Cha ông ta xưa kia, từng bông phèng mà nói về 12 tháng trong năm, trong đó dịp mùa xuân thì có câu:
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Ấy là đối với đại đa số chúng dân thôi, còn với đấng quân vương, chịu trách nhiệm thế thiên hành đạo, thì không hẳn vậy đâu. Thế trong dịp đầu xuân năm mới, vua Việt thường làm gì? Tìm về thời Lê sơ (1428-1527), qua những sử liệu còn để lại, chúng tôi thâu lượm được vài điều, bày ra cho bạn đọc cùng hay về việc ngày Tết của đấng quân vương.
Một lòng kính nhớ tổ tiên
Những mong quốc thái dân an, ta thấy các vị vua với tư cách người đại diện quốc gia, nên đầu xuân năm mới thường thực hiện một số lễ nghi mang tính chất tâm linh. Ví như vua Lê Hiến Tông (1498-1504), khi Tết đến xuân về, nhớ về đất thang mộc, nơi được xem là đất phát tích của nhà Lê nên ngay ngày mùng Một Tết năm Tân Dậu (1501) đã về thăm lại chốn cũ, đất Lam Kinh. Hành động này rõ là tỏ sự tri ân với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, cũng là mảnh đất thiêng phát đế của nhà Lê.
Di tích Lam Kinh, đất phát tích nhà Hậu Lê. |
Trong khi ấy, Đại Việt sử ký toàn thư cho hay, nhằm thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), cũng đúng ngày mùng một Tết Nguyên đán năm Giáp Dần (1434) “vua dẫn các quan đến bái yết Thái miếu”. Năm sau, cũng vẫn là vị vua thứ hai nhà Lê sơ, cũng đúng ngày đầu tiên năm mới năm Ất Mão (1435) lại dẫn các quan tới Thái miếu bái yết. Việc được Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi lại: “Nhà vua dẫn đầu trăm quan đi bái yết thái miếu”.
Ngày Tết thường dành cho việc vui, từ vua quan cho tới thần dân nghỉ ngơi hưởng những ngày thư thả. Nhưng cũng có dịp ngày Tết chứng kiến có vị vua thay đổi niên hiệu nhân một sự kiện trọng đại nào đó, hoặc thể hiện một mong muốn, gửi gắm hàm ý trong niên hiệu mới thời trị vì của bản thân. Chẳng nói đâu xa như vua Lê Thái Tông, ngay ngày mùng một Tết Nguyên đán năm Canh Thân (1440), vua đổi niên hiệu từ Thiệu Bình sang Đại Bảo.
Ngày Tết vất vả ngôi cao
Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, gắn liền với nhưng mong ước an vui. Nhưng dẫu vậy, cũng có những trường hợp chẳng đặng đừng, mà triều đình phải làm dẫu chẳng mong. Trong đó, việc đánh giặc, dẹp trộm cướp là những việc cấp thiết ảnh hưởng chặt chẽ đến an ninh, chính trị của quốc gia, thậm chí là ngai vàng của vua, nên trở thành cấp thiết không thể không làm, dù cho đó là dịp Tết đến xuân về đi chăng nữa. Bởi vậy mới có chuyện có vị vua vào dịp Tết Nguyên đán không yên ấm nơi cung vàng điện ngọc hưởng niềm vui năm mới cùng bách tính, mà đích thân cầm quân xuôi Nam đánh giặc. Ấy là trường hợp vua Lê Thánh Tông năm Tân Mão (1471) đánh Chiêm Thành. Thế nên mới có chuyện như Toàn thư còn ghi, vào ngày mùng hai Tết năm ấy, vua đang ở đất Thuận Hóa chuẩn bị đánh Chiêm Thành, đã xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển để tập thủy chiến.
Vua Lê thiết triều. |
Có vị vua ngay trong ngày đầu năm mới vẫn thiết triều, dù đó chỉ là hình thức. Sử còn ghi Tết năm Ất Mão (1435) việc vua Lê Thái Tông thiết triều. Cương mục chép: “Nhà vua mặc đồ trắng, ra coi chầu, tiền hô hậu hét. Cử nhạc. Bầy tôi đều mặc áo phục, dâng biểu yên ủi nhà vua”. Sau này còn ghi nhận ngày mùng hai Tết năm Tân Dậu (1501), vua Lê Hiến Tông đã định lệ về lưu thủ kinh sư. Rồi mùng ba Tết năm Nhâm Tuất (1502), vua đã có sắc chỉ đối với việc quân. Hay đầu thời Lê sơ, đất nước mới thái bình, vua Lê Thái Tổ trong ngày Tết năm Kỷ Dậu (1429) lo những ngày này trong dân những tệ nạn cờ bạc rượu chè có thể làm mê đắm người ta, thế nên mùng bốn tháng Giêng năm ấy, vua đã ra lệnh chỉ khắp nước cấm cờ bạc và quy định kẻ phạm tội sẽ bị bắt giam, chặt 5 ngón tay nếu đánh bạc, 1 phân ngón tay nếu đánh cờ. Còn rượu chè thì phạt 100 trượng.
Nhiều dịp vào ngày Tết, vua vẫn lo việc ngoại giao với nước ngoài. Chẳng hạn ngay ngày mùng một Tết năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã lo đến việc ngoại giao khi chuẩn bị đoàn sứ bộ sang Minh, trong đó chọn chánh sứ là Lê Nhữ Lãm, phó sứ là Hà Lật, Lê Bính. Hay thời vua Lê Thái Tông, ngày mùng bốn Tết năm Ất Mão (1435) vua đã tiếp đoàn sứ bộ của Ai Lao do San Mạc, Sát Mẫu dẫn đầu sang cống đồ uống rượu và voi.
Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức thi cử chọn người tài nhân dịp xuân mới, thì việc bổ dụng quan chức cũng thường được các vị vua thực hiện trong dịp đầu năm mới. Dĩ nhiên, việc này diễn ra bất kỳ xuất ý theo nhu cầu thực tế mà làm, kể cả vào dịp Tết. Điểm này, được thể hiện bằng thực tế sống động. Điều đó có thể thấy ở trường hợp Dương Trực Nguyên. Ông được vua Lê Hiến Tông bổ nhiệm làm Công bộ hữu thị lang ngay trong ngày mùng một Tết năm Tân Dậu (1501).
Vua quan vui Tết, nhắc đạo làm tôi
Tết Nguyên đán năm Ất Mão (1435), vua Lê Thái Tông cho trăm quan được vui Tết, nên dịp đó vua “Ban yến trong 5 ngày cho các quan văn võ trong ngoài”. Sau này thời vua Lê Nhân Tông (1442-1459) vào ngày mùng ba Tết năm Bính Tý (1456) cũng ban yến cho các quan, trong đó có cả tôn thất tham dự.
Để tưởng thưởng cho đội ngũ quan lại một năm đã làm việc vất vả, thay vua trị dân nên dịp Tết Nguyên đán cũng là dịp vua Lê ban thưởng cho quần thần. Như năm Giáp Dần (1434), dựa vào công trạng của các quan địa phương mà chia làm ba bậc theo thứ tự để ban thưởng. Còn năm Ất Mão (1435) thì trong dịp Tết Toàn thư cho hay cũng “phát tiền cho các quan văn võ nhậm chức bên ngoài theo thứ bậc khác nhau”. Việc ban tiền Tết cho quan viên thời Lê sơ, sau này sang thời Lê Trung hưng vẫn được duy trì và đưa vào điển chế qua việc ban tiền thưởng xuân theo thứ bậc mà sách Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam có nhắc đến.
Những trò giải trí. |
Dẫu là ngày vui, ấn tín được xếp lại, việc công được hoãn, ấy nhưng là người cai trị muôn dân trăm họ, vua Lê vẫn đau đáu khôn nguôi việc nước. Thế nên vua Lê Thái Tông ngay ngày mùng ba Tết Nguyên đán năm Canh Thân (1440), theo Toàn thư cho hay, vua đã xuống chiếu mà răn cái đạo làm tôi nơi quần thần: “Bậc tôi trung tướng giỏi ngày xưa, thờ vua trọn tiết, vì nước quên nhà. Nay đại thần trăm quan văn võ trong ngoài các ngươi, ăn lộc của vua, phải lo cái lo của vua”. Đồng thời, vua kêu cái tinh thần, chức phận của kẻ giúp vua chăm dân: “Hễ trong quân dân có những điều tệ hại và hành vi của trẫm có những gì sai lầm, các ngươi đều nên can gián cho rõ ràng, giúp ta sửa chữa thiếu sót, lo làm tròn mọi việc đáng làm trong chức phận của người bề tôi”.
Trước đó, cũng ngay vào dịp mùng ba Tết của năm Ất Mão (1435), vị vua này đã có lệnh chỉ đối với đại thần và bá quan văn võ với lời lẽ rất nghiêm khắc: “Các ngươi không chịu giữ phép nước như trước đây. Từ nay về sau, coi quân, trị dân, hay làm việc gì đều nên hết lòng công bằng, yêu thương quân dân, không được riêng tư, nếu không sữa đổi lỗi lầm nhất định bị trị tội nặng”. Sau này vẫn thời Lê sơ, việc làm đó còn thấy ở vua Lê Hiến Tông nhưng không chỉ dừng ở việc răn bảo quan lại chung chung, mà ngay ngày mùng Một Tết năm Tân Dậu (1501), vua xuống chiếu chỉ rõ đối tượng cần phải thể hiện được trách nhiệm của bản thân trong phép làm quan là quan coi lính và thợ “khi đốc thúc làm việc công, nếu có ai lười biếng, vắng mặt, đáng phải xử lý thì tuyên bố tội trạng, trừng trị theo pháp luậ, không được tự mình dùng gậy, dùng tay chân, gạch ngói, dùi gỗ mà đánh đập tàn nhẫn họ. Ai vi phạm thì phải trị tội theo luật”.