Nhớ mùa sim chín mở ra một miền thơ ấu mênh mông với những gương mặt bạn bè mến yêu. Trong mỗi trang viết của Nguyễn Quang Lập, những con người đã cũ hiện về chân thực và sống động.
Những người bạn ấy là Hà trong Tết miền thơ ấu, Đức trong Một mình làm cả cái đình, Thọt trong Con bò của thằng Thọt, là Nhím trong Nhớ mùa sim chín, chị Thu trong Bánh trung thu, cô Lý trong Cô giáo lớp vỡ lòng…
Nhớ mùa sim chín là cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Quang Lập do NXB Kim Đồng phát hành năm 2020. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Tác giả như đang viễn du về quá khứ để gặp gỡ lại bạn bè, người thân cũ. Có những người đã chết vì bom đạn trong chiến tranh, có những người đã trải qua thăng trầm cuộc sống, cũng có người đã thành đạt. Họ từng bước đều được nhắc nhớ trong mỗi câu chuyện nhỏ của Nguyễn Quang Lập.
Những nhân vật trong Nhớ mùa sim chín vốn là những người dân thường vô danh, có thể bị thời gian lãng quên nhưng Nguyễn Quang Lập đã dùng ngôn ngữ tạc nên dáng hình họ. Từ đó, để họ có thể một lần nữa được sống trên trang sách.
Cũng từ mỗi câu chuyện như thế, người đọc có thể đắm chìm trong những cảm xúc chân thành ngày xưa khó khăn.
Trong bài viết Xóm nhỏ, người đọc có thể nghe xôn xao âm thanh của đời sống. Cả xóm dần hiện ra qua từng nét phác thảo, có nhà ông cu Lùn, làm nghề ăn xin ở chợ; nhà ông cu Hoi có tài đặt vè; nhà ông Tuyển làm nghề thợ may, lúc nào cũng đông khách; nhà Anh Đạt, người hát hay đàn giỏi được cả xóm quý; nhà anh Lân ở cuối xóm biết sáng tác nhạc; nhà thầy Hải đẹp trai, được học trò quý mến…
Mỗi người là một mảnh ghép trong bức tranh của xóm. Ai cũng có cuộc sống của riêng mình, nhưng tinh thần đoàn kết rất mạnh mẽ. Mỗi khi nhà ai có công việc, cả xóm đều xúm lại giúp đỡ.
Xóm nhỏ của Nguyễn Quang Lập thân thuộc như bao nhiêu xóm nhỏ khác ở miền quê Việt Nam. Những xóm nhỏ gợi nhắc nhiều tình cảm mộc mạc, thấm thía.
Bên cạnh câu chuyện tri ân những người bạn, người quen cũ, Nguyễn Quang Lập còn tái hiện phong cảnh miền quê Việt Nam với vẻ đẹp đơn sơ, giản dị.
Hồi ấy, những cánh đồng rộng thênh thang. Khi chiều xuống, trâu bò tha thẩn gặm cỏ. Những ngọn đồi đầy sim chín thơm ngọt ngào. Mỗi ngôi nhà đều nép mình dưới những hàng cây xanh um tùm, đường làng đầy đất đỏ… Tiếng đạn bom có thể nổ liên tục, nhưng sâu thẳm trong tâm trí của mỗi đứa trẻ, làng quê vẫn thật yên bình và ấm áp.
Chia sẻ về cuốn sách Nhớ mùa sim chín, nhà văn Nguyễn Quang Lập nói: “Với lối khẩu văn, tôi không làm văn nữa mà cố gắng tạo cảm giác như độc giả đang được nghe kể một câu chuyện, cảm giác được cả không khí – giọng điệu lẫn cảm xúc của người kể. Lời văn của tôi được sử dụng như một lát cắt giúp đi thẳng vào tính cách nhân vật”.
Cũng bởi lối viết gần gũi ấy, người đọc sách có cảm giác như đang được nghe tác giả nhẩn nha kể chuyện, thỉnh thoảng ngưng lại hút hơi thuốc, nhấp ngụm trà đá, bên vỉa hè huyên náo.
Những câu chuyện một thời của một người, có thể lan tỏa đến hôm nay, để nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của nhiều người.