Làn sóng mới với các biến chủng nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 khiến kế hoạch hồi phục ngành xuất bản sau một năm tổn thất nặng nề của Trung Quốc phá sản.
Không chỉ quy mô thị trường bị thu hẹp, tâm lý tiêu dùng của khách hàng thay đổi, mà các nhà xuất bản, đơn vị phát hành của quốc gia tỷ dân cũng chưa tìm được hướng phát triển khả dĩ trong tương lai.
“Ngành xuất bản của Trung Quốc chịu ảnh hưởng mọi mặt, những tổn thất và tác động có lẽ sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài. Chấp nhận thiệt hại, chúng tôi xem đây là cơ hội để tái thiết và nâng cao ngành công nghiệp xuất bản”, ông Li Pengyi, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản Trung Quốc (PAC), khẳng định.
Ngành xuất bản Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: China Daily. |
Thị trường bị thu hẹp
Ngày 23/1/2020, Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa “trước nay chưa từng có” đối với thành phố Vũ Hán cùng hàng loạt thành phố lân cận của tỉnh Hồ Bắc, nhằm ứng phó với virus SARS-CoV-2 đang lan rộng. Đây là hành động mở đầu cho việc áp dụng biện pháp tương tự trên khắp Trung Quốc trong suốt thời gian dài.
Cơn đại dịch khiến các hoạt động thuộc mọi lĩnh vực của quốc gia tỷ dân bị đình trệ. Ngành xuất bản cũng không tránh khỏi chịu tổn thất nặng nề.
Ngành xuất bản của Trung Quốc chịu ảnh hưởng mọi mặt, những tổn thất và tác động có lẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài.
Theo số liệu từ Beijing OpenBook, năm 2020, thị trường sách Trung Quốc lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm (-5,08%) sau hơn 2 thập kỷ.
Thống kê cho thấy từ năm 2015 đến 2019, thị trường sách tại Trung Quốc liên tục tăng trưởng hơn 10%/năm. Điều này khiến cho sự suy thoái vào năm 2020 trở nên đặc biệt rõ rệt.
Bắt đầu thời gian phục hồi, trong nửa đầu năm 2021, thị trường sách Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng 11,45% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2019, mức tăng này vẫn chưa thể khôi phục được như thời điểm trước dịch.
Mặt khác, quy mô của toàn thị trường xuất bản tại quốc gia Đông Á năm 2019 được định giá khoảng 102,27 tỷ nhân dân tệ (15,8 tỷ USD). Trong năm 2020, con số này sụt giảm và chỉ còn 97,08 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD).
Sự tăng trưởng của các kênh bán hàng truyền thống và trực tuyến cho thấy những tín hiệu tích cực, song sự thay đổi vẫn còn khá chậm.
Những dấu hiệu phục hồi của ngành xuất bản tại Trung Quốc vẫn còn rất chậm. Ảnh: China Daily. |
Kênh bán hàng truyền thống đã có sự phát triển đáng ghi nhận với mức tăng 51,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nếu so sánh hiệu suất của nửa đầu năm 2021 với 2019 thay vì năm 2020, doanh số bán hàng vẫn sụt giảm đến 20,08%.
Những năm gần đây, sự phát triển vũ bão của công nghệ đã giúp kênh bán hàng online đạt tỷ lệ tăng trưởng lên đến 20% hàng năm. Số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy kênh bán hàng trực tuyến vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng song đã chậm lại so với các năm trước (mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 3,06%).
Bà Rainy Liu, Giám đốc nghiên cứu của Beijing OpenBook, cho biết sự tiện dụng khi mua sắm và các đợt giảm giá mạnh là yếu tố thu hút của kênh bán hàng trực tuyến. Sau đại dịch, tâm lý này đã bị ảnh hưởng khá nhiều.
“Đại dịch đã khiến thu nhập của người dùng giảm xuống, họ không còn chi tiêu mạnh tay khi mua sắm online, mọi quyết định đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Đây là nguyên nhân trực tiếp và lớn nhất dẫn đến sự suy giảm doanh số bán hàng trên kênh trực tuyến”, bà Rainy Liu chia sẻ.
Chưa kể, vì để đảm bảo an ninh y tế, hai năm liên tiếp 2020 và 2021, Hội chợ sách Quốc tế Bắc Kinh phải diễn ra trực tuyến và gặp nhiều rào cản.
Tờ Publishing Perspectives nhận định việc không thể đón khách tham quan khiến nhiều hoạt động thương mại của ngành xuất bản Trung Quốc chưa thể lấy lại đà phát triển.
Tìm hướng đi mới
Trong hai năm qua, việc thay đổi cách cung ứng của ngành xuất bản cùng những bất ổn do đại dịch mang lại đã khiến số lượng sách mới xuất bản tại Trung Quốc giảm mạnh. Việc xuất bản các đầu sách mới gặp phải thách thức lớn chủ yếu là do năng lực in ấn và cung cấp còn hạn chế.
Theo danh mục trong dữ liệu từ kho lưu trữ của Cục Xuất bản Trung Quốc chỉ ra vào năm 2020, tất cả nhà xuất bản ở Trung Quốc đã phát hành 268.369 tựa sách mới, giảm 3% so với năm 2019.
Trung Quốc ngày càng khuyến khích độc giả tìm đến ebook. Ảnh: SCMP. |
Hiện, Hiệp hội Nhà xuất bản Trung Quốc hỗ trợ các đơn vị xuất bản dần dần ổn định tiến độ sản xuất, đồng thời có kế hoạch chuẩn bị nếu trường hợp đại dịch bùng phát khiến các nhà máy đóng cửa.
Mặt khác, phân tích từ số liệu của Beijing OpenBook cho thấy thói quen của độc giả tại Trung Quốc thay đổi nhiều khi bị phong tỏa. Các đầu sách kinh điển, sách xuất bản cũ được ưa chuộng hơn là các ấn bản mới phát hành. Điều này khiến các đơn vị xuất bản không quá mạo hiểm và hào hứng với việc đầu tư xuất bản tựa sách mới.
Bà Rainy Liu nhận định: “Sự bùng phát đại dịch đã tác động mạnh đến quy trình sản xuất, in ấn, làm tê liệt chuỗi cung ứng. Kế hoạch ra mắt các tựa sách mới bị đảo lộn, nhiều doanh nghiệp không biết cách ứng phó khi mọi thứ đóng băng”.
Chia sẻ trên Publishing Perspectives, bà Liu cũng khẳng định thói quen và thị hiếu của độc giả tại Trung Quốc thay đổi khá nhiều. Thay vì tìm đến sách mới, hay chọn những nội dung khác biệt, độc giả có xu hướng đọc tác phẩm kinh điển nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch.
Xuất bản kỹ thuật số đang trở thành một trong những phân khúc nổi bật nhất và được chú trọng trong tương lai.
Các thống kê từ Beijing OpenBook cũng chỉ ra rằng đơn vị xuất bản càng lớn, có trụ sở tại các thành phố cấp một (hơn 15 triệu dân như Bắc Kinh, Thượng Hải…) lại chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều đơn vị xuất bản hàng đầu thường lựa chọn phát triển tại đô thị lớn, các siêu thị sách và nhà sách được đầu tư thiết kế để thu hút người tiêu dùng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bất cập là thành phố càng đông, có mật độ dân số cao khi bùng dịch lại càng siết chặt các biện pháp phong tỏa. Vì thế, hàng loạt siêu thị hay cửa hàng sách lớn tại đây buộc phải đóng cửa.
Cơ sở sản xuất, in ấn, các văn phòng làm việc của nhiều đơn vị xuất bản cũng rơi vào tình trạng đóng băng, phải chấp nhận thiệt hại cùng mức sụt giảm doanh thu mạnh, khó phục hồi hơn so với đơn vị vừa và nhỏ.
Thống kê của trang Beijing OpenBook chỉ ra trong năm 2020, các hiệu sách lớn nhất (được phân loại là siêu thị và cửa hàng quy mô lớn) có mức sụt giảm giảm doanh thu đến 61%. Trong khi đó, các cửa hàng quy mô trung bình chịu mức suy thoái 53,2% và hiệu sách nhỏ các thành phố có mức giảm thấp nhất với 51%.
Trung Quốc giống như hầu hết quốc gia, đang phải đối mặt và tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến với các biến chủng của virus SARS-CoV-2. Hiệp hội Nhà xuất bản Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp gỡ rối cho các đơn vị trong tình thế mới.
Ông Li Pengyi cho biết Hiệp hội Nhà xuất bản Trung Quốc khuyến khích các đơn vị phát hành ấn bản sách điện tử nhiều hơn. Sự hiện diện từ lâu của “văn học mạng” tại Trung Quốc khiến độc giả quá quen thuộc với các tài liệu trực tuyến hay định dạng ebook. Điều đó giúp độc giả dễ dàng thích nghi hơn với việc đọc sách điện tử, thay cho sách giấy.
“Xuất bản kỹ thuật số đang trở thành một trong những phân khúc nổi bật nhất và được chú trọng trong tương lai. Đây là giải pháp chúng tôi lựa chọn trong đại dịch”, ông Li Pengyi khẳng định.