Ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thành Đàm (1940) nằm sâu trong một con ngách nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là nơi cất giữ những vali và tủ sách mini mà ông sưu tầm được qua gần 50 năm.
Người họa sĩ ngoài 80 tuổi chia sẻ thú vui này đến với ông từ khi sang Liên Xô du học (năm 1971) và cứ thế, nó theo ông đến tận bây giờ. Đến nay, ông sở hữu khoảng 500 cuốn sách có kích cỡ nhỏ, bao gồm vi quyển, sách bỏ túi, độc bản…
Tủ sách mini đồ sộ
Trước khi đi du học, ông Nguyễn Thành Đàm là sinh viên ngành Lý luận phê bình điện ảnh. Ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Việt Nam được cử sang phương Tây để học ngành Đồ họa và trình bày sách báo. Cũng từ đây, ông được tiếp cận kỹ thuật làm vi quyển trên thế giới.
Suốt thời gian học ở Liên Xô, nhiều anh em, bạn bè của ông đều có sở thích sưu tầm sách mini. Thú vui đó “ngấm” vào ông lúc nào không hay. Du học sinh thời bấy giờ thường không có điều kiện kinh tế để mua những vật phẩm đắt tiền. Nhưng may mắn là những người bạn Liên Xô khi biết đến thú vui này đã gửi tặng ông những cuốn “siêu nhỏ” mà họ có.
Cho đến khi trở về nước (năm 1977), tài sản “có giá trị nhất” mà ông Đàm mang theo chủ yếu là những cuốn sách lạ lùng, độc đáo mà Việt Nam chưa từng có.
Về nước, ông công tác ở Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), phụ trách các vấn đề liên quan đến nghệ thuật, triển lãm sách. Nhờ thế mà chàng cử nhân chuyên ngành đồ họa và trình bày sách báo thường xuyên có cơ hội đi dự các triển lãm sách trên thế giới như ở Đức, Nga, Hungary, Trung Quốc…
Trong số sách mini đồ sộ mà ông sưu tầm từ nhiều quốc gia, có những cuốn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Ngoài ra, sách Việt Nam ở các mảng văn học, lịch sử, hội họa, văn hóa ông cũng có tới vài trăm cuốn, có cuốn chỉ nhỏ bằng hộp diêm nhưng độ dày lên tới vài trăm trang.
Theo tiết lộ của ông Đàm, hiện nay số sách mini mà ông sở hữu đã lên tới khoảng 500 cuốn. Người họa sĩ này xem đó là gia tài quý báu của mình sau nhiều năm công tác, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và tham gia giảng dạy ở 4 trường đại học khác nhau về các chuyên ngành liên quan.
Nhà sưu tầm có tuổi đời ngoài 80 này cũng chưa bao giờ đem giá trị tiền bạc ra để nói về tủ sách của mình, bởi đối với ông, tri thức không thể quy ra vật chất.
Những cuốn sách mini mà họa sĩ Nguyễn Thành Đàm có được đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Thu Huệ. |
Mỗi cuốn sách, một câu chuyện
Theo họa sĩ Nguyễn Thành Đàm, những cuốn sách “siêu nhỏ” vừa mang tính tiện lợi, không cồng kềnh khi sử dụng hoặc vận chuyển, lại vẫn bảo đảm giá trị nội dung, nghệ thuật, lưu giữ được ý nghĩa lịch sử.
Khi chia sẻ về cuốn sách khiến ông cảm thấy hạnh phúc và tự hào nhất khi có được, ông không ngần ngại đáp: “Đó là Lịch sử nước ta (bản chép tay của Bác Hồ, được giới thiệu trong triển lãm nghệ thuật sách ở Liên Xô, in bằng thạch bản vào tháng 2/1942) và Unser Lenin (xuất bản năm 1970 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị lãnh tụ này)”.
Lịch sử nước ta có thiết kế đơn giản chỉ với một tập giấy dó bóc 2 lớp mỏng, gồm 14 trang nhỏ nhưng lại tường thuật được cả tiến trình hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
“Ở mỗi triều đại, Bác chỉ dùng vài ba câu viết để miêu tả, nhưng điểm đặc biệt ở cuốn sách này đó là Bác Hồ vừa là tác giả, vừa là người trình bày, vẽ minh họa và thực hiện trọn vẹn”, ông Đàm cho hay.
Trong khi đó, Unser Lenin chỉ được phát hành 100 cuốn để tặng cho đại diện phái đoàn nguyên thủ quốc gia của các nước tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật vị lãnh tụ của Liên Xô. Sách có khổ 4 x 4,6 cm.
Ông Đàm có được cuốn sách này một cách tình cờ. Trong đợt tham gia giảng dạy lớp tập huấn xuất bản sách mini, một cán bộ trong lớp đã tiết lộ rằng nhà anh có một cuốn sách mini quý của bố để lại sau khi mất (bố anh trước đây là giám đốc nhà in Tiến Bộ và đã được giám đốc của một nhà in thuộc Liên Xô cũ tặng cho cuốn sách quý này). Sau đó, vị cán bộ này đã tặng lại nó cho ông Đàm với mong muốn ngày càng có thêm nhiều người biết về nó.
Không chỉ sưu tầm những cuốn sách mini độc, lạ, ông Đàm còn là họa sĩ thiết kế bìa sách. Ông còn tự tay thực hiện một cuốn sách mini, đó là bản chép tay Truyện Kiều do chính ông viết trên giấy dó.
Họa sĩ Nguyễn Thành Đàm là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Việt Nam được cử đi học chuyên ngành về kỹ thuật sách ở phương Tây. Ảnh: Thu Huệ. |
Năm 1982, họa sĩ Nguyễn Thành Đàm tham dự một hội thảo về sách ở Đức. Tại đây, UNESCO đã nêu ra tiêu chuẩn về dòng sách vi quyển: Chiều ngang nhỏ hơn 3 inch và phải đáp ứng rất nhiều con số về tỷ lệ vàng; màu sắc của hoa văn trên bìa không được nổi bật hơn tiêu đề sách…
“Sách càng nhỏ, làm càng khó. Trang sách nhỏ đòi hỏi người làm sách phải có sự tính toán về cỡ chữ, căn lề, góc theo tỷ lệ tương xứng để đảm bảo khi mở sách theo hình chữ V, ta vẫn có thể đọc được một cách thuận tiện, dễ dàng. Dù là dòng sách được giới sưu tầm săn đón, mục đích cuối cùng của nó vẫn là sử dụng”, ông Đàm nói.
Theo họa sĩ Thành Đàm, dựa vào dòng sách này, chúng ta có thể biết được công nghệ và sự tiến bộ về nghề in của mỗi quốc gia.
Người họa sĩ này cũng cho rằng các đơn vị xuất bản ở Việt Nam nên đầu tư vào dòng sách mini bởi “nếu có 100 cuốn sách mà gói gọn được trong một túi nhỏ, nghĩa là bạn có thể mang tri thức đi muôn nơi. Còn nếu 100 cuốn sách đó ở khổ thường hoặc to, bạn chắc chắn phải nhờ đến sự hỗ trợ của các phương tiện vận chuyển”.
Cũng theo ông, hàm lượng kiến thức chứa trong hàng trăm cuốn sách là rất lớn và con người luôn cần có “túi tri thức khổng lồ” như thế để mang theo bên mình.
Nhìn ngắm lại gia tài sách của mình, họa sĩ Thành Đàm nói: “Có những cuốn kỹ thuật làm sách không cao, nhưng lại có ý nghĩa lịch sử lâu bền. Giá trị của một cuốn sách mini đôi khi còn nằm ở sự chép tay, độc bản hoặc chất liệu”.