Những quyển sách dưới đây sẽ là nguồn tham khảo tốt, đồng hành cùng bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về thế giới.
Nó giúp chúng ta có một góc nhìn thực tế, sâu sắc và khách quan hơn về những gì đang xảy ra mỗi ngày.
Factfulness
Có bao nhiêu phần trăm dân số thế giới sống trong đói nghèo? Tỷ lệ bé gái học xong tiểu học ở nước thu nhập thấp là bao nhiêu? Số người tử vong do thiên tai đã thay đổi thế nào? Khi được hỏi những câu đơn giản về xu hướng toàn cầu, ta thường trả lời sai một cách có hệ thống, kể cả là giáo viên, nhà báo, những người đoạt giải Nobel.
Nhận thấy tình trạng thiếu hiểu biết và nhìn nhận sai về thế giới đang ngày càng lan rộng, giáo sư y tế kiêm diễn giả TED Hans Rosling, cùng hai cộng sự Anna và Ola, quyết tâm mang lại một thế giới quan dựa trên dữ liệu thực tế qua quyển sách Sự thật về thế giới: Mười lý do khiến ta hiểu sai về thế giới.
Hans Rosling trình bày mười bản năng bóp méo nhận thức con người, chẳng hạn như khoảng cách – chia cắt thế giới thành hai đối cực giàu và nghèo; bản năng tiêu cực – ảo tưởng về tình hình liên tục xấu đi vì cách đón nhận tin tức truyền thông; bản năng đổ lỗi – khi có sự cố, thay vì tìm kiếm nguyên nhân để giải quyết, chúng ta tìm một cá nhân hoặc tập thể để đổ lỗi…
Nếu có nhận thức về thế giới quan hiện thực, chúng ta sẽ thấy thế giới không tệ như bề ngoài và tìm ra được những giải pháp giúp cuộc sống ngày càng tốt hơn. Quyển sách cho người đọc một bức tranh tổng thể để cải thiện kỹ năng cảm nhận về cách mọi thứ vận hành.
Bìa sách Factfulness. Ảnh: NXB Trẻ. |
Trí tuệ giả tạo
Internet không chỉ cung cấp nguồn thông tin cho suy nghĩ, mà còn định hình quá trình suy nghĩ của chúng ta. Trong quyển Trí tuệ giả tạo, Nicholas Carr cho rằng mạng Internet đang bào mòn khả năng tập trung và suy ngẫm của con người.
Điển hình như việc chúng ta liên tục bị quấy rầy bởi các chương trình mà không chú ý đến điều gì đang diễn ra trong đầu. Tâm trí chúng ta từng cuốn theo diễn biến của câu chuyện hay bước ngoặt của luận điểm, nay lại ưa thích việc đọc lướt, kéo thanh cuộn, ít kiên nhẫn hơn với những luận điểm dài dòng.
Tác giả nhận thấy càng bị mất tập trung, chúng ta càng khó cảm nhận được tình cảm tinh tế và đặc biệt nhất của con người, trong đó có sự cảm thông, lòng trắc ẩn và cảm xúc khác.
Sẽ là vội vàng khi kết luận Internet đang hủy hoại các cảm giác mang tính đạo đức của chúng ta. Nhưng không vội để khuyến nghị rằng Internet đang định hướng lại con đường cuộc sống, làm giảm khả năng tư duy trầm lắng của con người và thay đổi chiều sâu cảm xúc cùng suy nghĩ của họ.
Cuốn sách bao hàm lịch sử trí tuệ, khoa học phổ thông và phê phán văn hóa, đồng thời đặt ra những câu hỏi sâu sắc về nền tảng tinh thần của chúng ta ngày nay, giữa bối cảnh dường như không chấm dứt của cuộc tranh luận về sức mạnh lẫn nguy cơ từ công nghệ hiện đại.
Bìa sách Trí tuệ giả tạo. Ảnh: NXB Trẻ. |
Phải trái đúng sai
Trong cuốn Phải trái đúng sai, Michael J. Sandel khơi gợi những câu hỏi lớn của triết học chính trị thông qua việc đánh giá những vấn đề gai góc gây nhiều tranh cãi nhất của thời đại: Nhập ngũ, đẻ thuê, ưu tiên thiểu số khi tuyển sinh…
Những câu chuyện đời thường nhìn thoáng qua có vẻ dễ đánh giá đúng sai, nhưng sau khi đọc sách, chúng ta sẽ phải dừng lại để suy ngẫm nhiều khía cạnh, trước khi đi đến kết luận.
Có đúng không khi hy sinh tính mạng một người để phòng tránh cái chết cho nhiều người? Có công bằng không khi đánh thuế người giàu để giúp đỡ người nghèo? Không cho phép các cặp đồng tính kết hôn liệu có sai?
Qua những lập luận mang tính triết học của tác giả, người đọc sẽ băn khoăn giữa khái niệm đúng sai, và đâu là cách nhìn nhận chính xác một vấn đề. Từ đó, họ rút ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn và hợp lý nhất.
Bìa sách Phải trái đúng sai. Ảnh: NXB Trẻ. |