Có người cho rằng đây là tác phẩm thuộc phạm trù lịch sử truyền thống ngành CAND, vì nó viết về người thật việc thật. Nhưng nếu nhớ lại tác phẩm Sống như Anh (Ký, 1965) của nhà văn Trần Đình Vân viết về Anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, chúng ta sẽ tri nhận được một quy luật của sáng tạo nghệ thuật: Sự thật là phẩm chất hàng đầu.
Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để làm chủ được sự thật và truyền tải nó bằng ngôn ngữ giản dị, có sức lay động lòng người đến độc giả? Tác giả dĩ nhiên không tiếp cận trực tiếp được nhân vật Võ Thị Sáu. Như thế không có nghĩa khi viết, ông phải bịa đặt ra mọi chuyện. Nghề viết cũng đôi khi là sự may mắn nằm ngoài chủ đích.
Tác giả Lê Văn Thiện (sinh 1930) sớm bước vào trường đấu tranh cách mạng. Trong “Lời tác giả” người đọc thấy cái cơ may đã đến khi: “Cuối thập niên 50, tôi lúc ấy là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định, bị đày ra Côn Đảo, giam chung phòng giam với ông Tám Vàng. Ông là tù thường án, người cao tuổi nhất (70 tuổi), thời gian ở tù lâu nhất (40 năm).
Được ông Tám tin tưởng, tôi lần lượt nghe ông kể về các sự kiện xảy ra ngày xử bắn nữ anh hùng Võ Thị Sáu cùng những tác động sau đó mà ông đã trực tiếp chứng kiến nhưng từ trước nay ông chưa dám kể”.
Vậy là tri âm tri kỉ như các cụ ta xưa từng nói. Đó là cú huých để cho nhiều năm sau trở lại thăm Côn Đảo, viếng mộ Anh hùng – liệt sĩ Võ Thị Sáu, ký ức tràn về và vị cựu sĩ quan công an Lê Văn Thiện thấy không thể không cầm bút viết về một CON NGƯỜI. Viết để bạch hóa một số khía cạnh mà có thể trước đó sách báo chưa phản ánh hết được. Đó là một thiện ý, tiếng gọi của lương tâm.
Sự thật đã được tái hiện như thế nào trong tác phẩm Tình Đất Đỏ? Độc giả có dịp đọc văn bản này sẽ thấy cách tổ chức kết cấu tác phẩm đã thể hiện cái đích mà tác giả nhằm đạt tới – tiệm cận sự thật.
Lần lượt gồm các phần: Côn Đảo – Địa ngục trần gian, Người được chứng kiến Võ Thị Sáu bị xử bắn, Trở lại ngày xử bắn Võ Thị Sáu ở Côn Đảo, Tấm bia của vợ chồng Tỉnh trưởng Côn Sơn, Người y tá làm nổi danh chị Sáu, Trở lại quê hương Đất Đỏ, Xin được ngỏ lời cảm ơn, Rạng ngời tên em, Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo, Với mộ chị Võ Thị Sáu và tình cảm của mọi người. Ngoài 9 phần chính này còn thêm 3 phần “hỗ trợ” (Lời giới thiệu, Lời tác giả, Đôi nét về tác giả). Như vậy, đây là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất.
Để tác phẩm có tính bao quát, tác giả đã sử dụng thủ pháp “nhiều góc quay” của điện ảnh. Góc quay chính diện là ông Tám Vàng, người được chứng kiến chị Võ Thị Sáu bị bắn.
Lời kể của ông với tư cách nhân chứng: “Trước khi xử bắn, bọn chúng tập trung tại văn phòng Giám thị trưởng, trước sự chứng kiến của tên chúa đảo Jarty. Vị cố đạo làm thủ tục rửa tội, nhìn chị Võ Thị Sáu và bảo:
– Cha rửa tội cho con nhé?
Chị Võ Thị Sáu nhìn thẳng vào mặt vị cố đạo, với thái độ thẳng thắn và dứt khoát.
– Cảm ơn cha quan tâm, tôi tội gì mà rửa? Giết quân xâm lược và tay sai, không phải là tội, kẻ xâm lược đất nước tôi và tay sai mới có tội. Cha cần rửa cho họ”.
Một chi tiết rất thiêng: Bảy người lính lê dương châu Phi được lệnh ra pháp trường hành quyết chị Võ Thị Sáu đã bắn… lên trời (!?). Cũng theo lời ông Tám Vàng, chính ông là người vuốt mắt cho chị Sáu, đi tìm được mấy tấm ván làm “hòm dã chiến” (chỉ khép ván lại không đóng thành hòm) để đưa chị Võ Thị Sáu về cõi của Phật.
Sau cái chết linh thiêng của chị Võ Thị Sáu, tất cả công chức, giám thị, binh lính và cả gia đình của họ ở Côn Đảo đều đến mộ đốt hương khấn vái cô Sáu phù hộ.
Góc quay thứ hai rất có ý nghĩa để làm rõ sự thật như một huyền thoại là Tấm bia của vợ chồng Tỉnh trưởng Côn Sơn. Năm 1964, thiếu tá Tỉnh trưởng (Chúa đảo) Côn Sơn là Tăng Tư đã đặt bia mộ bằng đá cẩm thạch, chọn giờ tốt, thắp hương khấn vái, dựng bia, trên bia khắc LIỆT NỮ VÕ THỊ SÁU. Một năm sau, viên thiếu tá mất chức(!?). Ở Sài Gòn, vợ chồng ông ta vẫn bí mật thờ Cô Sáu tại nhà riêng. Đúng là Liệt nữ như hiển Thánh.
Góc quay thứ ba là Người y tá làm nổi danh chị Sáu. Anh y tá tên Vĩnh. Khi ra Côn Đảo hành nghề, nhờ có tay nghề giỏi, anh được tôn vinh thành bác sĩ có bàn tay vàng.
Một lần châm cứu cho vợ viên giám thị bị bệnh nặng, bà ta qua cơn hiểm nghèo. Trước mọi lời khen, anh Vĩnh chỉ một mực: “Tôi châm cứu cho bà giám thị khỏi bệnh là nhờ cô Sáu phù hộ giúp tôi”.
Góc quay thứ tư là Trở lại quê hương Đất Đỏ, nơi “chôn nhau cắt rốn” của Anh hùng Võ Thị Sáu. Tại đây, tác giả cho độc giả hiểu rõ hơn gia cảnh của chị, hiểu rõ con đường chị đến với cách mạng, quá trình chiến đấu và hi sinh anh dũng của chị.
Góc quay thứ năm là sách: Thương binh, Liệt sĩ Công an nhân dân (NXB CAND, 2007). Mục “Liệt sĩ Võ Thị Sáu – Người con gái Đất Đỏ anh hùng” (tr. 28-30). Đây là nguồn tư liệu chính thống, tuyệt đối chính xác, được sử dụng như là tài liệu gốc cho mọi kết luận về Anh hùng – liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Thiết nghĩ, năm góc quay này như năm cánh sao, soi chiếu dưới thanh thiên bạch nhật cuộc đời một con người “Vì nước quên thân vì dân phục vụ” – như là một truyền thống vàng của lực lượng CAND Việt Nam.
Có một danh ngôn thế giới được nhiều người ưa thích: “Mở một cuốn sách thấy một con người” (có thể hiểu người viết ra nó hoặc người được viết). Đọc Tình Đất Đỏ – Võ Thị Sáu, nữ anh hùng huyền thoại, độc giả như đứng trước một tượng đài bằng ngôn từ về một thế hệ anh hùng Việt Nam hiển linh qua một điển hình chiến sĩ Công an nhân dân Võ Thị Sáu.
Chị sinh năm 1933, quê xã Phước Lợi, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sinh ra trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống cách mạng, chị Võ Thị Sáu đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động kháng chiến.
Năm 1947, qua nhiều thử thách, chị được kết nạp vào Đội Công an xung phong huyện Đất Đỏ. Với vóc dáng nhỏ bé của cô gái mới lớn nhưng chị đã có một tư thế người chiến sĩ. Từ ngày tham gia Đội Công an xung phong, chị lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Trong một trận đánh diệt ác trừ gian (năm 1950), chị bị địch bắt, bị giam giữ ở các nhà tù ở địa phương, Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng chị vẫn kiên trung giữ vững khí tiết của người chiến sĩ Cộng sản (Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành), tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Tháng 4/1951, chị bị kết án tử hình. Dư luận mạnh mẽ trong và ngoài nước khiến cho bọn địch không dám xử bắn công khai chị ở Sài Gòn. Chúng bí mật đưa chị ra Côn Đảo để thực hiện bản án.
Ngày 23/1/1952, chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang trước họng súng quân thù cho đến phút cuối cùng ngã xuống trên pháp trường. Trước lúc vĩnh viễn đi xa, chị còn kịp cất lên tiếng hát những bài hát cách mạng. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường trong lao tù, ngày 2/8/1993, đồng chí Võ Thị Sáu đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Nhà thơ Nguyễn Thành Vân (Nguyễn Trọng Oánh) mượn lời một chiến sĩ Giải phóng hy sinh ở tuổi hai mươi để nói với các thế hệ sau:
“Tôi nằm nơi đây / Quê hương chị Sáu / Hoa lê-ki-ma / Đang mùa nở rộ…/ Giữa tuổi hai mươi / Tôi còn trẻ lắm / Hoa lê-ki-ma / Đang mùa nở trắng / Chị Sáu chưa về / Chị còn đang hát / Tiếng hát đêm nay / Trăng vàng bát ngát / Tôi nằm dưới mộ / Nghe nhựa trong cây / Chuyển từ lòng đất / Đang nuôi tháng ngày” (Sống chết quang vinh, 1968).
Ông từng chia sẻ với độc giả: “Nói về quá khứ một cách nghiêm túc và trung thực thì không sợ không có điều gì để nói với hôm nay”.