Nhà báo Adam Nossiter là trưởng đại diện của The New York Times ở Paris. Ông chuyển tới thành phố này lần đầu tiên từ năm 3 tuổi khi cha ông – Bernard Nossiter phụ trách mảng kinh tế châu Âu cho The Washington Post. Nossiter quay lại thành phố vào năm 1983 và 1999, rồi sau đó là vào năm 2015 khi tờ The New York Times điều ông tới đây. Zing xin đăng tải bản dịch bài viết của ông trên The New York Times khắc họa những suy nghĩ về sự chuyển mình của Paris do đại dịch Covid-19:
Con đường gần Khải Hoàn Môn gần như không có bóng người trong tháng này. Ảnh: The New York Times. |
Những tiếng vọng của Paris một thời quá vãng trở lại
Trước khi Paris trở thành công viên giải trí cho giới dư dả trên toàn cầu, có một Paris đã cũ mà tôi từng biết tới khi còn là một đứa trẻ, nơi chỉ cần nhìn thấy chiếc tượng đầu ngựa chạm khắc đặt trước một cửa hàng thì bạn biết ở đó bán thịt, và ta tìm thấy céleri rémoulade – món salad Pháp trứ danh từ những năm 1600, ở góc phố thay vì những tiệm túi xách 30.000 USD nhằm vào những du khách “dày túi”.
Những tiếng vọng của Paris một thời quá vãng đó đã trở lại với tôi trong suốt tháng rồi khi virus corona xâm chiếm thành phố được mệnh danh là kinh đô ánh sáng. Có một nghịch lý rằng những con đường vắng lại đang tạo khoảng trống cho sự tưởng tượng về một Paris là nơi con người thực sự sống, chứ không chỉ là điểm đến của dân chơi hay tín đồ mua sắm.
Hàng nghìn người Paris thượng lưu đã rời khỏi thành phố. Có tới gần một phần tư người dân của thành phố đang phong tỏa đã rời đi, theo một số ước tính. Paris của những năm 1960, vốn đa dạng hơn nhiều về kinh tế, dường như quay lại. Quanh đồi Montmartre, nơi cuộc sống vẫn tiếp diễn ở những con người đang làm việc ở nhà, người Paris vẫn ngồi bên cửa sổ, chào nhau từ xa và phóng tầm mắt ra xa. Trong khi đó, khu tôi sinh sống quanh Madeleine từng dành trọn từng tấc đất cho những cửa hàng xa xỉ đã không còn sự sống.
Nhà thờ Sacre Coeur Basilica ở khu Montmartre. Ảnh: The New York Times. |
Pháp đã ghi nhận gần 22.000 ca tử vong vì virus corona, cao hơn nhiều so với Đức, nhưng thấp hơn Italy hay Tây Ban Nha. Giới chức Pháp can thiệp sớm hơn so với Italy nhưng hoạt động xét nghiệm và chuẩn bị giường bệnh khẩn cấp còn đi sau Đức rất xa. Tin tốt là, ít nhất là cho tới lúc này, số bệnh nhân ở các bệnh viện tại Pháp đang dần giảm xuống.
Bên ngoài những bệnh viện khốc liệt, vẫn có một trái tim Paris đang đập
Bên trong những bệnh viện ấy là cả một thế giới khắc nghiệt với hàng nghìn trái tim ngừng đập mỗi ngày. Nhưng rồi bên ngoài đó vẫn là một trái tim Paris đang đập.
Với những ai không phiền dành thời gian cho những trạm kiểm tra của cảnh sát trên đường, đây là cơ hội đáng nhớ để khám phá lại Paris. Trong những ngày gần đây – trong mối tình gần 60 năm với nước Pháp và cũng là tâm điểm của ngành du lịch toàn cầu, lần đầu tiên tôi nhìn thấy quảng trường Place du Tertre trên đỉnh núi Montmartre. Khu quảng trường nhỏ gần như trống rỗng và một người Paris lo lắng dừng bước để hỏi tôi liệu tôi có đang quá liều lĩnh khi đạp ra ra phố lúc này.
Thế nhưng, tất cả như một ảo ảnh. Paris không còn là Paris khi không có những bạn trẻ thông minh nói chuyện với nhau bên ngoài những quán café giờ đây đang đóng cửa lặng im, cũng như New York chẳng còn là New York khi không có những tòa nhà chọc trời. Paris vẫn còn đó những công trình kiến trúc hoành tráng vốn là linh hồn của thành phố, nhưng bao trùm lên tất cả lúc này là sự lạnh lẽo – một tấm bưu ảnh không có thực!
Các quán Café bị đóng cửa suốt tháng qua. Ảnh: The New York Times. |
Tuy vậy, nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho trí tưởng tượng.
Trong màn đêm, chạy dọc thành phố, vài kẻ đồng hành với tôi là những con chuột táo bạo, những người vô gia cư làu bàu đôi lời gì đó, và những viên cảnh sát đang đi kiểm tra “giấy miễn trừ” được coi là giấy thông hành cho những người thuộc diện được ra ngoài theo quy định của Bộ Nội vụ. Quy định này liệt ra 7 lý do được phép ra ngoài trong phong tỏa: bao gồm mua sắm những thứ thiết yếu, tới thăm khám chỗ bác sĩ, làm việc trong lĩnh vực không thể liên lạc bằng điện thoại, và tập thể dục 1 giờ trong khu vực cách nhà không quá 1 km.
Giấy miễn trừ này là bằng chứng cho sự tôn thờ giấy tờ hành chính của Pháp và di sản văn hóa cần thiết của thời gian kỳ lạ này.
Cảnh sát đã kiểm tra hơn 13,5 triệu người, và phát ra hàng trăm nghìn giấy phạt hoặc tệ hơn – có những thông tin về các vụ đánh đập ở khu ngoại ô nhập cư đối với những người không có giấy tờ hợp lệ.
Các sĩ quan cảnh sát đi tuần tra gần tháp Eiffel. Ảnh: The New York Times. |
Đối mặt với những đe dọa đó, phần lớn người Pháp đang ở trong nhà. Người coi giữ tòa nhà tôi đang ở, một phụ nữ hết sức sốt sắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ chống lại cái mà bà gọi là “les microbes” (vi trùng), quyết không đế thứ gì lọt qua tầm mắt. Tôi trông cậy vào bà ấy.
Trong các chuyến thám hiểm đêm của mình, tôi hiếm khi bắt gặp xe hơi. Sự tĩnh lặng chỉ bị phá vỡ bởi những chiếc xe cứu thương. Thành phố im ắng tới mức bạn có thể nghe thấy tiếng vịt kêu trên sông Seine, không khí làm tôi liên tưởng tới một thị trấn thôn quê xa xôi vào một đêm chủ nhật.
Những mái nhà ở Paris. Ảnh: The New York Times. |
Ở Paris những ngày này, các đài tưởng niệm vẫn được thắp sáng, dễ dàng để tưởng tượng về thời kỳ trước đó khi những đường phố vắng lặng: thời Đức chiếm đóng. Những hình ảnh từ thời kỳ này cho thấy phố phường trống vắng, những người đi bộ đơn độc và những tượng đài lớn không đồng điệu với thành phố điêu tàn. Cũng giống như lúc này, những vị khách với gương mặt ảm đạm lúc đó vật vờ trong vài cửa tiệm còn mở.
Những thế hệ lớn tuổi nhất ở Pháp vẫn còn ám ảnh với những tiếng vọng đó. Tôi đã gọi cho nhà văn Philippe Labro, người đã đưa ra một so sánh tưng tự trong bài viết gần đây cho Journal du Dimanche, và cũng là người từng trải qua tuổi thơ trong thời kỳ thành phố bị chiếm đóng.
Những đường phố vắng vẻ khiến người ta dễ tưởng tượng hơn vềcuộc sống của con người trong thành phố Paris. Ảnh: The New York Times. |
“Chúng tôi đã sống thường trực trong mối đe dọa sắp đến”, ông Labro nói với tôi. “Đó là không khí sợ hãi bủa vây. Và rồi đường phố vắng bóng người. Paris bị chiếm đóng mà không có Boches”, ông Labro nói cùng tiếng cười – trong đó ông dùng cách nói của người Pháp để chỉ những người Đức trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng.
“Có lẽ mọi người bây giờ đang khám phá lại sự tồn tại bấp bênh như thế nào”, nhà văn Labro nói. Cha mẹ ông từng là những cư dân che giấu người Do Thái trong chiến tranh.
Quảng trường Place du Tertre ởMontmartre thường ngày chật kín du khách, mang một không khí hoàn toàn khác giữa đại dịch. Ảnh: The New York Times. |
Paris đang sống gần gũi với những ký ức của thời kỳ bị chiếm đóng, chỉ những ngày gần đây tôi với chú ý tới một tấm bảng về một anh hùng năm 1942 ít ai để ý tới cách không xa nơi tôi sinh sống. Sự đông đúc của đường phố thường ngày không cho phép người ta có những khoảng trống cho những sự quan sát như vậy.
“Chúng ta chưa bao giờ tự do đến vậy như trong suốt thời kỳ Đức chiếm đóng”, triết gia nổi tiếng Jean-Paul Sartre đã viết như vậy sau chiến tranh. Đại ý câu nói được nhiều người biết tới này của ông là: Chưa bao giờ những người Paris, những phụ nữ và đàn ông Pháp buộc phải đối đầu quyết liệt mỗi ngày tới vậy, với câu hỏi cơ bản của sự sống sót.
Bờ sông Seine thường đông đúc trong những ngày nắng. Ảnh: The New York Times. |