Cuộc cách mạng công nghiệp hóa và xu hướng chuyển đổi số là kết luận chung của các nhà tương lai học, nhà nghiên cứu khi đưa ra dự đoán về đời sống xã hội, cách thức làm kinh tế và sự thay đổi của con người trong thời gian tới.
Dự báo đó được đưa vào một số cuốn sách. 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai của Mauro F. Guillén là bản phân tích táo bạo về tương lai trong thập kỷ tới. Trong khi đó, tác giả Fareed Zakaria trong 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch dự đoán về đời sống con người, doanh nghiệp thời hậu Covid-19. Yuval Noah Harari mang đến góc nhìn tổng quan và thực tế về những gì đang diễn ra với nhân loại trong 21 bài học cho thế kỷ 21.
Sách 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai. Ảnh: Phương Nam Books. |
Mauro F. Guillén là diễn giả, chuyên gia hàng đầu về xu hướng toàn cầu. Cuốn sách của ông mới được xuất bản tại Việt Nam với tiêu đề 2030: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai (Phương Nam Books liên kết Nhà xuất bản Thế Giới phát hành).
Theo Mauro F. Guillén, trong thập kỷ tới, dân số sẽ già hóa, nữ nhiều hơn nam và trí tuệ nhân tạo, công nghệ lấn át vị trí của người lao động.
Cuốn sách là bản phân tích mang tính đột phá, bao gồm cả phương cách mà Covid-19 đang tạo ra những thay đổi lớn trên thế giới.
Bằng kinh nghiệm của một chuyên gia, tác giả hướng dẫn chúng ta nắm bắt ý nghĩa của chuyển biến, đưa ra các thông điệp lạc quan về tương lai để từ đó cùng vượt qua cơn biến động lịch sử.
Được viết bằng văn phong hấp dẫn đan xen dẫn chứng khoa học, cuốn sách chỉ ra rằng 2030 không còn là thời điểm xa xôi và con người cần có những chuẩn bị cho từng bước đi trước cơ hội và thách thức.
Tác động từ dịch bệnh Covid-19 là một trong những lý do khiến tác giả khẳng định con người của năm 2030 không thể tiếp tục sống theo lối truyền thống. Do đó, cuốn sách giúp độc giả tự trang bị kiến thức mới để không bị tụt lại phía sau.
Cũng lấy bối cảnh khi đại dịch kết thúc, tác giả Fareed Zakaria chỉ ra rằng đời sống con người sẽ có nhiều biến chuyển. Ông viết 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch (Nhà xuất bản Trẻ phát hành) nhằm cung cấp 10 bài học cần thiết ở thời điểm thế giới vắng bóng Covid-19.
Dựa trên tư liệu, dẫn chứng số liệu thực tế về cuộc sống trong đại dịch ở nhiều quốc gia, Fareed Zakaria đưa ra những dự đoán về đời sống con người và sự thay đổi của doanh nghiệp khi phải thích nghi với cuộc sống mới.
Sách 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch. Ảnh: NXB Trẻ. |
Trong 10 bài học cho thế giới hậu đại dịch, tác giả quan niệm Covid-19 hoạt động như một “chất xúc tác thúc đẩy các xu hướng toàn cầu hiện có”. Một mặt, con người sẽ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa. Mặt khác, sự phát triển với tốc độ vũ bão cũng sẽ đe dọa đời sống của chúng ta trong tương lai không xa.
Tuy vậy, khi cuộc sống bình thường mới diễn ra, sự thay đổi trong tư duy và lối vận hành của các doanh nghiệp sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, dịch bệnh mở ra cánh cửa đưa con người tới gần hơn “cuộc sống số”.
10 bài học cho thế giới hậu đại dịch nhắc đến quá khứ, hiện tại nhưng đưa ra những bàn luận về tương lai, giúp người đọc hiểu Covid-19 đang thách thức nền kinh tế như thế nào, yêu cầu con người phải nắm bắt cơ hội ra sao.
Sau những ấn phẩm nghiên cứu về lịch sử loài người, tác giả Yuval Noah Harari luận bàn về cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 21 thông qua cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21 (Nhã Nam liên kết Nhà xuất bản Thế Giới phát hành).
Cuốn sách gồm 21 chương, nêu lên phương hướng giải quyết các vấn đề chính trị, công nghệ, xã hội. Bên cạnh đó, tác giả đưa ra lời khuyên về cách trang bị tri thức, giải pháp cho một tương lai rất khác với thế giới ở thời điểm hiện tại.
Sau khi tìm hiểu quá khứ và tương lai của nhân loại qua hai cuốn sách gây tiếng vang là Sapiens: Lược sử loài người và Homo deus, Yuval Noah Harari đi sâu khai thác các sự kiện hiện tại và tương lai gần nhất của xã hội loài người để từ đó đưa ra “21 bài học” đắt giá.
Theo tác giả, những năm tiếp theo của thế kỷ này hứa hẹn mang đến nhiều triển vọng của công nghệ. Vậy đâu là những thách thức và sự lựa chọn quan trọng nhất ngày nay? Chúng ta cần chú ý đến điều gì? Con người nên dạy con cái những bài học gì?… Yuval Noah Harari lần lượt trả lời những câu hỏi đó trong cuốn sách của mình.
“AI có thể giúp tạo ra công việc mới theo một cách khác nữa. Thay vì cạnh tranh với AI, con người có thể tập trung phục vụ và nâng cấp AI. Chẳng hạn, máy bay không người lái đã loại bỏ một số công việc (như phi công) nhưng tạo ra nhiều cơ hội mới trong bảo trì, điều khiển từ xa, phân tích dữ liệu và an ninh mạng”, tác giả gợi ý.