Sau Trại Hoa Đỏ, tiểu thuyết trinh thám Câu lạc bộ số 7 của nhà văn Di Li mới đây được tái bản với diện mạo khác lạ.
“Tôi cũng đã bán bản quyền truyền hình và điện ảnh của cuốn sách này. Hy vọng sau bộ phim Trại Hoa Đỏ sắp ra mắt, Câu lạc bộ số 7 cũng sẽ được phát hành trên màn ảnh vào mùa hè năm sau”, nhà văn Di Li chia sẻ.
Thành công trên văn đàn ở thể loại trinh thám với những tác phẩm “hot” được chuyển thể thành phim, Di Li còn được bạn đọc nhớ tới bởi Bình minh ở Sahara, Nửa vòng Trái Đất uống một ly trà, Nhật ký mùa hạ hay mới đây nhất là Chuyện nhỏ đàn bà.
Nhà văn Di Li. Ảnh: Nguyễn Trung Sơn. |
“Trinh thám là thể loại khó nhằn”
– Cuốn tiểu thuyết trinh thám “Câu lạc bộ số 7” mới đây tái xuất ở diện mạo khác lạ. Trước đó, “Trại Hoa Đỏ” cũng được tái bản lần thứ sáu. Chị có thể chia sẻ về điểm mới ở lần tái bản này của hai tác phẩm?
– Cuốn Trại Hoa Đỏ, dù thời gian đã khiến tôi quên hầu hết tình tiết, đã được tái bản lần thứ sáu. Ở vào giai đoạn mà một cuốn sách mới ra lò hoàn toàn chỉ mang lại cho tôi cảm giác vui vui, không còn sướng phát điên như cuốn sách đầu tay nữa, thì Trại Hoa Đỏ lần này vẫn làm tôi rung động.
Ở lần tái bản này, sách xuất hiện với diện mạo đẹp, đến nỗi cả buổi thi thoảng tôi lại cầm cuốn sách sờ lần, mân mê cái bìa, rồi lật mở.
Tôi cũng phải dành lời biết ơn trân trọng nhất đến những độc giả đã đồng hành cùng tác phẩm suốt hơn một thập kỷ qua, mà trong đó có những độc giả từ cô, cậu học sinh cấp 3, hồn nhiên, mơ mộng giờ đã trở thành các công dân thành đạt.
Còn Câu lạc bộ số 7 mới đây được tái bản với diện mạo khác lạ ở lần thứ ba. Sách được đầu tư kỳ công và kỹ lưỡng ngay từ khâu làm bìa. Nhà sách đã mời nhiều họa sĩ để thực hiện đến gần chục phiên bản bìa khác nhau cho đến khi tìm được một thiết kế ưng ý.
– Năm nay có vẻ là một năm thành công với chị khi những tiểu thuyết này được bán bản quyền truyền hình và điện ảnh?
– Hãng phim đã mua bản quyền điện ảnh và truyền hình Câu lạc bộ số 7 nhưng có lẽ họ chờ cho bộ phim Trại Hoa Đỏ được chiếu trên truyền hình vào đầu tháng 7 tới đây rồi mới tiến hành thực hiện bộ phim tiếp theo.
Sự cổ vũ của độc giả quả thực là nguồn động lực để tôi nhanh chóng hoàn thành cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ ba vào cuối năm nay. Bật mí thêm là nó cũng đã được bán bản quyền từ khi tôi mới viết chương đầu tiên.
– Khẳng định tên tuổi với thể loại trinh thám, theo chị, đây có phải dòng sách “khó nhằn” nên ở Việt Nam không nhiều tác giả thử sức?
– Tôi cũng đã bỏ một quãng thời gian khá dài không viết trinh thám vì thời gian gần đây, tôi có quá nhiều công việc và cuốn sách phải hoàn thành. Những việc đó thực hiện nhanh và dễ dàng hơn so với một cuốn tiểu thuyết trinh thám nên tôi làm trước.
Thực sự trinh thám là thể loại khó nhằn. Nó mang tính địa lý, truyền thống, văn hóa và giáo dục. Nói chung thể loại giả tưởng không phải là thế mạnh của người châu Á.
Ở Việt Nam, có lần khi đi làm diễn giả, tôi hỏi các bạn ngồi dưới là Mặt Trăng có hình gì. Tất cả đồng thanh: “Hình lưỡi liềm”.
Bạn thấy đấy, đó là điều chúng ta được dạy và mặc định từ tấm bé. Người lớn dạy trẻ con rằng Mặt Trăng có hình lưỡi liềm trong khi nó có thể rất giống cái lá, con thuyền, chiếc võng hoặc thậm chí là một cái bánh sừng bò.
Hãy để cho trẻ em được tự do phát huy trí tưởng tượng, nếu không, khi lớn lên chúng sẽ là những người trưởng thành “cùi mòn” về trí tưởng tượng. Mà trí tưởng tượng là yếu tố cần nhất cho sự sáng tạo, đặc biệt là thể loại truyện giả tưởng như trinh thám, kinh dị, huyền ảo, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm.
Sách Câu lạc bộ số 7 trong diện mạo mới. Ảnh: Linh Lan Books. |
Độc giả là người “khai sinh” ra tác giả
– Liên tiếp có những tác phẩm ra mắt bạn đọc, chị có phải viết đều tay?
– Bảy năm nay tôi chỉ viết thể loại non-fiction (phi hư cấu), giờ đây bắt tay để viết thể loại hư cấu cũng thấy hơi “ngượng tay”. Nhưng dần dần, tôi cũng thấy quen, chữ nghĩa bắt đầu “bon”. Tôi muốn nói là chỉ cần dừng viết một thể loại trong khi vẫn viết những thể loại khác thì chữ nghĩa cũng dễ bị “tắc tị”.
Tôi cố gắng phải viết hàng ngày, chí ít thì cũng là hàng tuần, bởi nếu để lâu không viết thì đến khi bắt tay lại cũng ngại lắm. Có một năm tôi bận quá không viết gì, sau đó viết trở lại thì gặp một tình huống mà tôi rất đỗi kinh ngạc: Tôi bị bí từ.
Bình thường, chữ nghĩa, ý tưởng trong đầu tôi thường tuôn ra dào dạt và ứ tràn đến mức tay không kịp gõ chữ theo ý nghĩ của vỏ não. Thế mà thời điểm đó, tôi ngồi lì trước màn hình máy tính và “cắn quản bút”. Đó là một triệu chứng của làm việc cách quãng.
– Nhà văn thường nói thu nhập của họ không khá giả. Cụ thể, Tản Đà còn cho rằng “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nhưng với chị, có vẻ điều này không đúng?
– Thu nhập từ viết sách của tôi nói chung cũng đủ sống, như một người đi làm bình thường. Thêm một lý do nữa là tôi viết rất nhiều.
Tôi nghĩ một trong những khái niệm cấu thành nên sự chuyên nghiệp là sự đều tay và đều đặn. Không phải cứ viết nhiều là thành chuyên nghiệp và viết ít thì không chuyên. Nhưng nghề gì cũng vậy, nếu làm ít quá và không đều đặn thì khả năng rèn luyện sẽ bị mai một đi.
Chúng ta nếu lâu không nấu ăn, chơi thể thao, làm toán hay nói trước đám đông thì khi quay lại với những hoạt động đó cũng sẽ cảm thấy nó không quen nữa và trở nên lập bập.
Viết lách đều tay cũng mang lại cho tôi thu nhập đều đặn. Và nghề cầm bút hay ở chỗ là nếu bạn giữ được phong độ ổn định, bạn có thể khai thác các bản thảo cũ đến… chết, thậm chí là sau khi chết.
Chẳng phải vẫn có rất nhiều nhà văn có sách được tái bản kể cả khi họ đã lên thiên đàng 50-100 năm đó sao?
Tôi chưa mơ đến điều đó, chỉ là giờ vẫn còn sức khỏe mà vẫn đều đều bán được bán quyền tác phẩm mới và tái bản các tác phẩm đã viết hàng chục năm rồi thì tôi cũng vui. Đó cũng là tấm chân tình của độc giả dành cho tôi và tôi vẫn luôn biết ơn họ. Bởi không có họ thì không bao giờ tác giả được khai sinh.