Nhằm hình thành hệ thống tủ sách về chính trị, xã hội và văn hóa, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thực hiện đề án Chương trình Sách quốc gia. Đề án xoay quanh việc lựa chọn những cuốn sách nền tảng phục vụ cho bạn đọc cả nước trong thời gian từ năm 2022-2026.
Theo đó, những cuốn sách này sẽ được chia thành 8 chủ đề khác nhau, tương đương 8 lĩnh vực: Chính trị, an ninh, quốc phòng, pháp luật; khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ; kinh tế; khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật; tôn giáo; văn học; thiếu nhi và thông tin đối ngoại.
Trước một đề án mang tầm quốc gia, một số chuyên gia đầu ngành, đại diện đơn vị xuất bản và người làm công tác khuyến đọc đưa ra một số điểm cần chú trọng giúp hoàn thiện bản đề án.
GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn – nghiên cứu viên cao cấp Viện Toán học, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ – chia sẻ những lưu ý khi thực hiện đề án chương trình Sách quốc gia. Ảnh: Việt Linh. |
Lựa chọn sách ra sao cho phù hợp?
GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn – nghiên cứu viên cao cấp Viện Toán học, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cho rằng khâu chọn sách nền tảng phải đặc biệt chú trọng. Cụ thể, cần lập ra những hội đồng thẩm định sách cho từng mảng đề tài mà chương trình Sách quốc gia hướng tới.
“Đối với sách khoa học tự nhiên, tôi nghĩ các đơn vị xuất bản mạnh về mảng sách này cần lắng nghe ý kiến, tham mưu của các nhà khoa học đầu ngành đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Họ sẽ là những người có góc nhìn chính xác, khách quan, có cơ sở khoa học để bình xét xem đâu là những chủ đề sách phù hợp và cần thiết để đưa vào chương trình Sách quốc gia”, GS Nguyễn Khoa Sơn nói.
Theo ông, đối với một đề án mang tầm quốc gia, giữa các xuất bản phẩm và tình hình thực tế từng lĩnh vực cần có sự thống nhất, không nên lựa chọn những cuốn sách không còn phù hợp thời đại và sự phát triển của lĩnh vực đó.
GS Nguyễn Khoa Sơn nhận định khoa học và công nghệ là lĩnh vực luôn có nhiều đột phá, thay đổi từng ngày. Vì thế, cần lưu ý rằng các tựa sách về mảng này nên mang tính cập nhật, tránh trường hợp lựa chọn những cuốn sách không hoặc còn ít giá trị trong thời gian tới, nhất là khi đề án mang tính lâu dài, bền bỉ.
Anh Nguyễn Quang Thạch – người khởi xướng và thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn” – nêu ý kiến: “Mảng sách khoa học đã có nhiều nghiên cứu, báo chí đăng tải; song số lượng vẫn chưa nhiều. Ở những lĩnh vực chúng ta không mạnh, nên tập trung mua bản quyền từ các nước phát triển và có nhiều thành tựu hơn”.
Một điểm cần lưu ý nữa khi thực hiện đề án Chương trình Sách quốc gia đó là phải xét đến tính thống nhất của những tủ sách nền tảng.
Theo TS Ngọc Minh – người làm công tác khuyến đọc nhiều năm nay – các đơn vị xuất bản và cơ quan chủ trì đề án cần có tầm nhìn xa để tính toán trước việc đâu là mẫu hình con người mà xã hội hướng đến trong những năm tới đây. Đối với mảng sách thiếu nhi, tầm nhìn đó phải kéo dài 10-15 năm.
“Phải xem xét đến việc ở thời điểm hiện tại nếu trẻ đọc những cuốn sách thiếu nhi nền tảng này, chúng sẽ tác động tới các em như thế nào khi trở thành công dân thực thụ? Hơn nữa, các xuất bản phẩm luôn có xu hướng thay đổi tùy từng thời điểm. Một tác phẩm kinh điển của thời này có thể trở thành lỗi thời trong vài năm tới”, TS Ngọc Minh bày tỏ.
Chẳng hạn, khi đại dịch Covid-19 chưa ập đến, sách viết về giá trị cuộc sống của con người sẽ không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, khi mà nhân loại đang phải đối diện dịch bệnh này. Đó là lý do khiến những cuốn sách nền tảng được lựa chọn cần chú trọng đến vấn đề hợp thời.
Khi xây dựng đề án chương trình Sách quốc gia cũng cần lưu ý đến tính bình đẳng trong hình thức tiếp cận sách. Ảnh minh họa: Hải An. |
Chú trọng bản quyền, bình đẳng trong hình thức tiếp cận
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh cũng nhận định rằng những cuốn sách được lựa chọn phải thật sự có chất lượng và khách quan từ mọi phương diện.
Một trong những mục tiêu đề án chương trình Sách quốc gia hướng tới là số hóa những cuốn sách nền tảng. Bạn đọc có thể tiếp cận các tủ sách này ở hai định dạng sách nói và sách điện tử.
Ở điểm này, TS Ngọc Minh cho rằng nên có sự bình đẳng ở hình thức tiếp cận: “Những người không biết chữ, họ có quyền tiếp cận tri thức. Cũng như việc người mù, họ vẫn có quyền nghe sách. Khi nghĩ đến một đề án mang tầm quốc gia, cần xét đến tính bình đẳng trong việc tiếp cận của toàn dân”.
Việc không phát hành sách giấy sẽ tiết kiệm được tài nguyên quốc gia, quá trình in ấn và vận chuyển. Để sử dụng sách nói và sách điện tử, phải phụ thuộc vào công nghệ. Điều này đồng nghĩa việc người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, ông bà già hay trẻ nhỏ sẽ khó tiếp cận vì họ không có thiết bị công nghệ điện tử.
Các đơn vị xuất bản và cơ quan chủ trì đề án cần có tầm nhìn xa để tính toán trước việc đâu là mẫu hình con người mà xã hội hướng đến trong những năm tới đây.
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh
Anh Nguyễn Quang Thạch cũng nhận định ở Việt Nam, thói quen đọc sách điện tử chưa cao. Riêng đối với trẻ em nông thôn, trước hết cần tính toán đến việc giúp đỡ đưa sách nền tảng đến nhà và lớp học, sau đó mới bàn đến vấn đề làm sao để định hướng trẻ nghe sách hoặc đọc sách điện tử.
Một trong những điểm cần lưu ý khi thực hiện các bước số hóa những tủ sách nền tảng đó là cần bảo đảm tính hiệu quả và tính bản quyền.
Về mặt này, GS Nguyễn Khoa Sơn cho rằng sau khi lựa chọn những cuốn sách đáp ứng mọi tiêu chí đề án, phải kết nối chúng thành hệ thống dữ liệu quốc gia và đảm bảo tính bản quyền của từng xuất bản phẩm.
Nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ cũng nhấn mạnh hiện nay, trên môi trường mạng có rất nhiều cơ sở dữ liệu sách điện tử với hàng trăm nghìn đầu sách đủ thể loại. Trong đó, nhiều tựa sách miễn phí, nhất là sách về mảng khoa học và công nghệ. Do đó, việc số hóa những tủ sách nền tảng trong đề án cần tránh trùng lặp, lãng phí.
“Bên cạnh lựa chọn và số hóa những cuốn sách này, việc cần làm đầu tiên là thiết lập khuôn khổ pháp lý và nền tảng công nghệ để kết nối vào một hệ thống quốc gia các cơ sở dữ liệu sách điện tử hiện có và sẽ có trong tương lai, chú trọng cách thức để người dùng khai thác một cách thuận lợi và các nhà xuất bản cũng có thể tiếp tục phát triển một cách hiệu quả cơ sở dữ liệu này khi đề án kết thúc”, GS Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, đối với mảng sách song ngữ thuộc chủ đề thông tin đối ngoại, theo bà Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM – cũng cần làm rõ hơn nữa các bước chống nạn sao chép bản quyền, tạo uy tín cho chương trình Sách quốc gia khi đưa sách tham gia vào hoạt động đối ngoại.