Sách Mĩ phẩm trí tuệ mới được xuất bản của Ngô Tự Lập tập hợp 38 bài viết trải rộng trên nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, hội họa, kinh tế, địa lý, du lịch. Cuốn sách đem đến một bức tranh kiến thức đa sắc màu, hấp dẫn cùng nhiều kiến giải độc đáo.
Kiến thức phong phú
Là người từng đi nhiều, đọc nhiều, cũng như công tác ở các lĩnh vực khác nhau, Ngô Tự Lập có được sự tiếp xúc sâu rộng với những vấn đề văn hóa trong nước, cũng như quốc tế.
Ông không viết về những lý thuyết xa xôi, cũng không thách đố độc giả bằng triết lý phức tạp. Kiến thức được ông đề cập trong mỗi bài viết của mình đều là những điều gần gũi đối với độc giả. Như trong bài Anh hùng xe gắn máy, ông viết về vai trò của xe máy từ quan điểm kinh tế – xã hội.
Sách Mĩ phẩm trí tuệ. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Theo ông, xe máy là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự phát triển vượt bậc của Việt Nam vào thời điểm bản lề giữa thế kỷ 20-21.
Chiếc xe máy lúc bấy giờ, với giá tương đối rẻ, tiêu hao năng lượng ít, rất hợp với kinh tế của người dân. Điều khiển xe máy cũng là việc khá dễ dàng. Thêm nữa, chiếc xe nhỏ gọn, có thể vận hành trên mọi nẻo đường, kể cả đường làng, bờ ruộng, len lỏi vào các ngõ nhỏ.
Tác giả còn bày tỏ rằng, chiếc xe máy còn đóng một vai trò quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình với tư cách là phương tiện đi lại chung: Hơn hẳn xe đạp, một chiếc xe máy có thể dễ dàng chở vợ chồng và hai đứa con, di chuyển trong thành phố với tốc độ không hề thua kém xe hơi.
Trong bài viết của mình, Ngô Tự Lập đã thể hiện được vai trò lịch sử của chiếc xe máy, xem nó như “vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Ngô Tự Lập viết về những điều gắn bó với đời sống của người Việt như chiếc chổi trong bài Bốn cái chổi trong văn học nghệ thuật Việt Nam.
Theo ông, chổi là một trong những dụng cụ sinh hoạt gần gũi trong đời sống con người. Vậy mà chổi cũng là một trong những vật bị coi thường nhất khi bị gọi là “chổi cùn rế rách”.
Ông viết bài này với mong muốn trả lại công bằng cho cái chổi bằng cách nhắc lại bốn hình tượng cái chổi mà ông tâm đắc trong văn học nghệ thuật Việt Nam: Truyện Ma chổi của Lê Thánh Tông; bài thơ Tiếng chổi tre của Tố Hữu; bài hát thiếu nhi Bé quét nhà của Hà Đức Hậu và bài hát Chổi ơi! Xuân của Nguyễn Tuấn.
Ngoài việc chỉ ra những vẻ đẹp của chiếc chổi trong nghệ thuật, ông còn phát hiện ra một điều tinh tế, đó là hình ảnh cái chổi thường gắn liền với phụ nữ. Không chỉ với vẻ đẹp, sự siêng năng và tính nhẫn nại, mà cả với thân phận thiệt thòi ngàn đời.
Trăn trở văn hóa Việt
Dễ nhận thấy Ngô Tự Lập có sự trân trọng và quý mến đối với những nét văn hóa truyền thống gần gũi với đời sống của dân tộc Việt. Trong mỗi bài viết, tác giả tìm đến những điều gần gũi, dùng sự quan sát sắc bén, đôi khi cũng rất hóm hỉnh để làm nổi bật vấn đề.
Trong bài Cái mũi của Thúy Kiều, ông đưa ra quan điểm về tiêu chuẩn của vẻ đẹp. Lấy những dẫn chứng từ câu chuyện của thế giới, như vụ 12 bức biếm họa ở Đan Mạch, Ngô Tự Lập nhận định rằng không phải cái gì tốt với người cùng là tốt với ta. Theo ông, trong các giá trị và tiêu chuẩn của phương Tây, không phải cái gì cũng là giá trị và tiêu chuẩn “quốc tế”.
Tác giả Ngô Tự Lập. Ảnh: Hoinhacsi. |
Đi từ một vấn đề cụ thể, người viết đã thể hiện khả năng nhìn xa trông rộng của mình về xu hướng hội nhập văn hóa cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngô Tự Lập từng tâm sự những bài viết được tập hợp trong sách Mĩ phẩm trí tuệ là: “Những suy tư rất cá nhân, theo thời gian, trong lúc đọc, lúc viết, lúc giảng dạy, dịch thuật, lúc chơi đàn, trồng cây, và cả những khi rảnh rỗi”. Thế nên, ở mỗi bài viết, người đọc có thể nhận thấy sự phóng khoáng trong lối viết.
Cuốn sách cũng được sắp xếp theo trật tự ABC, giúp người đọc dễ dàng trong việc theo dõi mỗi bài viết.
Đọc cuốn sách, người đọc có thể được hiểu biết, được trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ; đồng thời, không khỏi trăn trở, suy tư trước nhiều vấn đề của đời sống xã hội, giáo dục, học thuật không chỉ của Việt Nam mà rộng hơn là vấn đề của mỗi con người đang sống trên Trái Đất.
Ngô tự Lập là cựu sĩ quan hải quân, tốt nghiệp Đại học hàng hải Baku (Nga), Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Fontenay-St Cloud (cao học), Đại học bang Illinois (tiến sĩ). Từ năm 2016, ông lãnh đạo Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI).
Là người cầm bút, ông Ngô Tự Lập đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó có 4 tập truyện ngắn, 2 tập thơ, 5 tập tiểu luận và nhiều công trình dịch thuật từ tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh.
Ông cũng đạt nhiều giải thưởng, được đề cử giải thưởng PEN cho hạng mục Thơ dịch với tập Black Star. Một số tập thơ, truyện, tiểu luận của ông được xuất bản tại Pháp.
Sách Mĩ phẩm trí tuệ do NXB Kim Đồng phát hành năm 2020.