Hội Xuất bản Việt Nam vừa tổng hợp góp ý Dự thảo Thông tư ban hành điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT của Bộ GD&ĐT. Văn bản tổng hợp ý kiến do ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – ký.
Các góp ý này đều có nội dung đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa trong việc xây dựng và phát triển Văn hóa đọc tại Điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường Tiểu học và Điều 16 trong Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường Phổ thông nhiều cấp lớp.
Quan tâm phát triển các loại hình thư viện
Trong thư gửi ban tổ chức tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?”, đề cập phần hoạt động của ngành GD&ĐT, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng ngoài giáo trình, giáo án và vị trí chủ công của thầy cô đứng lớp, sách chính là trợ thủ đắc lực, hữu hiệu, mang lại chất lượng, hiệu quả trong dạy và học.
Một số đề nghị như đưa tiết đọc sách vào khung chương trình ở các cấp lớp học; đầu tư cho thư viện trường học từ phòng ốc, trang thiết bị, bổ sung nguồn sách đọc, nhân sự vận hành, hoạt động truyền thông, giao lưu, tương tác, các cuộc thi đọc sách, kể chuyện về sách, bình sách… bên trong thư viện, trong lớp học, sân trường và ngoài nhà trường.
Kiến nghị tạo lập một danh mục sách khuyến đọc cho từng cấp lớp. Vai trò tư vấn của thầy cô giúp các em chọn và đọc sách gì…
Những giải pháp gợi ý trên đều khả thi, ngành giáo dục cần ra văn bản chỉ đạo hoặc nếu cần xin chủ trương từ Bộ GD&ĐT để sớm triển khai cho hệ thống các trường học trong thành phố.
Hướng dẫn trẻ đọc sách Chú sâu háu ăn. Ảnh: Ehome Books. |
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM, cũng đánh giá cao việc các thành viên tổ chức tọa đàm đã ký kết nội dung phối hợp hoạt động để đẩy mạnh giải pháp xây dựng thói quen đọc sách, nhằm hình thành nhân cách học sinh trên địa bàn thành phố.
Trong đó, ngành giáo dục chủ động tổ chức tiết đọc sách cho các em tiểu học trong chương trình giảng dạy, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Quan tâm, hỗ trợ, tăng nguồn kinh phí bổ sung sách, trang bị cơ sở vật chất phù hợp cho thư viện, phát triển các loại hình “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện lưu động”.
“Tôi cũng mong các tiết đọc sách, thư viện hoạt động tốt, được lan toả, nhân rộng hơn nữa để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, phát triển văn hoá đọc trong nhà trường được thực hiện trên bình diện cả nước”, bà Thảo ý kiến.
Học sinh tiếp cận nhiều thể loại văn bản qua tiết đọc sách
Trong kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT, cô Phạm Thị Chinh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Hòa B, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương – cho rằng hình thành thói quen đọc sách cho học sinh phổ thông cần phải có tiết đọc sách, được đưa vào khung giờ chính khóa bắt buộc, như môn học khác. Phải có quy định yêu cầu hoạt động này thực hiện hàng ngày, hàng tuần từ lớp 1 đến lớp 12.
Nhân viên thư viện trường cần được đào tạo chính quy, vì một số nhân viên thư viện hiện do giáo viên bộ môn đảm nhận.
Phòng thư viện cần thiết kế đầy đủ trang thiết bị, nguồn sách đảm bảo nhu cầu đọc, tra cứu tài liệu của giáo viên và học sinh (thực tiễn thư viện rất sơ sài và chưa thực sự được quan tâm).
Việc ban hành danh mục sách dành cho từng lứa tuổi học sinh để nhà trường căn cứ có trang bị sách cho thư viện là cần thiết. Hiện tại, đa số mua theo cảm tính cá nhân và đôi lúc thể loại không phù hợp.
Theo cô Trần Thị Ánh Ngọc – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM – việc nuôi dưỡng đam mê đọc sách cho học sinh có thể thực hiện hiệu quả trong các tiết đọc sách, kết hợp đọc sách với làm sản phẩm, khuyến khích học sinh đọc và chia sẻ với bạn bè.
Học sinh có thể thấy ngay ích lợi của việc đọc sách thông qua việc làm sản phẩm, được thoải mái chọn đọc những quyển sách yêu thích và chia sẻ với bạn bè.
Cũng trong tiết đọc sách, giáo viên giúp học sinh tiếp cận nhiều thể loại văn bản khác nhau mà trong giờ Tiếng Việt, các em chưa được làm quen. Đây là nấc thang đầu tiên để trẻ trở thành người đọc độc lập sau này. Đọc sách, chính vì thế, trở nên gần gũi và thiết thực hơn bao giờ hết.
Cô Ngọc cho biết hiện nay, nhiều trường chưa quan tâm đúng mức tiết đọc sách, thậm chí không tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường. Điều này gây thiệt thòi cho một bộ phận học sinh.
“Các cấp lãnh đạo cần có chỉ đạo chung để đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của các trường, đồng thời tổ chức những buổi tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên nghiệp vụ tổ chức tiết đọc sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả”, cô Ngọc đề xuất.
* Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – giáo viên trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, TP.HCM: Tôi có một số kiến nghị với Bộ GD&ĐT, nhằm giúp thực hiện tốt mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đó là nên có tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa. Giáo viên có thời gian giúp học sinh hình thành thói quen đọc tốt hơn.
Trong khi chờ đợi Bộ GD&ĐT xem xét, tôi mong rằng trong năm học này, ngành giáo dục cho phép các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp để giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ.
* Cô Đỗ Hoàng Mai – giáo viên trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11, TP.HCM: Hầu hết thầy cô đều thấy học sinh có thay đổi về thói quen tốt sau khi nhà trường triển khai tiết đọc sách. Đề nghị ngành giáo dục cho phép các trường vận dụng điều phối chương trình dạy và học để mỗi tuần học sinh có được ít nhất một tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính thức.
* Thầy Lê Hữu Dũng – giáo viên trường Tiểu học Hùng Vương, quận 5, TP.HCM: Học sinh rất hứng thú khi đến tiết đọc sách. Các em có thể tìm những quyển mình yêu thích, chìm đắm vào nội dung của sách; để bật cười thoải mái, thích thú; để nắm tay thật chặt như đang căm phẫn một nhân vật xấu xa nào đó…
* Thầy Trần Vũ Phi Bằng – giáo viên trường THCS Phước Bình, quận 9, TP.HCM: Chỉ đọc trong giờ chơi hoặc qua một vài hoạt động của thư viện thì không thể nào hình thành thói quen đọc sách cho tất cả học sinh. Xem tiết đọc sách như một giờ học chính khóa trong nhà trường mới giúp các em hình thành được thói quen đọc sách.
* Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – giáo viên trường Song ngữ Quốc tế HORIZON TP.HCM: Khi chưa có chủ trương từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM nên mạnh dạn đi đầu bằng việc đưa tiết đọc sách vào giờ học chính quy của môn Văn, trên cơ sở nhân rộng mô hình của các trường đã tổ chức tốt tiết đọc sách thời gian qua.