Nguyễn Trương Quý từ lâu vẫn trung thành với tản văn, thể loại cho anh không gian để tung tẩy ngòi bút, tạt ngang tạt dọc.
Có lẽ, tản văn với Trương Quý cũng như một chiếc “xe máy tiếu ngạo” giữa thủ đô bề bộn lắm ngóc ngách. Nhưng ở những cuốn gần đây, với kiến thức tích lũy nhiều năm, tản văn của Trương Quý trở nên giàu tính khảo cứu hơn, và vì thế có một vẻ hấp dẫn mới.
Những mảnh ghép nhỏ lưu giữ bản sắc Hà Nội
Cuốn sách vừa phát hành của anh có tên Hà Nội bảo thế là thường! Vậy “bảo thế” là bảo cái gì? Bảo thế, tức là bảo những chuyện ăn uống, chuyện đội mũ mặc áo, chuyện ở nhà chuyện ra phố, chuyện xe kéo, chuyện nhảy đầm… ở Hà Nội cái thời hơi xưa xưa ấy, với nhiều nét cạnh lưu giữ đến tận bây giờ.
Đó chính là những mảnh ghép của Hà Nội, như là bản sắc, căn tính, cho dù cái sự “phải thế” ấy cũng mang nhiều giới hạn.
“Hà Nội bảo thế là thường” giống như một lời tuyên bố vừa hơi cùn vừa hơi kiêu ngạo của người Hà Nội, buông ra sảng khoái nơi mấy quán chè chèn vỉa hè. Tinh thần “cùn và kiêu” này một mặt tạo nên sự bảo thủ của Hà Nội nhưng mặt khác nó giúp lưu giữ mạnh mẽ những giá trị, những đặc trưng, nho nhỏ thôi, nhưng để Hà Nội không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Sách Hà Nội bảo thế là thường. Ảnh: Nhã Nam. |
Đọc Hà Nội bảo thế là thường, tôi cảm thấy được chia sẻ với những Bụi hồng quán nước, Quầng sáng hò hẹn, Lời chào còn lại của phố…; được suy tư với những Bàn tay ra phố, Va li mộng viễn hành, Đồng tiền của kẻ sĩ hay là Mộng thiên đường…
Nguyễn Trương Quý hay bắt đầu với những quan sát nhỏ mà ít người để ý, tưởng như chẳng cần cho ai. Anh miêu tả nhẩn nha – “Hà Nội không vội được đâu” cơ mà – để rồi tự lúc nào, đã nối được một sợi dây giữa xưa và nay, cũ và mới, cho thấy những biến động của lịch sử đô thị tác động lên con người.
Ví dụ anh để ý đến những chiếc va li, Va li mộng viễn hành. Va li trong tâm thế người Việt thời thuộc địa đầu thế kỷ 20 ban đầu là khát vọng đổi thay của con người khỏi đời sống thường nhật, “Cái vali là dấu hiệu của kẻ trưởng thành, của người tân học, của địa vị, của một “thế giới văn minh”, của gã đàn ông có khả năng bước ra một cách đường hoàng khỏi lũy tre xanh, khác với những người đi phu biệt xứ hay những anh khóa đeo tay nải xuống tàu để lại suối nước mắt đầm đìa”.
Nhưng còn hơn thế, “nó đã được trữ tình hóa nhờ những văn nhân thi sĩ phủ lên một cảm thức xê dịch giang hồ. Chiếc vali đã bị những gã phiêu bạt tiền thì chẳng bao nhiêu nhưng đi mây về gió thì sẵn chiếm dụng, tạo ra hình ảnh quyến rũ khiến các nàng thơ nhiều thế hệ tưởng những gã-xách-va-li là bậc chinh phu cái thế thuở trước”.
Ai mà biết chiếc va li lại nhiều chuyện đến thế! Tuy vậy liếc nhanh đến hiện tại, va li chỉ còn là món đồ hàng chợ, rất ít lãng mạn, thậm chí nhếch nhác nếu người ta chứng kiến ở sân bay những người mang va li quá cân loay hoay căng thẳng dỡ đồ hầm bà lằng bên trong ra để bỏ bớt lại.
Hay như trong bài Bụi hồng quán nước, Trương Quý lý giải người Hà Nội thích ngồi chè chén vỉa hè vì nó mang lại cảm giác khinh khoái giang hồ vặt.
Trương Quý viết: “Ở Hà Nội, quán nước chè và quán bia hơi giống như một sự nối dài các không gian cộng đồng. Những địa điểm này tập trung tinh thần những giai thoại “người Bắc có lý luận”, khi những người uống bia hơi và nhấp chén trà không say cồn mà say giành phần thắng trong tranh cãi.
Cái dồn nén của những khát vọng không thành, những “Chí lớn chưa về bàn tay không”, tìm thấy chỗ xả ra, nhưng không đến độ nặng đô như rượu quốc lủi hay brandy. Chúng nhè nhẹ thôi, những tâm sự vặt đồng điệu với những thức quà vặt ấy”.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: Y Nguyên. |
Một định nghĩa về Hà Nội
Chứng kiến sự đổi thay của đô thị, tôi hay băn khoăn về sự vênh lệch nhất định giữa những bài ca, bài thơ, tranh vẽ về Hà Nội đượm màu u uẩn lãng mạn, với thành phố cuồn cuộn xây dựng cuồn cuộn hiện đại hóa.
Những lý giải của Nguyễn Trương Quý khiến ta tâm đắc: “Những bức tranh (vẽ Hà Nội) vẫn phản chiếu một cảm hứng đô thị lãng mạn, nối dài một mỹ cảm đã làm nên một hình tượng Hà Nội có phần kinh điển. Đó là một sắc thái cổ kính, trầm mặc, mỗi bức tường gạch hay gốc cây sần sùi đều có khả năng kể về một quá khứ biến thiên, một hành vi văn hóa đã diễn ra”.
“Người Hà Nội cảm thấy giá trị của họ được tồn giữ chính là nhờ những trầm tích ấy. Họ tự hào và yêu mến một hình ảnh Hà Nội nghìn xưa được lưu truyền qua nhiều niên kỷ. Họ giống như các nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ có chung một mối hoài cảm về Thăng Long – Kẻ Chợ, nơi tạo ra một diễn ngôn về cái đẹp vĩnh cửu”, Trương Quý viết.
Tản văn của Nguyễn Trương Quý giàu cảm xúc, nhưng không bao giờ chỉ là cảm xúc, nó là những quan sát, khảo tả tỉ mỉ đến ngạc nhiên, những liên tưởng quá khứ và hiện tại hé lộ vốn kiến thức rộng rãi.
Lối viết của Nguyễn Trương Quý thường chậm, chắc, ít màu mè trưng trổ, và luôn luôn trong rất nhiều trang viết một cái cười ý nhị phảng phất đó đây, khiến đọc anh dễ chịu nhưng không dễ dãi, nhẹ mà không nhạt.
Sách Hà Nội bảo thế là thường viết về những mảnh ghép nhỏ tạo nên bức tranh Hà Nội. Ảnh: Trương Quý. |
Trong Mộng thiên đường, Trương Quý quan sát thấy trong tâm thức người Việt từ xưa, “tiên” luôn luôn dùng để định nghĩa những gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất, “đẹp như tiên” chẳng hạn.
Đầu thế kỷ 20, “mơ tiên” trở thành một trào lưu trong thơ nhạc, khi tân nhạc, ngôn từ tìm thấy sự đồng điệu với không gian tiên giới huyền hoặc mà lãng mạn, với những Tống biệt của Tản Đà, Thiên Thai của Văn Cao…
Nhưng với sự xâm nhập của thế giới phương Tây khi xã hội mở cửa, người đô thị cũng thay đổi tâm tình. “Đẹp như tiên” giờ chuyển thành “đẹp như Tây”.
“Rút cục, tiên cảnh hiện đại giờ chẳng đâu xa lạ chính là trời Tây, nơi mà qua lăng kính người Việt thì đấy là một chốn giải thoát những phiền não về thực tại trên đất nước mình, cho dù trong sâu thẳm, họ chẳng dám chắc”, nhà văn viết.
Trong sách của Nguyễn Trương Quý, Hà Nội dù hiện đại, nhưng vẫn là đô thị có hồn cốt riêng.
Nguyễn Trương Quý lâu nay đã xác lập mình là nhà văn của Hà Nội, người say mê ghi lại những trầm tích quá vãng cả trong đời sống vật chất lẫn thế giới tinh thần. Những ghi chép đi vào các ngách hẹp quanh co nhỏ tưởng như mất hút nhưng sau cùng lại dẫn tới một bức tranh Hà Nội rộng lớn không chỉ theo chiều không gian mà cả chiều thời gian.
Hà Nội bảo thế là thường cùng nhiều cuốn sách khác của Nguyễn Trương Quý góp phần làm nên một định nghĩa về Hà Nội, cố định những giá trị, để Hà Nội dù trở nên hiện đại vẫn là một đô thị có hồn cốt riêng.
Tôi tin Nguyễn Trương Quý là người tiếp nối bước chân của các nhà Hà Nội học như Hoàng Đạo Thúy hay Nguyễn Vinh Phúc, dù theo một cách khác.