Mỗi người đều có trong mình những ký ức tươi đẹp, không bao giờ quên về nơi mình sinh ra và lớn lên. Những tập tản văn dưới đây không chỉ nhắc nhớ về một thời, mà còn gợi nhớ gợi thương qua những bữa cơm gia đình, những món ăn mang hồn quê xứ.
Sách Ăn để nhớ. Ảnh: M.C. |
Phong vị của ngày xưa cũ
Đây là tập tản văn đầy hoài niệm, gợi nhớ gợi thương, phảng phất phong vị của những ngày xưa cũ của tác giả Kim Em.
Với 51 tản văn, được chia thành 2 phần (phần 1. Miếng ngon, gồm 34 bài viết và phần 2. Miền nhớ, gồm 17 bài viết) tác giả đưa chúng trở về quãng đời tươi đẹp nhất của đời mình, đó là tuổi thơ trong veo cùng ký ức tươi đẹp, không bao giờ quên ở quê nhà Hội An, Quảng Nam.
“Đến bây giờ, khi bước qua bên kia dốc cuộc đời nhìn lại, tôi vẫn thấy mọi thứ như mới hôm qua, hôm kia. Và tôi biết bạn cũng cảm thấy như vậy khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn và hoài niệm về những ngày ấu thơ của mình…”, tác giả Kim Em tâm sự trong cuốn sách.
Trong tập tản văn của mình, Kim Em thủ thỉ kể về khoảng đời thơ bé (khoảng những năm 1960-1970) với nhiều gian lao mà đong đầy hạnh phúc bên gia đình. Tác giả viết về những món ngon của quê nhà, dăm ba món quà vặt thời khốn khó mà nỗi nhớ nhung xa xôi cứ tứa ra trong từng câu chữ.
Những món ăn dung dị như mì quảng, bánh tráng sắn, kẹo ú, bánh xèo, bánh ú tro, cá nục, cá mối, mít non nấu cá chuồn, bát canh dưa hồng, lòng xào nghệ, dưa muối, đến mùi ruốc, mùi mắm… chứa đựng một miền ký ức hẳn sẽ khiến bao người nhớ đến những nếp nhà, những ấm áp bên mâm cơm chiều bốc khói.
Với niềm nhớ niềm thương qua từng trang sách, xoay quanh những món ngon bình dị của Hội An, độc giả sẽ cảm nhận thấy đồ ăn, thức uống không chỉ nuôi sống cơ thể vật lý mà còn nuôi dưỡng cả tâm hồn và tinh thần của một người. Ai yêu quê hương, yêu gia đình thì hẳn cũng luôn hướng về nơi mình sinh ra và lớn lên như vậy.
Bình luận về Ăn để nhớ, nhà báo Dương Thành Truyền viết: “Có một tình yêu đặc biệt trên đời. Rất chân thực, vì không sao giấu được. Và luôn đậm vì không thể nào rời xa. Nó gắn liền với mâm cơm, đám giỗ, bữa tiệc, hàng quán… Nó thơm mùi khói, mùi bếp, mùi chợ, mùi Tết… Nó hòa trộn miếng ngon với miền nhớ làm bật lên tiếng gọi mẹ, gọi nhà, gọi quê, gọi xóm làng, bản quán”.
Theo ông Dương Thành Truyền, Ăn để nhớ là khúc nhạc lòng nhận diện quê hương mang âm hưởng dân ca, với ca từ là hũ mắm, con cá, mớ rau, tấm bánh… đi cùng giai điệu là những tháng ngày lớn lên từ cảm xúc của một trái tim khắc tạc con chữ Hội An xứ Quảng từ trong sâu thẳm của cây bút Kim Em.
Sách Nha Trang mùa đẹp nhất. Ảnh: M.C. |
Món ngon Nha Trang
Tập tản văn Nha Trang mùa đẹp nhất gồm 47 bài viết, khắc họa nỗi nhớ của Đào Thị Thanh Tuyền về quê nhà Nha Trang, nơi tác giả sinh ra và lớn lên bên cha mẹ, chòm xóm.
Sinh ra ở Diên Khánh (Khánh Hòa) rồi lớn lên, gắn bó gần như cả cuộc đời mình với Nha Trang, tác giả am hiểu, cảm nhận khá tường tận về những cảnh đẹp mà dường như cả nếp sống, nếp sinh hoạt… của người dân thành phố đã trở thành máu thịt để nhà văn trải lòng trên từng trang viết.
Trong cuốn sách, Nha Trang in sâu trong trái tim và tâm trí của tác giả với biển mênh mang chân tình luôn an ủi, sẻ chia buồn vui sướng khổ của con người; với núi giăng tứ phía thách thức bàn chân ta khám phá.
Đặc biệt Đào Thị Thanh Tuyền còn dành nhiều bài viết để nói về những món ăn của Nha Trang, mà theo cách gọi của tác giả là “những món ăn mang hồn quê xứ”, không nơi nào có được vị ấy, hương ấy…
Đó là những món bánh dân dã như: bánh bèo, bánh xèo, bánh cuốn, bánh ít, các loại bánh lá, hay nem nướng… tỏa mùi thơm ngát bên những quán nhỏ nằm dưới bóng cây trên con đường trong thành phố hay ở xóm ngoại ô.
Đó là những món ăn gắn liền với đời sống của người Nha Trang như: gỏi cá mai, cá cơm kho queo, mắm ruột kho quẹt, mắm thu xay, canh cá liệt ăn với bánh ướt nóng…
Có thể nói mỗi món ăn được tác giả đề cập trong cuốn sách đều ít nhiều để lại dư âm khó quên với người đọc.
Sách Về Huế ăn cơm. Ảnh: Chibooks. |
Đặc sản bình dân xứ Huế
Về Huế ăn cơm là tập tản văn của tác giả Phi Tân viết về quê hương xứ Huế và những món đặc sản bình dân đậm đà của mảnh đất cố đô.
Với 70 câu chuyện thú vị quanh các món ăn xứ Huế, Phi Tân đã khéo léo diễn tả mỗi món ăn là mỗi đặc sản đúc kết từ những điều giản dị, bình dân, đưa chúng ta về với bữa cơm xứ Huế thân thương.
Tác phẩm như một lời mời gọi bữa cơm thường ngày của người Huế. Cơm mà Phi Tân mời gọi là cơm bình dân, cơm quê, cơm mạ nấu, cơm của cá đồng, rau vườn, cơm với con khuyết, con tép, con hến, con trìa, con ốc, con cá ngừ quạ biển Thuận An, con nuốc Tam Giang; cơm với vả trộn, rau khoai luộc, rau muống bóp, cơm với canh dưa hường, dưa gang chấm ruốc, cơm ấm trong vị trái ớt xanh thơm nồng, của chén nước mắm ớt bột dậy thơm mùi vị biển…
Qua những trang viết vừa mộc mạc gần gũi, vừa mênh mang da diết của Phi Tân, độc giả sẽ cảm nhận về Huế sâu đậm hơn và sẽ hiểu thế nào là “ăn” nỗi nhớ niềm thương. Bởi lẽ, Về Huế ăn cơm không chỉ viết về những đặc sản của ẩm thực bình dân, mà còn là vị Huế, hương Huế, quyện cùng cái tình của người Huế, tạo thành những món ngon “thấm đậm” rất Huế mà không nơi nào có.