Thể loại văn học kỳ ảo (Fantasy) được hiểu là những tác phẩm có cốt truyện dựa trên các yếu tố giả tưởng như năng lực siêu nhiên, ma thuật và những điều không có cơ sở khoa học.
Trong thế giới của những cuốn sách thuộc thể loại này, mọi định luật, quy tắc, sự logic đều dựa trên sức sáng tạo của tác giả chứ không thể đánh đồng với đời thực.
Để hoàn thiện được danh sách “100 tác phẩm văn học kỳ ảo hay nhất mọi thời đại”, tạp chí Time đã làm việc cũng nhóm tác giả hàng đầu của thể loại này gồm Tomi Adeyemi, Cassandra Clare, Diana Gabaldon, Neil Gaiman, Marlon James, N.K. Jemisin, George R.R. Martin and Sabaa Tahir.
Họ cùng nhau chọn ra 100 tác phẩm hay nhất dựa trên các yếu tố đánh giá bao gồm tính độc đáo, tham vọng, tính nghệ thuật, sự đón nhận của giới phê bình, sự phổ biến cũng như ảnh hưởng đến thể loại giả tưởng và văn học. Cuối cùng, các tác phẩm này được sắp xếp theo năm xuất bản từ thế kỷ thứ 9 tới nay.
Nghìn lẻ một đêm là cái tên lâu đời nhất góp mặt trong danh sách. Ảnh: Vecteezy. |
Nghìn lẻ một đêm
Tác phẩm là tuyển tập những truyện cổ dân gian độc đáo trong văn học Ả Rập. Không thể biết được tác giả (hoặc nhóm tác giả) của bộ truyện này là ai bởi Nghìn lẻ một đêm được góp nhặt, tích lũy trong một thời gian dài.
Trong vô số các phiên bản khác nhau được chi chép lại, tác phẩm tiếng Ả Rập năm 1984 của Mushin Mahdi và bản dịch tiếng Anh năm 1990 tương ứng của Husain Haddawy được coi là một trong những ấn bản nổi tiếng nhất.
Kho tàng truyện cổ tích trong Nghìn lẻ một đêm vô cùng phong phú. Trong thế giới đó, óc sáng tạo và khả năng tưởng tượng của con người được phát huy đến cực hạn.
Hàng đêm, nàng Sheherazade liên tục kể cho vị vua hung bạo nghe các câu chuyện mang đậm tính huyền bí, kỳ ảo. Trong đó, tình yêu cùng chiến tranh song hành với nhau, những phép thuật biến ảo hay các sinh vật chỉ có trong tưởng tượng được tận dụng tối đa để tạo nên một thế giới kỳ vĩ, khoáng đạt.
Có thể nói, Nghìn lẻ một đêm không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà nó còn là nơi con người gửi gắm tâm tư, hy vọng về một thế giới mới với những điều tốt đẹp, tử tế.
Le Morte d’Arthur của Sir Thomas Malory là tác phẩm có giá trị sử thi to lớn về hình tượng của vua Arthur. Ảnh: Himmapaan. |
Le Morte d’Arthur
Le Morte d’Arthur (tạm dịch: Cái chết của vua Arthur) là tác phẩm văn xuôi nước Anh thế kỷ 15, được Sir Thomas Malory viết lại về những câu chuyện về vua Arthur huyền thoại. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1485, tập hợp các câu chuyện, thần thoại và văn hóa dân gian xung quanh chiến tích của vua Arthur, người được cho là đã bảo vệ nước Anh khỏi quân xâm lược Saxon vào thế kỷ 5 hoặc 6 sau công nguyên.
Có thể nói, Le Morte d’Arthur là một trong số ít tác phẩm có khả năng trường tồn với thời gian. Ra đời từ thế kỷ 15, tới nay, nó vẫn truyền cảm hứng cho vô số độc giả.
Ngoài giá trị sử thi to lớn, cuốn sách còn đan xen các yêu tố giữa thực và ảo, đời thường và ma thuật, từ đó lý giải phần nào sự tồn tại của loài người.
Alice ở xứ sở thần tiên đã gây ra nhiều tranh luận về lớp ý nghĩa ẩn sâu đằng sau cốt truyện. Ảnh: Mental Floss. |
Alice ở xứ sở thần tiên
Kể từ khi được ra mắt vào năm 1865, Alice ở xứ sở thần tiên (Alice’s Adventures in Wonderland) của tác giả Lewis Caroll dần dần trở thành một trong những tác phẩm văn học kỳ ảo hay nhất thế giới. Tới nay, nhiều học giả cố gắng nghiên cứu lớp nghĩa thực sự đằng sau câu chuyện.
Cuốn sách đưa người đọc tới một thế giới hoàn toàn mới mẻ, xa lạ với sự có mặt của thỏ trắng trong bộ tuxedo lịch lãm, một chú mèo nhăn nhở, một con sâu bợm nhậu và cả một đội quân lá bài kỳ quái.
Không chỉ đặc biệt ở hệ thống nhân vật, Alice ở xứ sở thần tiên thu hút biết bao thế hệ trẻ em, bởi chính cách mà thế giới giả tưởng ấy vận hành. Những gì mà Alice cho là xấu xa, không tốt thì ở thế giới này lại là chuyện bình thường.
Thế giới mà Lewis Caroll vẽ ra đẹp đến nỗi nhiều ý kiến cho rằng đây không chỉ là tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi mà ở tầng nghĩa sâu xa hơn, nó đại diện cho những ham muốn của con người và cách mà họ đối mặt thực tại.
Cả ba tập của bộ truyện Chúa tể những chiếc nhẫn đều góp mặt trong danh sách “100 tác phẩm văn học kỳ ảo hay nhất mọi thời đại” Ảnh: Fandom. |
Chúa tể những chiếc nhẫn
Chúa tể những chiếc nhẫn là tác phẩm hiếm hoi mà cả ba tập của bộ truyện đều góp mặt trong danh sách “100 tác phẩm văn học kỳ ảo hay nhất mọi thời đại”, gồm: Hiệp hội nhẫn thần, Hai tòa tháp, Sự trở về của vị vua.
Với Chúa tể những chiếc nhẫn, cố tác giả J.R.R. Tolkien đã sáng tạo nên cả một thế giới khổng lồ với chiều dài lịch sử đồ sộ không kém gì ngoài đời thật. Không những thế, bộ truyện còn thể hiện sự liên kết đáng kinh ngạc dù cho nó có khối lượng thông tin khổng lồ.
Trong thế giới kỳ ảo của J.R.R Tolkien, con người không phải chủng tộc mạnh mẽ nhất cũng không phải giống loài thông minh duy nhất tại Trung Địa (Middle Earth).
Ở đó, cố tác giả còn xây dựng tộc tiên, yêu tinh, người lùn hay thậm chí cả những con rồng chí cao vô thượng. Mỗi loài đều có cá tính và cách hành xử đặc trưng.
Bộ tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và cũng đã gặt hái được vô số thành công. Ảnh: LLink. |
Harry Potter
Ở thể loại văn học kỳ ảo này, không thể không nhắc tới tác phẩm Harry Potter của nhà văn J.K. Rowling. Trong danh sách này, Harry Potter đóng góp tập ba Tên tù nhân ngục Azkaban và tập sáu Hoàng tử lai.
Về tổng thể, Harry Potter là câu chuyện cuộc đời của cậu bé phù thủy mồ côi. Số phận của Harry gắn liền vết sẹo hình tia chớp trên chán và mối thù không đội trời chung với chúa tể hắc ám Voldemort.
Cũng giống như Chúa tể những chiếc nhẫn, Harry Potter đưa người đọc đi vào một thế giới pháp thuật khổng lồ. Song song với thế giới của người thường, tác giả khéo léo lồng ghép các yếu tố hư cấu vào trong cốt truyện. Điều này giúp người đọc tiếp nhận thế giới pháp thuật đầy kỳ ảo một cách dễ dàng, gần gũi.
Đáng nói, với Harry Potter, tác giả đã mang đến cho độc giả một góc nhìn đầy chiêm nghiệm dù không mới. Trong truyện, Harry và Voldermort có rất nhiều điểm chung, họ giống nhau ở xuất thân và cả trong một số cách tư duy nhất định.
Thế nhưng, suy nghĩ khác nhau sẽ tạo nên những con người khác nhau. Cũng giống như trong cuộc sống, mỗi người đều có quyền và trách nhiệm lựa chọn cuộc sống cho bản thân; hoàn cảnh sống chỉ là chất xúc tác chứ không phải điều then chốt quyết định con người của mỗi chúng ta trong tương lai.