Theo kế hoạch tuyển sinh do UBND TP.HCM ban hành, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có hai thay đổi lớn so với trước đây đó là bỏ nhân hệ số hai môn Toán, Văn (ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đều hệ số 1 – PV), tăng thời gian làm bài môn Ngoại ngữ (từ 60 phút tăng lên 90 phút).
Thí sinh dự thi lớp 10 tại TP.HCM năm học 2020-2021. Ảnh: Tiền Phong. |
Thêm tiêu chí đánh giá học sinh
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trước đây, tiêu chí xếp loại, đánh giá học sinh căn cứ mức điểm số hai môn Toán và Ngữ văn thì nay theo quy định mới (Thông tư 26) cho phép đánh giá học sinh dựa trên điểm số ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
“Điều này cho thấy ngoại ngữ đang dần có vị trí quan trọng trong việc phân loại, đánh giá học sinh”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, tại TP.HCM, một đề án phát triển ngoại ngữ, mong muốn học sinh thành phố đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện để tiếp cận đến chương trình bậc đại học ở các nước, có thể du học.
Ngoài ra, thời lượng học môn Ngoại ngữ hiện nay ở các trường THPT đã được phân bổ bằng thời lượng hai môn Toán và Ngữ Văn…
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2021-2022, toàn thành phố có khoảng 99.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong khi chỉ tiêu vào các trường THPT công lập là 70%, đồng nghĩa có khoảng 30.000 em sẽ rớt lớp 10 công lập.
Được biết, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM có 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ.
Học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia).
Các phương án tuyển sinh và cấu trúc đề thi cơ bản vẫn như các năm trước. Kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6 tới.
Tăng tốc ôn thi ngoại ngữ
Trước những thay đổi trong tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều trường THCS ở TP.HCM đã thay đổi “chiến thuật” ôn thi cho học sinh.
Tại trường THCS Nguyễn Du, quận 1, từ giữa học kỳ II, giáo viên Tiếng Anh của trường được giao phân loại năng lực học tập của học sinh để dạy và bồi dưỡng cho phù hợp.
Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong một lớp học, mỗi em lại có thế mạnh khác nhau như có em mạnh về vốn từ, khả năng nghe nói nhưng lại yếu về ngữ pháp và ngược lại.
Do đó, phân loại đối tượng học sinh sẽ giúp giáo viên tiếp cận học sinh một cách sâu sát nhất, rèn và trang bị cho các em những kỹ năng mà các em còn thiếu, yếu.
Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, quận 1, cho biết ngay sau khi có quyết định chính thức về thay đổi trong tuyển sinh lớp 10, nhà trường đã họp tổ bộ môn Tiếng Anh để bàn cách ôn tập cho các em.
Theo kế hoạch, sau khi kết thúc học kỳ II, nhà trường sẽ chuyển sang ôn tập cho học sinh lớp 9 với 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trong đó, thời lượng ôn tập môn Ngoại ngữ sẽ tăng lên bằng thời lượng ôn tập của 2 môn còn lại, tương đương 4 tiết mỗi môn/ tuần.
Theo bà An, việc này không quá khó bởi ở trường này, học sinh được học hai buổi/ngày và có 5/10 lớp đang theo học chương trình Tiếng Anh tích hợp và Tiếng Anh tăng cường…
Ngoài các cách ôn tập trên, một số trường như THCS An Phú (thành phố Thủ Đức), THCS Lữ Gia (quận 11)… dự kiến tổ chức kỳ thi thử trong thời gian tới.
Bà Mai Thị Thu, Hiệu trưởng trường THCS An Phú cho biết, nhà trường sẽ tổ chức kỳ kiểm tra thi thử cho học sinh lớp 9 ở cả 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh.