Sài Gòn vô mùa nóng.
Con hẻm trám xi-măng trước nhà thằng Rô bỗng biến thành cái chảo lửa, mới phút trước được làm dịu bởi chậu nước lớn thì phút sau đã khô cong. Thằng Rô xỏ đôi dép Lào chạy bạt mạng ra đầu hẻm, dí theo xe cà-rem đang đi xa dần:
– Cà-rem, bớ cà-remmmm!…
Hai phút sau, thằng Rô trở về với cây cà-rem bị cạp mất phân nửa. Nó vừa đi vừa huýt sáo gọi đám thằng Chơn, con Hí qua nhà phụ má nó lặt rau dưa.
Cả con hẻm này toàn dân miền Tây lên Sài Gòn làm ăn buôn bán, xung quanh lúp xúp phòng trọ giá rẻ. Phòng xịn nhất, có trần la-phông, rộng ba chục mét vuông, là nhà con Hí mướn. Còn phòng cùi bắp nhất và nhỏ nhất, hơn chục mét vuông ọp ẹp là nhà thằng Rô.
Ba thằng Rô mất sớm, nhà chỉ có hai má con, kể ra ở rộng cũng uổng tiền. Nhưng thằng Rô chẳng quan tâm tới chuyện phòng xịn hay cùi, thứ nó quan tâm nhất là xe cà-rem đi ngang qua đây vào mỗi trưa. Và thứ nó quan tâm nhì là việc thằng Chơn và con Hí có ghé qua nhà cùng nó lặt rau dưa hay không?
Tranh minh họa của họa sĩ Phương Quỳnh. Ảnh chụp trong sách. |
Kể từ ngày Covid ào tới thành phố, gánh bún riêu của má Rô hụt mất lượng khách đáng kể. Ừ thì người ta có đặt grab tới lấy đồ ăn, nhưng tiền ship cộng dồn vô cũng tốn bộn. Hồi chưa dịch giã, gánh bún của má nó nổi khắp cõi mạng. Người ta tới ăn, chụp hình, quay clip rồi rì-viu ầm ầm trên mạng xã hội. Rô cũng được ké vài chục giây trong cảnh quay má nó lấy bún cho khách, nhanh thoăn thoắt, điêu luyện.
Bán bún khó khăn, má nó xoay thêm đủ món: Nước cam sả tắc, nước dừa tắc, nước chanh sả. Mới gần đây, má nó ghé chợ đầu mối thồ nông sản về bán thử trên mạng. Má nó đầu tư chiếc điện thoại màn hình bự, nhờ mấy anh chị sinh viên trong xóm lập trang bán hàng online lấy tên “Tiệm rau củ sạch Cá Rô”.
Thằng Rô rất không hài lòng. Tên má nó đẹp hơn. Lẽ ra má nó nên lấy tên là “Tiệm rau Má Bảy” mới đúng. Nhưng má nó gạt đi, đời má khổ rồi, lấy tên má đặt tên cho cửa tiệm lỡ… khổ nữa thì sao. Lấy tên nó biết đâu mai này cuộc sống khá hơn không chừng.
Mà khái niệm “khá hơn” của má nó cũng ngộ lắm à nghen: Là sẽ chuyển từ căn phòng hơn chục mét vuông sang căn phòng ba chục mét vuông. Là thằng Rô sẽ được đi học thêm Anh văn và Karate. Là chiếc xe đạp thể thao cho thằng Rô có giá “hết hồn”, gần nửa tháng tiền phòng của hai má con nó. Là chiếc tivi màn hình rộng để thằng Rô coi phim hoạt hình cho đã… Trong khi đó, “khá” của thằng Rô là một căn chung cư trên cao lộng gió cơ. “Đã mơ là phải mơ cho sang!”, Rô nói vậy.
Tiệm rau củ quả online những ngày đầu ế chỏng ế chơ. Má nó đâu có ai quen trên mạng. Thế rồi có người chỉ má nó đăng ký bán hàng trên một trang thương mại điện tử. Má nó bấm bụng tốn thêm một mớ tiền nữa để đầu tư. Sau hai tháng, khách inbox mua hàng lai rai cũng ổn.
Lúc má nó kiểm rau củ, nó phụ má kiểm tra tin nhắn và xem mấy kiểu chụp ảnh rau củ quả sao cho “long lanh”. Rồi Rô học được kiểu bán hàng theo combo. Tức là nó sẽ xếp rau củ quả vào một cái rổ, mỗi thứ một chút rồi ghi giá thiệt rõ cho người ta dễ lựa.
Cái điện thoại thế mà tài, chỉ cho má con Rô bao thứ hay ho trên mạng. Má vẫn bán bún lai rai. Sáng bán bún thì chiều quay sang bán rau củ quả. Cứ thế mà xoay, cũng đủ sống êm qua mùa dịch.
Cái phòng chật tí thì đến phân nửa diện tích dành để chất hàng rồi. Má Rô chăm rau củ như chăm em bé. Hàng lấy từ sáng sớm, tới gần trưa là má nó lấy miếng vải lớn, nhúng vô nước mát, vắt rối rồi trùm lên đám rau củ quả. Má nó bảo làm như thế, rau củ quả sẽ tươi lâu hơn.
Dần dà, má thằng Rô biết rõ sạp nào ở chợ đầu mối bán rau củ quả uy tín. Còn Rô cũng học được cách phân biệt rau củ quả Đà Lạt, rau củ quả miền Tây, rau nào bị ngâm thuốc, rau nào là rau sạch…
Rồi Rô nhận ra, đó giờ cứ bán bún riêu vậy mà an toàn, lại nhàn thân nữa. Má nó chỉ cần chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu từ tối hôm trước, sáng dậy sớm để hầm nồi nước lèo thật chất lượng, sơ chế thịt thà, huyết heo, giá, hành ngò… nữa là có thể bán lai rai nửa ngày. Nửa ngày còn lại ngủ lấy sức.
Từ ngày cõng thêm sạp rau củ, má con nó thiếu ngủ triền miên. Dịch giã liên miên, má con nó còn trụ lại được ở Sài Gòn kể cũng may mắn rồi.
Một buổi sáng, vừa mở mắt, thằng Rô đã nghe tiếng xôn xao ngoài cửa. Y tế phường đến chăng dây con hẻm nhỏ vì nghi một ca dương tính với Covid-19. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Má Rô quyết định đem hết mớ rau củ quả trong nhà chia cho hàng xóm. Má cười nói: “Bớt chút tiền trong lúc ai cũng cần lương thực, mình chẳng chết đói đâu mà”.
Thằng Rô dành riêng hai phần rau củ quả tươi ngon nhất cho thằng Chơn và con Hí, hai đứa trưa nào cũng qua phụ nó lặt rau. Người trong hẻm mang đồ qua phát cho nhau. Ai có gì cho nấy. Ấy thế mà cũng ấm bụng được gần nửa tháng cách li.
Những ngày quanh quẩn trong nhà, Rô mới có dịp quan sát kỹ má nó. Từ ngày bán rau củ, má nó da khô sạm, hai bàn tay bị nhựa rau nhuộm đen sì. Nhưng má cũng hay cười hơn. Má bảo: “Dịch bệnh cũng là dịp để mình thử thêm một công việc khác. Đó giờ má cứ tưởng cả đời này chỉ bán được mỗi bún riêu”.
Con hẻm nhỏ hết lệnh cách li. Dây nhợ được tháo ra trong phút mốt. Mọi người reo hò. Ai nấy tranh thủ ra ngoài mua lương thực, nhu yếu phẩm, đi dạo loanh quanh hít gió trời. Hóa ra, ở chật một chút, phòng trọ xấu một chút cũng không sao. Thành phố dần yên bình trở lại. Bún riêu của má đông khách trở lại. Ai cũng kêu nhớ vị bún riêu thơm nức đậm đà. Tiệm rau củ quả online má để cho Rô coi sóc. Công việc nhiều, hàng bán chạy, hai má con có tiền dư để dành và sắm Tết.
Dãy phòng trọ lác đác có người mua mấy chậu cúc mâm xôi về trưng. Má Rô cũng đặt trên mạng mấy bộ quần áo mới cho hai má con. Rô còn được sắm hẳn một chiếc xe đạp thể thao màu đỏ rất ngầu, có đèn chớp tắt ở đuôi xe, lúc chạy phát ra âm thanh ngồ ngộ như tín hiệu từ người ngoài hành tinh.
Rô khoái lắm, phóng xe chạy trong xóm vù vù. Sang năm, hai má con sẽ mua một chiếc xe đạp điện. Má sẽ tự chạy xe đi lấy hàng về bán. Còn buổi tối, nó chạy xe đi học Anh văn. Rô vừa dứt lời, bàn tay nhuộm nhựa rau củ của má đưa lên quẹt vội giọt nước trên khóe mắt.
Ngoài kia, Tết đang về thật rồi!