Sách ra đời từ chính nhu cầu lưu giữ, truyền bá tri thức, giải trí. Trong dòng chảy bất tận của sách, nhiều tác phẩm viết về chính thế giới sách vở, tầm quan trọng của sách, thú chơi sách, hay bàn tới tương lai của sách.
Bản đặc biệt cuốn Những cuốn sách thay đổi lịch sử. Ảnh: FB Kevin Viet Nguyen. |
Những cuốn sách thay đổi lịch sử
Sách do Cha Michael Collins chủ biên, Alexandra Black, Thomas Cussans, John Farndon và Philip Parker biên soạn. Công trình này giới thiệu những cuốn sách quan trọng trong lịch sử nhân loại.
Nội dung được trình bày thành 5 phần, đưa người đọc vào hành trình khám phá lịch sử của chữ viết, từ khoảng năm 3.000 trước Công nguyên tới thời kỳ hiện đại.
Nhóm tác giả đã lựa chọn 75 bản thảo, sách, qua đó cho thấy lịch sử của các trang viết song hành với lịch sử nhân loại. Ở đó, người đọc được khám phá những bản thảo được thể hiện trên nhiều chất liệu như da thú, đất sét, lụa, papyrus (làm từ sậy), sách in, sách điện tử…
Những cuốn sách thay đổi lịch sử cho thấy vai trò to lớn của sách tới đời sống con người. Có những cuốn làm nền tảng để từ đó xây dựng tôn giáo lớn như Kinh thánh, Kinh dịch, Kinh Torah, Đạo đức kinh… Ở đó là những trang sử của nhân loại như Lịch sử (Herodotus), Nhật ký Anne Frank. Những tác phẩm văn chương kinh điển của Shakespeare, Thần khúc, hay Don Quixote…
Những công trình nghiên cứu khoa học có tác động lớn tới lịch sử nhân loại được giới thiệu trong sách như Nguồn gốc các loài (Darwin), Thuyết tương đối rộng (Einstein), Mùa xuân im lặng (Rachel Carson)…
Đừng mơ từ bỏ sách giấy
Cuốn sách là cuộc đàm luận, đôi khi tranh luận, của Jean-Claude Carrière và Umberto Eco, với sự dẫn dắt của nhà báo Jean-Philippe de Tonnac, về chủ đề tương lai của sách trong thời đại kỹ thuật số.
Cuộc trao đổi giữa hai học giả không nhằm mục đích nhận định về bản chất của những biến đổi và xáo trộn có thể xảy ra khi sách điện tử trở nên phổ biến trên diện rộng. Là những người yêu sách, sưu tầm sách hiếm, nghiên cứu và săn lùng các sách cổ, họ cho rằng sách “là một dạng của sự hoàn hảo”.
Umberto Eco cho rằng dưới tác động của công nghệ số, sách in có thể sẽ thu hẹp, biến đổi về cấu tạo; tuy nhiên sách giấy sẽ không chết.
Còn Jean-Claude Carrière khẳng định: “Một cuốn sách có giá trị luôn luôn sống, nó lớn lên và già đi cùng với chúng ta, nhưng không bao giờ chết”.
Lịch sử của sách
Không chỉ là cuốn sách nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển của sách, nhà sử học James Raven trình bày các vấn đề về một khoa học có tên “Lịch sử của sách”.
Cuốn sách giới thiệu về lịch sử thư tịch trong góc nhìn rộng, liên hệ với nhiều lĩnh vực. Lịch sử sách liên quan văn học, lịch sử, truyền thông, thư viện, bảo tồn và thông tin. Vì vậy, cuốn sách này dành dung lượng phác thảo đặc thù của ngành nghiên cứu lịch sử sách, phân tích lý thuyết, nguồn gốc, phương pháp và xu thế của ngành.
Cuốn sách tái hiện lịch sử hàng nghìn năm của sách từ tấm bảng đất nung tới kho sách điện tử khổng lồ… Tác phẩm cũng cho thấy cách con người đọc và viết, trang trí, gia công, sản xuất, phát hành, đón nhận sách.
Sách Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới. Ảnh: Q. V. |
Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới
Tác giả Nhật Bản Takashi Saito đã viết cuốn sách để nói về sự thiết yếu của việc phải đọc. “Đọc sách giúp phát triển năng lực tư duy, làm phong phú năng lực tưởng tượng và tiếp thêm sức mạnh giúp ta tiến lên phía trước những lúc khốn cùng.
Đọc sách là hoạt động không thể thiếu để định hình bản thân và làm phong phú nhân sinh. Giá trị đó sẽ mãi không thay đổi, và ‘ngay bây giờ’ cũng thế”.
Thông qua 7 chương sách, tác giả trả lời cho câu hỏi “Tại sao thời nay phải đọc sách?”. Ông chỉ ra sự sâu sắc mà chỉ người đọc sách có thể đạt được.
Ông cũng đề xuất các phương pháp đọc hiệu quả, đọc làm sao để sâu sắc tư duy, sâu sắc tri thức, nhân cách; cách đọc những cuốn sách khó…
Thú chơi sách
Vương Hồng Sển (1902-1996) là nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sách. Chắt lọc kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình chơi sách, vị học giả viết Thú chơi sách.
Như tên sách, ấn phẩm của Vương Hồng Sển nói tới một thú chơi, mà đã là thú chơi thì mỗi người mỗi khác. Bởi vậy, cuốn sách mang đậm dấu ấn “chơi sách” của Vương Hồng Sển.
Cuốn sách được viết với cả tâm huyết của người trong nghề. Tính khoa học về một “thú nhàn” được lồng ghép trong những câu chuyện kể, giúp ta hình dung thêm nhiều tri thức.
Trong các câu chuyện kể luôn cụ thể, tác giả chỉ ra đâu là cuốn sách hiếm, đâu là điều làm nên sự đặc biệt của ấn bản, chuyện về những người chơi sách, sự tinh tế cũng như lắm chuyện “nhiêu khê” của thú chơi…