩ vãng và Hà Nội hiện thời.
Jean Paul Satre từng viết: “Trên đời không có tác phẩm đen tối hay tươi sáng, chỉ có tác phẩm hay hoặc dở.” Nếu tôi quả quyết thơ Phan Vũ hay thì quá võ đoán và ngược lại, cái dở cũng là phỏng đoán của riêng tôi.
Chỉ một điều tôi khẳng định, thơ Phan Vũ rất giá trị và đủ lớn cho một di sản. Mãi mãi, như dòng cuối cùng, gấp lại bản trường ca. Mãi mãi, cho một con người đã hoàn nhất mình vào Hà Nội.