Văn mẫu 12
Phân tích bài thơ “Tây Tiến” (3)
Được phát hành
cách đây 5 năm,
Bởi
nguvanCó một bài ca không bao giờ quên…
Có một bài ca như thế. Cũng có những năm tháng không bao giờ quên, không phai mờ trong ký ức của nhiều thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau. Đó chính là những ngày tháng kháng chiến chốngn Pháp, khi toàn dân tộc ta vừa qua nạn đói, vừa giành được độc lập thì thực dân Pháp trở lại xâm lược. Dấu ấn của nạn đói năm 1945 vẫn còn, rất đậm trong mỗi người dân Việt Nam. Tự do hay trở về với cuộc đời cũ? Đấy là câu hỏi day dứt bao người. Theo tiếng gọi của tự do, những người nông dân, công dân, học sinh, những người mẹ, người chị… tham gia kháng chiến, tạo nên hào khí dân tộc của một thời đại. Trong những năm tháng đáng nhớ ấy, văn học dù chưa dám nói là đã ghi lại trọn vẹn bộ mặt đất nước, nhưng cũng đã ghi lại được hào khí của một thời với hình ảnh bao người mà hình ảnh trung tâm là người chiến sĩ cụ Hồ. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ra đời trong hoàn cảnh chung đó.
Bài thơ sáng tác tại Phù Lưu Chanh vào năm 1948 khi Quang Dũng đã chuyển đơn vị. Nhưng những ngày tháng Quang Dũng chiến đấu, sống ở đoàn quân Tây Tiến chưa lâu, với những kỷ niệm khó quên nên nỗi nhớ Tây Tiến da diết, cồn cào trong lòng tác giả. Toàn bài thơ là một nỗi nhớ. Tác giả nhớ về cuộc sống gian khổ, nhớ về kỷ niệm những đêm liên hoan, về cái âm u, hoang dã của rừng núi và in đậm nhất là nỗi nhớ của người lính Tây Tiến.
Ra đi kháng chiến khi còn là thanh niên, học sinh Hà Nội, Quang Dũng trở thành người lính. Kỷ niệm làm người lính Tây Tiến đã xa mà lại rất gần, để ghi nhớ lại, tác giả phải bật lên:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Câu thơ kết thúc bằng dấu chấm than cùng âm hưởng của vần ơi, tạo nên sức mạnh lớn. Hình ảnh đó là tiếng nói của Quang Dũng vang vọng đến đoàn quân Tây Tíên? Không! Đó là tiếng lòng của tác giả “xa rồi Tây Tiến ơi!” nhưng tấm lòng thì vẫn tha thiết lắm! Âm hưởng câu thơ có sức vọng làm cho tiếng lòng của Quang Dũng như xoáy vào tâm hồn người đọc rung theo những xúc cảm do câu đầu mang lại để đến với nỗi nhớ Tây Tiến:
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Gặp nỗi nhớ mới lạ lùng làm sao? “Nhớ chơi vơi”! Hình như trong ca dao ta cũng từng bắt
Ra về nhớ bạn chơi vơi
Nỗi nhớ “chơi vơi” là nỗi nhớ không định hình khó nắm bắt đã diễn tả bằng lời. Nỗi nhớ ấy vừa bao la, bát ngát lại vừa có chiều sâu. Nó muốn tràn ra không gian để xoáy vào lòng người. Một người ngoài cuộc hẳn không thể có nỗi nhớ ấy. Chỉ có Quang Dũng với nỗi lòng của mình mới có nỗi nhớ ấy mà thôi. Với tấm lòng tha thiết thì hẳn nổi “nhớ chơi vơi” là điều hoàn toàn có lí. Cùng vẫn sử dụng vần “ơi”, câu thơ có sức lan toả rộng. Vần “ơi” lan ra theo nỗi nhớ “chơi vơi” của tác giả.
Thông thường khi nhớ về một điều gì, người ta thường nhớ đến những kỉ niệm để lại dấu ấn không quên. Quang Dũng nhớ đầu tiên là nhớ về rừng núi
Nhớ về rừng núi…
Rừng núi là nơi xưa kia tác giả cùng đồng đội đã cùng sống, cùng chiến đấu Rừng núi in đậm bao nỗi khổ, bao nhiềm vui nỗi buồn của những người chiến sĩ. Hơn ai hết, tác giả là người trong cuộc, tác giả nhớ về rừng núi, những khó khăn gian khổ mà mình đã từng nếm trải:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Mặc dù cuộc sống gian khổ không phải là điều nhà thơ chú trọng phác hoạ nhưng trước mắt ta vẫn hiện ra cái khắc nghiệt của rừng núi. Nhà thơ Tố Hữu đã từng có những câu thơ:
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng, chí không mòn!
Tố Hữu mô tả thẳng cảnh sống người lính. Quang Dũng không làm thế, Quang Dũng chỉ mô tả cái hoang vu, hoang dã của một vùng rừng núi nhưng qua cảnh đó ai cũng hiểu rằng đời lính là như thế đó. Họ sống giữa thiên nhiên như vậy đó. Với những địa danh xa lạ “Sài Khao”, “Mường Lát”, “Pha Luông”, rừng núi như càng trở nên xa ngái, hoang vu hơn. Hơn thế, cần phải nhớ rằng đoàn quân Tây Tiến hầu như toàn là những chàng trai trẻ Hà Nội theo tiếng gọi kháng chiến ra đi, nhiều người còn là học sinh nên cảnh núi rừng càng xa lạ, đáng sợ hơn. Quang Dũng là người trong cuộc sống hiểu tâm lý ấy rất rõ. Nỗi nhớ rừng núi bắt đầu bằng những cuộc hành quân.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Những cuộc hành quân đi qua và những cuộc hành quân mới lại tiếp nối trong cuộc đời người lính của Quang Dũng. Nhưng có lẽ cái mỏi mệt của những cuộc hành quân lần đầu sẽ không bao giờ đi qua cùng năm tháng cũng như rừng sương “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi” sẽ in mãi dấu ấn, câu thơ chùng xuống, đều đều gợi lên sự mỏi mệt, bải hoải làm ta tưởng chừng như đoàn quân Tây Tiến sắp ngã, sắp chìm đi trong sương. Nhưng không, âm điệu bài thơ lại vút lên bởi một câu vần bằng:
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Câu thơ ấy đã xoá đi cái mỏi mệt của đoàn quân Tây Tiến, để đoàn quân tiếp bước. Những khó khăn lại cứ rải trên đường người lính đi qua:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Hình ảnh “khúc khuỷu” làm nên cảm giác hình như con đường đi khó khăn quá! “Dốc thăm thẳm” lại làm cho những khó khăn như nhiều hơn, dài ra theo tính chất “thăm thẳm” của con dốc và trên những đường dốc ấy, “súng ngửi trời”. Chỉ riêng “heo hút cồn mây” đã gợi một không khí vắng vẻ, hoang sơ của núi rừng, súng ngửi trời cộng vào cái vẻ đơn độc của những người lính khi đứng giữa đèo cao.
Những khó khăn gian khổ nhiều là thế nhưng lại nhẹ đi bởi vần bằng tiếp sau:
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Cứ như thế, với những câu vần bằng xen vào giữa những câu vần trắc, âm hưởng đoạn thơ trở nên trùng điệp hơn, âm điệu ấy cứ theo suốt bài thơ, cùng với cách dùng từ cổ kính của Quang Dũng góp phần tạo nên nét lãng mạn mà hào hùng cho bài thơ. Cả khổ thơ đầu là những khó khăn của vùng rừng núi thiên nhiên hoang sơ. Đứng trước bức tranh dữ dội ấy, ai cũng thầm nghĩ: vậy người lính sống thế nào nhỉ?
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Quang Dũng tả rất thực những khó khăn của cuộc kháng chiến mà đoàn quân Tây Tiến đã gặp nhưng không làm bài thơ trở nên bi thảm, lòng người bi quan mà chỉ để ca ngợi người lính. Tác giả lại tiếp tục đưa ta đến với người lính cũng bằng ngòi bút rất thực ấy. Trước gian khổ, trên đường hành quân, nhiều người đã nằm lại mảnh đất xa lạ để không bao giờ tỉnh dậy:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Nhưng anh hùng làm sao, những con người đã ngã xuống ấy! Người lính không chịu nỗi gian khổ đã hi sinh nhưng cũng tìm được cho mình một tư thế chết của người chiến sĩ:
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
“Bỏ quên đời” chỉ là cách nói nhằm giảm nhẹ sự mất mát, tang thương khi người lính từ trần. Nhưng hình ảnh sử dụng, rất đắt là hình ảnh “gục lên súng mũ”. Ta chợt nhớ đến dáng đứng của anh giải phóng quân về sau:
Anh ngã xuống trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
Dáng đứng của anh giải phóng quân đi mãi vào lòng những người dân trong kháng chiến chống Mĩ thì dáng ngã gục xuống của anh lính cụ Hồ hẳn sẽ không phai mờ trong tâm hồn của Quang Dũng, của đoàn quân Tây Tiến và của những người tham gia kháng chiến. “Gục lên súng mũ” cũng là cách nói nhẹ và cũng là cách nói của những người thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Người lính ra đi nhưng đồng đội anh lại tiếp bước. Những khó khăn lại đến:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Hình như có ai đó đã nói về cách sử dụng từ “Mường Hịch” của Quang Dũng. Địa danh đọc lên có cảm giác như tiếng chân cọp đi trong đêm. Rừng núi trở nên rờn rợn, nguyên vẻ hoang sơ của nó. Ở nơi xa xôi con người lần đầu đặt chân, thiên nhiên là chủ thì khó khăn như tăng thêm bội phần. Nhưng nét lạc quan, vui vẻ của người lính vẫn chẳng thể mất dọc cuộc hành trình.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Quang Dũng lại nhớ về những kỉ niệm của những đêm liên hoan. Nhịp điệu câu thơ hình như có cái gì nao nức, rộn rã:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơNgười đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
Cái dữ dội, hoang dã của thiên nhiên trong hai khổ thơ đầu như biến mất đi sau những kỉ niệm vui của đoàn quân Tây Tiến. Nét nghịch ngợm, vui tươi của những chàng thanh niên Hà Nội xúng xính trong xiêm áo giả làm con gái, cùng tiếng nhạc và vẻ e ấp giả vờ. Câu thơ với hai chữ “kìa em” vừa mang vẻ ngạc nhiên vừa mang nụ cười thoải mái của người chiến sĩ. Những kỉ niệm vui đó hẳn sẽ không quên trong lòng người cũng như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Quang Dũng vậy. Cùng với sự vui tươi, người lính Tây Tiến còn sống với bản lĩnh lãng mạn, với tâm hồn giàu chất thơ, giàu cảm xúc của mình. Một dáng người trên độc mộc vào buổi chiều sương, một khóm hoa đong đưa trên dòng nước lũ… tất cả đi vào nhẹ nhàng cho cả đoạn thơ.
Quang Dũng xa Tây Tiến nhưng khoảng thời gian ấy chưa lâu nên kỉ niệm Tây Tiến vẫn như nguyên vẹn. Nỗi nhớ “chơi vơi” trải khắp bài thơ nhưng cô đọng vẫn là ở nỗi nhớ về người lính Tây Tiến. Có lẽ người lính Tây Tiến, hình ảnh của họ đã ăn sâu tận trong máu thịt tác giả:
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Câu thơ đầu hoàn toàn tả thực về người lính kháng chiến, nổi tiếng bởi tên gọi “Vệ trọc”. Giữa rừng núi hoang sơ, nạn sốt rét là nạn mà người lính thường mắc phải. Sốt rét đến nỗi trọc cả đầu chỉ còn một vài sợi tóc lưa thưa đến nỗi da xanh xao “màu lá”. Bệnh sốt rét ác nghiệt như Chính Hữu đã từng mô tả:
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.
Sốt rét là bệnh tiêu biểu thường gặp ở người lính khi Quang Dũng nói về điều này, tác giả còn muốn cho ta biết, người lính Tây Tiến sống như thế đấy! Họ s61ng đ46 chiến đấu với quân thù nhưng lại phải chiến đấu với cả gian khổ, bệnh tật nữa. Giữa bao nhiêu khó khăn người lính vẫn
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Nét dữ tợn của người chiến sĩ Tây Tiến ở đây không làm nhạt đi tí nào hình ảnh người lính Tây Tiến trong ta. Bệnh tật, yếu đau tưởng chừng làm người chiến sĩ yếu đuối nhưng ta bất ngờ vì dáng vẻ “dữ oai hùm” của anh lính. “Dữ oai hùm” làm mất đi sự yếu đuối của “đoàn quân không mọc tóc” và của “quân xanh màu lá”, câu thơ trên giúp cho câu thơ sau tiếp tục:
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Đây chính là hai câu thơ tập trung nhất vẽ nên bức tranh người lính Tây Tiến và cũng là hai câu thơ hay nhất trong cả bài thơ. Người lính Tây Tiến sống với hình ảnh của quê hương Hà Nội, chiến đấu với tương lai trước mặt. Hai câu thơ vừa mang nét lãng mạn của người chiến sĩ vừa có nét hào hùng. Mắt người lính “trừng” nhưng không hề mang nét dữ tợn, đấy chỉ là quyết tâm của họ. Họ quyết tâm chiến đấu cho Tổ Quốc, đất nước, điều này là điều tâm niệm của mỗi người. Hai câu thơ trên đã có thời bị đưa ra chỉ trích cùng với bài thơ là buồn rớt, là bi quan, là tiểu tư sản. Đành rằng buồn; nhưng cái buồn ở đây không làm mất đi quyết tâm củangười lính Tây Tiến. Quyết tâm đánh giặc và lãng mãn phãi kết hợp hài hoà mới có thể taạ nên vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ một cách sâu sắc. Đây là điểm mà đã có một thời vì hoàn cảnh lịch sử, vì một lý do nào đó người ta đã quên đi hay cố tình quên đi. Người lính Tây Tiến chiến đấu cho ai? Mục đích của họ hướng tới là gì nếu không phải quê hương mà cụ thể là Hà Nội. Người lính mơ về Hà Nội, về người thiếu nữ Hà Nội thì chính những mộng mơ ấy đã tiếp sức mạnh cho người chiến sĩ sống và chiến đấu. Hai câu thơ chính vì thế lãng mạn mà rất hào hùng!
Người lính Tây Tiến gặp bao nhiêu gian khổ. Dọc con đường hành quân bao người đã ngã xuống vì gian khổ, vì khắc nghiệt của rừng núi, vì đau ốm bệnh tật và họ ngã xuống vì chiến đấu.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ.
Câu thơ đọc lên nghe sao mà bi thảm quá. Bao người nằm lại nơi xa lạ không người qua lại, chẳng bao giờ về. Từ “rải rác” làm ta cảm giác người lính Tây Tiến ngã xuống, ngã xuống nhiều trong cuộc chiến đấu, làm ta cảm giác thấm thía cái lạnh khi những con người phải từ giã cuộc đời. Từ “viễn xứ” tạo nên sự xa xôi, lạnh lẽo của rừngnúi, gợi sự cô đơn của những người nằm lại. Câu thơ trầm xuống xoáy vào lòng ta nỗi buồn không thể thốt nên lời, ta tưởng chừng câu thơ sau sẽ không cất nổi mình, nhưng ngược lại:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Câu thơ lại nhẹ nhàng như không hề mang chút bi thảm của những nấm mồ viễn xứ. Câu thơ trước tạo nên cái “bi”, câu thơ sau tạo nên nét “tráng”. Cái không khí bi quan bíên mất, chỉ còn lại nét ngang tàng, chút thanh thản của người lính Tây Tiến. Bảo “chẳng tíêc đời xanh” là cách nói của người thanh niên tri thức Hà Nội nhưng cũng mang cả quan niệm về lí tưởng chiến đấu. Đâu phải họ không tiếc cho tuổi trẻ. Không phải “tuổi trẻ là mùa xuân” đó sao! Nhưng cao hơn cả tuổi trẻ họ còn có tự do, quê hương. Còn người hậu phương gởi gấm cả nỗi lòng cho họ. Đó là lí do tại sao người lính Tây Tiến chẳng tiếc đời xanh. Họ nằm xuống nhẹ nhàng:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Cách dùng từ “áo bào” làm câu thơ trở nên cổ kính hơn. Anh ra đi mãi mãi nhưng anh ra đi là cho lẽ sống của mình sống mãi nên cái chết của anh nhẹ nhàng như “về đất”. Hơn thế, có chăng Quang Dũng có lí khi dùng từ “về đất” ngoài ý giảm nhẹ sự đau thương? Quang Dũng không muốn có bất cứ giọt nước mắt nào rơi trên thi hài người lính Tây Tiến. Người lính Tây Tiến sống lãng mạn, hào hùng thì chết cũng phải như vậy. Đấy chính là lí do tác giả có ý sử dụng từ cổ kính và nói theo lối nói của người lính Tây Tiến. Quang Dũng muốn rằng người lính Tây Tiến chiến đấu là cho quê hương thì sữ ra đi của họ là nhẹ nhàng, thanh thản: họ về với đất. Đất như người mẹ giang tay ôm đứa con yêu vào lòng và người chiến sĩ ngụ trong vòng tay mẹ. Như vậy anh hi sinh ở nơi xa nhưng linh hồn anh vẫn về bên đất mẹ. Câu thơ vì thế mất đi nét bi thảm vốn có. Anh chiến sĩ chết đi, quê hương ôm anh vào lòng, sông núi hát lên tiễn đưa anh:
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Không hề có tiếng khóc giọt nước mắt tang thương. Chỉ có núi sông, đất mẹ chứng kiến cái chết của anh. Bóng dáng của anh hoà vào núi sông, hoà vào đất mẹ. Người lính Tây Tiến ra đi nhưng hình ảnh của anh không bao giờ mờ phai trong tâm trí con người. Hình ảnh người lính và những kỷ niệm đậm mãi trong lòng Quang Dũng và mỗi chúng ta.
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về sầm nứa chẳng về xuôi.
Bài thơ khép lại nhưng âm điệu vẫn mãi vang vọng trong tâm hồn ta. Nhịp điệu trùng điệp, nét lãng mạn hào hùng của bài thơ để lại dấu ấn trong ta. Có những tác phẩm đã gặp nhiều mà ta lại quên đi nhưng có những tác phẩm chỉ bắt gặp một lần lại sống mãi. Ấy là Tây Tiến! Hình ảnh người lính Tây Tiến lung linh ngời sáng với cả hào khí dân tộc!
Bạn có thể thích
Văn mẫu 12
“Bác ơi!” – Bản điếu văn bi hùng
Được phát hành
cách đây 5 năm,
19 Tháng hai, 2020Bởi
nguvanTựa đề bài thơ là một câu ngắn hai tiếng với dấu chấm than như một tiếng nấc nghẹn ngào đến tột đỉnh của nỗi đau thương. Nó là tiếng gọi thốt ra rất tự nhiên từ đáy sâu cảm xúc của tâm hồn như người ta vẫn gọi mẹ ơi! Cha ơi! Đây cũng là cách xưng hô quen thuộc tạo giọng điệu ân tình của Tố Hữu.
Tiếng khóc đau thương nặng trĩu bắt đầu bằng những lời tâm sự, giãi bày của con đối với cha:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa.
Hai câu đầu nói được vừa cụ thể vừa khái quát nỗi đau thương to lớn vô hạn đang bao trùm đất nước. Hiện thực trong những ngày diiễn ra lễ tang Bác trời mưa tầm tã, nhưng “tổn thất này thật là lớn lao, đau thương này thật là vô hạn” khiến cho nơi nơi, người người tuôn nước mắt, thiên nhiên, đất trời, cỏ cây, vạn vật cũng tuôn “nước mắt”. Có gì đau đớn hơn để nước mắt phải tuôn không dứt như thế? nước mắt của nhà thơ hoà trong nguồn nước mắt tuôn chảy ấy… Tố Hữu đã tất tưởi về thăm nơi Bác ở, về thăm lại nhà sàn… Động từ “chạy” biểu hiện cảm xúc cực kỳ đau dớn, đau đớn không thể tin, không dám tin. Từ được đặt đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình. Bước chân líu ríu, muốn nhanh cũng không được, vừa chạy vừa vấp ngã, đứng lên lại vấp ngã… Nước mắt nhà thơ ghìm trong hơi thở dồn dập, gấp gáp để mà hy vọng, để mà níu kéo… nhưng khi đối mặt với: “ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa” mới chợt vỡ oà trong đau đớn…
Dưới những trận mưa tầm tã bước chân, tư thế, dáng nhìn của nhà thơ đến nao lòng:
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác đứng nhìn lên
Các chữ: “lần”, “đến”, “đứng”, “nhìn” là những động từ liên tiếp diễn tả bước chân, tư thế, tâm trạng vội vã, ngơ ngác không thể tin được của nhà thơ. Lối sỏi quen sao lại phải “lần”? Có phải đau đớn tới mức không còn nhìn thấy? Dò dẵm từng bước vừa đi vừa khóc cho kịp đến bên nhà sàn quen thuộc? Trong ngày tang lễ Bác, Chế Lan Viên cũng tự đáy lòng thốt lên:
Ôi Tổ quốc trong giờ tang lễ
Đau núi sông cơn đau trời bể…
Rất trí tuệ nhưng cảm xúc thơ vẫn thiếu đi sự gần gũi chân tình.
Theo cái nhìn của tâm trạng đau buồn, cảnh vật cũng trở nên vắng lặng như ngơ ngác, thảng thốt trong nỗi mất mát lớn lao:
Chuông ơi chuông nhỏ còn reo nữa
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn.Bác đã đi rồi sao Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm thấy Bác cười.
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in, mây trắng bay…
Chuông không còn reo, phòng lặng lẽ, đèn đã tắt, trái bưởi và hoa nhài trở thành lẻ loi vì không có người vun tưới… Những nhân hoá đã gợi lên nỗi đau thương thấm thía vào cảnh vật, gợi nên cảm giác về sự mất mát tê tái, bơ vơ của tác giả muốn được chia sẻ.
Đoạn thơ có sự ám ảnh giữa mơ và thực, một mặt không tin “Bác đã đi rồi” vì cách mạng miền Nam đang thắng lớn, Người đang lãnh đạo và mong ước có ngày vào thăm, mặt khác lại phải tin vì hiện thực “còn đâu bóng Bác” rất cô đơn.Cách gieo vần liền, vần cách, lối dùng vần mở, nửa mở, đóng vang, cách bố trí thanh trầm ở cuối các câu khiến cho phần đầu của bài thơ như một dòng tình cảm xót xa, tiếc thương tuôn chảy rất tự nhiên, rất chân thành. Nỗi đau thương cứ trĩu nặng mãi khi các chữ “Bác”, “Bác ơi”, câu cảm thán, câu hói được lặp lại nhiều lần.
Từ cảm xúc, mạch thơ đã chuyển sang lý trí, nhà thơ tiếp tục đúc kết giá trị đạo đức, tình thương, phong cách sống của Hồ Chí Minh. Con người ấy, tình thương ấy đã đạt đến độ quên mình:
Ôi phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, luạ tặng già…
Phóng đại, hoán dụ đã tạo nên nhận thức: tình thương của Bác không bờ bến: “thương mọi kiếp người”, thương mọi lứa tuổi, thương mỗi cành cây ngọn cỏ. Tình thương ấy là sự chăm sóc rất đỗi ân tình:
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
Tình thương biểu hiện thành “nỗi buồn”, “nỗi đau”, “nỗi lo”, “nỗi nhớ”, “niềm vui”, “tình yêu” trong tâm hồn Người. Bác lo cho dân, cho nước, cho nhân loại, nỗi lo thành nỗi đau, đau cho dân tộc, lo cho phong trào cộng sản quốc tế, lo cho hôm nay và lo cho muôn đời sau. Tác giả đã so sánh lòng Bác với dân với nước như lòng mẹ với con bao la bất tận là một sự liên tưởng thú vị tài tình. Nếu như câu thơ “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ” là so sánh để giãi bày cảm xúc thì câu “Bác sống như trời đất của ta” lại được cô đúc đầy trí tuệ. Tố Hữu đã cảm nhận được điều bao trùm và hết sức cơ bản trong cách sống của Hồ Chí Minh: con người ấy đạt đến cái tự nhiên như trời đất, hoà đồng với tự nhiên, đã đạt đến cái cao sâu huyền diệu của sự sống. Rất hợp với giọng điệu ngợi ca, đoạn thơ có nhiều vần sáng, thanh điệu cao, nhiều so sánh, hoán dụ tạo liên tưởng phong phú bất ngờ. Hình ảnh Bác toả sáng cao đẹp. Niềm tự hào của nhà thơ dẫn cảm xúc, truyền cảm xúc tự hào cho người đọc không dứt…
Lời thơ tiếp tục khẳng định về niềm lạc quan, lẽ sống cao đẹp của Hồ Chí Minh bằng những suy tưởng, liên tưởng tài tình:
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Những câu thơ kết tinh, chiêm nghiệm sâu sắc về con người và phong cách sống của Bác. Đó là kết quả của sự am hiểu, gần gũi của tác giả về Bác suốt từ những năm kháng chiến ở Việt Bắc mà không một nhà thơ Việt Nam nào có được. Đoạn thơ đã khắc hoạ được chân dung một con người giản dị, thanh cao, vĩ đại. Con người không sống cho riêng mình “một đời thanh bạch” với chiếc áo ka ki bạc màu. Vẻ ngoài giản dị mà tâm hồn cao thượng không thể đo hết được. Bác sống giữa cuộc đời, trong muôn triệu con người đâu cần gì đến những tượng đồng ở khắp nơi. Bình dị là thế, cao đẹp cũng là thế, những so sánh tương phản đã diễn tả khá tài tình. Một nhà thơ Ấn Độ đã từng thán phục về Người: “Vị Thánh sống của muôn ngàn thánh sống, vị ân nhân của cả muôn người”.
Lời thơ lại trở về với cảm xúc tiếc thương nhưng bình thản, tự chủ, đau thương gắn liền với niềm tin, nhà thơ nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã vạch ra:
Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu
Ra đi Bác dặn còn non nước
Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều.Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác Lê–nin thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên.Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dãy Trường Sơn.
Đau thương nhiều, nhớ Bác nhiều, lại càng không thể quên làm theo di chúc của Người:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.
Tình với Bác sâu nặng, nhưng nghĩa nước non vẫn trên đôi vai, phải nén đau thương lại. Nhà thơ thật tin ở chính mình khi nghĩ về Bác. Người là ánh sáng hào quang của sông núi dẵn dắt con thuyền Cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nghĩ về Bác, Tố Hữu đã nói được cái chân lý lớn lao và quan trọng:
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Đó cũng là ý nghĩ để chân lý dân tộc, sức mạnh dân tộc, tinh thần dân tộc vững trãi như dải Trường Sơn, mãi mãi cao như ngọn Trường Sơn.
Bài thơ khép lại. Bốn mươi năm đã trôi qua, tiếng khóc lớn vẫn còn đó, một con Người vĩ đại vẫn còn đó. Bác ơi! đã thành tuyệt tác sống với thời gian, sống trong triệu triệu con người đất Việt. Bác ơi! là bản điếu văn bi hùng!
Văn mẫu 12
Bình giảng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
Được phát hành
cách đây 5 năm,
19 Tháng hai, 2020Bởi
nguvanMặt đường khát vọng là trường ca độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, ra đời trong chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ, tại chiến trường Trị – Thiên – một điểm nóng – trên chiến trường miền Nam vào năm 1971. Bài thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong bài Có một thời đại mới trong thi ca, Trần Mạnh Hảo viết:
Vào đêm giao thừa Tết âm lịch 1973 – 1974, dưới rừng Phước Long, chúng tôi xúc động nghe trích đoạn Đất nước trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm phát trên Đài phát thanh. Những suy nghĩ về đất nước, về dân tộc đã được nhà thơ hiện đại hoá bằng chất suy tư lắng đọng và cảm xúc mãnh liệt.
Đất nước – là chương V trong trường ca Mặt đường khát vọng dài 110 câu thơ (trong “Ngữ văn 12” chỉ trích 89 câu). Phần đầu (42 câu) là cảm nhận của nhà thơ trẻ về đất nước trong cội nguồn sâu xa văn hoá – lịch sử, và trong sự gắn bó thân thiết với đời sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam. Phần thứ hai, cảm hứng chủ đạo về đất nước là sự ngợi ca, khẳng định tư tưởng đất nước của nhân dân. Từ đó, nhà thơ nhận diện phát hiện đất nước trên bình diện về địa lý, lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống tinh thần dân tộc – nền văn hiến Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo của chương V Đất nước là tác giả vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố văn hoá dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục…, cùng với cách diễn đạt bình dị, hiện đại gây ấn tượng vừa gần gũi vừa mới mẻ cho người đọc.
Mười ba câu thơ dưới đây trích trong phần đầu chương Đất nước thể hiện cảm nhận: Đất nước gắn bó thân thiết với mỗi con người Việt nam:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
(…)
Làm nên đất nước muôn đời…
Trong chương V trường ca Mặt đường khát vọng, hai từ “đất nước” và “nhân dân” đều được viết hoa, trở thành “mĩ từ” gợi lên không khí cao cả, thiêng liêng và biểu lộ cao độ cảm xúc yêu mến, tự hào về đất nước và nhân dân. Chủ thể trữ tình là “anh và em”, giọng điệu tâm tình thổ lộ, sâu lắng, thiết tha, ngọt ngào. Cấu trúc đoạn thơ 13 câu thơ là cấu trúc tổng – phân – hợp mà ta cảm nhận được tính chất chính luận của ngòi bút thơ Nguyễn Khoa Điềm.
1. Hai câu thơ mở đoạn là sự thức nhận chân lý về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử,… đất nước gần gũi và gắn bó thân thiết với “anh và em”, với mọi người:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
Chỉ “một phần” nhỏ bé thôi, nhưng xiết bao gần gũi, gắn bó, yêu thương và tự hào. Từ khái niệm, ý niệm “mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của đất nước” được diễn đạt một cách “mềm hoá” qua tiếng nói tâm tình của lứa đôi, của “anh và em”.
2. Bảy câu thơ tiếp theo mở rộng ý thơ trên từ “hai đứa” đến “mọi người”, từ “hôm nay” đến “ngày mai” và muôn đời mai sau.
Khi hai đứa cầm tay
Đất nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Ở phần trước, nhà thơ cảm nhận: “Đất là nơi anh đến trường – Nước là nơi em tắm – Đất nước là nơi ta hò hẹn – Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Và “khi hai đứa cầm tay” thì một mái ấm, tổ ấm gia đình đã được xây dựng. Gia đình là “một phần” của đất nước. Chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hoà, nồng thắm” với tình yêu quê hương đất nước. Đó là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu và đằm về nỗi “nhớ”:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần…
Từ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi mà biết yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước, mới có thể có tình nghĩa sâu nặng “Đất nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm”, mới tìm thấy đất nước quê hương cả trong niềm vui và nỗi đau của anh, của em, của bao lứa đôi khác:
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những lần trốn học bị đòn roi.
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi
(Giang Nam)
Nói về cội nguồn của giòng giống, của dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại sự tích trăm trứng: “Đất là nơi Chim về – Nước là nơi Rồng ở – Lạc Long Quân và Âu Cơ – Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng – Những ai đã khuất – Những ai bây giờ…”. Từ huyền thoại thiêng liêng ấy mới có ý thơ này:
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Hai chữ “cầm tay” trong câu thơ “Khi hai đứa cầm tay” có nghĩa là giao duyên, là yêu thương. “Khi hai chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào,… Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có hình ảnh “Đất nước vẹn tròn, to lớn”, mới có đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hoà, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Đất nước được cảm nhận là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Chỉ khi nào “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, và chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng “Đất nước vẹn tròn, to lớn”.
Bốn câu thơ trên đây cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: “Khi hai đứa cầm tay”… “Khi chúng ta cầm tay mọi người”, “Đất nước hài hoà nồng thắm…”. “Đất nước vẹn tròn, to lớn”. Cách diễn đạt uyển chuyển, sinh động ấy có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc: hình thức này thể hiện nội dung ấy, nội dung ấy được diễn đạt bằng hình thức này. Phép đối xứng làm cho thơ liền mạch, hài hoà, gắn bó, thể hiện rõ ý thơ: tình yêu lứa đôi, tổ ấm hạnh phúc, gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là những tình cảm đẹp, làm nên truyền thống “yêu nước, yêu nhà, yêu người” và đó là sức mạnh Việt Nam.
Đất nước “Nguồn thiêng ông cha”, đất nước “Trong anh và em hôm nay”, đất nước trong mai sau. Như một nhắn nhủ, như một kỳ vọng sáng ngời niềm tin:
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Sơn Nam… đã tạo nên giọng điệu Nam Bộ hấp dẫn trong thơ ca và truyện của mình. Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải,… cũng có một giọng điệu riêng “rất Huế”, dễ thương dịu ngọt. Hai tiếng “mai này” là cách nói của bà con xứ Huế.
Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước cha ông “Gánh vác phần người đi trước để lại” xây dựng đất nước ta “Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh nhân dân trên hành trình lịch sử đi tới ngày mai tươi sáng. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam cường thịnh, một cường quốc văn minh. Điều mà “anh và em”, mỗi người chúng ta mơ mộng hôm nay, sẽ biến thành hiện thực “mai này” gần.
Bốn câu thơ cuối đoạn cảm xúc dâng lên thành cao trào. Giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, đẹp đẽ của mình:
Em ơi em đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời…
“Em ơi em” – một tiếng gọi yêu thương, giãi bày và san sẻ bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng khi nhà thơ cảm nhận và định nghĩa về đất nước: “Đất nước là máu xương của mình”. Đất nước là huyết hệ, là thân thể ruột thịt thân yêu của mình, và mồ hôi xương máu của tổ tiên, ông cha của dân tộc ngàn đời. Vì “Đất nước là máu xương của mình” nên Trần Vàng Sao đã viết:
Nuôi lớn người từ ngày mở đất,
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng đẫy hồn Thánh Gióng
(Bài thơ của một người yêu nước mình, 19/12/1967)
Với Nguyễn Khoa Điềm thì “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là những biểu hiện của tình yêu nước, là ý thức, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng. “Phải biết gắn bó và san sẻ… phải biết hoá thân…” thì mới có thể “Làm nên đất nước muôn đời”. Điệp ngữ “phải biết” như một mệnh lệnh phát ra từ con tim, làm cho giọng thơ mạnh mẽ, chấn động. Có biết trường ca “Mặt đường khát vọng” ra đời tại một nơi nóng bỏng, ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ thì mới cảm nhận được các từ ngữ: “gắn bó”, “san sẻ”, “hoá thân” là tiếng nói tâm huyết “mang sức mạnh ý chí và khát vọng vượt ra ngoài giới hạn thông tin của ngôn từ” như một nhà ngôn ngữ học lừng danh đã nói.
Trong thơ ca Việt Nam thời kháng chiến, đề tài quê hương đất nước được tô đậm bằng nhiều bài thơ kiệt tác, những đoạn thơ hay, những câu thơ tuyệt cú. Cảm hứng về đất nước được diễn tả bằng nhiều tứ thơ độc đáo, mang phong cách sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ. Chất trữ tình thấm đẫm dư ba. Đất nước trong máu lửa mới mang cảm xúc sâu nặng thế. Đây là tiếng nói ở hai đầu đất nước:
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất
(Trần Vàng Sao)
Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông
(Chế Lan Viên)
Trở lại đoạn thơ trên đây của Nguyễn Khoa Điềm. Tứ thơ rất đẹp. Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.
“Em ơi em, đất nước là máu xương của mình…” – một tứ thơ rất đẹp! Một tứ thơ lung linh mang vẻ đẹp trí tuệ! Lúc hoà bình phải biết đem “trí lực” để xây dựng Đất Nước, “làm nên đất nước muôn đời”, đất nước “to đẹp hơn đàng hoàng hơn”. Lúc có chiến tranh phải đem xương máu để bảo toàn Sông núi. “Gắn bó, san sẻ, hoá thân” cho đất nước, ấy là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng, ấy là tình yêu đất nước của “anh và em” hôm nay, của thế hệ Việt Nam “Mai này con ta lớn lên”…
“Sóng” là thơ ngụ ngôn, một thể thơ rất phù hợp để kể về một huyền thoại tình yêu đầy ăm ắp những tâm trạng khắc khoải, những cung bậc tình cảm và vì thế bài thơ dễ dàng được phổ nhạc. Sóng! – là một hình tượng ẩn dụ, là phương tiện bộc lộ tình cảm của nhân vật “Em”:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Bồi hồi trong ngực trẻ
Một câu chuyện cổ tích về tình yêu được nhà thơ Xuân Quỳnh kể lại. Câu chuyện bắt đầu từ một con sóng nhỏ chẳng biết xuất phát từ đâu, sóng hiện ra như một con người có nội tâm nhiều biến động. Hai trạng thái tâm hồn đối lập nhau, giằng xé nhau, buồn vui lẫn lộn. Sóng chẳng hiểu tại sao mình lại cứ “dữ dội” rồi “dịu êm”, “ồn ào” rồi “lặng lẽ”. Phải chăng sóng đang yêu, yêu âm thầm, lặng lẽ? Vâng! Một tình cảm đang rạo rực trong trái tim người con gái, làm sao ai có thể “định nghĩa được tình yêu”. Một buổi chiều mộng? Một lần gặp gỡ? Một phút xao động trong tâm hồn? Người con gái hay chính nhân vật “Em” trong bài đang cố tìm câu giải đáp cho tình yêu, cho sự bâng khuâng, đối lập của lòng mình. Và rồi chỉ còn một lối thoát: con sóng phải tìm ra tận bể cũng như “Em” đi tìm nguồn gốc của tình yêu.
Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận. Làm sao ta có thể đi xuyên suốt hết cái cõi vô tận ấy. Và ngay chính trong lúc cõi lòng đang bùng lên ngọn lửa yêu thương thì cô gái trẻ lại càng trăn trở, bâng khuâng, khắc khoải, dằn vặt với chính lòng mình. Phải vượt khỏi cái giới hạn chật hẹp này, phải lao mình vào chân trời bao la, những miền vô tận để hiểu rõ lòng mình. Con sóng đã rời bờ ra đi, đi thật xa, cố tìm hiểu và soi mình với những con sóng khác để biết được sự huyền diệu của tình yêu, mà hiện tại đối với sóng vẫn còn là một bí mật. Tình yêu là gì ư? Một nhà thơ Pháp đã từng khẳng định: “tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Và thế rồi con sóng vẫn đi tìm mãi, tìm mãi:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Tình yêu cũng như con sóng, vẫn vĩnh hằng với thời gian và tuổi trẻ. Xuân Diệu đã từng nói:
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu
Tình yêu gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ là trái tim dào dạt, đa cảm và rạo rực niềm yêu thương chất sống. Chính vì thế, mà cái khát vọng tình yêu cứ bồi hồi trong ngực trẻ, nó cứ thúc đẩy tuổi trẻ đi tìm chân lý yêu đương, cũng như con sóng “ngày xưa và ngày sau vẫn thế”.Tuy nhiên, câu thơ “bồi hồi trong ngực trẻ” là một câu thơ chưa chín.Thật ra ngực trẻ hay ngực già… đều nồng nàn và bồi hồi trước tình yêu. Song, sóng và em cứ tìm mãi mà chẳng hiểu mình, chẳng thể hiểu được tình yêu. Sóng chính là điển hình của sự nhận thức về cái “quy luật” không thể cắt nghĩa được tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Sóng bắt đầu từ gió – Vâng! Gió bắt đầu từ đâu? Tình yêu bắt đầu từ đâu? –“Em”cũng không biết nữa. Đọc những câu thơ này, ta chợt hình dung cái lắc đầu nhè nhẹ như một sự bất lực của cô gái. Trong khi người con gái cố đi tìm cội nguồn tình yêu thì tình yêu trở thành trò chơi ú tim, không tài nào nắm bắt được. Và thế là, muôn đời tình yêu vẫn là sự bí hiểm. Tình yêu của “Em” giờ đây trở thành nỗi nhớ da diết, giày vò. Nó choáng đầy cả không gian, nó chiếm cả tầng sâu và bề rộng, nó trải dài trong mọi thời gian. Phạm Đình An đã nhận xét: “Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không dừng lại ở mức độ yêu buổi đầu giản đơn hò hẹn, non nớt, ngọt ngào, mà là tình yêu hạnh phúc, tình yêu gắn bó với cuộc sống chung với nhiều đòi hỏi ở chiều sâu tình cảm, với nhiều chứng minh của thử thách, mang đậm dấu ấn trách nhiệm”. Chính vì thế mà tình yêu của người “Em”. Ở đây có thể nói không còn bồng bột mà khá chín chắn, có sự can thiệp của lý trí, có ý thức về mặt tình cảm. Ấy thế mà trong lòng người con gái vẫn trỗi dậy mãnh liệt một nỗi nhớ muôn hình, muôn sắc:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Nỗi nhớ của “Em”, của tình yêu dữ dội được khởi đầu từ những cái cao cả lớn lao, không tủn ngủn và tầm thường chút nào! Nỗi nhớ ấy da diết, cuốn lấy tâm hồn người con gái! Với Xuân Quỳnh là thế: mọi con sóng đều có bờ, mục đích là vỗ vào bờ, nên khi sóng xa bờ thì phải nhớ bờ, ngày đêm không ngủ được. Cũng như sóng, nỗi nhớ về “Anh” vẫn dào lên mãnh liệt:
Lòng em nhớ đến – Anh
Cả trong mơ còn thức
Tình yêu đến, tình yêu mang theo một nỗi nhớ vô bờ đến với “Em”, choáng ngợp tâm hồn “Em”. Tình yêu đã trở nên đậm đà đến thế, và nỗi nhớ lại càng da diết miên man. “Có không gian nào dài hơn chiều dài nỗi nhớ, có một khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu…”. Vâng! Làm sao đo được nỗi nhớ, làm sao đo được tình yêu! “Em” vẫn nhớ đến “Anh”, chỉ nhớ về phương anh mà thôi:
Dẫu xuôi về phương
Bắc Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Tình yêu thật huyền diệu! Điều đáng nói là “Em” biết chủ động, biết gửi trao nỗi nhớ về hướng xác định: Phương anh! – Phương của tình yêu: “rợp trời thương ấy mấy màu xanh suốt, mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh, mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh…”. Tình yêu của người phụ nữ thật mãnh liệt nhưng cũng thật trong sáng, dung dị, một tình yêu thuỷ chung và trọn vẹn. Song, để toàn vẹn mối tình ấy, con sóng phải vượt qua muôn ngàn cách trở:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Con sóng muốn tới bờ, phải vượt qua bao giông tố, bão bùng. Em muốn hướng về anh, phải vượt qua bao cạm bẫy cuộc đời. Suy cho cùng, tình yêu phải cần thử thách tôi luyện mới thấy rõ giá trị thực sự của nó. Tình yêu muốn tồn tại cũng phải có sự ra đi và trở lại, phải có sự dồi lên, lắng xuống để cuối cùng trở về với tình yêu hồn nhiên thuở đầu. Chính tình yêu của anh đã giúp cho em vượt qua tất cả, đón nhận một tình yêu vĩnh cửu – tình yêu lớn lao và cao thượng, không mang màu sắc vị kỉ, riêng rẽ mà là hoà trong cái chung và ở trong cái chung mênh mông ấy, cái riêng sẽ tồn tại mãi mãi:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Tình yêu sẽ trưởng thành đằm thắm hơn và sẽ vĩnh hằng trong cái đẹp của tạo hoá. Bài thơ kết thúc rồi mà nhịp điệu êm ái, nhẹ nhàng của tình yêu vẫn còn vướng đọng đâu đây. Bài thơ thành công không chỉ trong việc miêu tả hình tượng “Sóng” mà còn bộc lộ một tình yêu thật sôi nổi, nỗi khao khát tình yêu của một nhà thơ nữ. Đây chính là nét mới mẻ trong thơ ca hiện đại Việt nam. Trong rất nhiều loài hoa thì bông hoa Xuân Quỳnh toả ra một hương thơm riêng, một cách cảm nhận riêng về sóng – biển trong tình yêu. Tình yêu như con sóng mênh mang, vô tận, song cái đích cuối cùng cũng là một tình yêu thứ nhất, vĩnh hằng mãi mãi.
‘Bản đồ’ cơ thể người
Điều ẩn sâu trong thế giới lượng tử
Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi của cuộc đời mình
Internet và mạng xã hội có đang khiến cộng đồng trở nên độc ác hơn?
Nghĩ lớn để thành công
Phân tích 12 câu thơ đầu trong đoạn trích “Trao duyên”
Cảm nhận về 13 câu đầu bài thơ “Vội vàng”
Cảm nhận về bài ca dao “Khăn thương nhớ ai,…”
Phân tích 2 khổ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
Làm rõ nhận định: Dù được sáng tác theo trào lưu lãng mạn hay hiện thực, những trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết đều thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc, qua các tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam), “Những ngày thơ ấu” (Nguyên Hồng), “Lão Hạc” (Nam Cao)
Xu hướng
-
Văn mẫu 10cách đây 5 năm
Phân tích 12 câu thơ đầu trong đoạn trích “Trao duyên”
-
Văn mẫu 11cách đây 5 năm
Cảm nhận về 13 câu đầu bài thơ “Vội vàng”
-
Văn mẫu 10cách đây 5 năm
Cảm nhận về bài ca dao “Khăn thương nhớ ai,…”
-
Văn mẫu 11cách đây 5 năm
Phân tích 2 khổ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
-
Văn mẫu 8cách đây 5 năm
Làm rõ nhận định: Dù được sáng tác theo trào lưu lãng mạn hay hiện thực, những trang viết của các nhà văn đầy tài năng và tâm huyết đều thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc, qua các tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam), “Những ngày thơ ấu” (Nguyên Hồng), “Lão Hạc” (Nam Cao)
-
Văn mẫu 11cách đây 5 năm
Làm rõ ý kiến cho rằng chữ “hồng” là nhãn tự bài thơ “Mộ” (Chiều tối)
-
Văn mẫu 11cách đây 5 năm
Bình luận bài thơ “Vội vàng” – Nhà phê bình Chu Văn Sơn
-
Văn mẫu 10cách đây 5 năm
Phân tích 18 câu thơ đầu bài Trao duyên hay nhất