Bộ ấn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Khoa học và Công nghệ triển khai và xuất bản, gồm 5 hợp phần: Tự nhiên và Lịch sử (2005); Dân cư – Hành chính (2013); Kinh tế (2014) và Văn hóa (2020).
Ngay sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố đề án Tủ sách Huế, Địa chí Thừa Thiên Huế– Phần Văn hóa (còn gọi là Địa chí Văn hóa Huế) trở thành ấn phẩm đầu tiên của tủ sách này.
Bộ sách gồm hai cuốn mang nhiều nội dung đặc sắc, đem đến cho bạn đọc những nét văn hóa độc đáo của kinh đô Huế – vùng đất có bề dày lịch sử trên cả nước.
Nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh (giảng viên Hán Nôm, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Huế) – chủ biên bộ sách – chia sẻ với Zing về quá trình thực hiện và giá trị của bộ sách này.
Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo ưu tú Trần Đại Vinh. Ảnh: NVCC. |
Những thành tố tạo nên văn hóa Huế
– Bộ ấn phẩm gồm 2 cuốn “Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Văn hóa” được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Ban biên soạn chúng tôi có chung mối quan tâm đến văn hóa Huế. Để hoàn thiện các chương, phần, mục trong bộ sách này, chúng tôi mất hai năm rưỡi. Nhưng thực chất trước đó, hơn 50% người biên soạn đã có công trình nghiên cứu riêng về từng phương diện văn hóa Huế cách đây 15 năm.
Nhìn lại văn hóa truyền thống Huế từ đầu thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu liên tục được xuất bản. Hơn 450 năm trước, những nhà nghiên cứu văn hóa, sử học đã sớm nhen nhóm, tích lũy nhiều tư liệu như Ô châu cận lục của Dương Văn An, tiếp đó là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII)… Điều này hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trên nhiều phương diện tiếp cận đề tài, lấy đó làm cơ sở để phân tích đầy đủ hơn.
Ở mỗi phương diện (ẩm thực, tín ngưỡng, nhã nhạc…) đều có trưởng nhóm phụ trách, hướng dẫn các thành viên thực hiện biên soạn theo bản đề án đã vạch sẵn. Còn chủ biên như tôi, ngoài việc sở hữu những công trình nghiên cứu ở một vài phương diện, phải hiểu tương đối chi tiết về các phương diện khác.
Hai năm rưỡi không phải thời gian dài, nhưng với sự kết hợp từ nhiều nhà nghiên cứu và nguồn tài liệu, chúng tôi đã hoàn thành bộ ấn phẩm khá dày dặn này.
Bộ ấn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế– Phần Văn hóa. Ảnh: NXB Thuận Hóa. |
– Theo ông, ấn phẩm này đã phản ánh đời sống phong phú của văn hóa Huế như thế nào?
– Năm 2000, ban biên soạn đã xây dựng đề cương ban đầu với sự đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa tên tuổi ở Việt Nam như GS Trần Quốc Vượng.
Nhiều năm sau đó, chúng tôi xây dựng một đề cương mới, đầy đủ hơn và phản ánh rõ nét 13 thành tố của văn hóa Huế: Ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, y dược cổ truyền, văn chương, diễn xướng…
Hệ phân tầng đề cương rất chi tiết, giúp chúng ta tiếp cận được thành tựu của văn hóa Huế. Trong số đó, tôi ấn tượng nhất với nét ẩm thực, trang phục và kiến trúc, cảnh quan, cách xây dựng lăng tẩm của kinh thành Huế. Hay như diễn xướng, nhã nhạc, các làn điệu và tuồng Huế cũng đều là những mặt mạnh của nền văn hóa này.
– Nằm trong công trình đồ sộ “Địa chí Thừa Thiên Huế” gồm 5 cuốn, nhưng độ dày và số lượng của phần Văn hóa lại có sự khác biệt hơn hẳn. Phải chăng, ở phạm trù này, ta có nhiều điều để nói hơn?
– Đứng trước phạm trù văn hóa, chúng ta có rất nhiều vấn đề đáng để nói và nghiên cứu. Suốt nhiều thế kỷ qua, người Huế luôn xây dựng, bồi đắp và phát huy nền văn hóa đó.
Chúng tôi xây dựng một đề cương đầy đủ, phản ánh rõ nét 13 thành tố của văn hóa Huế.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh
Có hai yếu tố làm nên bộ ấn phẩm đồ sộ này. Thứ nhất, nếu xét từ góc độ chủ quan, tôi nhận thấy ban biên soạn đã xây dựng được một đề cương chi tiết, với nhiều tầng, bậc, đào sâu nghiên cứu từng lĩnh vực và thực hiện đúng bản đề cương ấy.
Thứ hai, nguyên nhân khách quan là do bản thân văn hóa Huế vốn rất phong phú, sâu sắc, mang tầm quốc gia.
– Ông có thể giải thích rõ hơn câu nói “văn hóa Huế mang tầm quốc gia”?
– Văn hóa Huế không chỉ mang đặc trưng vùng đất. Bản thân nó sinh thành từ quá trình biên viễn đến khi trở thành kinh đô, thống nhất đất nước, từ thời Tây Sơn đến thời vua Nguyễn. Các phương diện như ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, nhã nhạc, sân khấu và nghi lễ, phong tục tập quán đều mang giá trị bản sắc đậm đà trên cả nước.
Văn học cung đình từ thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cho tới hoàng thân quốc thích và các bà chúa thơ (Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, Nguyễn Phúc Trinh Thận và Nguyễn Phúc Tịnh Hòa) cũng đều mang nét tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX.
Sau thế kỷ XIX, Đặng Huy Trứ – một tác giả lớn – là người đầu tiên viết về hiện thực làng quê nông thôn Việt Nam. Những tập thơ của ông đã khơi gợi tâm hồn, tình yêu quê hương, làng cảnh ở phương diện phong tục.
Về cơ bản, đó là những nét văn hóa Huế, nhưng có những giai đoạn nền văn hóa ấy mang sự tiêu biểu của cả nước, là tinh hoa của văn hóa Việt.
“Tập đại thành” về văn hóa Huế
– Trước nay đã có nhiều công trình viết về văn hóa Huế, vậy đâu là vị thế của bộ ấn phẩm này trong kho tàng các tác phẩm viết về xứ Huế?
– Đúng là trước nay chúng ta đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này, đi từ toàn diện đến từng phương diện. Tuy nhiên, để nghiên cứu văn hóa Huế một cách có hệ thống, tìm hiểu sâu và chi tiết từng thành tố trong nền văn hóa ấy, thiết nghĩ công trình Địa chí văn hóa Huế mới đáp ứng đủ những tiêu chí ấy.
Bộ ấn phẩm này kế thừa thành tựu của những nghiên cứu trước đó, dựa trên nhiều cơ sở dữ liệu qua quá trình tích lũy hàng trăm năm, cộng thêm tư duy, trăn trở của từng nhà nghiên cứu.
Ở độ tuổi trên 70, ban biên soạn chúng tôi đã có đủ độ chín muồi để nhìn nhận vấn đề ở từng lĩnh vực, nghiên cứu sâu và cho ra những trang viết có sức sống, vị trí nhất định trong nền văn hóa Việt.
Có thể nói đây là “tập đại thành” cho một nghiên cứu dày công về văn hóa Huế ở đầu thế kỷ XXI.
Bộ ấn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế gồm các hợp phần: Tự nhiên, Lịch sử, Dân cư – Hành chính, Kinh tế và Văn hóa. Ảnh: Minh Hiền. |
– Theo ông, giá trị của bộ sách này nằm ở điểm nào? Nó sẽ góp phần đưa văn hóa xứ Huế đến với độc giả cả nước ra sao?
– Đây là bộ sách cơ bản để tham khảo về các vấn đề xoay quanh văn hóa Huế. Trước hết, ấn phẩm này sẽ giúp các nhà chính trị, văn hóa và chính quyền vạch ra định hướng phát triển văn hóa và xây dựng con người Huế, từ đó, đề ra chính sách bảo tồn nền văn hóa này.
Đây cũng là tài liệu có hệ thống để các sinh viên ngành nghiên cứu văn hóa có thể tiếp cận đầy đủ nền văn hóa mà không tốn thời gian tìm tòi tài liệu ở nhiều nơi.
Trong những năm tiếp theo, văn hóa Huế chắc chắn sẽ phát triển, nối tiếp tài liệu này tôi tin sẽ có những nhà nghiên cứu cho ra những ấn phẩm mới, mang tính cập nhật hơn.
Nền văn hóa Huế đang được bảo tồn, nhưng vẫn trên đà phát triển, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thay đổi, du nhập và tích hợp những giá trị văn hóa khác của quốc tế, xã hội hiện đại và các vùng miền, dân tộc.
Khi ấy, bộ sách này sẽ trở thành tài liệu mang tính chất tham khảo cho những công trình tiếp theo. Mong rằng sẽ có nhiều độc giả trên cả nước đón nhận và mến chuộng nền văn hóa Huế.