Trương Anh Ngọc là phóng viên thời sự quốc tế, bình luận viên thể thao, từng là trưởng văn phòng đại diện Thông tấn xã Việt Nam hai nhiệm kỳ ở Italy. Đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng văn hóa, Trương Anh Ngọc kể lại những trải nghiệm của mình trong một số cuốn du ký như: Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (2012), Phút 90++ (2013), Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017), Hẹn hò với Paris (2018).
Tác giả sách du ký chia sẻ về quãng thời gian không thể xách balo lên và đi do dịch bệnh.
Đọc sách là nhịp cầu đi ra thế giới
– Anh có thống kê mình đã đi bao nhiêu điểm trên thế giới không?
– Tôi không thống kê các chuyến đi của mình. Tôi đi từ thời sinh viên. Cho đến nay, tôi đi tầm 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, bay khoảng 150 hãng hàng không trên thế giới.
– Anh làm gì trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng nổ, không thể đi lại nhiều?
– Tôi vẫn làm công việc bình thường của một nhà báo. Tôi biên tập bài vở, viết bài, tham gia chương trình truyền hình…
Khác biệt lớn nhất là tôi không được ra nước ngoài hơn một năm rồi. Năm ngoái, một visa bị thiu, một loạt kế hoạch đã lên như bay sang châu Âu, sang Anh… đều “thiu” hết.
Ở nhà, tôi vẫn làm việc, chỉ cảm thấy bức bối, buồn bực chân tay. Có những điều trước đây mình làm thường xuyên, trong điều kiện bình thường nó là hoạt động đơn giản, mà giờ đây thấy nó thật xa xỉ.
Nhà báo Trương Ảnh Ngọc. Ảnh: FBNV. |
– Để bù đắp lại những lúc không được đi, anh làm gì cho đỡ buồn?
– Nhà tôi có nhiều sách, trong khoảng thời gian này tôi đọc nhiều thứ. May mắn nữa, các công ty xuất bản cũng gửi tới những cuốn sách mới, nên tôi đọc.
Nhưng với một người đi liên tục, việc ở nhà đọc sách chỉ giải quyết phần nào về thời gian thôi. Nó không thể bù đắp cho việc không thể đi ra thế giới.
– Trong hơn một năm qua, anh ở nhà đọc khoảng bao nhiêu sách? Đó là những sách gì?
– Tôi không thống kê mình đã đọc bao nhiêu cuốn trong thời gian qua. Trong một năm, người ta gửi tặng ước chừng 100 cuốn tiếng Việt. Còn rất nhiều sách ngoại văn trong những lần đi công tác, đi chơi mà tôi mua về hàng vali. Hết nhiệm kỳ công tác trước, tôi mang về một góc container là sách. Tranh thủ thời gian này tôi đọc để bồi bổ kiến thức.
Khi đọc xong một cuốn sách, tôi chia sẻ lên mạng, nhiều người hào hứng với những bài viết ấy. Có thể những thông tin ấy cũ, nhưng người ta cảm nhận được góc nhìn mới.
Tôi đọc và chia sẻ sách về nghệ thuật, khám phá vũ trụ, viết về một bức tranh, một công trình kiến trúc… Trong lúc mình không đi được, đó là một nhịp cầu để ra thế giới.
– Không chỉ đọc sách, anh còn có những bài viết chia sẻ trên mạng xã hội về những chuyến đi đã qua. Đâu là động lực để anh chia sẻ những trải nghiệm, kiến thức ấy?
– Trong nhiều năm đi lại như vậy, giờ là lúc tôi ngồi hoài niệm, xem lại những bức ảnh cũ, viết lại hành trình ngày xưa mình đã đi những nơi nào, làm gì… mà trước đây chưa viết. Thậm chí tôi còn nằm mơ thấy các chuyến đi nữa, có lúc tôi mơ thấy đang ở Roma, Capri…
Trước đây, tháng nào tôi cũng đi một, hai lần, thì không có cảm giác ngồi hồi tưởng lại, bởi các chuyến đi đều tươi mới. Cứ đi một chuyến về, chưa kịp “tiêu hóa” hết chuyến trước thì đã đi chuyến sau. Liên tục, liên tục đi như thế.
Một năm vừa qua là khoảng thời gian lắng lại tất cả hành trình ấy. Từ năm ngoái, tôi bắt đầu ngồi “xả” ra những chuyến đi cũ. Đầu tiên tôi hoài niệm về nó, sau đó không kêu nhớ nữa mà viết lại hành trình ấy.
Một số cuốn sách yêu thích của nhà báo Trương Anh Ngọc. Ảnh: FBNV. |
Nhà của người lữ hành
– Việc viết về những chuyến đi mang tới cho anh điều gì?
– Đầu tiên, viết không chỉ thỏa mãn việc “đi lại” hành trình đó, mà còn muốn người đọc “đi” giống mình. Đó là lý do khiến tôi cung cấp nhiều thông tin, bản đồ, địa danh, nhân vật lịch sử, món ăn… lên các bài viết. Làm như vậy, tối cảm thấy mình “đi lại” các chuyến ấy, đi kỹ hơn, nhìn nhận nó sâu hơn.
Thứ hai, mọi người đón nhận các bài viết đó nhiệt tình, hào hứng. Tôi cảm thấy vui khi truyền cảm hứng được tới người đọc.
Thứ 3, thời gian dịch bệnh vẫn đang phức tạp như này, khao khát đi càng lớn hơn. Từ đó tôi xem lại những cuốn sổ tay du lịch của tôi ngày xưa, đọc những gì mình chưa đến, gạch ra cuốn sổ, và thấy à mình cần đến chỗ này, đến chỗ kia.
Trong hơn một năm qua, tôi cũng chuẩn bị bản thảo những cuốn sách mới.
– Anh nói rằng có lúc mơ thấy mình đang ở một điểm nào đó. Khi mọi việc ổn định, anh muốn quay lại nơi nào nhất?
– Tôi muốn trở lại Italy. Đó là nơi tôi đã sống hai nhiệm kỳ công tác, có rất nhiều bạn bè. Đó là những năm tháng tôi đã sống thật sự, đã sống hết mình ở đấy, bạn bè ở đấy họ luôn hỏi bao giờ tôi trở lại.
Vẻ đẹp vùng Positano, miền Nam Italy qua ống kính Trương Anh Ngọc. Nguồn ảnh: FBNV. |
Ngoài ra, tôi còn muốn trở lại nhiều nơi, châu Phi chẳng hạn. Đó là một nơi rất đẹp mà tôi đến 10 năm trước. Vẻ đẹp của châu lục ấy tôi đã ghi lại một phần trong sách Phút 90 ++. Tôi từng lăn lộn hơn một tháng ở Brazil, và vẫn muốn quay lại, khám phá thêm những khía cạnh cuộc sống, thiên nhiên, văn hóa ở đó.
Người lữ hành luôn muốn đi khắp nơi. Tôi không muốn đi du lịch, visa đi có thể là visa du lịch, nhưng tôi đi với tư cách một lữ hành, một nhà báo quan sát trải nghiệm, ghi chép.
– Vì sao các bài viết của anh trên mạng thường gắn hashtag “Đi khi ta còn trẻ”?
– Tôi bắt đầu sử dụng hashtag này năm 2016, khi tôi có hành trình một mình từ Italy sang Pháp. Tôi lái xe hơn 20.000 km vòng quanh nước Pháp. Hashtag đó là sự thúc đẩy tinh thần, hướng tới giới trẻ. Bạn còn trẻ, bạn đầy năng lượng, bạn có cơ hội, sao bạn không đi? Thế hệ tôi cơ hội ra thế giới ít, còn bây giờ đã dễ dàng hơn. Ta hoàn toàn có thể đi để trưởng thành, để mở mang đầu óc, biết thế giới như thế nào.
20 năm lăn lộn khắp nơi, càng đi tôi thấy mình phải khiêm tốn hơn, bồi bổ vốn sống hơn, càng đi mình càng cần nhã nhặn, bao dung hơn.
Đi giúp ta trưởng thành, lớn lên, giúp ta nhận ra điểm mạnh, hạn chế của mình. Tôi luôn khuyến khích đi một mình.
– Đâu là điểm chung anh nghiệm ra sau các chuyến đi?
– Tôi đi nhiều năm qua, để nhận ra: Nhà của người lữ hành là gì, quê hương của người lữ hành là gì? Nhà của người lữ hành không phải là bốn bức tường, một cái mái với giá trị 5 tỷ, 10 tỷ. Mà nhà là nơi ta cảm thấy thuộc về, nhà là nơi ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi ở đó.
Theo nghĩa đó tôi có nhiều “nhà” trên thế giới. Những ngôi nhà đó là nơi mình thuê qua hệ thống booking, nhà bạn bè, có những nhà mà mình đến đấy trả tiền qua mạng, chưa biết chủ nhà, nhưng ngủ trên giường nhà người ta, nấu ăn trong bếp nhà người ta, ta cảm thấy gần gũi, thoải mái.
Khi đi, ta có thể là du khách hoặc là người lữ hành. Tôi luôn đi theo cách người lữ hành, đi để ấm thân. Ý nghĩa mỗi chuyến đi, mỗi điểm dừng chân không còn là yếu tố vật chất, mà còn là tinh thần, sự trưởng thành của bản thân sau những chuyến đi. Càng đi tôi càng muốn đi nữa.
– Anh có lời khuyên gì dành cho những bạn “nghiện đi” nhưng đang phải bó chân ở nhà trong thời gian này?
– Đây là khoảng thời gian cần thiết để ta lắng lại, để chiêm nghiệm mình cần gì trong cuộc sống, đâu là ý nghĩa cuộc sống. Người tích cực sẽ tiếp tục rèn luyện, duy trì sự lạc quan, hy vọng. Rồi một ngày nào đó thế giới sẽ bình ổn.
Giờ đây, ta hãy nghiên cứu kế hoạch, chặng đường đi tiếp theo. Ta tích lũy vốn sống, tiền, sức khỏe… Để khi cuộc sống ổn định, ta sẽ lại sẵn sàng lên đường.